Sợ bị mẹ phát hiện ra cái u lớn trên đầu nên Sầm Kim cố tình dùng chỗ tóc mái che đi, đến lúc rửa mặt buổi tối, cô vẫn để mẹ đổ hộ nước nóng trong phích, pha với nước lạnh xong, cô liền giằng lấy cái khăn mặt nói để tự mình rửa.
Nếu như bình thường mẹ chắc chắn sẽ nghi ngờ và tra hỏi, nhưng dạo này, mẹ cứ như người mất hồn, chẳng để ý cái gì, cho nên cũng không chú ý đến hành động lén lút của cô.
Sau đó mấy lần cô cũng định hỏi mẹ rốt cuộc bố có phải là kẻ lưu manh hay không, nhưng khi thấy thần sắc của mẹ thì cô lại không dám hỏi nữa. Mà nhìn thấy thần sắc của bố thì cô lại nghĩ không cần phải hỏi nữa, chắc chắn bố đã làm chuyện gì đó không hay bởi bố luôn như người có lỗi, lo lắng, rụt rè nhìn mẹ.
Có lần, đến bữa cơm, bố vào nhà ăn của trường lấy cơm về, bày lên bàn ăn một bữa thịnh soạn cho ba người, nhưng mẹ lại nằm trên giường, không chịu dậy ăn, bố sai cô:
- Kim Kim, gọi mẹ con dậy ăn đi, đừng để đói.
Cô chạy đến bên giường gọi mẹ, nhưng mẹ nói:
- Đói thì đói, sống như thế này thì còn có ý nghĩa gì?
Cô sợ hãi:
- Mẹ, mẹ không thể chết được, mẹ chết thì con làm thế nào?
Mẹ thở dài, ngồi dậy rồi ăn cơm:
- Không phải vì con thì mẹ thật không muốn sống nữa.
Bố hạ thấp giọng nói:
- Kim Phần, em hãy vì con.
Mẹ nói nghẹn giọng:
- Tôi đang nói với con gái, không nói với anh. Anh còn dám bảo tôi hãy vì con? Anh nghĩ đến con mà anh lại làm việc đó?
- Lúc đó đã có con gái gì đâu?
- Sao lại chưa có? Chẳng phải sau khi có con rồi anh mới lấy tôi đó sao?
- Anh cũng không biết đó có phải là con anh không.
Cô nghe thấy từ “con” liền vội vàng hỏi:
- Có phải bố mẹ đang nói về con không?
Mẹ bực bội nói:
- Không phải. Người lớn đang nói chuyện, đừng có xen vào.
Bố nói vẻ rất cầu khẩn:
- Kim Phần, chúng ta đừng nói chuyện này trước mặt con.
- Nó sớm muộn cũng sẽ biết, chúng ta không nói chẳng nhẽ người khác lạ không nói cho nó biết? Hơn nữa chúng ta ly hôn thì nó cũng sẽ biết.
- Kim Phần, anh xin em, đừng ly hôn, anh không thể sống thiếu em.
Bố nói mà nước mắt trào ra.
Mẹ đau đớn nói:
- Không ly hôn có được không? Không ly hôn thì sẽ xử anh tội hai vợ, tống anh đi tù.
- Anh chấp nhận ngồi tù, nhưng tôi không muốn ngồi tù, nếu chúng ta cùng ngồi tù thì con gái tôi sẽ thế nào?
Bố đau khổ khóc không thành tiếng:
- Trời ơi, sao lại vô lý như thế!
Mẹ át đi:
- Anh đừng ở đây mà nói những lời như thế! Việc này có liên quan gì đến Đảng? Ai bảo anh đã lấy vợ rồi còn lấy thêm vợ nữa? Đây là xã hội Trung Quốc mới, thực hiện chế độ một vợ một chồng.
- Nhưng anh chưa hề kết hôn với cô ta! Bọn anh chưa đăng ký sao có thể coi là kết hôn được chứ?
- Hai người có người làm mối, kiệu hoa rước về nhà, lễ bái thiên địa, động phòng hoa chúc, tại sao không tính là đã kết hôn?
- Nhưng do anh bị ép buộc! Anh không yêu cô ta, chỉ vì để được đi học nên mới đồng ý bái thiên địa với cô ta.
- Nếu anh không yêu cô ta thật lòng sao còn vào động phòng với cô ta? Chắc không đến mức đám cưới vừa kết thúc, anh bỏ đi học luôn chứ?
- Nếu anh không vào động phòng, người nhà sẽ không cho anh đi học.
- Thế anh muốn thế nào? Lúc đi học thì nghe lời gia đình, kết hôn với người ta, học xong rồi thì không cần người ta nữa? Em là phụ nữ cũng không thể đồng tình với cách làm này của anh.
Bố run rẩy nói:
- Kim Phần, em định dồn anh vào chỗ chết hả!
- Em dồn anh vào chỗ chết? Là anh dồn em vào chỗ chết mới đúng! Em vứt bỏ tất cả, đến bố mẹ cũng không màng, chỉ vì để được sống cùng anh, em mò đến cái nơi khỉ ho cò gáy này, ở gian căn phòng tồi tàn này, sống cuộc sống nghèo khổ như vậy là vì cái gì? Đều là vì tình yêu của chúng ta đúng không? Kết quả thì thế nào? Anh biến em thành đồng phạm của một cuộc hôn nhân bất hợp pháp, trở thành tình nhân của anh, trở thành một con đàn bà vô liêm sỉ, không phải vì con gái em thì em đã đâm đầu chết từ lâu rồi, anh còn dám nói em dồn anh vào chỗ chết?
- Kim Phần, anh có lỗi với em, anh có lỗi với em. Nhưng không phải anh cố tình làm như vậy! Anh tưởng không đăng ký kết hôn thì hôn nhân sẽ không được tính.
Cả bố và mẹ đều khóc, cô cũng sợ quá khóc theo.
Một thời gian sau, bố rời khỏi nhà. Cô không nhìn thấy bố chuyển đi thế nào, chỉ bỗng phát hiện ra trên giường thiếu mất một cái chăn.
Theo những gì cô còn nhớ, nhà có hai cái chăn, một cái màu hồng phần, một cái màu xanh nước biển, đều là loại chăn bằng vải sa tanh, kẻ sọc. Một thời gian dài cô cứ tưởng nhà nào cũng có hai cái chăn như vậy, sau này mới biết đó là quà cưới mà ông bà ngoại đã tặng khi mẹ lấy chồng, thời ấy đó là món quà rất đáng giá, người bình thường không mua nổi.
Nhưng khi đó mẹ cô không biết làm việc nhà, cho cả cái chăn sa tanh vào trong nước kiềm để giặt, hậu quả là cái chăn nhanh chóng bị rút sợi, có chỗ mỏng hẳn đi, có chỗ chỉ còn lại mấy sợi tơ ngang, còn hàng dọc đều không biết đã biến đi đâu, lúc nhỏ, cô thích nhất là cho tay vào cái lỗ giữa các sợi hàng ngang để móc bông bên trong ra.
Giờ cái chăn màu xanh nước biển đã biến mất, cô hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, nhà mình còn có một cái chăn nữa mà?
- Bố con mang đi rồi.
- Bố mang đi đâu ạ?
- Bố chuyển đi rồi.
- Tại sao bố phải chuyển đi? Bố không yêu con nữa à?
- Không phải bố muốn chuyển đi, mà nhà trường bắt bố chuyển đi. Kim Kim, mẹ nói cho con việc này, con không được khóc, phải dũng cảm lên, giờ mẹ chỉ dựa vào mình con thôi.
Cô nói rất dũng cảm:
- Mẹ, mẹ cứ nói đi, con không khóc, lâu lắm rồi con không khóc.
- Ừ! Kim Kim dũng cảm. Mẹ muốn nói với con… là… bố con… ông ấy… trước đây đã từng kết hôn, có một bà vợ, một đứa con, nhưng bố con tưởng mình chưa kết hôn vì cứ nghĩ họ chưa đi đăng ký, nên đã kết hôn với mẹ, sinh ra con. Giờ bị nhà trường điều tra ra, nói bố con phạm tội hai vợ, bởi vì một người không thể cùng lúc kết hôn với hai người, như vậy là phạm tội.
- Bố phải ngồi tù ư?
- Không, nhưng Sở công an hủy hôn ước của bố với mẹ, như vậy bố mới không bị phạm tội hai vợ.
Cô hỏi một cách tràn đầy hi vọng:
- Vậy bố có thể trở về ư?
- Sao bố có thể trở về được? Hôn nhân của bố mẹ đã bị hủy bỏ, giờ bố không còn là chồng của mẹ nữa, bố là chồng của người khác, thế nên bố không thể ở cùng với chúng ta được nữa.
- Bố… đến ở nhà người khác?
- Chưa đâu, bố không muốn đi, bố không thích người đó.
- Thế bố đi đâu?
- Giờ bố tạm thời ở trong phòng làm việc của công đoàn.
- Con có thể đi thăm bố không?
- Con đi thăm ông ấy làm gì? Ông ấy đã không còn là bố của con nữa.
- Vậy ai là bố của con?
Mẹ bực bội đáp:
- Chẳng có ai là bố của con cả, con không có bố!
Cô vẫn muốn hỏi nữa, nhưng có người gõ cửa, mẹ ra mở cửa, đó là bác sĩ quan quân đội. Mẹ mời bác vào nhà ngồi, bác nói:
- Kim Kim, cháu qua nhà bác chơi với Vệ Quốc được không?
Cô vẫn chưa trả lời mẹ đã nói:
- Kim Kim nhà em buổi tối chưa bao giờ ra ngoài chơi cả.
Nét mặt bác sĩ quan có vẻ khó xử:
- Chúng ta cần nói chuyện, trẻ con nghe thấy không hay lắm.
- Không sao, em cũng đang nói với nó chuyện của bố nó, nó không còn nhỏ nữa, cũng phải biết, hơn nữa trên thế gian này chẳng có bức tường nào mà không lọt gió, em không nói thì người khác cũng sẽ nói với nó.
Mẹ nói như ra lệnh:
- Kim Kim, lên giường ngủ đi.
- Con vẫn chưa rửa chân.
- Ngủ đi, một hôm không rửa cũng chẳng sao.
Cô chạy ngay đến bên giường cởi áo khoác ra, rồi lên giường đi ngủ. Nhưng cô cũng không thể ngủ nổi, cứ nhắm mắt giả vờ ngủ, thỉnh thoảng lại mở mắt xem mẹ đang làm gì.
Bác sĩ quan và mẹ ngồi đối diện nhau qua cái bàn, hai người nói gì đó với nhau rất nhỏ nên cô cũng chẳng nghe thấy điều gì. Bác sĩ quan cầm trên tay cốc trà mẹ đưa, cười cười rồi nói, còn mẹ thì cứ cúi đầu di ngón tay xuống bàn một cách vô thức.
Cô chưa bao giờ thấy mẹ như vậy, mẹ nói chuyện lúc nào cũng rất hồ hởi, biết biểu đạt tình cảm, cười vui vẻ, đôi mắt rất có hồn, nói chuyện với ai cũng nhìn thẳng vào người đó, còn cái dáng vẻ cứ căm lặng cúi đầu như lúc này thì xưa nay chưa nhìn thấy bao giờ.
Một lát sau, cô thấy mẹ dùng một que diêm móc từng chỗ đất đen đen trong khe bàn ra. Đó là cái bàn rất cũ, hình như là được ghép lại từ mấy thanh gỗ, giữa các thanh có những khe đen đen, thấp hơn mặt bàn, giống như những cái rãnh nhỏ, bên trong là đất đen mềm mềm.
Trước đây cô thích nhất dùng diêm móc chỗ đất đen trong mấy cái khe đó, từng chút từng chút ra một, chất thành một đống ở bên cạnh khe, tạo nên một dãy núi nhỏ đen đen, cảm giác như một thành tích, nhưng mẹ không cho cô làm thế, nói đó là đất đèn dùng để dính kết mấy thanh gỗ với nhau, nếu móc hết ra như vậy sẽ làm cho bàn bị long ra, cho nên cô không dám móc nữa.
Không ngờ đến mẹ cũng móc chỗ đất đèn trong cái khe bàn đó ra!
Sau khi bác sĩ quan đi rồi, mẹ đóng cửa lại, cô chui từ trong chăn ra hỏi:
- Bác ấy về rồi ạ?
Mẹ giật mình nói:
- Con vẫn chưa ngủ sao?
- Con còn chưa rửa chân.
Mẹ đổ nước vào chậu, gọi cô ra rửa mặt mũi tay chân, cô hỏi:
- Mẹ ơi, chẳng phải mẹ nói là không được móc đất đèn trong khe bàn ra mà? Sao hôm nay mẹ lại móc ra?
Dường như mẹ đang nghĩ gì đó, bị cô cắt đứt dòng suy nghĩ, ngây ra một lát rồi mới đáp:
- Mẹ đã móc sao? Mẹ không để ý.
Sau khi bố chuyển đi, thỉnh thoảng nhân lúc mẹ không có nhà, bố chạy đến thăm cô, lần nào cũng vội vội vàng vàng, nói chưa được dăm ba câu lại chạy vội đi, nói rằng đang lao động, tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ lén chạy đến thăm cô, giờ phải đi, nếu không sẽ bị người giám sát phát hiện ra thì rất phiền phức.
Bố bảo cô đừng nói với mẹ là bố đến thăm, cô cố giấu không nói với mẹ, sợ mẹ giận sẽ mắng bố.
Vào thời gian đó, cô rất cô đơn, lũ trẻ không chơi với cô, bố cũng không ở cùng cô, mặc dù mẹ vẫn ở với cô nhưng lúc nào cũng bồn chồn, trầm lặng ít nói.
Những ngày tháng như vậy qua đi, kỳ nghỉ hè đã đến, mẹ nói với cô:
- Đến thứ Năm tới mẹ phải đi học tập trung hai tuần, một tuần mới được về một lần, mẹ muốn con đến nhà bà Hoàng ở để bà chăm sóc con.
Cô vẫn nhớ bà Hoàng, là bà bảo mẫu của cô lúc nhỏ, ở ngay bên cạnh trường học. Sau khi mẹ sinh cô, công việc rất bận, bà ngoại lại không thể đến chăm cô, trường học cũng không có nhà trẻ, mẹ phải tìm cho cô một bảo mẫu, là bà của một học sinh do mẹ dạy.
Nhưng bà Hoàng phải chăm sóc các cháu của bà, mặc dù chúng không còn bé bỏng phải chăm bẵm bú mớm nhưng cũng không thể không có người lớn quản, vì vậy bà Hoàng không thể đến nhà cô làm bảo mẫu mà mỗi sáng mẹ đưa cô đến nhà bà Hoàng, chiều hết giờ làm việc lại đón cô về.
Bà Hoàng chăm sóc cô rất tốt, mẹ rất quý bà, ngoài tiền công ra còn thường xuyên biếu bà thêm một chút tiền và quà cáp. Sau này cô lớn rồi, không cần bảo mẫu trông nữa, mẹ vẫn thỉnh thoảng biếu quà. Có lúc bố mẹ đều phải đưa học sinh về nông thôn lao động thì cũng để cô ở nhà bà Hoàng.
Nhưng đã rất lâu rồi cô không đến chỗ bà Hoàng, cảm thấy hơi là lạ, muốn ra điều kiện với mẹ:
- Con cứ ở nhà mình không được sao?
- Con nhỏ như vậy, sao có thể ở nhà một mình được, ở nhà một tuần một mình?
Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đến nhà bà Hoàng.
Ở nhà bà Hoàng không có ai chơi, cô đành phải chơi với cái rổ kim chỉ của bà Hoàng, đó là cái rổ đan bằng mây to tầm cái chậu rửa mặt, bên trong để mấy thứ lặt vặt như kim chỉ, cúc kẹp, nếu may mắn thì còn có thể tìm thấy một hai hào. Nếu tích góp lại được năm hào thì có thể ra cửa hàng mua dăm cái kẹo bạc hà.
Bà Hoàng đã già hơn so với mấy năm trước, cũng không còn được minh mẫn, nhanh nhẹn như trước nữa, phần lớn thời gian là nằm ngủ gà ngủ gật trên cái ghế tựa. Nấu cơm cũng chẳng ra làm sao, bữa thì cháo với rau muối, bữa thì chút cơm trắng trộn với mỡ, chút muối và chút tương, rang cho nóng lên là thành cơm, thành thức ăn.
Hàng ngày ăn trưa xong, bà Hoàng đều ấn cô lên giường đi ngủ, cô rất sợ phải nằm cạnh bà Hoàng, cứ nghĩ lát sau tỉnh lại có thể bà đã chết rồi, bởi vì bà thường nói mình “tướng sắp chết rồi, sống không được bao lâu nữa”.
Cô hỏi bà Hoàng:
- Tướng sắp chết là thế nào?
Bà Hoàng cũng không kiêng kỵ gì, chỉ vào mặt mình nói:
- Mặt như bà Hoàng cháu đây chính là tướng sắp chết rồi.
Cô nhìn kĩ mặt bà, có rất nhiều nếp nhăn, mí mắt sưng húp, răng mất gần hết, tóc sắp rụng sạch. Cô vui mừng nghĩ:
- Cũng may, bố mẹ mình đều không có tướng sắp chết.
Dáng bà Hoàng ngủ còn đáng sợ hơn lúc bà thức, cô sợ đến nỗi cứ tụt xuống chỗ chân bà để ngủ, cảm thấy như vậy có thể cách xa thần chết hơn một chút. Nhưng cô vẫn không tài nào chợp mắt nổi, cứ nhìn chằm chằm vào chân bà, thấy chân bà rất kỳ quái, nó nhọn nhọn từ ngón chân đến lòng bàn chân, gót chân có rất nhiều vết nứt khô nẻ, tiếc là không thể nhổ chút nước bọt bôi cho bà.
Cuối cùng cũng đến ngày mẹ kết thúc khóa học tập trung, nghĩ đến việc tối nay mẹ sẽ đến đón cô về, cô rất phấn khởi, ăn cũng thấy ngon hơn, ngủ cũng thấy say hơn.
Có thể do hai tuần qua cô chưa được ngủ ngon hôm nào, nên trưa hôm đó, cô ngủ rất dài, lúc tỉnh dậy thì mặt trời đã sắp xuống núi. Bà Hoàng không nằm trên giường, cô nghe thấy bên ngoài có tiếng nói chuyện ồn ào, chạy đến bên cửa sổ nhìn ra, bên ngoài có một đám đông đang lớn tiếng bàn luận điều gì đó.
Một phụ nữ trung niên nói:
- Xem ra anh ta không muốn sống nữa thật, hố nước sâu như vậy còn buộc bên mình một tảng đá lớn, thế chẳng chìm xuống đến tận đáy sao?
Một người đàn ông nói:
- Đàn ông chúng tôi là như vậy, muốn chết thì phải chết thật, không như đàn bà các người, nhảy sông treo cổ đều chỉ để dọa người khác, tìm mấy cái vũng nước sâu ba thước để nhảy, con khóc ba đêm ba ngày bên hồ, sợ không có ai nghe thấy sẽ không có người kéo lên.
Bên ngoài, đàn ông đàn bà chia thành hai phe, anh công kích tôi, tôi công kích anh.
Nhưng không biết tại sao, khi nghe thấy câu “buộc mình bên một tảng đá lớn” thì Sầm Kim giật mình, giống như đầu bị vật gì đó đập mạnh một cái, bang một tiếng, màng nhĩ chấn động đến nỗi như sắp rách toang.