Nửa đêm Khánh Đệ về tới nhà, thấy cửa đã bị khóa trái, không dám gọi, cũng may là Ái Đệ vẫn mở cửa sổ ngồi đợi cô. Ái Đệ cũng không dám mạo hiểm với cơn thịnh nộ của bố ra mở cửa cho chị, đành làm nóng mấy chiếc bánh gạo rồi cho vào túi ném xuống cho cô. Chỉ vậy, Khánh Đệ ăn bánh cho ấm bụng, sau đó dựa vào chiếc xe đạp của mình ở dưới tầng gật gà gật gù nửa đêm còn lại.
Mệt quá, giật mình tỉnh dậy đã sáng bảnh, đúng vào giờ bố cô di làm. Bố Khánh Đệ cũng chẳng buồn quan tâm tới mấy người hàng xóm trên hành lang cũng đang chuẩn bị đi làm, ngay lúc ấy túm lấy mái tóc dài của cô kéo giật lại tát vài cái, rồi lớn tiếng chửi rủa: "Con điếm này, cả đêm không về nhà không biết lang chạ với thằng nào! Mày không cần thể diện nhưng tao cần".
Khánh Đệ nhịn đau đợi bố trút giận xong bỏ đi làm mới vào nhà, đúng lúc ấy thì có điện thoại.
"Đi Nguyên Châu. Suỵt, người vừa gọi điện là luật sư mà hôm qua chị gặp, anh ta giới thiệu cho chị một luật sư ở Vấn Sơn, nghe nói khá lắm."
'"Chị, chị đi tìm luật sư? Để làm gì? Vì anh Khương sao? Nhưng nhà anh ấy có luật sư rồi mà."
Mẹ Khánh Đệ không hiểu, đi lại nhìn hai cô con gái: "Ai? Ai là anh Khương? Khánh Đệ, con đừng gây chuyện đấy! Nghỉ hè thì ngoan ngoãn ở nhà, đừng chọc giận bố con".
"Con biết rồi." Khánh Đệ trả lời qua quýt.
Ái Đệ giải thích với mẹ: "Chính là người đó, anh trai của bạn con. Hai tháng trước con có kể với mẹ đấy, mẹ còn nhớ không?".
Mẹ Khánh Đệ lo lắng: "Khánh Đệ, con không được lo chuyện bao đồng nữa".
"Con biết rồi, con đi tắm rồi ngủ một lúc." Khánh Đệ bỏ những lời cằn nhằn của mẹ lại đằng sau. Khi đóng cửa phòng, cô vẫn còn nghe thấy Ái Đệ lớn tiếng hỏi: "Chị, mẹ anh Khương chẳng phải đã mời luật sư rồi sao? Chị lo mấy chuyện ấy để làm gì chứ?".
Chẳng vì cái gì cả, chỉ đơn thuần là muốn làm thôi. Chỉ có thế mà thôi. Cô thầm nghĩ.
Vô tình, những lời của Bành Tiểu Phi lại hiện lên trong đầu như nhắc nhở cô: "Cứu người ra là việc làm không thực tế, kết cục tốt nhất là phải nắm được mấu chốt của nhân chứng và vật chứng, để giảm bớt án được vài năm". Nước chảy trên người, Khánh Đệ hắt xì hơi vì lạnh. Cô hất mái tóc dài ra phía sau, ngẩng mặt lên hứng lấy dòng nước từ vòi sen, để mặc cho nước xối xuống.
Luật sư Nghiêm Hoa Khang đúng như những gì Bành Tiểu Phi nói, tố chất chuyên nghiệp cao, đáng tin.
Văn phòng chỉ tầm mười mét vuông, tấm biển hiệu treo trước cửa văn phòng dường như bị các cửa hàng quần áo khắp dãy phố nhấn chìm. Văn phòng có hai người, ban đầu Khánh Đệ tưởng luật sư Nghiêm với khuôn mặt bình thường, dáng người bé kia là nhân viên của văn phòng luật sư này. Sau đấy khi họ ngồi xuống nói rõ mục đích đến đây, Nghiêm Hoa Khang lập tức đi thẳng vào vấn đề, hỏi tỉ mỉ chi tiết. Khánh Đệ nhắc lại một lượt những gì đã nói với Bành Tiểu Phi khi ở Nguyên Châu, Nghiêm Hoa Khang đẩy gọng kính trên mũi, giống như Bành Tiểu Phi, chỉ thoáng chốc đã hiểu ngay ra mấu chốt vấn đề ở đâu. Vật chứng, nhân chứng, và thái độ của những người thụ lý vụ án này.
Khánh Đệ rất bình tĩnh, ngược lại, Diêu Nhạn Lam lại có phần kích động. Hai tay chống lên bàn làm việc, rướn cả nửa người về phía trước, nhìn chằm chằm vào mắt của luật sư Nghiêm Hoa Khang: "Anh nói thật chứ? Anh tôi có thể thoát tội?".
Bị một đôi mắt to ầng ậng nước như thế nhìn chăm chú, mặt luật sư Nghiêm thoáng ừng đỏ, khẽ ho một tiếng, nói: "Sẽ cố gắng, cố gắng! Mọi người đều biết, những án hình sự không dễ cãi. Nếu tình hình như dự đoán, cũng chỉ dám hy vọng năm mươi năm mươi, nếu như không được, thì ít ra sẽ giảm được vài năm tù”.
Diêu Nhạn Lam gật đầu liên tục, giống như người vừa được hồi sinh từ cõi chết trở về, ngay ngày hôm sau đưa mẹ của Khương Thượng Nghiêu đến ký vào giấy ủy quyền.
Vụ trọng án này ở Vấn Sơn, sau khi qua tòa sơ thẩm, không còn luật sư nào đồng ý nhận bào chữa nữa, trong lòng Khương Phượng Anh gần như đã tuyệt vọng, nhưng sau vài lần tiếp xúc, tác phong nghiêm túc thuần thục của luật sư Nghiêm Hoa Khang đã khiến bà nhen nhóm chút hy vọng.
Cho tới khi luật sư Nghiêm nhắc đến nhân chứng Hoàng Mao.
"Đúng, tuần trước tôi vào trại tạm giam số hai gặp bị cáo, chính là Khương Thượng Nghiêu. Khi đó cậu ta đã kể lại cho tôi nghe những gì đã xảy ra vào tối hôm ấy, khoảng tầm chín giờ, cậu ta đã tìm thấy bạn thân của Diêu Cảnh Trình ở cảng XX của thành phố Vấn Sơn cũ - chính là Hoàng Mao. Hoàng Mao đã nói cho cậu ta biết Cảnh Trình đi đâu, đồng thời còn cùng Hoàng Mao đến khu chung cư đó. Trước khi Khương Thượng Nghiêu lên trên tìm Cảnh Trình đã dặn Hoàng Mao gọi 110 báo cảnh sát, nhân chứng này rất quan trọng. Nhưng hôm thứ hai, khi tôi lần theo địa chỉ mà Khương Thượng Nghiêu đưa đến tìm nhân chứng, nhân chứng không có nhà, theo lời bố cậu ta, cuối tháng trước Hoàng Mao đã đi khỏi nhà rồi, không biết đi đâu."
Cả Khánh Đệ và bà Khương đều đồng thời nín thở.
"Liệu có phải cậu ta sợ gặp phiền phức nên đã đi trốn rồi không?" Khương Phượng Anh hỏi.
"Không loại trừ khả năng này." Nghiêm Hoa Khang vò vò tóc. Càng nhúng sâu vào càng thấy bất lực, nhớ đến ánh mắt sâu xa khó dò của những bạn đồng nghiệp khi biết anh ta nhận thụ lý vụ án này, anh ta có đầy đủ lý do để nghi ngờ về một khả năng khác... Hoàng Mao đã bị diệt khẩu rồi.
Anh ta mở ngăn kéo bàn, lấy ra một tấm ảnh: "Tôi muốn nhờ hai người giúp đỡ, nhờ vào bạn bè người thân, phô-tô tấm ảnh này ra và đi phát khắp nơi. Người này là điểm mấu chốt, có thể nói lời làm chứng của hắn ta đóng vai trò vô cùng quan trọng".
Khánh Đệ nhận lấy tấm ảnh, thoáng nhìn đã kinh ngạc: "Người này tôi đã từng gặp rồi!", nói xong ảo não cắn chặt môi, nhìn chằm chằm vào tấm ảnh như cố nhớ lại điều gì: "Vào ngày chôn cất Diêu Cảnh Trình. Khi tôi đi ra có đụng phải cậu ta. Khi ấy cậu ta đang ngồi xổm ở bên ngoài nhà tang lễ hút thuốc. Ấn tượng của tôi rất sâu sắc, hôm ấy còn lấy làm lạ sao người này lại nhuộm tóc vàng khè như thế. Giờ nhìn ảnh mới biết vì sao cảm giác lúc ấy lại kỳ lạ vậy! Bàn tay cậu la cầm thuốc ném đi rất trắng, nhìn ảnh mới biết thì ra là bị bạch tạng. Cô, cô nói xem tại sao cháu lại không nghĩ ra sớm chứ? Nếu hôm ấy cháu kéo cậu ta lại xin cậu ta ra làm chứng, không chừng anh Khương đã bình an vô sự rồi".
Luật sư Nghiêm thất vọng ngồi xuống, lắc đầu bất lực nói: "Thế thì đúng rồi, tính thời gian, có lẽ ngay sau ngày hạ táng của Diêu Cảnh Trình, thì hắn ta đã rời khỏi thành phố này".
Khương Phượng Anh tay chống trán, khó che giấu được đau khổ trong mắt, nhỏ giọng nhắc đi nhắc lại: "Là số, là số cả rồi!".
Khi ra khỏi văn phòng luật sư, thấy sắc mặt bà Khương hốc hác tiều tụy, Khánh Đệ ngập ngừng định nói gì đó rồi lại thôi.
"Không cần khuyên cô nữa, cô nghĩ thông rồi. Cô đã sống hơn nửa đời người, có chuyện gì chưa từng trải qua chứ?" Bà Khương vỗ nhẹ vào bàn tay đang nắm ghi-đông xe của Khánh Đệ, khóe miệng còn như thoáng nở nụ cười lơ đãng.
"Năm ấy ở Nội Mông, những trí thức trong đội đều đã quay về thành phố, cô vì mang thai Nghiêu Nghiêu nên không kịp có tên trong nhóm cuối cùng. Sau này chẳng còn cách nào, đành đến kỳ (1) tìm bố nó, trên đường quay về không bắt được xe, nửa phần đường còn lại phải đi bộ về tới đại đội. Vì ngày hôm ấy đi bộ nhiều quá nên bị động thai, nửa đêm có dấu hiệu sinh, đang là giữa mùa đông, buổi tối trời bắt đầu trở gió. Cô còn nhớ đây là trận bão tuyết lớn nhất trong lịch sử Nội Mông trong vòng tám năm trở lại đây, trận bão tuyết kéo dài mấy ngày liền. Không có bác sĩ, đành nhờ vào sự giúp đỡ của mấy người dân du mục quanh đây, cứ như thế, cô đã sinh nó ra ở nhà một người dân du mục. Cũng may trải qua bao nhiêu năm vất vả, đã nuôi được nó lớn khôn. Chỉ cần giữ được mạng sống, dù phải bỏ ra bao nhiêu tiền thì hai mẹ con cô cũng sẽ vượt qua được."
(1) Kỳ: Đơn vị hành chính thuộc Khu tự trị Nội Mông, tương đương với huyện.
Những bóng người đi đường và xe cộ xung quanh giống như bị cách ly bởi lớp kính, dần dần mờ đi. Tất cả những tiếng thở trong thành phố này cũng không lọt được vào tai bà nữa. Sắc mặt bà Khương bình thản, ánh mắt như nhìn xuyên thời gian về một miền ký ức xa xăm.
Người phụ nữ trung niên ấy, mấy ngày trước vì con trai còn khóc lóc chửi bới liên tục làm loạn trong tòa án, giây phút này đây, lại ba phần cảm thán bảy phần bi thương, tựa như đã chấp nhận số mệnh của mình. Trong khói bụi trần gian, mỗi người đều từng trung thành với một loại tín ngưỡng nào đó, ví dụ như lý tưởng, ví dụ như tình yêu, tin tưởng sâu sắc không hối hận. Mộng tưởng và tình yêu của bà, ánh sáng đã lụi, bị chốn vùi nơi thảo nguyên xanh tươi đó rồi sao? Sau đó bị bão tuyết gào thét, cuốn sạch đi, không lưu lại chút dấu vết nào?
Khánh Đệ bỗng thấy đồng cảm, chẳng khác gì những suy nghĩ gần như tuyệt vọng bị phong kín trong cái thế giới hỗn độn này, không biết lưu lạc về đâu bỗng chốc hóa thành sự bi thương lan tỏa khắp người cô.
"Cô..."
Khương Phượng Anh như bừng tỉnh, cười: "Cảm ơn cháu, Khánh Đệ. Mấy hôm nay phiền cháu phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi".
"Cô khách sáo quá. Nhạn Lam vừa phải đi làm vừa phải chăm sóc bà, cháu có thể giúp được gì cháu sẽ cố gắng hết sức. Trước kia Cảnh Trình... bọn cháu là bạn tốt. Ảnh của Hoàng Mao cháu đã đi phô-tô rồi, đang nghỉ hè, cháu sẽ nhờ các bạn học cùng lớp đi hỏi dò giúp. Nói không chừng lại có tin tức."
Nói thì thế nhưng mấy hôm sau vẫn không thấy tung tích của Hoàng Mao ở dâu. Dù Khương Phượng Anh đã tìm tới tận nhà của Hoàng Mao, quỳ xin trước mặt bố Hoàng Mao vẫn tốn công vô ích.
Người đàn ông trung niên già trước tuổi đó cũng quỳ xuống trả lễ cho bà, nước mắt nước mũi đầy mặt, nói: "Thằng con tôi từ nhỏ đã không chịu nghe lời. Kẻ làm bố như tôi đã không biết bao nhiêu lần đi hỏi dò tin tức về nó rồi, mà cũng chẳng thấy đâu, tôi cũng lo lắng, chẳng sống yên được ngày nào. Chị ơi, chị mau đứng dậy, mau đứng dậy đi, không phải tôi không muốn giúp chị...".
Từ nhà Hoàng Mao đi ra, mấy cô cháu Khương Phượng Anh đều thất thần.
Khương Phượng Anh đi trước còn đi làm, Khánh Đệ đẩy xe, nói với Diêu Nhạn Lam: "Em đưa chị về, nhìn sắc mặt chị không tốt lắm".
Diêu Nhạn Lam lắc đầu: "Vẫn thế có vẻ còn nặng hơn. Cứ đến giờ ăn cơm là bảo chị đi gọi Cảnh Trình, chị không đi là mẹ sẽ nổi giận, giải thích thế nào cũng không nghe, chị chỉ còn biết sang nhà bà tránh một lát", nói xong dùng tay bóp trán, thở dài: "Bao giờ thì mới có kết quả đây?''.
Khánh Đệ bất lực, đành im lặng.
Đưa Diêu Nhạn Lam tới cổng khu tập thể đường sắt, Khánh Đệ nói tạm biệt xong, còn chưa ra đến đầu đường, đột nhiên như có linh cảm, cô dừng xe quay đầu lại. Diêu Nhạn Lam vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, thấy Khánh Đệ quay đầu nhìn, cô ấy thoáng mỉm cười. Ánh nắng mặt trời buổi trưa chiếu xuyên qua tán lá cây hạch quả đổ những vết loang lổ đầy màu sắc xuống mái tóc đen đang rối tung Nhạn Lam, khuôn mặt xinh đẹp như bị bao trùm bởi thứ ánh sáng thần thánh, khiến Khánh Đệ lại như được nhìn thấy sự ngượng ngùng và dịu dàng của những ngày đầu gặp gỡ ấy. Khánh Đệ khẽ khựng lại, khóe miệng nhếch lên cười đáp lại, vẫy tay chào rời đi.
Về đến nhà cô lập tức gọi điện cho luật sư Nghiêm, đối với sự biến mất của Hoàng Mao, luật sư Nghiêm cũng bó tay không biết phải làm thế nào: "Giống như bốc hơi trong không khí rồi. Người thân họ hàng không ai biết tin tức gì, đến sòng bạc dưới lòng đất trước kia cậu ta làm tìm, nhưng Hoàng Mao chẳng thân thiết với ai, hễ nhắc tới cậu ta thì một là lắc đầu hoặc hai là trả lời không biết, giống như chán ghét đến độ cứ nghe tới tên cậu ta là muốn buồn nôn. Tôi cũng chưa từng gặp người nào mà vô duyên như thế".
"Vậy luật sư Nghiêm, nếu nói…" Khánh Đệ thận trọng tìm lời cho phù hợp, dường như cực kỳ không muốn nhắc tới khả năng đó: "Nếu như không thể tìm được nhân chứng này, thì sẽ thế nào?".
Một lúc lâu sau mới nghe luật sư Nghiêm trả lời: "Chuyện này... Khánh Đệ, tôi thấy khả năng thoát tội là không thể. Cách duy nhất là phải nắm vững vật chứng, cố gắng giảm được mấy năm ngồi tù. Cô là bạn của Tiểu Phi, nên tôi cũng thẳng thắn nói để cô biết. Theo như kết quả sau mấy ngày nỗ lực của tôi mà nói, đối với vật chứng, bên khởi tố rất coi trọng, tôi tin đây chính là điểm đột phá của vụ án. Nhưng cụ thể họ có thể thỏa hiệp tới mức nào, tôi không dám chắc".
Khánh Đệ giữ điện thoại hồi lâu, cho tới khi luật sư Nghiêm ở đầu dây bên kia alô mấy tiếng, cô mới giật mình. "Anh ấy... anh Khương, ở trong đó có ổn không?"
"Vào trong đấy rồi thì ổn sao được? Có điều, tôi thấy cậu ta giống như có điều gì đấy khổ tâm, xem ra gần đây có vẻ mệt mỏi hơn trước nhiều. Nhưng lần nào cũng có người đứng giám sát, không có cách nào nói kỹ. Trình tự là như vậy, tôi cũng bất lực."
"Tôi muốn gặp anh ấy."
"Khánh Đệ..."
"Tôi muốn gặp anh ấy, chỉ một lần thôi cũng được. Luật sư Nghiêm, tôi đảm bảo sẽ không nói năng lung tung đâu, đảm bảo sẽ không gây phiền phức cho anh." Khánh Đệ kiên trì: "Tôi chỉ muốn nhìn thấy anh ấy thôi".
Dưới chân tường chỗ góc chết mà camera giám sát không quay tới được, Khương Thượng Nghiêu đối mặt với bức tường, cúi gập người gáy chạm tường, hai tay giơ cao, vịn vào tường đứng khom lưng, khuôn mặt bị máu dồn xuống đỏ như tôm luộc.
... "Không đến nữa. Anh thật đáng ghét, đã nói là sẽ dạy em chơi ghita mà." Đấy là khi Nhạn Lam quay người né tránh bàn tay anh.
"Bụp!", một chiếc đế giày giáng thằng xuống phần thịt mềm nơi gáy anh. Đứng ở tư thế lái máy bay quá lâu, huyết dịch chảy ngược, tai bắt đầu ong ong, phần gáy cũng rất mẫn cảm. Lúc này, anh chóng mặt hoa mắt, gần như không đứng vững nữa.
"Bay đến đâu rồi? Đến biên giới chưa?" Một tay thuộc hạ của Thành mặt rỗ hỏi.
"Đến rồi." Anh hít một hơi thật sâu trả lời.
"Bay về phía tây đi, chúng ta đến chỗ bọn mũi lõ xem thế nào."
…
"Đến đâu rồi?"
"Moscow."
"Mẹ mày, bay nhanh hơn một chút! Đầu trọc, thêm nhiên liệu cho nó."
Một tên khác nghe lệnh, cười hi hi đáp: "Món chân giò hầm đến đây!", nói xong lập tức dùng cùi chỏ và đầu gối vừa thụi vừa đá vào mạng sườn của Khương Thượng Nghiêu, anh bị đánh đến độ lảo đảo, vội vàng dùng hai tay đẩy mạnh vào tường để lấy lực, lại một lần nữa anh đứng vững trong tiếng cười nhạo báng của các bạn tù.
... "Anh, nếm thử xem! Món chân giò lợn anh thích nhất đấy, bà hãm, em nêm nếm gia vị." Đấy là khi cô ấy cầm đũa lên, ánh mắt lấp lánh cười chờ đợi một lời khen ngợi. Nhạn Lam.
"Mẹ kiếp, vẫn chưa đến Mỹ à?"
"Đến rồi, đã đến rồi." Anh trả lời một cách máy móc.
"Ném bom cái gì ấy nhỉ... cái gì mà... nữ gì của bọn chúng? Nữ gì mà đứng ờ bên bờ biển?"
"Tượng nữ thần tự do!" Có người sau khi nhắc nhở xong lại hò hét: '"Ném bom cả Nhà Trắng luôn đi",
"Ném rồi."
... "Thêm vài năm nữa..." Đấy là khi cô ấy dựa người vào lòng anh, quay đầu ngẩng lên nhìn đôi mắt anh, sau đó ngượng ngùng vùi mặt trong ngực anh.
Nhạn Lam.
Nhạn Lam.
"Ném cái con mẹ mày! Sao chẳng nghe thấy tiếng gì thế?"
Một đế giày nữa lại đạp thẳng vào gáy anh, cả người Khương Thượng Nghiêu co rúm lại, phải một lúc sau mới hồi phục... "Bùm.. bùm".
Nhạn Lam.
"Ném bom xong chưa? Anh Thành? Bay về chưa?"
Trước đó Thành mặt rỗ đang ngồi trên phản, trên mấy tờ báo trải trước mặt đặt vài đĩa thức ăn, hắn ta bưng một bát cơm to cắm cúi và. Nghe thấy thuộc hạ hỏi, nhướng mắt lướt nhìn về phía Khương Thượng Nghiêu đang đứng ở góc tường, vừa nhai vừa nói: "Nhị Ca nói vợ nó xinh lắm, hỏi nó xem có phải không?". Chưa nói xong liền nhếch miệng cười bí hiểm, những nốt rỗ trên mặt nhấp nhô, dưới ánh đèn mờ ảo trông càng gian ác.
Trong lúc ý thức mơ màng Khương Thượng Nghiêu vẫn nghe được câu nói đó, toàn thân bỗng cứng lại, máu huyết đang chảy ngược như ngưng đọng.
Những tiếng cười ác ý đê tiện vỡ òa ra, tên thuộc hạ vừa nói lúc này cao hứng: "Được đấy, về thôi, về thôi! Đưa bọn anh đến nhà chú ngồi một lát, rồi chúng ta cùng nghiên cứu...".
Từ sau khi chuyển đến phòng giam số chín, mấy tháng nay, sự giày vò đầy đọa cả về tinh thần lẫn thể xác anh đều cắn răng chịu đựng. Tất cả những đau đớn nhục nhã mà anh phải chịu không gì ngoài việc muốn bảo toàn tính mạng, vì muốn được về nhà sớm, không muốn để người nhà phải liên lụy. Nhưng lúc này, hắn có ý nhắc tới Nhạn Lam, thì sao anh có thể nhẫn nhịn được nữa?! Sự căm hận phẫn nộ tích tụ đã lâu nay đột ngột bùng phát, không đợi đế giày giáng xuống một lần nữa, anh khẽ nhỏm người lên, húc thẳng đầu mình vào bụng của tên kia.
Trước khi vào tù cơ thể anh khá khỏe mạnh, sau mấy tháng cả tinh thần lẫn thể xác đều mệt mỏi rã rời, nhưng cho dù có là vậy, thì tên kia ở vào thế bị tấn công bất ngờ, đột nhiên bị anh húc thẳng vào phần mềm, liền gập người lại, hai tay ôm chặt bụng lùi về phía sau mấy bước.
Khương Thượng Nghiêu cũng chẳng thèm đôi co nhiều với tên đấy, nhảy mấy bước về phía trước lao thẳng tới chỗ Thành mặt rỗ. Trong lúc mọi người trong phòng giam còn đang bất ngờ sửng sốt, chớp mắt anh đã nhảy lên phản, nắm đấm rắn như thép vung lên.
Thành mặt rỗ kinh nghiệm đầy mình, thấy anh đột nhiên chống lại, không nghĩ ngợi nhiều, liền lộn người trên phản nửa vòng, giơ tay phải lên, với ý đồ đỡ nắm đấm của Khương Thượng Nghiêu. Lúc này đám phạm nhân trong nhà ngục cũng bừng tỉnh, hoặc lùi lại áp sát người vào tường tránh họa của cuộc ẩu đả, hoặc lao người về phía trước vây đánh Khương Thượng Nghiêu.
Khương Thượng Nghiêu bất chấp, chỉ ra sức giằng co với Thành mặt rỗ, hai người lăn mấy vòng trên phản, anh đè chặt Thành mặt rỗ đấm liên tục vào người hắn, hai chân kẹp chặt nửa người Thành mặt rỗ, rồi giơ hai tay bóp chặt cổ hắn, hỏi: "Nhiếp Nhị làm gì cô ấy rồi?".
Trong lòng anh vừa đau vừa hận, tinh thần cực kỳ đáng sợ, gân xanh nổi đầy trên cổ, hai mắt đỏ ngầu, giống như con quỷ tới lấy mạng người. Thành mặt rỗ toàn thân lạnh toát, hơi thở càng lúc càng khó nhọc, hai chân đạp loạn, cảm giác như chỉ ngay một giây sau đó Khương Thượng Nghiêu sẽ bóp chết hắn ta.
Khương Thượng Nghiêu giữ chặt không buông.
Từ sau khi vào phòng giam số chín, anh đã hiểu mình không còn sự lựa chọn nào khác. Gần như anh đã rèn luyện được một thứ ý chí vượt quá cả khả năng của chính bản thân mình, câm như hến chấp nhận sự sỉ nhục bao gồm cả sự sỉ nhục lòng tự trọng. Nhưng nếu vấn đề liên quan tới Nhạn Lam, anh phát hiện ra cái tên đó dù chỉ bị bọn chúng nhắc đến thôi, anh cũng không có cách nào nhẫn nhịn được.
"Nhiếp Nhị làm gì cô ấy rồi?" Nghĩ đến hậu quả, ánh mắt anh như muốn nứt ra. "Nhiếp..."
Lời còn chưa nói xong, mắt anh hoa lên, tiếp theo đó là cả người ngã ngửa ra đằng sau, cổ họng bị một sợi dây quấn chặt, đấy là nhiệm vụ của bọn chúng, không biết kẻ nào đã lén giấu được một sợi dây điện.
Trong nháy mắt tình thế xoay chuyển, Thành mặt rỗ sau khi thoát nạn ho khan mấy tiếng, còn chưa thở xong, liền tung chân đá thẳng vào ngực Khương Thượng Nghiêu.
Khương Thượng Nghiêu bị mấy tên đó kẹp chặt, sợi dây điện quấn quanh cổ họng, hình ảnh trước mắt mờ ảo, cú đá vừa rồi lại nhắm đúng vào giữa ngực. Anh đau tới mức gập cả người xuống, cảm giác cổ họng mình sắp bị siết cho vỡ tung, con ngươi như sắp bắn ra khỏi hốc mắt. Trong giây phút anh nếm được vị máu ở mũi của mình, hai tay anh vòng sau kéo sợi dây diện, đột ngột dùng sức giật thật mạnh!
Không ai ngờ anh lại có dũng khí như thế! Khi sợi dây điện bị giật đứt trong tay anh, lúc mà tất cả đám người đó đang trợn mắt vì kinh ngạc, anh gầm lên một tiếng, vung tay nhằm chính giữa vào thái dương của Thành mặt rỗ lúc này còn đang sững sờ vì sửng sốt, tiện tay vòng luôn phần dây điện còn lại trong tay mình vào cổ của hắn ta, rồi dùng lực mà thít.
Dãy phản trong phòng giam là kiểu phản lửng được ghép bằng những thanh gỗ, từ lúc bắt đầu có cuộc ẩu đả, liền phát ra những tiếng kêu ầm ầm, trận ẩu đả càng kịch liệt, thì tiếng ầm ầm vang lên càng lớn. Lúc này, những phòng giam khác phát hiện có người đang đánh nhau, bỗng nhiên như thể còn sợ thiên hạ chưa đủ loạn, bắt đầu ra sức gõ vào chân song sắt, gào thét cổ vũ khen hay, cùng với những tiếng huýt gió là tiếng cánh cửa sắt nặng nề được mở ra, âm thanh thật sự hỗn loạn.
Khương Thượng Nghiêu không còn cảm nhận được tất cả những điều đó nữa, ý thức trống rỗng của anh chí nghĩ được một điều, hôm nay nếu anh không chết...
Hôm nay nếu anh không chết!
Nhưng do trước đó đã hao tổn quá nhiều sức lực, những kẻ kia lại tiếp tục vây lấy anh, Thành mặt rỗ nằm bên dưới ra sức giãy giụa, ý thức của Khương Thượng Nghiêu dần dần rệu rã, dường như không thể trụ vững được nữa. Tiếng cánh cửa sắt mở ra kêu ken két, tiếng còi cảnh sát vang lên chói tai, tiếng hò hét cổ vũ từ những phòng giam khác vọng lại... Trong lúc mơ hồ, anh thấy một thứ gì đó sáng choang màu bạc hướng về phía mình, đống chân tay trì độn của anh còn chưa kịp có bất kỳ phản ứng gì, ngay sau đó là một tiếng thét đau đớn xé gan xé ruột. Anh hoảng hốt, Khương Thượng Nghiêu còn đang nghi ngờ tiếng thét đó không phải phát ra từ cổ họng mình, thì trong nháy mắt, một dòng máu dỏ tươi phun thẳng lên mặt anh.