Vào mùa hoa nở rộ năm đó, chúng tôi rời khỏi căn biệt thự ở Nhã Sơn.
Thái Nhiên để tóc hơi dài, lại đội mũ sụp kín xuống nên chẳng còn ai nhận ra cậu ấy nữa. Bất quá, chỉ có vài cô bé bị ấn tượng bởi cái vóc dáng cao ráo của Thái nhiên nên cứ ngoái đầu lại mãi.
Rốt cục chúng tôi cũng có thể đường đường chính chính mà nắm tay nhau bước đi trên đường cái.
Có ngày vào lúc nửa đêm Thái Nhiên lay tôi dậy, nói với tôi: “Hay là chúng ta kết hôn luôn đi”.
Tôi vẫn còn ngái ngủ: “Anh suy nghĩ kĩ chưa?”.
“Chúng ta có thể mở một cửa hàng nhỏ tại gia. Chẳng phải em rất thích thiết kế thời trang sao? Sau đó lại ra nước ngoài sinh em bé, bao nhiêu đứa cũng được, chẳng mấy chốc mà chúng sẽ lớn lên, đôi tay, đôi chân ngắn ngủn, bụ bẫm, vừa bập bẹ bước đi vừa gọi ba ba, ma ma. Chúng ta sẽ giống như những cặp vợ chồng khác vì chuyện giáo dục của con cái mà cãi nhau”.
Tôi cười, vuốt vuốt lên gương mặt của Thái Nhiên. Đôi mắt của cậu ấy vẫn đang mơ màng, chìm đắm trong cái niềm khát khao đơn giản đó.
“Ngủ đi!”, tôi nói: “Tỉnh dậy rồi sẽ không có gì nữa đâu”.
Ngủ dậy sẽ thấy rõ những điều tốt đẹp chỉ toàn là ảo tưởng.
Mẹ cũng hỏi tôi: “Con tính sao đây?”.
“Mẹ chắc cũng biết, con làm người có bao giờ tính toán đâu”.
“Hai đứa không tính kết hôn à?”.
“Bây giờ chưa phải lúc!”, tôi nói: “Anh ấy định gây dựng lại sự nghiệp, nếu kết hôn lúc này chăng phải là con đang cản trở anh ấy sao? “.
Mẹ tôi gật đầu: “Kể ra thì con cứ bôn ba bên ngoài với cậu ta mãi, không thể ổn định nhà cửa để sinh con đẻ cái thì kết hôn cũng chẳng có lợi gì”. Rồi quả quyết nói: “Con yêu người khác đi”.
Tôi kinh ngạc cười: “Mẹ. Chuyện này đâu có đơn giản như là chuyện công ty tuyển nhân sự, thấy người này không thích hợp thì ta có quyền lựa chọn người khác ngay”.
“Các con như vậy thì cũng có khác gì chia tay đâu. Đàn ông một khi đã đi rồi thì không
biết sẽ thành cái dạng gì đây”.
Tôi cười cười: “Chúng con bây giờ rất tốt, không ràng buộc nhau mà cũng chẳng có áp lực”.
“ Đừng nói là con định ngồi chờ cho tới khi cậu ta trở về! Tuổi con không còn nhỏ gì nữa đâu, con chờ không nổi đâu”.
“ Chưa có ai nói là sẽ chờ ai”.
“Mẹ muốn có cháu, muốn có đứa trẻ gọi mẹ là bà ngoại. Làm mẹ con mãi chán rồi. Mẹ muốn được lên chức bà từ lâu lắm rồi!”, mẹ tôi thở dài.
“Nhà chị ba cách nhà mình khoảng 20 phút, con của chị ấy chắc cũng chỉ mới hơn 6 tháng thôi, vẫn chưa tìm được bảo mẫu. Nếu mẹ thích con nít thế chi bằng đến phụ chị ấy một tay”.
“Không có quan hệ thân thích”.
“Trẻ con đứa nào mà chẳng như nhau, chúng cần được quan tâm, chăm sóc”.
“Mẹ không có thương người được vậy đâu”.
Tôi thở dài: “Mẹ, đừng lo cho con nữa, mọi chuyện cứ để cho nó diễn ra một cách thật tự nhiên đi”.
Mẹ tôi buồn bã nói: “Con đúng là đứa ngốc, không biết đường mà tranh thủ, cứ đứng ngốc ở đó đối xử tốt với mọi người”.
“Kẻ ngốc cũng có ngốc phúc mà mẹ”.
Bác Tú cũng đã bắt đầu thu dọn hành lý cho Thái Nhiên.
Bạn gái dạo nọ của Thái An cũng đến. Mấy năm nay, con bé xinh đẹp hẳn ra. Có lẽ là vì cuộc sống đã khá hơn nên cũng mập ra chút ít, cả người , nhìn rất thích mắt.
Thái An chăm sóc con bé rất kĩ, một bước cũng không rời.
Cô bé lại bắt chuyện với tôi: “Mộc tiểu thư không đi theo sao?”.
Tôi nói: “Chị có kế hoach riêng cho mình rồi”.
“ Khi yêu sợ nhất là chia ly!”, cô bé nhăn nhăn mũi lại.
Tôi hỏi: “Em học hành sao rồi?”.
“Gia đình không đủ điều kiện, không thể học lên thạc sĩ được, giờ em đã đi làm ở đài truyền hình rồi. Đang ăn cơm mà nghe thấy có cái tin tức nóng hổi nào là phải bỏ bữa, lao ra hiện trường ngay để phóng vấn”.
“Làm bên mảng thông tin mệt lắm”.
“Em nghe được tin, Dương Mi cũng đang có ý định giải nghệ để lập gia đình”.
Tôi có chút tiếc nuối: “Vậy sau này chương trình “Dưới bóng cây dương mai” sẽ do ai làm MC?”.
Con bé cười cười: “Không có Dương Mi, tự nhiên sẽ không còn chương trình “Dưới bóng cây dương mai” nữa. Cấp trên tính đẩy người mới ra làm MC cho chương trình talk show. Chị cũng biết đó, xã hội này chưa bao giờ thiếu nhân công”.
Tôi biết chúng tôi vẫn đều đang hy vọng vào một ngày nào đó Thái Nhiên sẽ lại được làm khách mời của chương trình “Dưới bóng cây dương mai”, chỉ là giấc mộng này còn chưa được thực hiện thì đã bị tiêu tan.
Thái Nhiên tiễn tôi xuống lầu.
Cả thành phố là một mảng xuân ý dào dạt, hai chúng tôi đứng đó, ôm nhau thật chặt, thật lâu.
Thái Nhiên nói: “Anh sẽ thường xuyên viết thư cho em, mỗi ngày một lá”.
“Trời ạ! Vậy thời gian đâu mà anh làm những việc khác?”.
“Nếu em gặp được một đối tượng tốt, em có thể sẽ bỏ anh mà đi thật sao?”.
“Đương nhiên là thật rồi”.
“Người khác thì được, nhưng riêng Trang Phác Viên thì không”.
Tôi bất bình: “Anh kỳ cục quá, người ta giúp mình nhiều như vậy, sao anh lại cứ có ác cảm với anh ta hoài vậy?”.
“Anh cũng thấy kỳ cục, sao em cứ thích cái lão già ấy vậy?”.
“Anh ta chỉ mới hơn bốn mươi thôi. Lúc anh bốn mươi chắc chắn sẽ không vui khi bị người khác gọi là lão già đâu. Không thể phủ nhận rằng anh ta thực sự là một người đàn ông tài giỏi và đầy sức hấp dẫn nhưng cũng không thể chỉ vì còn trẻ mà đã lắm tiền nhiều của đem toàn bộ những mặt tốt của Trang Phác Viên phủi sạch hết. Có tiền không phải là lỗi của anh ta, không có nguyên tắc nào bắt Trang Phác Viên phải từ bỏ hết tiền bạc của cải của mình thì mới có tư cách được hưởng hạnh phúc”.
“Chờ đã!”, Thái Nhiên gào lên: “Anh chỉ mới nói một câu không phải về anh ta thôi mà em đã …”.
Tôi giơ cờ trắng đầu hàng: “Được … Được … Em thề sẽ không cho anh ta làm tiểu thiếp”.
Thái Nhiên vẫn còn bất bình: “Rõ ràng là em không chịu kết hôn với anh. Chiếm được cơ thể của anh rồi là quay lưng hắt hủi anh như vậy đấy”.
Tôi cười to, ôm chặt lấy Thái Nhiên.
“Cuộc sống sau này của em nhất định sẽ cùng anh chia ngọt sẻ bùi”.
“Lăn lộn một mình ở ngoài thì càng phải cẩn thận hơn, không được dùng ma túy, phải chọn bạn mà chơi. Còn nữa, giờ nào phút nào anh cũng phải nhớ đến em đó, biết chưa?”.
Thái Nhiên thở dài, ôm tôi càng chặt hơn, thì thào: “Chuyện đó là tất nhiên rồi”.
Trương Mạn Quân vì Thái Nhiên nên đã viết rất nhiều thư tiến cử, bạn bè ở nước ngoài của cô ấy cũng khá là nhiều. Nước Mỹ cách nơi này xa quá, trên báo hầu như chẳng có chút thông tin nào của cô ấy. Những tin tức tôi biết được chỉ là đôi ba dòng thông báo ngắn trong thư, cô ấy nói mọi chuyện đều ổn, đã thích ứng được với cuộc sống nơi đó.
Tôi nhớ lại năm đó khi cô ấy vẫn còn trong thời kì vàng son, tư thế hiên ngang, tính tình mạnh mẽ, quyến rũ vô cùng, tiền bạc, nữ trang không thiếu thứ gì, bao người vì cô ấy mà chết mê chết mệt. Giờ lại ẩn cư ở một nơi xa lắc xa lơ, sống một cuộc sống tự do tự tại. Lấy chồng, sinh con, làm tròn bổn phận của một người phụ nữ.
Bọn họ cứ từng người, từng người lùi dần về sau ánh đèn sân khấu.
Ngày Thái Nhiên đi, tôi cứ chần chừ mãi ở trong nhà. Quần áo đã thay đến ba bốn bộ mà vẫn chưa tìm được một cái cho thật ưng ý. Đợi cho đến khi mẹ tôi đến gõ cửa phòng, tôi vẫn còn mặc bộ quần áo ngủ, tóc tai rối bù thẫn thờ ngồi ở trên giường.
Mẹ tôi thở dài: “Chỉ là đến sân bay thôi mà con, mặc đồ bình thường đi cũng được”.
Tôi đem lược vứt sang một bên, buồn bã nói: “Con không đi đâu”.
“Thái Nhiên sẽ rất đau lòng”.
“Con không có đủ dũng khí để đến sân bay chào tạm biệt anh ấy rồi khóc nức nở đến độ nước mặt nước mũi chảy ròng ròng, người ngoài nhìn vào họ sẽ cười cho. Hoặc là giống như những cảnh thường thấy trên TV, con đứng yên lặng nhìn anh ấy quay lưng đi hai hàng lệ nhỏ cứ bỗng dưng tuôn trào. Không! Con không muốn thấy cảnh anh ấy cứ từ từ, từng bước, từng bước rời xa con”.
“Nếu không đi gặp cậu ấy thì chỉ một lát sau con sẽ hối hận ngay thôi”.
“Không muốn! Không muốn”, tôi còn giữ được bình tĩnh nữa rồi, hét toáng lên.
“Con bé này!”, mẹ tôi lắc đầu, ra ngoài gọi điện kêu taxi.
Không lâu sau, xe đến. Mẹ tôi lại vào phòng một lần nữa, tôi vẫn như cũ, ngẩn người ngồi trên chiếc giường.
Bà hỏi: “Không đi thật hả con?”.
Tôi run rẩy, co người lại, vùi mặt sâu vào khuỷu tay.
Mẹ tôi đứng đó, yên lặng nhìn tôi một lúc rồi lặng lẽ bước ra ngoài.
Một lát sau, tôi nghe được tiếng mở ra, đóng lại của cánh cổng lớn. Chiếc xe dưới lầu đã đi mất rồi.
Tôi từ từ ngã người xuống giường …
Trên trời có tiếng máy bay bay vút qua, vọng thẳng vào tai tôi. Cũng chẳng biết Thái Nhiên đang ngồi trên chiếc máy bay nào, lao đến cái đất nước xa lạ nào nữa đây.
Từ nay về sau chúng tôi gần trong gang tấc mà cách xa nhau cả một khoảng trời, tương tư, nhung nhớ biết gửi vào đâu …?
Trong trí nhớ của tôi, Thái Nhiên vẫn là cậu thiếu niên mặc kiểu áo Tôn Trung Sơn ngày nào, chỉ cần tôi quay đầu lại là lập tức sẽ nhìn thấy cậu ấy đang đứng đối diện, mỉm cười với tôi, trên mặt còn hiện lên vẻ ngại ngùng trông rất đáng yêu. Lại nhớ đến lúc chúng tôi ở bên nhau, Thái Nhiên dùng ánh mắt âu yếm, lẳng lặng nhìn tôi một cách chăm chú. Dù tôi có trốn như thế nào, né tránh đến đâu cũng không thể thoát khỏi nó.
Những cây mai phủ đầy tuyết ở Nhã Sơn, chúng tôi nắm chặt tay nhau, bước thật chậm. Những đóa hoa cứ như tuyết trắng rơi đầy lên vai, lên đầu, tôi nhẹ nhàng nép vào lồng ngực ấm áp, vững vàng của Thái Nhiên. Tất cả mọi thứ đã là kí ức, giờ tôi chỉ là đang nhớ lại thôi.
Phải chăng cứ như vậy mà chúng tôi chia tay?
Điện thoại bỗng dưng reo lên, tôi cầm máy lên nghe. Giọng nói trầm ấm của Thái Nhiên vang lên: “Vì sao em không tới?”.
Tôi ngơ ngác đáp: “Vì em không dám”.
Cậu ấy im lặng một lúc lâu rồi quả quyết nói: “Hãy đợi anh về”.
Tôi chỉ cảm thấy mắt mình thật nóng, nước mắt tôi rơi lúc nào không hay. Cứ từng giọt tí
tách rơi trên tay tôi. Tôi nhịn không được, òa khóc.