https://truyensachay.net

Tố Hoa Ánh Nguyệt

Chương 13 - Cuối Cùng Người Cũng Đến Đây

Trước Sau

đầu dòng
Hai đứa nhóc ở lại Tây Viên ăn cơm tối xong mới về nhà, lúc về đứa nào cũng cầm theo một lọ hồng mai:

- Cái này là của Trương đại ca và lão gia gia tặng tụi con.

Trong mỗi chiếc bình sứ sáng bóng là một nhành hoa mai thổ yên chi, hương thơm hơn cả lan huệ, gương mặt hai đứa nhóc cười toe toét vì hưng phấn mà đỏ bừng như trái táo, nhìn vô cùng đáng yêu.

Hàng xóm Tây Viên khách sáo lịch sự như vậy, Từ Sâm và Lục Vân dĩ nhiên cũng phải niềm nở chu đáo. Từ Sâm đích thân viết thư đa tạ, Lục Vân sai người nấu ít cháo và chút điểm tâm ngon miệng đưa tặng sang Tây Viên.

- Lão nhân gia ăn cháo này, rất bổ dưỡng.

Trong nhà có lão nhân, việc ăn uống hàng ngày nên để tâm chút thì tốt hơn.

A Trì theo Lục Vân học quản gia, trong bụng cười thầm. Lão nhân gia? Vị lão bá bá kia, à không, vị lão gia gia kia nếu đánh nhau, đoán chừng mười mấy hai mươi nam tử bình thường đều không đến gần được ông ấy. Để lão gia gia húp cháo, ông ấy chịu sao?

Lục Vân mỉm cười dạy nữ nhi:

- Lão công công là trưởng bối, chúng ta dĩ nhiên phải tôn kính. Hàng xóm dù có nhiều nô bộc thế nào nhưng lại do hai đại nam nhân quản lý, khó tránh thiếu tỉ mỉ, chu đáo. Chúng ta là hàng xóm, cái khác không thể giúp, chỉ có thể tặng ít thức ăn bày tỏ tâm ý mà thôi.

A Trì hiểu ý gật đầu:

- Lễ vật không thể quá sơ sài hoặc quá quý giá, chỉ cần thỏa đáng là được.

Ở bất kì thời đại nào thì việc đãi khách và quà biếu như thế nào đều là những kĩ năng sống không thể thiếu. Trong đối nhân xử thế, nhất định phải thường xuyên mời khách dùng bữa, việc này là để kết thêm bằng hữu, giảm bớt kẻ thù. Còn tặng quà thì lại là một chuyện khác.

Thời đại này cũng có phong tục về tặng quà đãi khách, thăm viếng lẫn nhau. Gia đình như Vân Gian Từ gia thì việc này đã thành thông lệ, quy củ. A Trì đã từng xem qua các ghi chép về việc qua lại giữa các bằng hữu cũ mới, thân thích xa gần của Từ gia nên biết rất rõ những chuyện này.

Trên chiếc giường cạnh cửa sổ đặt một chiếc bàn gỗ lim chân thấp, trên bàn là một quyển sách đang mở ra, một bộ ấm chén trà, trên vách tường có mấy chiếc gối dựa lưng màu xanh rêu. Hai mẹ con ngồi trên giường, câu được câu không trò chuyện.

- Mẫu thân, mẹ nói xem con như thế này thì kế phu nhân có hài lòng không?

Kế phu nhân vài ngày trước có gửi thư đến, ra lệnh “dạy dỗ tốt A Trì, cầm kì thi họa chỉ là phụ, may vá thêu thùa mới là chủ yếu”.

Lục Vân trêu ghẹo nữ nhi:

- Kế phu nhân muốn con may vá thêu thùa kìa, A Trì, bây giờ con là may vá hay thêu thùa?

A Trì bưng chén trà lên, chậm rãi nói:

- May mà con có cha mẹ che chở, nếu không, chẳng phải là thê thảm sao?

Cha mẹ thật sáng suốt, tránh thật xa tới Nam Kinh, ở Phượng Hoàng Đài tự tại qua ngày. Nếu như ở kinh thành với tổ phụ, sớm sớm chiều chiều gặp mặt kế phu nhân thì đúng là những ngày tháng gian khổ, nước sôi lửa bỏng. Kế phu nhân hôm nay thì kiểm tra nữ công, ngày mai lại gặng hỏi nữ giới, hết tội này đến tội khác chụp xuống thì không chừng mình ngay cả ý muốn tự sát cũng có.

Lục Vân cười khinh miệt:

- Không tới lượt bà ta làm mưa làm gió đâu. Triệu gia dù không còn người nào thì Từ gia cũng có gia quy, bà ta không thể muốn làm gì thì làm được.

Kế thất tùy tiện ức hiếp đích tử của vợ cũ, xem Từ gia và Lục gia là những kẻ ăn chay à.

A Trì hăng hái dựa vào người Lục Vân:

- Mẫu thân, năm đó ngoại tổ phụ ngoại tổ mẫu làm sao đồng ý gả người cho phụ thân vậy? Kế tổ mẫu không phải rất đáng sợ sao?

Lục Vân là tiểu nữ nhi của Lục gia, được nâng niu vô cùng, hai lão nhân Lục gia sao lại nỡ đem nữ nhi bảo bối gả đến Từ gia hầu hạ kế mẫu. Cha mẹ nếu thật lòng thương yêu khuê nữ thì khi chọn con rể cũng sẽ chọn mẹ chồng cho nữ nhi của mình.

Lục Vân vốn đang lật xem sổ sách trong nhà, nghe vậy thì dừng lại, ngẩng đầu quở trách:

- Đây là chuyện con nên hỏi à?

A Trì sáp lại gần, vẻ mặt cợt nhả:

- Mẹ đừng xấu hổ, con không chê cười mẹ đâu! Nói đi, nói đi mà, con đang đợi nghe đây.

- Đợi nghe cái gì?

Thanh âm nam tử chợt vang lên, tiểu nha đầu vén rèm, Từ Sâm khoác đấu bồng lông chồn tiến vào. A Trì nhanh nhẹn xuống giường, chạy tới giúp Từ Sâm cởi áo khoác ra.

- Phụ thân, con hỏi mẫu thân lần đầu tiên gặp ngài như thế nào nhưng mẹ không chịu nói, còn mắng con nữa.

A Trì đưa áo khoác cho thị nữ, rồi lấy tay che miệng thành hình cái loa, giống như là không dám để Lục Vân nghe thấy vậy.

Trong phòng có lò than nên rất ấm áp, Từ Sâm chắp tay đứng, mỉm cười nhìn thê tử:

- Lần đầu tiên ta gặp mẹ con là vào mùa thu năm Thành Hóa. Lúc đó, chúng ta còn ở kinh thành, mẹ con chỉ mới mười lăm mười sáu, mặc y phục thanh nhã màu xanh nhạt, đứng bên một khóm hoa cúc tím mà ngắm hoa. Trời chiều bóng ngả về tây, ánh mặt trời nhàn nhạt chiếu lên người mẹ con……..

Người đạm như cúc.

Vườn cúc, trời chiều, nắng mùa thu rực rỡ, thiếu niên hào hoa anh tuấn, thiếu nữ mỹ lệ tuổi thanh xuân……..A Trì sùng bái nhìn cha mẹ nhà mình, thật quá lãng mạn. Từ Sâm lời còn chưa nói hết thì Lục Vân đã đỏ mặt:

- Một lớn một nhỏ không có ai đứng đắn hết!

Từ Sâm cười cười, không nói tiếp nữa.

A Trì vô cùng biết quan sát, chu đáo hầu hạ Từ Sâm lên giường ngồi, rót một chén trà nóng để trước mặt ông, rồi khuỵu gối hành lễ:

- Cha, mẹ, nữ nhi cáo lui.

Nàng chạy đi nhanh như chớp.

A Trì cười ha ha trở về phòng. Tâm tình thật tốt, muốn cao giọng cất tiếng hát vang, A Trì vui vẻ ngồi xuống gảy đàn. Tiếng đàn róc rách như nước chảy trong khe suối, trong trẻo như tiếng chim hót trên bầu trời, vui thích vô cùng.

Không biết từ lúc nào, lão công công râu bạc đã ngồi cười hì hì trước mặt A Trì. A Trì giật mình:

- Lão gia gia, thị nữ của con sẽ bị ngài dọa đó.

Trong nhà bỗng dưng xuất hiện thêm một người, những nữ tử nơi nhà cao cửa rộng sẽ bị dọa điên mất.

Hoa Sơn lão nhân liếc mắt:

- Ta có thể bị người phát hiện sao? Tiểu cô nương, ta nếu không muốn bị người khác thấy thì ai cũng đừng mơ thấy. Đừng nói là nhà này, cho dù là hoàng cung đại nội, ta cũng tới lui như thường, có biết không?

A Trì mỉm cười:

- Hóa ra là vậy. Tại con kiến thức nông cạn. Lão gia gia, xá đệ được ngài yêu mến, đa tạ ngài.

Hoa Sơn lão nhân đắc ý nghịch nghịch chòm râu của mình:

- Không đáng là gì! Việc nhỏ thôi mà.

A Trì đứng dậy, rót chén trà nóng đưa tới:

- Lão gia gia, mời dùng trà.

Hoa Sơn lão nhân nhận lấy chén trà, cười hì hì nhấp một miếng. A Mại tiểu tử thúi này từ đầu đến cuối đều không chịu qua đây nhìn lén, thật đáng tiếc, tiểu cô nương thật tốt mà.

- Lão gia gia, ngài rất lâu rồi không tới.

A Trì lơ đãng nói. Hoa Sơn lão nhân nét mặt buồn phiền:

- Đồ tôn của ta không cho……

Ông mới nói được mấy chữ đột nhiên ngừng lại. Lão tử bị đồ tôn trông coi, quá mất uy phong!

A Trì điềm tĩnh cười:

- Lão gia gia, ngài nếu cười nhạo người khác, huynh ấy cũng không cho, đúng không? Hoặc dùng võ nghệ cao cường vào nhà người khác, huynh ấy cũng không cho.

Hoa Sơn lão nhân hừ một tiếng, không nhịn được nói:

- Người trẻ tuổi thật là nhiều chuyện.

Cũng không biết là đang nói ai nữa.

Hoa Sơn lão nhân tính tình trẻ con, không lâu sau đã lại vui vẻ:

- Tiểu cô nương, đồ tôn của ta hôm trước có một danh cầm, tên là “đại thánh di âm”, bóng bẩy trang nghiêm, đẹp mắt vô cùng. Tiểu cô nương, mấy hôm nữa nhà ta mời khách, con cũng tới nhé, thử thanh “đại thánh di âm” này.

A Trì có chút khó hiểu, quý phủ chỉ có hai đại nam nhân là ngài và lệnh đồ tôn, ta qua bên đó làm khách thế nào? Hình như không tiện lắm. Hoa Sơn lão nhân cười hề hề nhìn nàng:

- Muội muội của đồ đệ ta ngày mai sẽ đến, con gọi nó cô cô là được rồi.

Ngày thứ hai, Tây Viên.

Trương Khế vừa bước vào nhà chính, còn chưa kịp ngồi xuống đã ân cần thăm hỏi dồn dập:

- Lão gia tử, Trọng Khải, hai người sống thế nào? Sinh hoạt thường ngày do ai lo liệu? Người hầu hạ có tận tâm không? Lão gia tử, Trọng Khải, hai người hình như gầy đi rồi.

Bà chải búi tóc uy đọa, trên búi tóc cài một con phượng hoàng bằng vàng ròng đang giương cánh sắp bay, mắt phượng chính là một viên đá quý màu đen lấp lánh. Bà mặc bộ áo dài gấm đỏ thẫm thêu trăm con bướm vàng, gương mặt đỏ bừng, tràn trề sức sống, thần thái ngời ngời.

Trương Mại hơi dở khóc dở cười. Vị cô cô này trước giờ luôn nhanh mồm nhanh miệng, tính tình thẳng thắn, nghe ý tứ của bà thì cứ như mình với sư công ăn không đủ no, mặc không đủ ấm vậy. Một đại nam nhân thì sao chứ, có cả đống quản sự, bà tử, người hầu, thị nữ thì chẳng lẽ chúng ta ăn đói mặc rách à.

Hoa Sơn lão nhân trước giờ không thân thiết với Trương Khế lắm nên chỉ cười ha ha rồi bỏ đi. Trương Mại cười hỏi:

- Cô cô, sao chỉ có một mình người đến vậy? Cô dượng đâu?

Trương Khế thờ ơ nói:

- Hắn và người của Công bộ vừa gặp nhau, nói đến cai quản sông Hoài gì gì đó là đến cơm cũng quên ăn luôn. Trọng Khải, con mặc kệ hắn đi, hắn lúc nào chả vậy.

Trượng phu của Trương Khế là công tử An gia, tên An Ký, cả đời say mê thủy lợi, ngoài ra thì không hứng thú với cái gì khác. Ông vốn nhậm chức Đô thủy ti chủ sự thuộc Công bộ ở kinh thành nhưng vì cai quản sông Hoài bất lợi nên bị bãi chức. Ông cũng không quan tâm đến chức quan, tuy bị bãi chức nhưng vẫn dốc lòng nghiên cứu việc cai quản sông Hoài. Nay vừa đến Nam Kinh, còn chưa gặp Trương Mại đã chạy đến Công bộ Nam Kinh thỉnh giáo người tài về trị thủy rồi.

Bên người Trương Khế hiện giờ chỉ có các bà tử, nha hoàn hầu hạ mà không còn ai khác. Tuy có hai ba người tuổi còn nhỏ nhưng đều mặc y phục nha đầu. Trương Mại hỏi:

- Cô cô, không phải người nói trong thư là dẫn theo tiểu biểu muội cùng đến sao?

Cô cô vứt tiểu biểu muội ở đâu rồi?

Trương Khế nhắc tới tiểu nữ nhi thì trên khuôn mặt vô ưu vô lo hiện lên chút phiền não:

- Hiệp nhi đang ở chỗ cha nó. Nó còn nhỏ tuổi, lại là nữ hài tử, vậy mà cứ y như cha nó, luôn nghĩ tới chuyện trị thủy. Trọng Khải, Hiệp nhi thật sự quá nghịch. Trương Khế rất may mắn, lúc ở nhà mẹ đẻ được phụ mẫu thương yêu, huynh trưởng nuông chiều, sau khi xuất giá thì được trượng phu đối đãi một lòng một dạ, lại sinh được hai nam hai nữ, vô cùng mỹ mãn. Trưởng tử An Huống, thứ tử An Lẫm và trưởng nữ An Lăng đều đã thành thân, chỉ có ấu nữ An Hiệp do tuổi còn quá nhỏ nên bà hay dẫn theo bên người.

Trương Mại an ủi:

- Hiệp nhi từ nhỏ đã có tài hoa, vốn không phải là nữ tử khuê các tầm thường, cô cô cần gì phải nghiêm khắc với muội ấy.

Trương Khế nổi giận nói:

- Nó muốn làm gì thì làm đi, ta đã sớm mặc kệ rồi.

Trương Mại mỉm cười khuyên giải, Trương Khế sao thật sự bỏ mặc nữ nhi của mình chứ, chẳng qua là tức giận nên mới nói vậy thôi.

Lúc chạng vạng, phụ tử An Ký mới lững thững đi đến. An Ký cả người mặc bộ trường bào màu xanh, thân hình gầy gò nho nhã, có chút cảm giác siêu phàm thoát tục. Ngoại hình An Hiệp rất giống ông, vóc người mảnh khảnh thanh tú, là một tiểu cô nương đặc biệt.

Sau khi hành lễ gặp mặt là tiệc đón gió tẩy trần. Hoa Sơn lão nhân ra ngoài gặp bằng hữu, không ở nhà tiếp khách. An Ký và Trương Khế đều biết ông là thế ngoại cao nhân, không thể cưỡng cầu ông theo các lễ nghi thông thường nên không hề để ý. Sau bữa tiệc, An Ký, Trương Khế và An Hiệp đều đi tắm rửa, nghỉ ngơi sớm.

Trương Khế tính tình hiếu khách, chưa tới hai ngày đã liệt kê ra một danh sách thật dài, bắt đầu gửi thiệp mời khắp nơi: “Trình ngự sử là nhà ngoại của huynh trưởng nên chắc chắn phải mời”, “Từ gia cũng nhất định phải mời, ‘bà con xa không bằng láng giềng gần’”, “Võ An hầu phủ cùng Ngụy quốc công phủ xưa nay có giao tình, phải mời”, “gia quyến của đồng liêu Trọng Khải cũng nhất định phải xã giao”.

Tây Viên lần đầu tiên mở tiệc chiêu đãi nữ khách. Ngày hôm đó, trong khách sảnh của Tây Viên nội trạch, các phu nhân, tiểu thư ăn mặc duyên dáng sang trọng tụ tập trò chuyện, cười đùa với nhau rất vui vẻ, náo nhiệt. Trương Khế lăng xăng đi chỗ này chỗ nọ chào hỏi từng vị khách, vẻ mặt tươi cười rất nhiệt tình, chu đáo.

Phùng Thù phải ở nhà thêu đồ cưới nên không thể đến tham gia náo nhiệt. Trình Hi và Phùng Uyển lôi kéo A Trì dẫn theo vài thị nữ đi thưởng thức cảnh đẹp Tây Viên. Sau khi xem thỏa thích thì An Hiệp đích thân đến mời:

- Nghe danh các vị tài nữ tỷ tỷ đã lâu, xin mời các vị tỷ tỷ cùng đi giám định và thưởng thức “đại thánh di âm”.

An Hiệp không quá mười một mười hai tuổi, da dẻ trắng mịn, đôi mắt trong veo linh lợi, trang phục đơn giản thanh nhã, trông rất đáng yêu. Trình Hi và Phùng Uyển tuy không sở trường về cầm nghệ nhưng cũng biết đến tiếng tăm lẫy lừng của “đại thánh di âm” nên vui vẻ đi theo.

“Đại thánh di âm” là danh cầm vào giữa thời Đường, chín đặc tính tốt đẹp của cầm đều có đủ, gồm ‘kỳ, cổ, thấu, nhuận, tĩnh, viên, quân, thanh, phương’*., chín loại âm sắc đều có trong một thanh cầm, rất hiếm thấy. Bây giờ có cơ hội được chiêm ngưỡng tận mắt, ai mà không muốn?

* Thời xưa người ta quan niệm một thanh cầm tốt là phải có được chín đặc điểm này, còn cụ thể là những gì thì tớ không giỏi về khoản này nên không dám đoán bừa

Cầm phòng của Tây Viên ở trên lầu cao có phong thái cổ kính tao nhã, yên tĩnh thanh u. Trên bàn là một thanh cổ cầm theo kiểu Thần Nông, gỗ ngô đồng, thân cầm có bốn chữ “đại thánh di âm” viết theo lối chữ thảo, kiểu dáng thuần phác xinh đẹp, lộ vẻ bất phàm.

An Hiệp cười lịch thiệp:

- Muội thường ngày chỉ thích xem ít tạp thư, chứ cầm kỳ thi họa thì dốt đặc cán mai. Mấy vị tỷ tỷ đây đều là một thân tài hoa, hôm nay muội có phúc được nghe rồi.

Nàng yên lặng ngồi xuống, chuẩn bị chăm chú lắng nghe.

Trình Hi, Phùng Uyển tuy hâm mộ danh cầm nhưng cũng tự biết mình không sở trường về cầm nghệ nên không tự đi bêu xấu. Họ đều từ chối và cũng ngồi xuống làm người nghe. Phùng Uyển nghĩ thầm, ta mới không đánh đàn đâu, không cần bị người ta chê cười.

A Trì rửa tay, đốt hương, ngồi ngay ngắn gảy một khúc, tiếng đàn trong trẻo ngân nga tuyệt vời. Khúc nhạc vừa dứt, Trình Hi, Phùng Uyển, An Hiệp đều vỗ tay tán thưởng:

- Quả là thế gian khó cầu!

A Trì khiêm tốn mấy câu, cái gì là “đại thánh di âm”? Chính là “các vị thánh nhân như vua Thuấn cùng Văn vương, Khổng Tử để lại”, lấy bốn chữ này làm tên thì âm thanh của đàn không thể tầm thường. Không chỉ ta mà bất kỳ ai dùng nó cũng có thể đàn ra một khúc nhạc tuyệt diệu vô cùng.

An Hiệp và Phùng Uyển tuổi tác cũng xấp xỉ nhau, hai người thì thầm trò chuyện, bàn bạc muốn đi hái hoa mai, sai người nấu cháo. Trình Hi và A Trì đều cười, đúng là tâm tính trẻ con, vừa nghe xong khúc đàn đã nghĩ ngay tới chuyện ăn rồi.

Sau khi An Hiệp và Phùng Uyển đi rồi, một thị nữ của Trình gia vẻ mặt lúng túng đi tới:

- Đại tiểu thư, nhị tiểu thư ở nhà ấm trồng hoa bị đau chân.

Trình Hi dù không thích Trình Bạch đi chăng nữa nhưng dù sao cũng là tỷ muội, nàng không thể mặc kệ nàng ta không để ý nên đành cáo từ A Trì, đi đến nhà ấm trồng hoa.

A Trì ngắm thanh “đại thánh di âm” từ trước ra sau, từ trái qua phải thật kĩ, yêu thích không nỡ buông tay. Mình đã có một thanh “cửu tiêu hoàn bội”, nếu như lại thêm một thanh “đại thánh di âm” nữa thì sao nhỉ? Chuyện tốt như vậy thật không dám hi vọng xa vời, ngắm một chút là được rồi.

Tri Bạch ở bên cạnh hé môi cười:

- Đại tiểu thư, người thích cầm kỳ thi họa như vậy là không hiền thục đâu.

Bội A trừng nàng ta một cái, đại tiểu thư tính tình tốt, đối xử với hạ nhân khoan dung, nhưng ngươi cũng không thể càn rỡ như vậy! Tri Bạch vội tươi cười:

- Tỷ tỷ tốt, ta không dám nữa.

A Trì vẫn chú tâm vào thanh cổ cầm, không ngẩng đầu lên:

- Ta không cần phải hiền thục.

Nữ nhân quá để ý tới cảm nhận của nam nhân sẽ hiền thục; nữ nhân không có chỗ dựa sẽ hiền thục, tiểu Tri Bạch, ta là đích nữ Từ gia, có phụ mẫu thương yêu, có ngoại hình xinh đẹp, ta cần hiền thục sao?

Nam tử ở thời đại này đặt ra yêu cầu với nữ tử lúc nào cũng quá cao. Thất tiên nữ và cô nương vỏ ốc mới là thê tử lý tưởng của bọn họ đi? Thất tiên nữ, cô nương vỏ ốc, Bạch Tố Trinh, Vương Bảo Xuyến* ở nơi giá lạnh chịu khổ suốt mười tám năm, dù là người, tiên hay yêu đều vì nam nhân mà hiến dâng tất cả không vụ lợi, thà chết không hối hận.

* Thất tiên nữ: một truyền thuyết dân gian kể về nàng tiên thứ bảy con gái Ngọc Hoàng, một lần xuống trần dạo chơi đã đem lòng yêu say đắm một người phàm, sau bị thiên đình phát hiện thì chấp nhận từ bỏ cốt tiên để trở thành người phàm, ở bên người mình yêu dù chỉ được ba năm.

Cô nương vỏ ốc: một truyện cổ tích dân gian nói về một cô gái chui ra từ vỏ ốc, hàng ngày nấu cơm ngon, canh ngọt giúp đỡ anh nông dân nghèo. Truyện này tương tự như Tấm Cám của Việt Nam.

Bạch Tố Trinh: Bạch Xà trong truyền thuyết Thanh Xà Bạch Xà.

Vương Bảo Xuyến: con gái của tể tướng Vương Doãn thời Đường Ý Tông, mặc kệ lời cha mẹ, gả cho Tiết Bình Quý nghèo khổ làm vợ. Cô bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà, sau khi Tiết Bình Quý nhập ngũ, cô một thân một mình ở nơi giá lạnh chịu khổ chờ đợi suốt 18 năm. Về sau Tiết Bình Quý trở thành công thần triều đình, đón Vương Bảo Xuyến về phủ, cả nhà đoàn tụ nhưng cuộc sống hạnh phúc của cô chỉ được 18 ngày thì cô chết.

A Trì kiếp trước chỉ là một nhân viên bình thường, từng có một đồng nghiệp thở dài nói:

- Bỏ ra mồ hôi và máu nhưng nhận được chẳng qua là mấy đồng tiền lương ít ỏi mà thôi.

Thất tiên nữ, cô nương vỏ ốc, Bạch Tố Trinh, Vương Bảo Xuyến, họ bỏ ra cái gì và nhận được những gì? Căn bản là một trời một vực.

Bội A khẽ nhíu mày, Tri Bạch rất biết điều nịnh nọt:

- Đại tiểu thư nói rất đúng! Tại sao phải hiền thục chứ, hiền thục tới hiền thục lui, người được lợi chính là nam tử, còn người cực khổ lại là nữ tử, thật sự quá không có lời.

A Trì mỉm cười, tiện tay gảy đàn. Ở căn phòng sát vách, Hoa Sơn lão nhân nháy nháy mắt về phía Trương Mại:

- A Mại, nghe có hay không? Người cũng xinh lắm đó, đi nhìn thử đi.

Thần sắc Trương Mại rõ ràng có chút si mê, nhưng vẫn mỉm cười lắc đầu:

- Sư công, không thể.

Hoa Sơn lão nhân tức giận la to:

- Tức chết ta mà! Tức chết ta mà!

Dưới cơn nóng giận, ông nhảy từ cửa sổ ra ngoài, cứ như một con chim lớn lộn mấy vòng trên không trung, rồi đứng trên nóc nhà mà phát tiết.

Tiếng la của ông đã sớm làm kinh động đến Bội A, Tri Bạch. Hai người vội vàng chạy ra phía ngoài nhìn xem, chỉ thấy một ông lão tóc trắng bay vòng vòng ở trên trời! Bội A, Tri Bạch đứng đơ người chốc lát rồi đồng thời té xỉu.

- Lão gia gia, con đã nói rồi, ngài sẽ dọa hỏng thị nữ của con mất.

A Trì nhẹ thở dài, chậm rãi đứng dậy đi đến bên Bội A, Tri Bạch, có chút đau đầu. Trong cầm phòng trên lầu cao này, tổng cộng chỉ có ba người là mình và hai người bọn họ, bây giờ hai người này xỉu rồi, mình phải làm sao đây? Đi xuống gọi người thì không hay cho lắm; còn cấp cứu thì mình không biết nên cứ đứng ngốc như vậy.

- Mạo muội quấy rầy.

Ngoài cửa cầm phòng bỗng vang lên giọng nam tử trầm thấp dễ nghe. A Trì ngẩng đầu nhìn thì thấy một nam tử thanh niên khoác đấu bồng lông cáo trắng đang đứng ở đó:

- Hai thị nữ này của cô nương dường như không được khỏe lắm, cô nương đừng sợ, người hầu sẽ đi mời đại phu đến ngay.

A Trì mỉm cười:

- Làm phiền rồi.

Người đứng trước mặt này hẳn là người hay đánh nhau với lão gia gia - chủ nhân của Tây Viên, dáng người cao hơn nhiều so với nam tử bình thường, gương mặt tuấn mỹ, cử chỉ nhã nhặn, là một vị nho tướng*.

* Nho tướng là chỉ vị tướng có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú

alt
Cố Ý Mê Hoặc (Sắc)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trò Chơi Ái Tình
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Bà Chủ Trọ Muốn Được Yêu
Ngôn tình Sắc, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc