https://truyensachay.net

Trái Tim Của Sói

Chương 10

Trước Sau

đầu dòng
Điều kỳ diệu ư? … …

Một con người bình thường, trong một đời sống ngắn ngủi có thể bao nhiêu lần thấy điều kỳ diệu? Mà thế nào là điều kỳ diệu mới được chứ? Trí tưởng tượng – bó hẹp trong những đầu óc hữu hạn – thường sùng kính những điều mà tầm mắt không nhìn thấy, đôi chân không đi tới, tư duy không vươn tới. Cơ thể – nhỏ bé và yếu ớt trước thiên nhiên hùng vĩ, trước thời gian tàn nhẫn – bất lực và hoảng sợ trước những vật đổi sao dời của đất trời, thường hàng phục vô điều kiện trước những cú vặn mình của quả đất, chống chọi một cách vô vọng với những đòn trừng phạt của thời gian khi tuổi già nghễu nghện, ung dung và bình thản tước đi những ý chí tranh đấu cuối cùng… Dũng cảm hay hèn nhát, nồng nàn hay hững hờ, hạnh phúc hay khổ đau… tất thảy cũng sẽ đều trở lại hư ảo khi ánh sáng cuối cùng của những thống khổ cuộc đời vụt tắt… Vậy thì những thứ “Chưa từng thấy. Hiếm hoi. Dị thường… ta coi đó là điều kỳ diệu” – chẳng qua chỉ là ảo ảnh trong mắt mà thôi. Trong cả cõi thiên hà mênh mông này, những thứ kỳ diệu nhỏ bé mà con người nhỏ bé vẫn thấy – phải chăng chỉ là một hạt cát nhạt nhoà giữa sa mạc… Tôi đã từng bay chuyến bay sớm nhất từ nam ra bắc, dành giật tấm vé lên chuyến tàu gần nhất ngược lên Sapa khi nghe tin tuyết đã về trên dãy Hoàng Liên Sơn. Tuyết miền nhiệt đới. Tuyết dấu yêu và kỳ diệu…Có còn là điều lạ kỳ nữa không khi nghĩ cách đây hàng triệu triệu năm những xứ sở ngập nắng này cũng là nơi quanh băng băng giá, và biết đâu triệu triệu năm sau thậm chí không còn cả một dấu bụi mờ…

Xoa ngón chân tượng trong đền Trấn Vũ hẹn ngày gặp lại, ném đồng xu xuống dòng sông Sein mong phước an lành, ngắm anh đào nở hoa giữa Tokyo gió lộng, bẻ một cành tùng cổ thụ trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn… còn bao nhiêu điều kỳ diệu mà tôi có thể thấy, còn bao nhiêu dấu hiệu may mắn mà con người có thể có mà tôi chưa nắm trong tay… Điều kỳ diệu nào có thể đưa được cha mẹ tôi – khoẻ mạnh, tràn chề sức sống, lên từ dưới đáy vực sâu, ra khỏi chiếc xe vỡ nát? Điều kỳ diệu nào có thể giữ cho trái tim tôi bình yên, khi mỗi ngày, lặng lẽ và âm thầm, thi thoảng lại nhói lên như một lời cảnh báo ngạo nghễ rằng nó có thể đột ngột ngưng lại, đưa gã chủ nhân ngỗ ngược vào một chuyến đi dài không quay đầu nhìn lại… …

Điều kỳ diệu ư? …

Bản thân cuộc sống của tôi đã là một điều kỳ diệu – nếu tính theo các chuẩn mực thông thường. Thằng bé tím tái sinh non trong một ngày mưa giá không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc lì lợm thở để sống. Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày dài trôi dạt hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, với những chai nước truyền thay đổi thường xuyên, với một cơ thể mỏng nhẹ nóng sốt và một trái tim ọp ẹp lừ đừ đập trong ngực. Các bác sĩ khuyến khích cha mẹ cho tôi vận động nhẹ nhàng, nhưng lại cấm ngặt những chấn động mạnh thể chất cũng như những xung nghiệt đột ngột trong cảm giác. Bảy tuổi, tôi trông như trẻ lên bốn, ăn ít, ngủ it, ít đùa chơi, ít bè bạn. Tôi nín thinh trước những trò đùa trêu của lũ nhóc, lạnh nhạt và bàng quan trước mọi hấp dẫn của những khuấy động tập thể rộn ràng bên ngoài. Tôi đã quen và tôi chấp nhận những yên ắng giữ cho đầu óc và trái tim an lành… những dả diết ngọt ngào từ những câu chuyện cổ tích mẹ rủ rỉ kể, những mải miết êm ái rơi vào trong đêm cao nguyên từng nốt từng nốt nhạc buông lơi từ ngón dương cầm của cha, tôi đón nhận và để mặc thiên nhiên xâm lấn mình bằng hương thơm của dã thảo trong một cảm giác dịu dàng và khuất phục… …

Lên tám tuổi. Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người con trai độc nhất của dòng họ nổi tiếng nhất vùng đất cao nguyên tử nạn cùng vợ trong một tai nạn ô tô ngớ ngẩn – gã tài xế của chiếc xe tải dừng lại giữa đỉnh đèo, kéo phanh tay nhưng lại không chèn bánh. Xe trôi xuống. Và người lái xe của cha mẹ tôi đã không kịp tránh khi đang trên đường đi ngược lên. Tôi. Thằng nhóc không bao giờ vận động mạnh, chưa bao giờ phải chịu những chấn động tâm lý, hầu như không được trang bị để chống lại bất cứ cú đòn nào của số phận – lại là kẻ duy nhất sống sót. Khi chiếc xe bắt đầu lật nghiêng xuống triền dốc đứng, không ai bảo ai cha mẹ cùng nhao lại ôm chặt lấy tôi, kẹp giữa hai cơ thể ghì xiết, tôi lộn vòng trong chiếc xe với một cảm giác tĩnh lặng không chút hoảng hốt với trái tim thậm chí không hề xao nhịp.

Người ta đã phải rất vất vả mới có thể gỡ những đôi tay của cha mẹ để đưa tôi ra. Những đôi tay đan nhau giữ cho tôi bình yên ở giữa. Khoá chặt. An toàn. Thậm chí ngay cả khi những hơi thở cuối cùng đã vụt tắt khi nào không rõ, những vòng tay che chở ấy vẫn không hề buông lơi. Tôi cứ nằm im lặng như thế, không cử động, chết lặng, cảm thấy thời gian trôi qua chậm chạp, cảm nhận rõ hơi ấm từ từ rời khỏi thân thể cha mẹ. Đến tận khi vây quanh tôi chỉ còn lạnh giá. Tiếng người lao xao ngoài kia như từ một nơi xa lắm vọng về… Tôi câm lặng khi được đưa ra ngoài. Tôi câm lặng khi được đưa vào bệnh viện. Tôi câm lặng một thời gian dài ngay cả khi bà nội từ Paris trở về trong chuyến bay gần nhất để giang tay bảo bọc cho thằng cháu nội bơ vơ. Tôi câm lặng trong đám tang cha mẹ quá nhiều hoa và nước mắt. Thậm chí tôi không hề bị một xây xước nhỏ. Thậm chí tôi không hề bị một cơn tim nào.

Cha mẹ tôi đi. Mang theo cả những câu chuyện cổ tích dả diết ngọt ngào. Mang theo cả những mải miết từng ngón dương cầm buông lơi. Dành một vòng tay cuối cho tôi. Cha mẹ tôi đi.

Bức Vạn Lý Trường Thành duy nhất che chắn cho tôi khỏi những sóng gió bên ngoài trong một giây đã hoàn toàn sụp đổ. …

Điều kỳ diệu ư? …

Bất chấp những sự gìn giữ, bất chấp cả những giờ học với gia sư liên miên như một nỗ lực của bà nội nhằm tăng cường khả năng tư duy và giữ tôi ở trong nhà càng nhiều càng tốt – những khoảng khắc tôi trốn ra ngoài ngày một nhiều. Đồng cỏ mênh mông, thảo nguyên bao la xoa dịu nỗi cô đơn ngày một toác hoác trong tôi. Những chú nài ngựa vô cùng sung sướngtrao cho tôi – cậu chủ nhỏ của một cơ nghiệp lớn – những con tuấn mã căng tràn sức sống. Từ những nước kiệu dè dặt trên những con đường trải sỏi, tôi dần trở thành một kỵ sĩ thuần thục; cúi rạp mình trên lưng ngựa, tôi ôm lấy những cái cần cổ ẩm mồ hôi nơi bờm ngựa, mặc cho chúng sải vó mang tôi đi xa. Những đám mây rất cao và rất trong. Những vạt rừng rậm rạp dương xỉ nhiều hoa trắng. Những đồi thông, đồi tùng ngút ngát vị tinh dầu… Những cành thông lớn chìa ra vững chãi như những vòng thang mạnh mẽ, giúp tôi leo lên ngọn mà phóng tầm mắt ra xa. Thiên nhiên, thảo nguyên trở thành tri kỷ của tôi, thành người thầy tâm hồn, thành sàn luyện tinh thần và thể lực. Nước da tôi dần sẫm lại, cơ bắp nở nang và những nhịp thở sâu không còn làm tôi thấy cảm giác đau buốt giữa chừng ngực. Những trò chơi tập thể, những môn thể thao đối kháng trở thành quen thuộc với tôi.

Các bác sĩ ngạc nhiên tột độ trước những thay đổi thể chất của tôi, nhưng vẫn cảnh báo gia đình cần gìn giữ, vì chẳng có gì đảm bảo trái tim tôi sẽ không dở chứng bất cứ lúc nào. Bất chấp những quy luật khắc nghiệt của tật bệnh – mười sáu tuổi – tôi trở thành vô địch bóng bàn và điền kinh học sinh sinh viên toàn thành phố. Mười bảy tuổi. Tôi ngã quỵ trên đường vì một cơn tim bất ngờ, cơn đau tim đầu tiên và duy nhất sau khi cha mẹ tôi qua đời. Sau ba ngày cấp cứu tại Việt Nam, bà nội đưa tôi sang Pháp. Tên tôi được đưa vào danh sách những người cần theo dõi đặc biệt, và nếu có người tình nguyện hiến tạng, tôi sẽ cần một trái tim khác để tồn tại. Mỗi năm có trên 50 nghìn ca giải phẫu thay tim trên thế giới, nhu cầu thay tim của con người là hàng trăm nghìn, thế nhưng chỉ có chưa đến vài nghìn người tình nguyện. Và đương nhiên – chỉ có những người bị bệnh trầm trọng, với hai mươi phần trăm hy vọng sống được một năm và không thể đáp ứng được với bất cứ phương pháp trị liệu nào khác mới là đối tượng được ưu tiên nhận cuộc sống. Trái tim của tôi bị một khiếm khuyết đặc biệt mà lịch sử y học rất hiếm gặp, không một đề phòng hay vận động nhẹ nhàng nào có thể giúp tôi giảm thiểu nguy cơ.

Sau tháng lang thang bên bờ sông Sein mùa tuyết trắng, nhìn Paris từ đỉnh tháp Effein – tôi quay trở lại Lang Biang với trái tim vẫn đang giả vờ bình yên trong ngực. Có những chứng bệnh sinh học cần những liều thuốc đúng, cần những phương pháp giải phẫu đúng, nhưng cũng có những chứng bệnh trong thần trí mà người bị bệnh mặc nhiên nghĩ mình có bệnh nên không chữa khỏi được. Tôi dứt mình ra khỏi những trăn trở về khối thịt chỉ có mỗi một việc là đập đều đặn mà cũng không xong, hướng tư duy của mình về những cuốn sách, những mảnh toan, những chiếc xe, những cây vợt, những triết học nặng nề lẫn những công thức toán hoá lý. Trái tim đồng bóng của tôi dường như cũng chán ngán việc gây hấn với gã chủ man đồng, nó ngoan ngoãn làm tròn phận sự đưa tôi đi qua hết chặng đường đại học, đi qua hết những buổi chiều ẩm mồ hôi trên lưng ngựa, đi qua những trận bóng hừng hực đối kháng, đi qua những đêm hoa và rượu miên man, qua những hợp đồng luẩn quẩn những nước cờ đấu trí. Những cơn nhói đau mỗi khi hít sâu vào những lúc căng thẳng như một lời đe doạ ngầm của nó không làm tôi mấy quan tâm, dù như một thói quen và để chiều lòng bà nội – mỗi năm, tôi vẫn quay lại Paris để kiểm tra và xem danh sách những người có thể hiến tim thay thế. Mọi thành viên trong gia đình tôi đều có tên trong danh sách đó, nếu một trong số họ tử nạn, trái tim ấy ngay lập tức sẽ được thay cho tôi. …

Đâu là cuộc sống kỳ diệu? Đâu là tình yêu kỳ diệu? …

Em yêu? …

Em hỏi tôi về điều kỳ diệu ư? …

Điều kỳ diệu nào đã để số phận mang em thả vào cuộc đời tôi, khẽ khàng và êm ái như một chiếc lá rơi… để rồi nhiều bình minh mưa bất chợt, lại để em lặng lẽ xa, không một lời từ giã. …

Lần thứ hai. …

Lần thứ ba. …

Lần thứ tư em rời Đà Lạt. Tôi biết. Tôi thực sự biết! Nằm yên lặng, tôi điều hoà nhịp tim và giữ cho hơi thở đều đặn như thể vẫn đang say ngủ. Cả đêm hôm trước, ngoại trừ những lúc lơ mơ nghe tiếng mưa rơi gõ đều vào tấm kính cửa, tôi giữ những ngón tay mình đan trong mái tóc em, giữ cho mái đầu em ngả yên trên ngực. Bản năng của một con sói nơi thảo nguyên cho tôi biết trong vùng vô tận mênh mông của nỗi cô đơn – đâu sẽ là lúc những hố đen cảm giác lại lướt qua đời. Khi khí trời còn ẩm ướt hơi mưa, những ngôi sao mất hút giữa mây đen sẫm như một tấm màn nhung thẫm lại, hơi thở luyễnh loãng của gió của sương lùa rất nhẹ qua những khe cửa, em chuồi ra khỏi vòng tay tôi êm ái, những ngón chân trần bấm nhẹ nhàng trên thảm, khẽ khàng thu dọn đồ đạc, tránh gây ra những tiếng động nhỏ nhất. Quay lưng lại phía giường, em thay váy áo trước mặt tôi. Những lọn tóc mềm mại đổ xuống bờ vai trần, những mảng sáng nhập nhoạng chảy trên lưng rồi rơi xuống chiếc eo nhỏ thon, lần áo lụa mơ hồ như sột soạt rất khẽ. Thậm chí không quay lại nhìn tôi lấy một lần, em nhẹ nhàng lách mình ra cửa, chìm khuất xa dần trên con đường bồng bềnh tràn sương trắng. …

Tôi sẽ làm gì nếu giữ em ở bên?

Mãi mãi… …

Một căn nhà trắng trên một thảo nguyên xanh. …

Em sẽ là ai khi bên tôi? Sẽ đi đâu về đâu những viễn du vòng quanh thế giới, em tìm gì khi mọi miền đất phù du đều không phải là chốn neo dừng? Sẽ đi đâu về đâu hai nửa rời rạc, hoang mang em và hoang hoải tôi? Sẽ đi đâu về đâu những khoảng trời trăng vỡ, góc ba – phần – tư…? Sẽ đi đâu về đâu những giấc mơ đêm, những sóng ngầm nén dồn khi quay gót đi trốn chạy những câu chia tay ly biệt? Sẽ đi đâu về đâu khi trái tim tôi, trái tim bất trị, chẳng bao giờ đưa ra một lời hứa hẹn chung thuỷ nào với bình minh cuộc sống? Căn phòng này đã từng có bao nhiêu cánh bướm dừng chân… Ngôi nhà này đã chứng kiến tàn canh bao cuộc rượu…



Yêu một người, là ban cho người đó quyền năng làm mình đau.

Nhớ một người, là tự tước đi của mình niềm vui không ràng buộc. … Chỉ có ở bên em – tôi mới thấy bình yên cuộc sống.

Chỉ có ở bên em – tôi mới thấy sợ hãi trước mong manh cuộc sống. …

Tôi chưa từng có can đảm giữ em ở bên. Mỗi một bình minh mưa đều có thể là lần sau cuối… Trên mảnh toan tối màu loang vết… tôi vẽ ngôi nhà trắng trên một thảo nguyên xanh. …

Em yêu. Triệu triệu vì tinh tú trên cao kia, có ngôi sao nào giữ hộ tôi và em một điều kỳ diệu không?…
alt
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc