– Hai người thắm thiết nhỉ… – Bà ngước nhìn sợi dây thừng treo lơ lửng giữa không trung, giễu họ.
– Dù không nằm cùng phòng, nhưng cũng quyết phải trèo vào cùng giường.
Thanh Hoành luôn cảm thấy có điều gì không ổn, giờ thì cô đã biết, đó là sự đánh tráo trách nhiệm giữa người nam và người nữ. Không hiểu vì sao, cô cứ có cảm giác mình phải là người chịu trách nhiệm cho chuyện xảy ra hôm nay. Cô ngồi dậy, khoác áo, nói với mẹ của Cửu Thiều:
– Cháu xin lỗi, cháu đã vô tình khiến anh ấy phải trèo từ tận tầng chín xuống đây.
Bà Trác Ninh xua tay:
– Không sao, bác nghe Tiểu Cửu bảo cháu không bắt nạt nó khiến nó phát khóc đã là mừng lắm rồi. Này, thế cháu làm cho nó phải khóc thật à?
Thanh Hoành cảm thấy mình bị sét đánh thê thảm lắm rồi, nào ngờ tình hình còn tệ hơn thế.
– Dạ… hình như không hề có chuyện này…
– Ồ, thế thì cháu phải cố gắng hơn nữa.
– …
Cô phải trả lời thế nào mới thỏa đáng? Thanh Hoành đáp:
– Cháu xin phép đi đánh răng rửa mặt rồi quay lại tiếp chuyện bác, như thế mới phải phép.
Cuối cùng, Cửu Thiều cũng lơ mơ tỉnh giấc, anh quờ tay sang bên thấy không có ai thì gọi khẽ bằng giọng ngái ngủ:
– Tiểu Hoành?
Thanh Hoành cảm thấy mình như lại vừa bị sét đánh trúng, giọng nói khàn đặc của anh thật giống với người “làm việc” quá sức đêm qua, nhưng sự thật là họ không làm gì hết, họ chỉ trò chuyện một lát rồi buồn ngủ quá nên cả hai cùng thiếp đi thôi.
Bà Trác Ninh cười cười rồi buông tha cho cô:
– Cháu đi rửa mặt đi, để bác gọi nó dậy.
Nói đoạn bà cởi áo khoác, xắn tay áo, cuộn tròn một cuốn tạp chí, đến bên giường bệnh, lật chăn, đập cuộn giấy vào mặt Cửu Thiều:
– Còn không dậy? Giả vờ ngủ này, giả vờ ngủ này!
Thanh Hoành khóa trái cửa phòng vệ sinh, xả nước, vỗ tới tấp lên mặt. Khủng khiếp quá! Cô phải bình tĩnh mới được.
Hình như cô loáng thoáng nghe thấy thanh âm của một vụ “bạo lực đẫm máu”, nhưng khi cô từ phòng vệ sinh bước ra thì bà Trác Ninh đã ngồi nghiêm chỉnh trên sofa, đối diện với con trai. Thanh Hoành vội rót trà mời bà.
Bà Trác Ninh đón lấy cốc trà, mỉm cười với cô, sau đó rút trong túi áo ra một phong bao lì xì:
– Trà bác uống rồi nhé, cái này là của cháu.
– …
Thanh Hoành lại một lần nữa đứng hình.
– Sao không nhận? Có phải cháu chê ít không?
– Cháu cám ơn!
Thanh Hoành gần như giật lấy phong bao lì xì từ tay bà.
– Ngoan lắm!
– Bà Trác Ninh vuốt má cô.
– Vừa ngoan vừa dịu dàng, đúng là mẫu con gái bác thích.
Thanh Hoành thở phào, vậy là cô đã được an toàn.
Bà Trác Ninh gõ cốc:
– Con trai, rót trà cho mẹ!
Cửu Thiều lạnh lùng đáp:
– Ấm trà ngay cạnh mẹ đó thôi.
Bà nhướn mày nhìn con trai, Cửu Thiều vẫn ngồi yên không nhúc nhích.
Cuối cùng, bà đành bỏ cuộc, đứng lên cầm theo áo khoác.
– Mẹ đi mời y tá đến kiểm tra cho các con.
Bà vừa đi khỏi và đóng cửa lại, Cửu Thiều lập tức đỡ gáy Thanh Hoành, hôn lên môi cô. Sau những màn “đả kích” liên tiếp, tri giác của Thanh Hoành gần như trở nên tê dại, vì thế cô để mặc lưỡi anh xâm nhập vào miệng mình.
Lúc rời khỏi môi cô, anh khẽ nói:
– Mùi kem đánh răng rất được.
Cô lập tức nhớ lại nụ hôn trong phòng làm việc của Cục cảnh sát, vừa bực vừa buồn cười:
– Tiếc là ở đây em không có nước cạo râu.
Mười phút sau, bà Trác Ninh và y tá quay lại phòng bệnh của họ.
Cô y tá kiểm tra xong xuôi thì cười bảo:
– Chỉ cần vết gãy liền lại là không vấn đề gì.
Y tá vừa đi khỏi, Cửu Thiều từ phòng vệ sinh bước ra.
– Nếu con vừa giải quyết vấn đề sinh lý trong phòng vệ sinh thì hình như hơi nhanh thì phải.
Thanh Hoành suýt sặc nước.
Cửu Thiều rốt cuộc không nhịn nổi nữa:
– Mẹ định làm gì thế?
Bà Trác Ninh vỗ bàn:
– Mẹ đến đón các con về nhà.
– Xin chờ một lát.
Thanh Hoành vội hỏi:
– Bác nói “các con” là bao gồm cả cháu?
Sau đó, cả hai mẹ con Cửu Thiều đều nhìn cô bằng ánh mắt mà hàm ý của nó là: Không cháu/em thì còn ai vào đây!
Cô cảm thấy, hẳn kiếp trước cô đã gây ra nhiều nghiệp chướng phóng hỏa đốt nhà, giết người cướp của đủ cả nên kiếp này mới “đụng” phải mẹ con họ.
Làm xong thủ tục xuất viện, Thanh Hoành theo hai mẹ con họ ra bãi đỗ xe.
Thành phố Tân cách thành phố họ sinh sống chừng ba tiếng chạy xe trên đường cao tốc, đó là khoảng cách thích hợp để lái xe. Bà Trác Ninh ngồi vào ghế lái, khởi động xe, còn Cửu Thiều thì xếp hành lý và thuốc thang vào thùng xe, sau đó kéo cô ngồi vào hàng ghế sau.
Thanh Hoành thì thầm:
– Như thế không lịch sự lắm thì phải?
Cửu Thiều bảo:
– Em cần lịch sự hay cần mạng sống?
Tiếp đó, cô được chứng kiến “tay lái lụa” của “sát thủ đường cao tốc”, bà Trác Ninh chuyển làn mà không hề bật xi-nhan, chuyển hướng cũng không thèm nhìn kính chiếu hậu, mỗi lúc xe phía sau vọt lên chửi, bà liền kéo cửa xe, thái độ vui vẻ, xin lỗi chân thành, và còn không quên tặng họ một nụ hôn gió.
Về đến nhà Cửu Thiều, Thanh Hoành thấy nỗi nơm nớp lo sợ của mình đã gần biến thành chứng hạ đường huyết.
Nhà Cửu Thiều nằm trong khu đô thị hiện đại nhất phía đông thành phố, là kiểu căn hộ với kiến trúc phòng khách thông tầng hiện đại, sang trọng. Chủ đầu tư dự án là tập đoàn kinh tế nhà họ Tạ, tập đoàn kinh tế lớn nhất thành phố. Thanh Hoành biết về dự án này vì đó là dự án đầu tiên sau khi Tạ Doãn Thiệu nhậm chức CEO của tập đoàn, họ bán những căn hộ cao cấp với giá trên trời. Bà Trác Ninh thả họ ở lối vào hầm gửi xe, rồi bà đích thân lái xe xuống hầm.
Cửu Thiều nắm tay Thanh Hoành, chầm chậm cất bước về phía tòa nhà gia đình anh sống.
Ngày đông tháng rét mà Thanh Hoành thấy lòng bàn tay mình ướt đẫm mồ hôi.
Cửu Thiều ấn ngón tay vào khóa cửa lưu dấu vân tay đẩy cửa kính vào tòa nhà:
– Em đang run?
Thanh Hoành hờn dỗi:
– Anh vội vội vàng vàng kéo em về nhà, không để cho em kịp mua quà, đi tay không đến nhà anh làm khách.
Thì ra là nguyên nhân này. Anh tủm tỉm:
– Đừng quên những gì em đã hứa, đã cá cược thì phải giữ lời. Hơn nữa, người vội vội vàng vàng kéo em về nhà là mẹ anh chứ không phải anh. Nếu em thấy khó xử thì lát nữa ăn trưa xong, anh đưa em đi sắm đồ ở trung tâm thương mại gần đây.
Thang máy dừng lại, Cửu Thiều ấn ngón tay khai báo dấu vân, số tầng có căn hộ của gia đình anh sáng lên.
Thanh Hoành tranh thủ thời gian, lôi hộp trang điểm ra dặm thêm phấn, tút lại dung nhan. Cửu Thiều nhìn cô, không biết phải nói sao. Thực ra, anh cũng không biết phải giải thích với cô thế nào, hơn ba mươi năm qua anh chưa từng đưa cô gái nào về nhà, vì thế, lần này cô chịu theo anh về gặp bố mẹ anh, người nhà anh hẳn là biết ơn cô nhiều lắm.
Thang máy đưa họ lên tới căn hộ của gia đình anh, Cửu Thiều xoay nắm cửa, bảo cô:
– Dép đi trong nhà ở đây, em có muốn lên phòng anh tham quan không?
Thanh Hoành thay dép lê, định trả lời thì thấy một người đàn ông trung niên, cao bằng Cửu Thiều tay cầm dao thái rau xuất hiện trước mặt họ, rồi cô nghe anh chào:
– Bố ạ!
Đột nhiên, cô không kiểm soát nổi biểu cảm của mình.
Thanh Hoành cố sức nhớ lại ngày trước khi cô và Tạ Doãn Luy đính hôn, cô đến nhà anh ta ra mắt và cảnh tượng mà cô chứng kiến ở nhà họ Tạ là thế nào, nhưng cô không thể nhớ ra. Bởi vì, lúc đó cô vốn không hề bận tâm đến việc đính hôn, nhưng cô chắc chắn một điều, không có chuyện người đàn ông trụ cột trong gia đình xuất hiện trước mặt cô với con dao thái rau trên tay.
Nhưng cô vẫn cố “nặn” ra một vẻ mặt ngoan hiền:
– Cháu chào bác.
Ông Tiêu gật đầu:
– Mời vào mời vào! Bác đang nấu cơm, à, nhà bác có mấy món ăn gia truyền rất ngon.
Thanh Hoành khôn khéo đáp lại:
– Sau này cháu sẽ học…
Nhưng ông Tiêu lại bảo:
– Sau này để Cửu Thiều nấu cho cháu ăn.
– …
Cô đã lỡ lời! Cô thấy Cửu Thiều đang cúi đầu tủm tỉm cười, mãi đến khi ông Tiêu đi vào bếp, cô mới bực mình huých anh một cái:
– Không được cười!
– Không phải anh cười em đâu, anh thấy vui, không ngờ em lại tự giác đến thế.
Cửu Thiều nắm tay cô:
– Lên phòng anh xem không?
Anh vừa dứt lời đã nghe tiếng ông Tiêu mở cửa kính bếp, dặn dò:
– Còn khoảng hai mươi phút nữa là xong, các con đừng “làm” gì quá lâu.
Thanh Hoành đưa tay lên bóp trán.
Cửu Thiều đáp lại:
– Làm gì có việc gì kéo dài đến thế.
Nhưng bố anh đã đóng cửa lại, và không nghe thấy lời anh.
Thanh Hoành theo anh lên tầng hai. Tầng hai nhà anh chỉ có hai phòng, một phòng đọc sách kết hợp với nghe nhạc, xem phim giải trí, phòng còn lại là phòng ngủ của anh. Thanh Hoành vào phòng anh và lập tức than thở:
– Giống phòng giải phẫu quá!
Chỉ đưa mắt một cái cô liền trông thấy mô hình cơ thể người đặt cạnh giá sách, anh còn thắp điện bên trong, vùng ngực mở rộng, nên có thể thấy rõ tâm thất, buồng tim, động mạch, tĩnh mạch. Cửu Thiều kéo tấm vải trùm lên mô hình ấy:
– Đây là một sai sót.
Anh ấn cô ngồi xuống giường của mình, còn anh thì kéo chiếc ghế ở bàn đọc sách lại và ngồi xuống trước mặt cô.
Anh gác tay vào lưng ghế, gác một chân lên đùi, chuyện phiếm với cô:
– Bố anh nấu ăn rất cừ, tiếc là ông quanh năm bận rộn, chỉ có thể vào bếp những dịp lễ Tết.
Thanh Hoành “ừ” một tiếng.
– Nếu mẹ anh bảo muốn nấu cơm cho em ăn, em đừng ăn.
– … Ừ.
– Nếu mẹ anh rủ em đi siêu thị mua đồ, em cũng đừng đi, kể cả mẹ anh có năn nỉ cũng đừng mềm lòng.
– …
– Em vẫn ổn chứ?
Không nhịn nổi nữa, Thanh Hoành phì cười:
– Em có cảm giác đang nói chuyện gia đình với anh trong phòng phẫu thuật.
Cửu Thiều mỉm cười, ra hiệu cho cô:
– Lại đây.
– Làm gì?
Thanh Hoành nhìn anh đầy cảnh giác. Nhưng sau khi suy xét chín chắn, cô thấy có lẽ cô đã quá mẫn cảm. Anh đang là một người bệnh, cho dù anh muốn… đi nữa, sức khỏe của anh cũng không cho phép. Nghĩ vậy, cô bắt đầu diễn vẻ khiêu gợi, trêu chọc anh bằng ánh mắt lúng liếng đa tình và gương mặt nhìn nghiêng đầy quyến rũ:
– Người ta không muốn đến đâu, anh có lại đây thì lại.
Cô cảm thấy nổi da gà vì câu nói “buồn nôn” của mình.
Cửu Thiều khẽ nhướn mày, anh chầm chậm bước về phía cô với vẻ mặt cực kỳ nghiêm túc.
– Anh đến rồi đây, sao nữa?
Thanh Hoành đưa tay ra định kéo cổ áo sơ mi của anh nhưng vì không với tới, cô yêu cầu:
– Khom lưng xuống đi, em không với tới thì làm gì có bước tiếp theo.
Anh lập tức khom lưng, cô túm lấy cổ áo sơ mi của anh, kéo xuống thấp hơn nữa. Anh nhiệt tình phối hợp, gương mặt anh đã gần chạm sống mũi cô.
Khóe môi Thanh Hoành cong cong:
– Hôn em đi, sau đó chúng mình sẽ uống vang suốt đêm.
Cửu Thiều hôn lên khóe môi cô:
– Ngày mai thì sao? Vẫn uống suốt đêm chứ?
– Còn phải xem biểu hiện của anh thế nào?
Cô lả lơi chạm khẽ vào cằm anh. Nhưng vừa dứt lời, cô liền bị đè xuống giường, bị anh hôn tới tấp, nhưng anh rất có chừng mực, không chạm vào chiếc xương sườn đáng thương của cô. Anh rời cằm cô, nhìn thẳng vào mắt cô:
– Biểu hiện của anh thế nào? Ngày mai có uống suốt đêm nữa không?
Thanh Hoành ném gối vào mặt anh:
– Không có, không có, không có!
Cửu Thiều lập tức lấy lại vẻ mặt lạnh nhạt, lạnh lùng thường ngày, ngồi thẳng dậy:
– Em chẳng biết đùa gì cả.
– Ai mà biết anh có sở thích này! Diễn vai trai bao mà cũng vui vẻ đến thế.
– Anh vốn là người thú vị.
Anh đến bên giá để băng đĩa, lục tìm một hồi:
– Chưa đến giờ ăn, hay chúng mình xem phim nhé, em thích xem phim gì?
– Tùy anh, anh xem gì em xem nấy.
Sau đó, cô bị bắt xem phim Einstein với anh chừng mười lăm phút.
Thật là một gia đình đáng sợ!
Ăn trưa xong, bà Trác Ninh nắm tay cô:
– Nếu cháu không quen ngủ trưa thì đi dạo trung tâm thương mại với bác nhé.
Thanh Hoành cũng đang muốn mua quà tặng họ, nên cô nhận lời:
– Vâng ạ.
Ngay sau đó, mắt cô chạm phải ánh mắt đầy cảm thông của Cửu Thiều. Anh lắc đầu rồi đứng lên, về phòng.
Lúc này cô mới chợt nhớ, hình như anh có dặn cô đừng nhận lời đi mua quần áo với mẹ anh. Nhưng cô thiết nghĩ, chỉ là đi dạo một vòng trong trung tâm thương mại thôi mà, làm gì đến mức ấy.
Vì đang là ngày Tết, trung tâm thương mại khá vắng vẻ, không đông nghịt như hồi cuối năm, khi mà các gian hàng đồng loạt giảm giá. Thanh Hoành theo bà Trác Ninh dạo qua các gian hàng bán đồ hàng hiệu cao cấp. Cô chọn một chiếc khăn lụa và một chiếc thắt lưng làm quà tặng bố mẹ Cửu Thiều. Bà Trác Ninh cũng mua hai chiếc áo sơ mi nam kiểu dáng khá ổn.
Nhưng khi họ ngang qua gian hàng bán quần áo của một thương hiệu thời trang Ý, mắt bà Trác Ninh đột nhiên sáng lên, bà kéo tay cô vào trong.
– Thương hiệu này rất hợp với khí chất của cháu.
Bà chọn một chiếc váy lụa hoa văn lòe loẹt, gợi cảm, mức độ “hở” tương đối lớn, váy xẻ cao lên tận thắt lưng.
– Cháu mặc chiếc váy này xinh lắm đây, cháu thử đi, thử đi!
– … Dạ thưa…
Thanh Hoành khổ sở nghĩ cách, rốt cuộc trong vòng mười giây cô đã nghĩ ra câu trả lời chuẩn xác:
– Vết thương của cháu chưa lành, thay quần áo rất đau bác ạ.
– Ồ, vậy à?
Bà đưa váy cho cô bán hàng:
– Cô gói chiếc váy lại cho tôi.
– Bác ơi, bác không cần làm vậy.
– Không sao!
– Bác không cần lãng phí vì cháu.
– À, còn cả sợi dây buộc tóc và mấy thứ trang sức phụ kiện của chiếc váy này cũng rất đẹp, gói cả lại cho tôi.
– Bác ơi…
Bà Trác Ninh quay lại nhìn cô, đột nhiên kêu lên:
– Hả, sao vẫn “bác”?
Thanh Hoành bóp huyệt thái dương:
– Nhìn bác rất trẻ, đúng là cháu không nên gọi như vậy, nhưng xét vai vế…
– Con phải gọi ta là mẹ chứ.
Thanh Hoành quay đi nhắn tin cho Cửu Thiều: “Anh rảnh thì xuống đây với em một lát.”
Cửu Thiều trả lời rất nhanh, chỉ một giây sau Thanh Hoành đã nhận được tin nhắn: “Đừng hòng!”
“Nếu anh chịu xuống, từ nay em đồng ý “diễn trò” cùng anh!”
Cuối câu, Thanh Hoành còn bổ sung thêm mấy dấu cảm thán.
Mười phút sau, khi bà Trác Ninh lại nhắm trúng một chiếc váy khác cho cô, thì Cửu Thiều xuất hiện. Nếu bảo cô dùng những từ ngữ ngắn gọn nhất để mô tả chiếc váy đó thì sẽ là: “phong cách tuổi teen”, “màu hồng phấn”, “viền ren””. Cửu Thiều nhìn chiếc váy bằng ánh mắt miệt thị, anh treo trả nó về vị trí ban đầu:
– Tầng này là quần áo dành cho tuổi teen, không hợp với cô ấy, lên tầng trên hay hơn.
– Tiểu Hoành kém con nhiều tuổi, sao lại không hợp? Con mới là người đàn ông cao tuổi thì có.
Cửu Thiều mấp máy môi, đó là dấu hiệu cho thấy anh sắp tuôn ra những lời độc địa, Thanh Hoành không muốn thảm kịch diễn ra ở bệnh viện sáng nay tiếp tục tái diễn, cô vội dập lửa:
– À phải rồi, anh chưa mua áo khoác và quần áo ấm, chúng ta xuống tầng một xem đồ nam đi.
Tầng một là thương hiệu thời trang quốc tế, sẽ không xuất hiện mấy thứ hoa văn, họa tiết kiểu hoạt hình, nhí nhố. Mặc dù cô cũng thấy hơi áy náy khi đẩy “mầm họa” sang cho Cửu Thiều gánh, nhưng chí ít cô đã để một đường lùi cho anh. Nhân lúc mẹ con họ tranh luận về kiểu dáng trang phục, cô lẻn sang gian bán đồng hồ kế bên tìm kiếm và nhanh chóng nhắm trúng một cặp đồng hồ đôi.
Cô hỏi người bán hàng:
– Nếu tôi muốn khắc chữ ở mặt dưới của đồng hồ thì cần bao nhiêu thời gian?
– Thông thường mất mười lăm ngày.
Thanh Hoành viết vào mảnh giấy nội dung cần khắc và thông tin liên lạc của cô, sau đó thanh toán bằng thẻ ngân hàng.
– Khi nào khắc xong, cô cứ gọi điện, tôi sẽ đến lấy.
Cô bán hàng tươi cười hớn hở:
– Cảm ơn quý khách!
Sau đó đon đả tiễn cô.
Cô quay lại gian hàng bán quần áo nam giới, thấy sắc mặt Cửu Thiều không vui vẻ gì, nhưng cũng không đến nỗi khó coi. Dù sao thì thường ngày anh cũng luôn trưng ra cái vẻ mặt lạnh như tiền ấy. Cô ngồi xuống cạnh anh:
– Mẹ anh đâu?
– Đi thanh toán rồi.
– Đã xong?
– Ừ.
Thanh Hoành vỗ vai anh:
– Đồng chí vất vả rồi!
Cô đưa anh xem món quà mừng năm mới mà cô định tặng bố mẹ anh, nhưng anh hỏi lại:
– Còn quà của anh đâu?
– Không có phần của anh.
Cô vốn định tặng anh một niềm vui bất ngờ, nhưng nhìn bộ dạng cau có của anh, cô đành đổi giọng:
– Thôi được rồi, em mua rồi, nhưng vài hôm nữa mới tặng anh được.
Họ rời gian quần áo, lúc ngang qua gian bán đồng hồ, Cửu Thiều “ồ” lên một tiếng:
– Anh biết em định tặng anh gì rồi.
– Anh biết gì?
– Lúc chúng ta đi qua gian hàng bán đồng hồ Cartier, cô bán hàng đã cười với em. Từ đó có thể dễ dàng phán đoán món quà em định tặng anh mà chẳng cần tốn công suy nghĩ. Phải mất một thời gian mới nhận được quà, chứng tỏ em đặt họ khắc chữ. Ồ, anh rất nôn nóng chờ đợi nội dung ở mặt dưới của chiếc đồng hồ…
Thanh Hoành làu bàu:
– Giờ thì em chẳng háo hức gì với nó nữa.
Vừa về đến nhà, bà Trác Ninh hồ hởi kéo cô vào phòng ngủ của bà, nâng niu cuốn album ảnh trên tay như nâng niu báu vật, thận trọng mở từng bức hình cho cô xem:
– Cháu xem đi, đây là ảnh Tiểu Cửu chụp hồi nhỏ, rất đáng yêu, đúng không?
Bà chỉ vào bức hình một bé gái mặc váy công chúa màu trắng, rất dễ thương, Thanh Hoành tin rằng sau này lớn lên bé sẽ là một thiếu nữ duyên dáng, xinh đẹp. Thanh Hoành thắc mắc:
– Anh ấy đâu thưa bác?
– Chính là nó.
– … Ý bác là, người mặc váy này… là Cửu Thiều?
Bà Trác Ninh mỉm cười:
– Đáng yêu không?
Thanh Hoành rút vội di động trong túi áo ra, hỏi:
– Cháu có thể chụp hình lưu lại làm kỷ niệm không?
Những bức ảnh đằng sau là những mốc son đánh dấu quá trình trưởng thành của cậu bé điển trai. Có bức ảnh anh mặc sơ mi trắng, bộ quân phục màu xanh nước biển, thắt cà vạt màu tối, trông thật hấp dẫn. Nhưng càng về sau anh chụp hình càng ít, những bức ảnh cuối cùng cô cũng đã từng thấy, chính là ảnh chụp hồi anh học tiến sĩ ở Heidelberg, Đức.
Trong đó có bức hình chụp lúc anh đi trượt tuyết với bạn học, anh khoác vai các bạn, kính bảo hộ cầm trên tay, nụ cười rạng rỡ, để lộ lúm đồng tiền duyên dáng.
Thanh Hoành ngạc nhiên:
– Thì ra anh ấy cũng có lúc cười tươi như vậy.
Thực ra, cô đã được “chiêm ngưỡng” con người anh ở nhiều góc độ, nhiều hoàn cảnh, nhiều tầng bậc cảm xúc khác nhau, nhưng chưa từng được thấy anh cười rạng rỡ như thế bao giờ. Bỗng nhiên cô nhận ra, trông anh già dặn như vậy nhưng kỳ thực hồi học tiến sĩ bên Đức anh vẫn còn rất trẻ, tuổi trẻ vốn là lứa tuổi vui chơi hết mình, cười cũng hết mình.
Bà Trác Ninh thở dài:
– Con cái lớn thường không hay tâm sự với bố mẹ, nó cứ thế bác cũng buồn lắm chứ…
Thanh Hoành chợt nhớ lại khoảng thời gian họ cùng nhau điều tra vụ án phanh thây, khi ấy họ chưa chính thức yêu nhau. Lúc đó cô đóng vai “mồi nhử”, đến trọ ở nhà nghỉ, một hôm ăn uống xong, cô bảo muốn kết tình huynh đệ với anh, anh tỏ ra rất khó chịu. Nhưng sau đó, trên đường về, cô tinh nghịch giẫm lên cái bóng của anh, rồi cô đề nghị anh kể cho nghe chuyện anh hồi nhỏ. Anh bảo, lúc anh tỏ ra khó chịu với cô là vì anh đang nhớ lại một chuyện ngớ ngẩn khiến anh bực mình hồi nhỏ. Cô nài nỉ, nhưng anh không chịu kể, anh bảo chuyện đó chỉ có bố mẹ anh biết rõ.
Vì thế lúc này, khi cô gặp được bố mẹ anh, lại được “chiêm ngưỡng” dung nhan của anh hồi bé, cô chợt nhớ đến mấy câu nói đùa khi ấy.
– Cháu nghe Cửu Thiều nói, hồi nhỏ anh ấy từng bực mình vì một chuyện gì đó, là chuyện gì vậy bác?
Bà Trác Ninh “a” lên một tiếng, ngẩng nhìn cô:
– Tiểu Cửu nói với cháu vậy à?
– Vâng, có gì không đúng sao bác?
– À, không, bác cứ nghĩ nó không dám hồi tưởng lại quãng thời gian đó chứ.
– Bà Trác Ninh trả lời ngắn gọn:
– Bởi vì hồi trước bác rất thích trang điểm cho nó thành con gái, nên chắc là nó hơi băn khoăn về giới tính của mình chăng?
Ăn tối xong, cặp “bệnh nhân” ngồi tán gẫu.
Thay thuốc xong, Cửu Thiều nửa nằm nửa ngồi trên giường, bật tivi xem nốt bộ phim Einstein dở dang lúc trước. Thanh Hoành vừa xem vừa ngáp liên hồi, cô hỏi:
– Anh xem bộ phim này bao nhiêu lần rồi?
Ước mơ cao đẹp hồi nhỏ của cô là trở thành một nhà khoa học, nhưng trải qua những năm tháng học cao học, rồi thi cử liên miên, cuối cùng, cô cắt đứt hoàn toàn với mơ ước của mình. Tất nhiên, vì lòng ngưỡng mộ những thiên tài kiệt xuất, cô cũng từng xem bộ phim này, bộ phim kể về những công việc chính và các thí nghiệm quan trọng trong cuộc đời nhà bác học Einstein, chỉ có điều chưa bao giờ cô xem được trọn bộ.
– Mười lăm lần và đây là lần thứ mười sáu.
– Anh quả là người nhàm chán! Từ lúc anh bảo những khi rảnh rỗi, không có việc gì làm, anh đã học thuộc thời gian biểu của các tuyến xe khách là em biết rồi.
Cửu Thiều quay sang nhìn cô, màn hình vi tính hắt thứ ánh sáng lạnh lẽo lên gương mặt nghiêng của anh, toàn thân anh cũng toát ra thứ khí lạnh ghê người, nhưng cô đã sớm thích nghi, nên không còn cảm thấy sợ hãi nữa.
Trong đầu cô bây giờ chỉ còn hình ảnh của anh lúc anh mặc bộ váy công chúa mà thôi.
Anh nhìn cô một lát, đột nhiên không nói không rằng cướp lấy di động của cô, bật màn hình, thử vài lần thì nhập mật mã thành công. Anh mở album, quả nhiên, anh tìm ra bức ảnh mà mỗi lần nhìn thấy nó là hoóc môn cảm xúc của anh lại tăng cao đột biến.