https://truyensachay.net

Từng Có Một Người, Yêu Tôi Như Sinh Mệnh

Chương 11: Chuyện cũ

Trước Sau

đầu dòng
Tôi không biết tôi vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào, tôi không có tâm trạng làm bất cứ việc gì, ban đêm không thể chợp mắt nên tôi ngồi bên cửa sổ gặm móng tay, gặm gần đến phần thịt đỏ hồng trên mười đầu ngón tay.

Tin tức mà Khâu Vĩ dò hỏi được là Tôn Gia Ngộ vẫn ở trong phòng giám hộ dành cho những bệnh nhân nguy kịch. Mấy lần anh suýt nguy hiểm đến tính mạng nhưng được cấp cứu kịp thời. Nghe những lời này, tôi chỉ muốn trốn kỹ vào một nơi nào để không phải đối mặt với sự hành hạ đau đớn đến tận tâm can. Cuối cùng, tôi cũng chỉ có thể vào nhà vệ sinh khóc một trận, nhưng không dám khóc to vì sợ ảnh hưởng đến tâm trạng người khác.

Sau mấy ngày chờ đợi trong sự khủng hoảng về tinh thần, La Tây quả nhiên gọi điện thoại đến, bảo tôi và Khâu Vĩ tới nhà chị ta một chuyến.

Lần này La Tây không còn tỏ vẻ ta đây, chị ta ngồi sẵn ở phòng khách chờ chúng tôi. Chúng tôi vừa ngồi xuống, chị ta lập tức mở miệng: "Tôi đã hỏi rồi, không phải người của bên đó làm, bọn họ không có sức mạnh lớn như vậy".

Khâu Vĩ ngẩng đầu há hốc miệng, ánh mắt anh đầy vẻ ngạc nhiên: "Chị chắc chắn?"

La Tây tỏ ra không vui: "Anh nghĩ tôi là người nói năng tùy tiện sao?"

"Chị La, tôi không có ý đó". Khâu Vĩ vội vàng giải thích: "Tôi chỉ cảm thấy kỳ lạ, không phải người của bên đó, lẽ nào...là điều tôi đang lo lắng?".

La Tây nhướng mày nhìn anh ta: "Anh muốn nói gì?"

"E có người sợ hãi, sợ Gia Ngộ khai ra những chuyện bất lợi với bọn họ?"

La Tây cúi xuống uống một ngụm cà phê, sau đó chị ta nói một câu chẳng ăn nhập: "Việc Kuchma làm hai nhiệm kỳ, đối với một số nhân vật trong chính phủ là sự bắt đầu của cơn ác mộng". (Kuchma là tổng thống Ukraine)

Khâu Vĩ rõ ràng hiểu ý chị ta, anh trầm mặc gật đầu.

La Tây nói tiếp: "Như bến cảng Odessa này, lượng hàng hóa ra vào mỗi năm là năm mươi triệu tấn, không biết vỗ béo bao nhiêu người, thảo nào có kẻ đỏ mắt".

Khâu Vĩ hơi nóng ruột: "Vậy...chuyện của Gia Ngộ khó giải quyết lắm phải không ạ?"

"Đúng vậy". La Tây gật đầu đồng tình: "Nếu chỉ là vụ án bắt cóc thì chỉ cần nghĩ cách khiến nguyên cáo thay đổi lời khai và rút đơn kiện là xong. Nhưng liên quan đến buôn lậu, con số lại rất lớn, phía Kyiv cũng đã để mắt tới nên rất khó giải quyết". (Kyiv là thủ đô của Ukraine, ý của La Tây là trên Trung ương cũng đã để mắt tới vụ án buôn lậu của Gia Ngộ)

"Vậy..." Khâu Vĩ chớp mắt, anh không biết hỏi gì thêm.

Tôi lặng im nhìn gương mặt xinh đẹp của La Tây, cố gắng lý giải nội dung cuộc nói chuyện của bọn họ. Trong lúc này, tôi hối hận bình thường không quan tâm đến tin tức thời sự. Tôi đột nhiên nhớ tới câu nói của Andre, anh nói chính phủ đã hứa với người dân bỏ phiếu sẽ đánh mạnh vào hoạt động buôn lậu và loại trừ hủ bại trong ngành hải quan. Lúc đó anh cũng hỏi tôi một câu mang hàm ý sâu sa: Cô có biết lúc này mà bị xét xử, hậu quả sẽ như thế nào không?

Tôi dần dần hiểu ra, đôi tay đang cầm cốc nước của tôi run lẩy bẩy, lòng bàn tay chảy đầy mồ hôi.

La Tây liếc nhìn tôi, ánh mắt chị ta lạnh lẽo như lớp băng: "Tôn Gia Ngộ không phải là kẻ ngốc, cậu ấy biết rõ hơn ai hết. Hôm đó, đầu óc cậu ấy có vấn đề nên mới báo cảnh sát, tự cậu ta cố tình đâm đầu vào chỗ chết".

Tôi không thể chịu nổi ánh mắt cay nghiệt của La Tây nên cúi gằm mặt. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy đôi mắt của chị ta như ánh đèn sáng rực chiếu xuống người tôi.

Căn phòng trở nên yên tĩnh trong giây lát. Mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng của mình, chúng tôi thậm chí có thể nghe thấy hơi thở của nhau.

"Chị La" Khâu Vĩ phá vỡ không khí trầm mặc: "Mạng sống của Gia Ngộ nằm trong tay chị, chúng tôi nên làm thế nào xin chị hãy nói một tiếng".

"Sao anh nói như vậy? Tôi không gánh nổi đâu". La Tây hơi mỉm cười, lời nói của chị ta có vẻ khiêm tốn nhưng thái độ rõ ràng chờ đợi câu này từ lâu.

"Ai cũng biết chị La có năng lực và mối quan hệ rộng rãi ở Odessa. Nếu chị không làm được thì chẳng có ai làm nổi. Gia Ngộ còn trẻ tuổi thiếu hiểu biết, mong chị hãy nể tình xưa nghĩa cũ, đưa tay giúp cậu ấy vượt qua kiếp nạn này".

Tôi không ngờ một người có lòng tự trọng như Khâu Vĩ lại có thể nói ra những lời cầu xin khẩn thiết như vậy.

La Tây quả nhiên tỏ thái độ mềm mỏng hẳn: "Vụ này không phải không có cách giải quyết, nhưng chắc chắn sẽ tốn công sức. Trên Kyiv có người đồng ý giúp đỡ, có điều họ đưa ra giá hơi cao".

"Bao nhiêu ạ?"

"Ba trăm ngàn". La Tây ngừng một lát rồi bổ sung thêm: "Tiền mặt".

"Ba trăm ngàn? Mẹ kiếp". Khâu Vĩ thở hắt ra: "Tương đương hai triệu bảy trăm ngàn nhân dân tệ? Thế mà cũng mở miệng đòi được, rõ ràng là nước đục thả câu mà". (Lúc đó ở ngoài chợ đen một đô la mỹ đổi được tám chín nhân dân tệ)

La Tây sa sầm mặt: "Anh nói năng tử tế hơn một chút có được không? Anh ra đời làm ăn bao nhiêu năm mà chẳng hiểu gì cả. Dù ở trong nước, vớt một mạng người, anh có biết tốn bao nhiêu tiền không?"

"Tôi không biết, cũng chẳng có kinh nghiệm về việc đó, mong chị hãy chỉ bảo cho tôi". Khâu Vĩ tức đến mức không còn kìm chế nổi.

La Tây cũng không vừa, cặp lông mày của chị ta dựng ngược cả lên: "Anh và Gia Ngộ giống hệt nhau. Người tôi nhờ không phải có địa vị tầm thường. Khó khăn lắm ông ta mới mở miệng đồng ý giúp đỡ, anh còn định ngã giá như mua hàng ngoài chợ?"

"Nhưng cũng không thể như con sư tử há to miệng".

"Khâu Vĩ!" La Tây đập bốp xuống bàn, giọng nói trở nên đanh thép: "Người ta nể mặt tôi nên mới nhận lời, anh không cần thì thôi, người ta cũng chẳng thèm số tiền của anh. Nhưng tôi nói cho anh biết, dù anh có làm đơn xin hoãn, phiên tòa xét xử đầu tiên cũng chỉ hoãn đến cuối tháng tám là cùng".

Khâu Vĩ từ từ quay mặt đi nơi khác: "Toàn bộ tài sản của Gia Ngộ bị đóng băng, gom ba trăm ngàn...".

"Đó là việc của anh". La Tây không khách sáo: "Tôi cho hai người mười ngày, gom đủ tiền rồi hãy đến tìm tôi".

Nhìn bộ dạng khó coi của Khâu Vĩ, tôi không nhịn được nên nói xen vào: "Em còn hơn bốn mươi ngàn đô la, Gia Ngộ để lại cho em".

Khoản tiền này gửi ở "ngân hàng ngầm" nên không bị cảnh sát Odessa rờ tới.

Hai người đều quay đầu nhìn tôi, nhưng biểu hiện của họ hoàn toàn khác nhau. Vẻ mặt của Khâu Vĩ là bất lực còn La Tư là sự ngạc nhiên pha lẫn châm biếm khó phát giác.

"Ôi trời, cậu ta rộng rãi với đàn bà thật đấy". La Tây nửa cười cửa không nhìn tôi.

Khâu Vĩ lén giật tay áo tôi, ra hiệu tôi đứng dậy chào từ biệt La Tây: "Bọn tôi đi gom tiền tiền, có gì làm phiền chị"

"Được rồi, tôi không tiễn". La Tây vẫn ngồi nguyên một chỗ, nhưng ánh mắt chị ta rất kỳ lạ, làm tôi nhớ đến lần đầu tiên gặp chị ta.

Đến khi đi một đoạn khá xa, tôi vẫn có thể cảm nhận thấy ánh mắt sắc bén của chị ta dõi theo bóng lưng tôi.

Rời khỏi ngôi biệt thự sang trọng đó, chúng tôi vào một quán cơm ở bên đường.

"Cô này chẳng chịu động não gì cả?" Khâu Vĩ trách móc tôi: "Cô nói chuyện với La Tây mấy lần rồi, quan hệ giữa chị ta và Gia Ngộ trước kia như thế nào cô không rõ sao? Tự nhiên lại nhắc đến tiền nong trước mặt chị ta, cô không sợ chị ta nổi cơn ghen trở mặt ngay tại chỗ à?"

Tôi cúi đầu xoay đi quay lại cốc nước trong tay. Tôi không phải làm chuyện ngu ngốc, tôi chỉ muốn Tôn Gia Ngộ nhanh chóng được thả ra, nhưng hình như tôi toàn chọn sai thời cơ nói những lời không đúng.

Khâu Vĩ nhìn tôi lắc đầu thở dài, cuối cùng anh đưa cho tôi số điện thoại của mấy người và dặn dò: "Chúng ta chia nhau ra gom ba trăm ngàn. Đây là mấy người bạn thân của Gia Ngộ, cô cũng từng gặp họ rồi đấy. Cô hãy đi nói chuyện tử tế với họ, nếu người ta không muốn cho cô mượn tiền thì cô cũng đừng tỏ ra bất lịch sự. Họ đều là những người sau này chúng ta ngẩng đầu không gặp cúi đầu cũng thấy."

Tôi gật đầu, nhận tờ giấy trên ghi một loạt tên và số điện thoại, sau đó cẩn thận gấp lại và bỏ vào ba lô.

Khâu Vĩ không yên tâm lại dặn tiếp: "Chuyện đi vay tiền, người ta nể mặt thì cho vay, không thì thôi, cô đừng nổi nóng với bọn họ".

Tôi gật mạnh đầu: "Em biết rồi, biết rồi."

Đến khi đi tìm người vay tiền, tôi mới hiểu rõ lý do Khâu Vĩ dặn dò tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là nhân tình thế thái, thế nào gọi là lòng người đen bạc.

Những người này trước kia đều tự xưng là anh em của Tôn Gia Ngộ. Vậy mà bây giờ vài người thậm chí không che dấu thái độ cười cợt trên nỗi đau của người khác. Một số tỏ ra khách sáo hơn nhưng vẫn giữ nụ cười xa cách và thái độ lảng tránh đằng sau bộ mặt lịch sự.

Bây giờ ở trong mắt bọn họ, giá trị của Tôn Gia Ngộ bằng không, thậm chí là số âm. Khi nhắc đến chuyện mượn tiền, nụ cười trên môi họ trở nên rất miễn cưỡng. Đa phần rút ba bốn ngàn đô la Mỹ nhét vào tay tôi theo kiểu bố thí, vẻ mặt của bọn họ như bỏ tiền ra ngoài chơi bời một bữa, không định thu hồi.

Tôi giả vờ như không thấy những biểu hiện đáng buồn đó, tôi vẫn viết giấy ghi nợ và đề rõ sẽ trả cả gốc lẫn lãi trong vòng nửa năm như lời Khâu Vĩ dặn.

Đến nhà người cuối cùng, tôi chỉ mượn được hai ngàn đô la. Chủ nợ còn nhấn mạnh, lãi suất là ba phân (ba phần trăm), mức lãi suất cao bằng cho vay nặng lãi.

Tôi rất muốn ném tập tiền vào mặt anh ta, sau đó hất bàn rồi bỏ đi. Nhưng nhớ đến lời Khâu Vĩ, tôi cố gắng nuốt giận, mỉm cười ký tên vào giấy ghi nợ.

Chủ nợ còn làm ra vẻ bi ai: "Tiền của tôi đặt hết vào hàng hóa rồi. Tôi cũng vì Tiểu Tôn nên mới chạy vạy, mượn đông mượn tây".

Tôi nhìn anh ta bằng ánh mắt khinh thường, không hề muốn nói chuyện với anh ta. Cũng chính là người này, mỗi lần đi chơi casino thua bốn năm ngàn đô la Mỹ là chuyện thường, thay gái như thay áo. Nhưng tôi vẫn nhớ tới lời Tôn Gia Ngộ nói với tôi: làm gì có đồng tiền nào từ trên trời rơi xuống.

Nghĩ đến đây, tôi hết tức giận. Tôn Gia Ngộ nói rất đúng, đồng tiền của người ta, người ta muốn làm thế nào là tự do của người ta.

"Cám ơn đại ân đại đức của anh". Tôi đứng dậy cáo từ.

Gương mặt người đó hơi đỏ ửng, hoặc giả tôi nhìn nhầm. Kẻ nói ra những lời như vậy làm sao có thể đỏ mặt? Tôi cầm tập tiền mỏng phi nhanh ra cổng, thề từ nay về sau không bao giờ gặp lại người này.

Buổi tối về nhà, tôi đưa hai mươi ngàn đô la mượn được trong ngày cho Khâu Vĩ. Anh gom được hơn bốn mươi ngàn, trong tay anh có hơn ba mươi ngàn, tất cả cũng chỉ là một trăm ngàn, còn lâu mới tới con số ba trăm ngàn.

Nhìn đống tiền giấy cũ mới lẫn lộn, Khâu Vĩ nghiến răng ken két, đôi lông mày nhíu chặt vào nhau.

"Anh đừng sốt ruột, kiểu gì cũng có cách mà". Tuy tôi cũng rất lo lắng nhưng bắt gặp bộ dạng của anh, tôi liền lên tiếng an ủi.

"Không sao, tôi cũng không trách bọn họ, bây giờ đang là mùa nhập hàng, ai cũng thiếu tiền mặt cả. Ngày mai tôi sẽ nghĩ cách gán hết lô hàng trong tay rồi tính sau".

Tôi chỉ im lặng nhìn anh chăm chú.

Tết năm nay khi vợ Khâu Vĩ tới Ukraine, tôi mới biết bên nhà vợ anh là người Đông Bắc. Bố mẹ và em trai vợ một hai năm gần đây lần lượt mất việc làm, gia cảnh nhà Khâu Vĩ cũng rất bình thường. Vì vậy vợ chồng anh có áp lực kinh tế khá lớn. Khâu Vĩ bất đắc dĩ mới phải từ chức theo người ra nước ngoài làm ăn. Anh tương đối gặp may nên ở Ukraine vài năm đã tạo dựng được sự nghiệp nho nhỏ, tất nhiên số tiền kiếm được đều là tiền mồ hôi nước mắt. Bây giờ anh mà gán hết lô hàng, có nghĩa cầm cố với giá rẻ, công sức vất vả trong suốt một mùa trở thành công cốc.

Chúng tôi im lặng một lúc, Khâu Vĩ cất giọng mệt mỏi: "Triệu Mai, cô về trước đi, có gì ngày mai chúng ta tính sau".

Tôi rời khỏi căn hộ của anh, lết về đến nhà cũng sức cùng lực kiệt, lại gặp đúng lúc thang máy bị hỏng, tôi phải nghỉ giữa chừng mấy bận mới leo lên nổi tầng chín. Cuối cùng, tôi đứng ở cửa cầu thang bộ vừa ho vừa thở hổn hển như người bị bệnh lao độ ba.

"Mai!" Có người gọi tên tôi.

Tôi ngẩng đầu, hóa ra là mẹ con Valeria đang đợi ở cửa nhà tôi.

"Sao hai mẹ con lại đến đây?" Tôi vô cùng kinh ngạc.

"Tôi đến thăm cô". Valeria cầm tay Ivan lắc lắc: "Ivan, mau chào cô đi!"

Ivan mím chặt môi không lên tiếng.

Tôi tiến lại gần ôm cậu bé, trên người Ivan có mùi sữa thơm phức. Tôi áp sát hôn loạn xạ lên mặt và cổ cậu bé, Ivan bị nhột liền bật cười thành tiếng.

"Mai, tôi nghe nói rồi". Valeria tiến lại gần: "Tôn có khỏe không?"

"Anh ấy...không được khỏe lắm". Tôi vùi mặt vào ngực Ivan và nói khẽ.

Valeria đỡ lấy vai tôi, chị thở dài: "Cô đừng buồn, rồi sẽ tốt cả thôi".

Tôi mỉm cười gượng gạo, tôi quả thật không còn sức lực để nói chuyện.

"Cô hãy đưa chìa khóa cho tôi". Valeria giơ hộp cơm trong tay: "Tôi mua hộp cơm rang ở nhà hàng Trung Quốc, chắc cô vẫn chưa ăn tối phải không?"

Tôi miễn cưỡng lấy lại tinh thần, mở cửa vào nhà rồi kéo tay Ivan đến bàn ăn, tôi xúc nửa bát cơm đưa cho cậu bé.

Ivan nhận bát cơm rồi cúi gằm mặt xuống ăn lấy ăn để, cậu bé có vẻ đói bụng.

Tôi thương cậu bé nên quay sang trách cứ Valeria: "Chị đợi bao lâu rồi? Người lớn có thể đợi, nhưng chị không thể để trẻ con đói bụng".

Valeria không đáp lời tôi, chị rút từ trong túi xách một cái túi giấy đặt trước mặt tôi: "Mai, cô hãy cầm lấy chỗ này, vài ngày nữa tôi có thể gom thêm một ít".

Tôi mở túi giấy, bên trong là một đống tiền hryvnia gồm các mệnh giá khác nhau. (Hryvnia là tiền Ukraine)

"Đây là gì vậy?" Tôi nghi hoặc hỏi.

"Tôi nghe nói cô đang đi vay tiền ở khắp nơi".

"Thế thì sao?"

Valeria cúi đầu: "Khoản tiền hryvnia này đổi thành đô la cũng được tám ngàn. Tôi biết là chẳng thấm vào đâu nhưng cô đừng từ chối".

Tôi gạt cái bát sang một bên rồi đứng dậy: "Valeria, chị còn phải nuôi Ivan nữa".

"Tôi biết". Chị không nhìn tôi, giọng nói trở nên nghèn nghẹn: "Nhưng nếu không có anh ấy, tôi và Ivan cũng không sống đến ngày hôm nay...".

"Chị cầm về đi". Tôi nhét túi giấy vào tay Valeria: "Nếu anh ấy biết được, anh ấy tuyệt đối không đồng ý nhận tiền của chị".

Valeria mếu máo, hai mắt ngấn lệ: "Tại sao? Tôi vẫn chưa có cơ hội báo đáp Tôn!"

Tôi còn chưa lên tiếng, Ivan ở bên cạnh đột nhiên có một cử chỉ bất ngờ, cậu bé giật lấy túi tiền đặt trước mặt tôi và lên tiếng: "Cho papa, cho papa".

Tôi kinh ngạc nhìn cậu bé như không tin nổi vào mắt mình: "Ivan, cháu vừa nói gì?"

Cậu bé rõ ràng vừa biểu đạt ý kiến của mình.

Nhưng Ivan không thèm để ý đến tôi, cậu bé lại ngồi xuống cắm cúi ăn cơm tiếp.

Valeria xoa đầu cậu bé cười cười: "Ivan gặp được một bác sỹ tốt nên thời gian qua có tiến bộ lớn".

"Thật sao?" Tôi véo má Ivan, trong lòng mừng thay chị: "Thế thì tốt quá!"

"Mai!" Valeria ngượng ngùng nhìn tôi: "Tôi có chuyện vui muốn báo với cô".

"Chuyện gì?"

"Tôi sẽ kết hôn vào chủ nhật tuần sau".

"Hả? Chú rể là ai?" Tôi lại một lần nữa ngạc nhiên tột độ.

Chuyện Valeria ghen với tôi phảng phất mới như ngày hôm qua, vậy mà trong nháy mắt vật vẫn ở chốn cũ, người không còn như xưa, Tôn Gia Ngộ đã trở thành quá khứ của chị.

"Là...là bác sỹ của Ivan". Valeria cười thẹn thùng.

"Vậy à...chúc mừng chị!"

Tôi cố gắng thể hiện vẻ mặt vui mừng, không hiểu tại sao trong lòng tôi hơi chua xót, cảm thấy bất bình thay Tôn Gia Ngộ, những người ở bên cạnh anh lần lượt rời bỏ anh mà đi.

"Mai, cô có tham gia hôn lễ không?" Valeria nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi.

Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời: "Nếu anh ấy có thể ra ngoài, tôi và anh ấy nhất định sẽ đến nhà thờ".

Valeria tiến lên ôm tôi và nói nhỏ vào tai tôi: "Bạn yêu, xin hãy giữ lại tiền. Tôn là người tốt, thượng đế nhất định sẽ phù hộ anh ấy".

"Cám ơn chị, Valeria". Tôi vỗ nhẹ lên lưng chị, nhân cơ hội đó giơ tay lau giọt nước mắt không biết rơi xuống từ lúc nào.

Sau khi tiễn mẹ con Valeria ra về, tôi đóng cửa và lấy ra tờ giấy gửi tiền "ngân hàng ngầm" và tờ ủy quyền của Tôn Gia Ngộ. Tôi ngồi dưới ngọn đèn nhìn hai tờ giấy một lúc lâu.

Ngày mai chúng sẽ không thuộc về tôi nữa, trong lòng tôi tràn ngập sự lưu luyến và đau khổ.

Ngón tay tôi lướt qua hàng chữ viết của anh, giống như chạm phải vật thể có da có thịt, như lướt qua lòng bàn tay anh. Hàng loạt ký ức dội về trí óc tôi, nhiều hình ảnh và quá khứ khó quên như vậy, đến nay thứ tôi có thể tiếp xúc, chỉ còn lại hai hàng chữ.

Tôi chống tay lên bàn, cố gắng kìm nén không để nước mắt trào ra, nhịn đến mức cổ họng tôi như có một con dao sắc nhọn đâm vào.

Ngoài trời oi ả nóng bức nhưng toàn thân tôi lạnh toát.

-------------------------

Sáng ngày hôm sau, tôi đến "ngân hàng ngầm" theo lời hẹn trước trong điện thoại. Vẫn là cái bàn đó, ngồi đằng sau bàn vẫn là người đàn ông trung niên có gương mặt mờ nhạt đó. Tôi đứng trước bàn, tay nắm hai tờ giấy, do dự hồi lâu mới đưa cho ông ta.

Tôi mở to mắt nhìn hai tờ giấy bị hút vào cái máy cắt vụn giấy. Như vậy, mối liên hệ cuối cùng giữa tôi và anh đã đứt đoạn giống như con diều đứt chỉ. Trái tim tôi co rút, lồng ngực hô hấp khó khăn.

Bốn mươi bảy ngàn đô la Mỹ, với tám ngàn Valeria để lại, tổng cộng là năm mươi lăm ngàn, tôi đưa hết cho Khâu Vĩ.

Khâu Vĩ cũng đã cắm toàn bộ lô hàng của anh, chỉ lấy được một trăm hai mươi ngàn tiền mặt, bằng sáu mươi phần trăm số vốn anh đổ vào.

Thế nhưng Khâu Vĩ không một lời oán trách, khiến tôi đâm ra hoài nghi, trong thế giới vật chất này còn tồn tại tình bạn thật sự?

Hóa ra không phải ai cũng xứng với hai từ "bạn bè".

Số tiền chúng tôi gom được so với con số La Tây đưa ra còn thiếu hơn hai mươi ngàn đô la Mỹ. Những nơi có thể vay mượn chúng tôi đều mượn cả rồi, bây giờ chúng tôi không biết đi đâu mới có thể kiếm ra khoản tiền này.

"Nếu thật sự hết cách thì chỉ có thể đi vay nặng lãi". Khâu Vĩ nói.

Tôi giật mình: "Không còn cách khác sao?"

"Tuy chúng ta cố gắng không dính đến vay nặng lãi nhưng đến nước này thì chỉ còn con đường đó. Hoặc là có một cách khác".

"Cách gì?" Tôi hỏi.

"Đi cướp ngân hàng".

"Xin anh". Tôi suýt nữa bật cười.

"Nhắc đến ngân hàng tôi mới nhớ một chuyện". Khâu Vĩ cau mày: "Chiều hôm qua tôi gặp Lão Tiền ở ngân hàng".

"Hả?" Cái tên Lão Tiền đã trở nên vô cùng xa lạ, tôi ngây người vài giây mới có phản ứng: "Anh ta bao lâu rồi mới lộ diện? Bây giờ đang làm gì vậy?"

"Tôi không biết, nhưng có vẻ tinh tướng lắm. Anh ta lại dọn về ngôi nhà cũ. Đúng là trước đây tôi có mắt như mù". Nhắc đến Lão Tiền, Khâu Vĩ tỏ thái độ chán ghét.

Tôi lập tức nghĩ đến chuyện trước mắt: "Đúng rồi, em nhớ hình như còn một lô hàng trong tay Lão Tiền, chắc anh ta có tiền đúng không? Sao chúng ta có thể quên béng anh ta?"

"Đừng trông chờ vào anh ta. Anh ta là loại người nào tôi hiểu rõ hơn ai hết". Khâu Vĩ cất giọng lạnh lùng: "Trước khi Gia Ngộ xảy ra biến cố, cậu ấy có nhận hai lô hàng, tiền đặt cọc là do anh ta giữ hộ. Bây giờ thanh quan ngừng hoạt động, anh ta không chịu trả lại tiền đặt cọc cho người ta còn đổ hết món nợ lên đầu Gia Ngộ. Mẹ nó chứ, cho anh ta ung dung tự tại vài ngày, đợi giải quyết xong vụ này tôi sẽ tính sổ với anh ta."

Tôi vừa định mở miệng, chuông điện thoại trong ba lô reo vang. Tôi lấy điện thoại và liếc qua màn hình hiển thị. Sau đó, tôi cắn môi đưa điện thoại cho Khâu Vĩ.

Có câu nói "nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến". Người gọi điện thoại chính là Lão Tiền.

"Cô nói chuyện với anh ta đi". Khâu Vĩ thấy tên Lão Tiền như nhìn thấy bệnh dịch: "Đừng để tôi nghe bất cứ điều gì liên quan đến anh ta".

Tôi đành phải đi sang một bên và bắt máy.

"Mai Mai à, gần đây cô có khỏe không?" Giọng Lão Tiền vẫn nhão nhoẹt như trước: "Nina vừa vào thành phố tìm cô. Bây giờ bà ấy đang chờ ở chỗ tôi, cô có rảnh đến đây một chuyến đi."

Tôi chỉ hạ giọng "ừm" một tiếng, không muốn nói nhiều lời với anh ta.

"Mai". Đầu kia điện thoại đổi người khác, quả nhiên là Nina.

Tôi hỏi thăm bà: "Lâu rồi không gặp, bà có khỏe không ạ?"

"Tôi rất khỏe, cháu không cần lo lắng". Nina cất giọng bình thản: "Chiều hôm qua tôi nhận được hai tờ thông báo nhập học, tôi cầm đến đây cho cháu."

Tôi chào Khâu Vĩ rồi vội vàng quay về ngôi nhà cũ.

Nina tự mình đi vào thành phố. Tôi thật khó tưởng tượng bà làm cách nào để lê chân trái bất tiện lên xe buýt và đi bộ từ bến xe buýt tới tận nơi này.

Tôi đi vào phòng khách vô cùng quen thuộc, trong nhà vẫn không có gì thay đổi. Đến cửa kính bên bàn ăn bị tôi lau loạn xì ngầu vẫn giữ nguyên dạng.

Nina đứng dậy ôm chặt lấy tôi: "Cháu gái, cháu gái đáng thương của tôi! Những ngày qua cháu sống thế nào?"

Tôi tựa vào người bà, hai hàng nước mắt trào ra. Tôi không thể khống chế giọt lệ rơi xuống, điều duy nhất tôi có thể làm là cố kìm nén không bật khóc nức nở.

Nina vẫn ôm tôi, đợi đến khi tôi bình tĩnh lại bà mới đưa hai phong thư cho tôi.

Đó là hai giấy báo nhập học, một là của trường đại học âm nhạc Vienna, tờ kia đến từ học viện âm nhạc Graz, đều là những trường tôi ngày đêm mơ ước. Nhưng bây giờ nó như một nhát dao đâm vào tim tôi. Mấy tháng trước khi viết đơn xin nhập học, tôi còn mơ ước có thể cùng Tôn Gia Ngộ đi Áo, đến bây giờ chúng đều trở thành một sự mỉa mai lớn.

Nhưng tôi vẫn cẩn thận nhận phong thư và hỏi Nina: "Tại sao bà không gọi điện thoại để cháu đi lấy?"

"Tôi muốn gặp Mark". Bà trả lời.

Tôi ngây người, nhất thời không thốt ra lời. Tôi cũng nhớ anh, ngày nhớ đêm nhớ, nhớ đến phát điên, nhưng tôi không có cách nào gặp anh.

Nina rút quyển "Kinh thánh" đưa cho tôi: "Tôi muốn giao cái này cho Mark".

Tôi nhận ra đây là quyển "Kinh thánh" lúc ở nhà bà, Tôn Gia Ngộ thường mở ra xem, là vật kỷ niệm bố Nina để lại cho bà.

"Tại sao bà lại cho anh ấy?"

Nina thở dài: "Tối qua tôi nằm mơ thấy Mark, cậu ấy nói với tôi, cậu ấy rất sợ hãi khi đối diện với hành trình không biết trước. Tôi muốn cho cậu ấy biết, không cần sợ hãi, ở trong vòng tay của Chúa, cậu ấy nhất định sẽ được yên lòng".

Đối diện với ánh mắt chờ đợi của Nina, tôi không dám nói thật với bà tình trạng của anh hiện giờ, tôi chỉ có thể hạ giọng: "Cảnh sát không cho phép anh ấy gặp bất cứ người nào".

Nina tỏ ra thất vọng, nhưng bà vẫn hôn lên trán tôi: "Cháu gái, cháu hãy cứng cỏi lên, bố tôi từng nói nói với tôi, Chúa sẽ không bỏ rơi con của ngài".

Tôi gật đầu.

Do Nina kiên quyết đòi ra về một mình, tôi đành đỡ bà và tiễn bà ra tận bến xe buýt. Đến khi chiếc xe buýt cũ kỹ biến mất khỏi tầm mắt tôi, tôi mới quay người bước đi.

Tôi vừa đi vừa lật quyển "Kinh thánh". Tôi đột nhiên phát giác bìa quyển sách hình như chứa thứ gì đó, tôi mở tấm bìa bọc sách bằng gia cừu, bên trong quả nhiên kẹp mười tờ tiền màu xanh lục, bên trên có hình ông Franklin. (tờ 100 USD)

Nghĩ đến cuộc sống giản dị và tằn tiện của Nina, tôi đứng thẫn thờ ở bên đường một lúc lâu. Thỉnh thoảng có xe ô tô phóng vụt qua, cuốn theo cát bụi bay vào mắt tôi.

Tôi đứng bất động không biết bao nhiêu thời gian, đến khi ánh nắng mặt trời làm nhức mắt tôi, tôi quay người chạy về ngôi nhà cũ.

Tôi phải đi tìm Lão Tiền, tôi muốn anh ta nhả ra khoản tiền đặt cọc mà Khâu Vĩ nhắc đến. Số tiền đó trước đây chẳng là gì nhưng bây giờ có thể cứu một mạng người.

Ít nhất tôi không thể để Khâu Vĩ đã bị lỗ vốn còn phải đi vay nặng lãi.

Sau khi nghe yêu cầu của tôi, Lão Tiền kinh ngạc há hốc miệng. Anh ta mất năm phút ngó nghiêng dò xét tôi rồi nở nụ cười châm biếm: "Cô có tư cách gì đại diện Tôn Gia Ngộ? Tôi là đối tác của cậu ta, còn cô là gì của cậu ta? Là tình nhân sao?"

Tôi tức giận đến mức run người, tôi nghiến răng nói với anh ta: "Cứ cho anh và Gia Ngộ là đối tác, khoản tiền đó Gia Ngộ cũng có nửa phần, anh dựa vào đâu và mà nuốt hết?"

"Hahaha...bây giờ cô cũng lợi hại đấy chứ?" Lão Tiền cười ha hả, tỏ thái độ chẳng coi tôi ra gì: "Cô cho tôi một lý do đi, dựa vào cái gì tôi phải chia cho cô nửa số tiền?"

"Các anh hợp tác bao nhiêu năm như vậy, anh nhẫn tâm nhìn anh ấy chết mà không cứu sao? Lúc anh bị bắt làm con tin, chẳng phải Gia Ngộ cũng đi cứu anh còn gì?". Tôi cố nén cơn giận dữ nói phải trái với anh ta.

Anh ta ngẩng đầu cười lớn: "Cứu tôi? Cậu ta nói với cô như vậy à?"

"Không, anh ấy không hề nói với tôi về chuyện này."

Lão Tiền nhìn tôi: "Thế thì tôi hỏi cô nhé. Nếu người thân hoặc bạn bè cô bị bắt cóc, người ta bắt cô đem tiền đến chuộc, cô sẽ làm thế nào?"

Tôi đoán không ra ý tứ của anh ta nên ngậm chặt miệng không chịu trả lời.

Thế là anh ta tự nói ra: "Cô sẽ mau chóng cầm tiền đi chuộc người mà chẳng nghĩ ngợi đúng không? Nhưng Tôn Gia Ngộ thì sao? Cậu ta làm thế nào?". Anh ta giơ ngón trỏ và ngón cái làm động tác ngắm bắn: "Pằng một phát, chỉ chệch đi hai xen ti mét, người chết sẽ là tôi, cô hiểu chưa?"

"Anh ấy làm vậy thì sao nào? Cuối cùng anh vẫn yên lành còn gì?"

"Yên lành?" Lão Tiền cười nhạt: "Làm sao cậu ta có thể tự tin vào khả năng bắn súng của mình như vậy? Là bởi vì cậu ta chẳng hề bận tâm đến mạng sống của tôi".

Tôi cảm thấy tư duy của người này đã bị tẩu hỏa nhập ma, nói với anh ta thế nào cũng không thông. Vì vậy tôi cười nhạt: "Nếu anh ấy không quan tâm đến anh, anh ấy để người ta giải quyết anh sẽ càng đơn giản hơn?"

Lão Tiền như bị chẹn họng, mãi cũng không lên tiếng. Anh ta đảo mắt một hồi rồi đột nhiên giơ tay vuốt má tôi: "Mai Mai, cô biết tôi rất thích cô. Nếu cô muốn lấy tiền, chúng ta có thể thương lượng".

Tôi chán ghét né tránh khỏi bàn tay anh ta: "Tôi chỉ muốn khoản tiền đặt cọc đó".

"Được thôi". Lão Tiền lui lại vị trí cũ, anh ta chăm chú nhìn ngón tay như hồi tưởng lại xúc cảm vừa rồi. Sau đó anh ta mở miệng: "Tiền thì có đấy, nhưng tôi cần thời gian chuẩn bị, cô chỉ có thể đến lấy vào buổi tối".

Tôi trừng mắt với anh ta. Từ trước đến nay tôi luôn kiểm điểm thái độ trông mặt bắt hình dong của mình, nhưng xem ra tôi không nhìn nhầm anh ta.

Ánh mắt của anh ta không rời khỏi mắt tôi, vẻ mặt của anh ta hoàn toàn rất đắc ý như con mèo bắt được chuột.

Tôi đẩy mạnh cửa đi ra ngoài, chân tôi bước vô định ở trên đường, đầu óc tôi trống rỗng, ánh nắng gắt khiến toàn thân tôi đổ mồ hôi lạnh.

Khi tôi tỉnh táo lại, tôi phát hiện tay vẫn nắm chặt quyển "Kinh thánh" của Nina.

Tôi nghĩ ngợi một hồi nhưng không còn cách nào khác ngoài việc lại làm phiền Andre.

Khi bấm số điện thoại của anh, tay tôi run bần bật, trong lòng thấp thỏm bất an. Kể từ lúc rời khỏi bệnh viện, Andre không tìm tôi một lần nào, chẳng hiểu anh còn giận tôi không?

Andre bắt máy, giọng nói anh không một chút bất thường: "Xin chào, đây là Phòng tội phạm cục cảnh sát Odessa, tôi là cảnh sát Vladimir Dmitri Ivanovich, xin hỏi tôi có thể giúp gì?"

"Andre, tôi là Triệu Mai". Tôi nắm chặt ống nghe, chỉ sợ anh mở miệng từ chối, lòng bàn tay bắt đầu rịn đầy mồ hôi: "Lúc nào anh rảnh, tôi có việc muốn nhờ anh giúp".

Đầu kia điện thoại trầm mặc một lúc, tôi chờ đợi một cách bất an. Sau đó giọng nói nhẹ nhàng của anh vọng đến: "Cô đang ở đâu?"

"Tôi ở cổng cục cảnh sát."

"Cô đợi ở đó, tôi sẽ ra ngoài ngay."

Tôi đứng dưới bóng cây đợi Andre, khi ngẩng đầu nhìn lên biểu tượng của cục cảnh sát, tôi đột nhiên nhớ tới lần đầu tiên tôi tới nơi này, chỉ mấy tháng mà tôi có cảm giác như cách hàng thế kỷ.

Andre nhanh chóng ra ngoài, hôm nay anh không mặc cảnh phục, chỉ mặc bộ quần áo bình thường, hai tay đút vào túi quần. Anh đứng lại nhìn tôi từ phía xa xa, ánh mắt anh lạnh nhạt như nhìn người xa lạ.

"Andre". Tôi cố gắng nói một cách tự nhiên: "Tôi có một thứ, phiền anh chuyển giúp cho Tôn được không?"

"Tôi xin lỗi, tôi đã xin rời khỏi vụ án này rồi, tôi không thể gặp bất cứ kẻ tình nghi nào liên quan đến vụ án". Anh uyển chuyển từ chối tôi.

Tôi nở nụ cười miễn cưỡng, tiếp tục khẩn cầu: "Là lần cuối cùng, tôi xin anh, Andre. Sau này tôi sẽ không bao giờ làm phiền anh nữa".

Anh nhướng mắt nhìn tôi chăm chú: "Thứ gì vậy?"

Tôi đưa quyển "Kinh thánh" cho anh.

Andre nhận quyển sách và lật đi lật lại vài lần. Ánh mắt anh lộ vẻ ngạc nhiên: "Là thứ này?"

"Đúng vậy".

"Trong trại tạm giam cũng có Kinh thánh".

Tôi cúi đầu nhìn hình bóng của mình ở dưới đất: "Không giống nhau đâu".

Andre ngẫm nghĩ, anh dường như hiểu ý tôi. Vì vậy anh thu tay về và lên tiếng: "Tôi sẽ giao cho người đồng nghiệp phụ trách vụ án. Nếu bên trong không có đồ cấm kỵ, quyển sách chắc sẽ đến tay anh ta".

Tôi cảm kích đến mức không biết nói gì mới phải: "Cám ơn anh, Andre! Chuyện trước đây là do tôi không tốt, tôi xin lỗi anh!"

Andre không lên tiếng, ánh mắt và gương mặt anh vẫn lạnh lùng vô cảm.

"Cám ơn anh!" Tôi nói lại một lần rồi biết ý chào tạm biệt.

"Mai, đợi đã!" Cuối cùng anh cũng gọi tôi.

Tôi dừng bước đợi anh nói tiếp.

"Cô có biết tôi yêu cô không?" Đằng sau vọng đến tiếng nói nghi hoặc của Andre.

Tôi mỉm cười, vành mắt hơi nóng lên: "Tôi biết, tôi hoàn toàn hiểu rõ. Nhưng trong tim tôi chỉ có thể chứa một người." Tôi quay lại đối diện anh: "Trong Kinh thánh có câu, xin anh hãy đặt em vào trái tim anh như con dấu. Đối với tôi, Tôn chính là con dấu đó. Andre, tôi chỉ có thể nói xin lỗi anh".

"Tôi hiểu". Anh gật đầu: "Bắt đầu từ tháng sau, tôi sẽ rời khỏi Cục cảnh sát đi Kyiv làm việc. Cô hãy bảo trọng".

Anh tiến lên ôm tôi rồi quay người bước đi.

Tôi đứng yên một chỗ nhìn theo bóng lưng Andre, tim tôi thắt lại, tôi thậm chí còn quên không nói lời tạm biệt anh.

Cuối cùng anh cũng nghĩ thông suốt, vì vậy anh quyết định rời bỏ tôi mà đi, anh hoàn toàn được giải thoát.

Ánh nắng gắt của buổi trưa rọi xuống, nóng đến mức đầu óc tôi choáng váng, tôi thẫn thờ ngồi trên hàng ghế dài ở ven đường, chỉ một lúc người tôi đã đổ đầy mồ hôi. Nhưng tôi không muốn nhúc nhích, vì dường như làm vậy, sự lạnh lẽo trong tim tôi mới có thể tan đi ít nhiều.

Lão Tiền gọi điện thoại đến: "Tiền đã chuẩn bị xong rồi, cô có đến lấy không?"

Mặt biển phản chiếu ánh nắng mặt trời, khiến tôi bị chói mắt. Tôi khép mi mắt, dường như dưới mặt nước chỉ có một hình ảnh duy nhất là gương mặt trắng bệch đầu quấn băng của Tôn Gia Ngộ.

Bây giờ tôi chỉ có anh, chỉ còn lại một mình anh. Tôi sẽ không thể gắng gượng nếu bị mất anh.

Cuối cùng tôi nói: "Tôi đi".

Chạng vạng tối hôm đó trời đổ cơn mưa lớn. Sau trận mưa bầu trời Odessa trong vắt, tôi nhắm mắt, người cứng đờ như khúc gỗ, đây là một buổi đêm tăm tối nhất trong cuộc đời tôi.

Khâu Vĩ trợn mắt kinh ngạc khi nhận hai mươi ngàn đô la từ tay tôi. Anh mở cục tiền ra xem, đến khi xác nhận không phải tiền giả, anh mới hỏi bằng một giọng nghi hoặc: "Cô dùng cách gì để đòi vậy?"

Tôi cố gắng nở nụ cười thoải mái và làm ra vẻ tự nhiên: "Anh khỏi cần quan tâm, phụ nữ có cách riêng của phụ nữ".

Anh nhìn tôi chăm chú mà không lên tiếng. Tôi bị anh nhìn chòng chọc, hốt hoảng giơ tay cầm điếu thuốc của anh và đưa miệng, ai ngờ vừa rít một hơi tôi liền ho sặc sụa mãi không thôi.

Đợi đến lúc tôi ho xong, Khâu Vĩ vẫn nhìn tôi. Tôi tưởng anh sẽ nói điều gì đó nhưng anh chỉ giật điếu thuốc trong tay tôi ném vào cái gạt tàn, rồi anh lên tiếng: "Đi thôi, chúng ta đi tìm La Tây".

Ba mươi tập toàn tờ một trăm đô la Mỹ xếp đầy một cái va ly. Khi chúng tôi đặt va ly trước mặt La Tây, thần sắc chị ta hơi thay đổi.

La Tây cầm mấy tập tiền nghịch đi nghịch lại một hồi rồi cau mày nói với Khâu Vĩ: "Nghe nói anh gán hàng cho người khác, tổn thất lớn lắm phải không?"

"Không có gì."

Câu trả lời của Khâu Vĩ cứng nhắc đến nỗi tôi sợ anh sẽ đắc tội La Tây.

Nhưng La Tây dường như không bận tâm, chị ta gật đầu: "Thế thì tốt. Đúng rồi, tôi có một chuyện muốn nói với hai người, cũng coi như là chuyện vui".

Khâu Vĩ không lên tiếng, tôi lập tức vểnh hai tai lên nghe, từ lâu lắm rồi tôi không biết đến hai từ "chuyện vui".

La Tây cười cười: "Tên khốn đó...Kẻ thù của hắn ở Trung Phi sắp tìm đến đây."

La Tây không nhắc đến tên ai nhưng tôi hiểu chị ta nói gì, trong lòng tôi nhẹ nhõm một phần.

Khâu Vĩ hỏi với giọng đầy ngạc nhiên: "Là...là chị tác động sao?"

La Tây không trực tiếp trả lời, chị ta mỉm cười: "Món nợ của bọn họ để bọn họ tự giải quyết với nhau, không cần chúng ta ra tay".

"Chị La, cám ơn chị!" Lời cám ơn của Khâu Vĩ xuất phát từ đáy lòng.

"Khâu Vĩ, anh cũng thực tế quá đi". La Tây nhận ra sự khác biệt trong thái độ của Khâu Vĩ, chị ta bĩu môi: "Còn nữa, tôi đã nhờ người nói giúp, chiều nay có thể đi bệnh viện thăm Gia Ngộ".

Tim tôi đập thình thịch, tôi ngồi thẳng người nhìn La Tây.

"Cô thì thôi đi". La Tây liếc xéo tôi: "Gia Ngộ vừa mới rời khỏi phòng bệnh nhân nguy kịch, cậu ấy làm gì còn hơi sức bị cô hành hạ thêm một lần nữa".

Tôi mắc nghẹn, không thể nói một lời nào, đành phải liếm bờ môi nứt nẻ và quay mặt đi chỗ khác.

"Tôi có thể chuyển lời giúp cô. Cô muốn nói điều gì với cậu ấy?". Chị ta bổ sung thêm một câu bằng giọng điệu bố thí.

Tôi ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: "Không ạ".

Khâu Vĩ nhìn tôi không lên tiếng, ánh mắt anh đầy vẻ đồng tình và thương xót. Tôi nở nụ cười miễn cưỡng để anh yên lòng.

La Tây cầm cái va ly, không hiểu sao chị ta đột nhiên thở dài: "Hôm đó tôi nói những lời cứng rắn, thật ra tôi cũng áy náy lắm. Nhưng ở vào địa vị của tôi cũng rất khó xử. Trong vụ này, Gia Ngộ dù sao cũng không đúng, nếu tôi quá thiên vị cậu ấy, ví dụ như chi tiền hộ cậu ấy, sau này lời nói của tôi sẽ không có trọng lượng nữa. Khâu Vĩ, anh hiểu ý tôi không?"

Khâu Vĩ nở nụ cười khiên cưỡng, không biết anh có hiểu ý chị ta.

La Tây rút từ trong va ly hai tập tiền (hai mươi ngàn đô la) đưa cho Khâu Vĩ: "Anh cầm lấy đi, coi như một chút tâm ý của tôi".

Khâu Vĩ cúi đầu nhìn nhưng anh không giơ tay nhận tiền.

La Tây ném hai tập tiền vào lòng tôi: "Thế thì cô cầm lấy đi".

Tôi cầm tiền lật đi lật lại và bật cười cay đắng. Cảm giác tiếp xúc này vô cùng quen thuộc, giống hệt cảm giác khi tôi nhận tiền từ tay Lão Tiền.

Tôi thật sự cảm thấy rất buồn cười, trên đời này quả là có nhiều chuyện khôi hài.

Câu cuối cùng Lão Tiền nói với tôi nguyên văn như sau: "Cô đừng tưởng La Tây là chúa cứu thế gì đó, người đàn bà này được như ngày hôm nay cũng chẳng phải tử tế đâu. Chỉ e là lần này chị ta cũng nhằm vào miếng mồi thanh quan."

Tôi đặt hai tập tiền xuống ghế sofa và đứng dậy đẩy cửa đi ra ngoài mà không nói bất cứ lời từ biệt nào.

Tôi đi bộ dọc theo đường cái về nhà, trên đường người xe qua lại như mắc cửi, tôi cảm thấy ồn ào không chịu nổi nên trốn vào một trạm điện thoại ở ven đường. Tôi thẫn thờ dõi theo người đi đường qua lớp kính của trạm điện thoại. Không biết trong số họ, có ai mới hai mươi hai tuổi nhưng đã trải qua nhiều biến cố trong chín tháng ngắn ngủi như tôi?

Không biết bao lâu sau, không khí ngột ngạt của trạm điện thoại kín mít khiến dạ dày của tôi bắt đầu cuộn lên, tôi ngồi xổm xuống một góc nôn khan đến mức không còn sức lực.

Bên ngoài có người gõ cửa trạm điện thoại, tôi ngẩng đầu trừng mắt nhìn anh ta. Anh ta bị bộ dạng của tôi dọa sợ chết khiếp, lui lại phía sau một bước. Anh ta đưa mắt dò xét tôi, chúng tôi đối mắt mười mấy giây, sau đó anh ta chịu thua, quay lưng bỏ chạy mất.

Tôi vùi mặt vào giữa hai đầu gối cười khanh khách, tôi đoán anh ta nghĩ tôi là người thần kinh có vấn đề, không bình thường thì không bình thường, tôi cũng chẳng thèm bận tâm, bởi vì thế giới này vốn là thế giới điên cuồng.

Sau đó, tôi cảm thấy có người giữ hai vai tôi và lắc mạnh: "Triệu Mai, cô làm sao vậy?"

"Em không sao đâu". Tôi giơ tay áo lau mặt rồi đứng dậy: "Anh Khâu, chúng ta về thôi".

Khâu Vĩ im lặng mở cửa xe, nhưng ánh mắt anh nhìn tôi rất xa lạ.

Đến chân tòa chung cư, Khâu Vĩ giúp tôi tháo dây an toàn, anh quay sang nói với tôi: "Gia Ngộ nhờ tôi chăm sóc cô, tôi đã không làm tốt, thật là...".

Anh thở dài một hơi.

Tôi cười cười: "Anh thở dài làm gì chứ? Chuyện này vốn không liên quan đến anh".

Khâu Vĩ cúi đầu châm một điếu thuốc, anh hỏi tôi: "Cô có làm một điếu không?"

"Không cần". Tôi lắc đầu: "Anh Khâu, anh có thể tìm công việc giúp em không?"

Khâu Vĩ quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt nghi hoặc. Lúc này tôi mới nhớ ra, anh không biết tôi đi làm thuê ở bên ngoài, tôi vội giải thích: "Hôm Gia Ngộ bị thương, em rời khỏi cửa hàng mà không báo cho ông chủ một tiếng nên bị đuổi việc rồi".

"Sao cô lại đi ra chợ? Nơi đó hỗn loạn lắm, loại người gì cũng có, một học sinh như cô sao có thể chịu nổi công việc lao động chân tay nặng nhọc đó?"

"Em không có tiền, trong tay em chẳng còn một đồng nào cả".

Điếu thuốc trên miệng Khâu Vĩ suýt bị rớt xuống sàn xe: "Nhà cô không gửi sinh hoạt phí cho cô sao?"

"Nhà em cũng cần tiền". Tôi ngoảnh đầu ra ngoài cửa sổ và nói chậm rãi: "Bệnh của mẹ em bây giờ chuyển thành suy thận mãn tính, một tháng phải rửa thận mấy lần...".

Khâu Vĩ tỏ ra không tin: "Số tiền Gia Ngộ cho cô, cô không giữ lại một ít sao?"

"Không, anh ấy còn cần hơn em".

Khâu Vĩ há hốc miệng nhìn tôi hồi lâu, sau đó anh rút ví tiền, lấy hết tiền trong ví gồm cả đô la Mỹ và đồng Hryvnia nhét vào tay tôi: "Cô hãy cầm tạm trước đi, vài ngày nữa tôi sẽ đưa cho cô thêm một ít, cô đừng đi làm thuê nữa".

Tôi đặt tiền lên đùi anh và đẩy cửa bước xuống xe.

"Triệu Mai!"

Tôi đứng lại, quay đầu nói với anh: "Anh ấy đã nợ anh quá nhiều rồi, em không thể nợ anh thêm".

Khâu Vĩ đập mạnh tay vào vô lăng khiến còi xe kêu inh ỏi một lúc lâu.

Tôi vội vàng đi nhanh vào thang máy, cúi đầu bấm nút thang máy.

Dù khổ sở mệt nhọc thế nào tôi cũng sẽ chịu đựng, tôi không muốn nhìn thấy ánh mắt thương hại của người khác, bởi vì tôi sợ một khi tôi thương hại chính bản thân mình, tôi sẽ không còn dũng khí để tiếp tục kiên trì.

Vài ngày sau Valeria giúp tôi tìm một công việc trông coi cửa hàng ở chợ "Bảy km". Do phép lịch sự, tôi đến dự hôn lễ của chị.

Tuy Valeria đã có Ivan nhưng đây là lần đầu tiên chị mặc váy cưới nên không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp và hưng phấn.

Hôm chị tổ chức đám cưới, tôi xin phép ông chủ nghỉ nửa buổi. Từ cửa hàng tôi đến thẳng nhà thờ nhưng vẫn bị muộn. Khi tôi thở hổn hển kéo cánh cửa nhà thờ, mục sư đã bắt đầu kêu cô dâu và chú rể tuyên thệ trước chúa.

Chú rể có diện mạo bình thường, ít nhất lớn hơn Valeria mười tuổi, nhưng có thể thấy anh ta là người hiền lành lương thiện, có nghề nghiệp ổn định. Quan trọng hơn, anh ta rất yêu thương chiều chuộng Valeria.

Tôi tìm một vị trí ngồi xuống, đúng lúc này mục sư hỏi chú rể: "Dù giàu có hay nghèo khó, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù vui vẻ hay lo buồn, anh có đồng ý yêu thương cô ấy, trung thành với cô ấy cho đến lúc đầu bạc răng long?"

Chú rể quay sang nhìn cô dâu bằng ánh mắt thâm tình. Cô dâu xinh đẹp tuyệt trần trong bộ váy cưới màu trắng, trên đầu đội một vương miện hoa kết bằng hoa.

Mục sư hỏi lại: "Anh có đồng ý không?"

Chú rể cầm tay cô dâu nói rõ ràng: "Tôi đồng ý!"

"Cô dâu thì sao?" Mục sư quay sang Valeria: "Cô có đồng ý sẽ yêu thương anh ấy, trung thành với anh ấy cho đến lúc đầu bạc răng long, dù gặp cảnh giàu có hay nghèo khó, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù vui vẻ hay lo buồn?"

Valeria thẹn thùng cúi đầu nói nhỏ: "Tôi đồng ý!"

Không khí trong nhà thờ náo nhiệt hẳn lên, mọi người bị khuấy động bởi cảnh tượng này.

Một bà già ngồi bên cạnh tôi cầm khăn tay chấm lên khóe mắt: "Đẹp lắm đúng không?"

Tôi đỡ đẫn nhìn cô dâu chú rể, đầu óc trống rỗng.

"Một đôi rất đẹp, một tình yêu rất đẹp". Bà già tiếp tục tỏ ra cảm động.

Tôi đột nhiên không thể chịu nổi, hạnh phúc của người xung quanh khiến tôi ghen tỵ đến mức phát điên. Tôi đứng dậy chạy ra khỏi nhà thờ, không kịp chứng kiến cảnh cô dâu chú rể trao nhẫn và hôn nhau.

Đứng trên con đường nhỏ bên ngoài nhà thờ, tôi ngẩng đầu nhìn lên trời, nhưng thật ra để che dấu giọt lệ đã trào ra khóe mắt.

Mái vòm cung của nhà thờ ở phía đối diện lúc này nổi bật dưới ánh mặt trời. Trên bức tường đá tinh xảo, một thiên thần đang lướt trong gió nhẹ, vạt áo bay phấp phới. Một đàn bồ câu trắng chao lượn trong không trung, cảnh tượng rất đỗi quen thuộc này khiến trái tim tôi mềm dịu hẳn. Sự thanh bình an lạc rất đỗi bình thường này, từ nơi sâu thẳm dưới đáy lòng tôi đã trở thành một ước mơ xa vời.

Vào buổi chiều tối mười ngày sau đó, khi tôi từ chợ về nhà, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng còi ô tô pin pin ở đằng sau.

Tôi quay đầu, một chiếc xe sang trọng màu đỏ chót đỗ ở ngay bên cạnh. Cửa xe kéo xuống, La Tây mỉm cười với tôi.

"Lên xe đi". Chị ta cất giọng không dễ từ chối.

La Tây đưa tôi đến câu lạc bộ bài trí theo phong cách Nga, nơi Tôn Gia Ngộ thường dẫn tôi đến ăn cơm.

Chúng tôi vừa ngồi xuống, một nhân viên phục vụ quen thuộc liền đi tới châm thuốc cho La Tây và đưa tờ thực đơn.

"Cô muốn ăn gì?" La Tây hỏi tôi: "Bít tết của nhà hàng này không tồi, chúng ta gọi món đó nhé!"

La Tây chưa bao giờ có thái độ tử tế với tôi như vậy, tôi kinh ngạc vội vàng mở miệng: "Chị không cần phải tốn kém đâu, em ăn gì cũng được".

Khi món salad được dọn lên, hai chúng tôi vẫn ngồi im, không người nào có tâm tư cầm dao dĩa. La Tây đến tìm tôi tuyệt đối không phải vì muốn mời tôi ăn cơm, về điểm này trong lòng tôi biết rõ.

"Chị, có gì chị cứ nói thẳng đi ạ".

La Tây ngẩng mặt nhả một vòng trói khói thuốc, đến lúc này chị ta mới lên tiếng: "Đã có kết quả rồi, cậu ấy bị hủy tư cách định cư lâu dài, buộc phải xuất cảnh trong vòng mười lăm ngày, nếu không sẽ bị trục xuất".

Mặc dù La Tây không nói rõ nhưng tôi biết chị ta đang nhắc đến ai, tôi thở phào nhẹ nhõm: "Gia Ngộ lúc nào mới được thả ra?"

La Tây mỉm cười: "Cậu ấy đã được thả rồi, hiện đang ở nhà tôi".

Tôi ngẩng đầu, trầm mặc nhìn chị ta.

La Tây lại nhả khói: "Bây giờ cậu ấy chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn, nhà tôi rộng rãi lại có người phục vụ nên rất tiện lợi".

Tôi cảm thấy cổ họng khô rát, nuốt nước bọt rồi mở miệng một cách khó khăn: "Em có thể gặp anh ấy không?"

"Cô muốn gặp cậu ấy sao?" La Tây biết rõ còn hỏi lại tôi.

"Vâng, em muốn gặp anh ấy". Tôi nhấn mạnh.

La Tây chống tay lên quai hàm nhìn tôi hồi lâu, bình thường rất hiếm khi chị ta có cử chỉ nữ tính như vậy.

Tôi im lặng nhìn chị ta.

"Cô em, tôi sẽ kể cho cô nghe một chuyện thú vị". La Tây cuối cùng cũng dập tắt điếu thuốc lá, chị ta nhếch mép nở nụ cười mỉa mai: "Sáng hôm qua Lão Tiền đến chỗ tôi, anh ta mang theo một cuộn băng đi tìm Gia Ngộ. Anh ta nói muốn đổi cuộn băng này lấy mạng lưới làm ăn Gia Ngộ gây dựng ở Ukraine trong suốt bảy năm qua, nếu không anh ta sẽ công khai cuộn băng lên mạng. Gia Ngộ không còn cách nào khác, chỉ có thể nghe lời anh ta. Tâm huyết suốt bảy năm trời, cô có biết là khái niệm gì không? Còn nữa, cô có muốn biết nội dung của cuộn băng đó?"

Đầu óc tôi nổ tung, hai tai ù ù, tôi trợn mắt nhìn La Tây: "Ý chị là gì?"

"Cô cho rằng ý tôi là gì?" Chị ta nhướng mày cười nhạt: "Hai mươi ngàn đô la cho một lần lên giường với đàn ông, gái gọi cao cấp nhất ở Odessa cũng không có cái giá đó, cô tưởng cô là ai chứ?"

Tôi hít một hơi dài, hai cuộn chặt thành nắm đấm, chặt đến mức móng tay bấm sâu vào da thịt.

"Cô muốn biết Lão Tiền đã làm gì đúng không?" La Tây nhìn tôi bằng ánh mắt chán ghét: "Đúng vậy, Lão Tiền đã dùng cô để chơi Gia Ngộ một vố. Triệu Mai, sao cô không chịu động não tìm hiểu xem chuyện đó có hợp tình hợp lý? Cô nghĩ đàn ông đều chịu vung tiền qua cửa sổ hay sao?"

Giống như bị sét đánh trúng đầu, tôi nắm chặt hai thành ghế khép mi mắt. Hóa ra tôi đã quá đề cao bản thân, bây giờ tôi đã hiểu, nhưng cái giá phải trả là quá lớn.

"Bạn gái dùng thân thể để đổi lấy tiền cứu mạng người đàn ông. Đây là hành vi cầm dao đâm thẳng vào ngực cậu ấy, cô có biết không? Cậu ấy còn mặt mũi nào gặp cô nữa?" La Tây vô ý thức cất cao giọng, khiến những khách hàng ở bàn xung quanh đều dồn mắt về phía chúng tôi.

Tôi không thể chịu nổi ánh mắt của chị ta nên cúi thấp đầu, chỉ muốn tìm một lỗ chui xuống.

La Tây nhìn tôi một lát, giọng nói của chị ta đột nhiên trở nên mềm mại hẳn: "Triệu Mai, lúc tôi bằng tuổi cô, tôi còn ngốc hơn cô nữa. Tôi dạy cô câu này, cô hãy ghi nhớ, cô đừng bao giờ đánh giá cao mức độ ảnh hưởng của bản thân với đàn ông, bọn họ có thế giới và nguyên tắc của bọn họ. Cô cũng đừng bao giờ hy sinh bản thân vì bọn họ, bởi vì làm vậy bọn họ cũng chỉ cảm kích cô chứ không yêu cô hơn".

Tôi cúi mặt lặng thinh. Trái tim tôi đau đớn đến mức tê liệt.

La Tây lại thở dài: "Gia Ngộ đúng là có số đào hoa, cả cuộc đời đều chết trong tay phụ nữ, cứ yêu ai thật lòng là gặp đen đủi. Đầu tiên là Phạm Miểu, tiếp đó là Bành Duy Duy, cuối cùng là cô. Lần đầu tiên gặp cô, tôi không khỏi giật mình, nhìn qua thì không giống lắm nhưng lúc cô cười nói thì đúng là bản sao của Phạm Miểu".

Tôi đờ đẫn nhìn đống dao dĩa cốc đĩa ở trước mặt, không thể há miệng thốt ra một thanh âm nào, giống như tôi đã hoàn toàn mất đi năng lực ngôn ngữ. Tôi không biết, tiếp theo còn bao nhiêu điều bất ngờ mà tôi cần phải chuẩn bị tâm lý chịu đựng.

La Tây dường như không để ý đến sự thay đổi trên gương mặt tôi, chị ta nói tiếp: "Gia Ngộ chưa từng nhắc đến Phạm Miểu với cô? Con bé đó kém Gia Ngộ hai khóa, là hoa khôi có tiếng trong khoa của cậu ấy. Gia Ngộ vất vả theo đuổi suốt một năm trời, con bé đó mới gật đầu đồng ý. Cậu ấy nâng niu con bé như một bông hoa. Năm đó sau khi chôn cất ông già, Gia Ngộ lập tức sang Hungary trả nợ. Trong tay cậu ấy còn hơn ba trăm ngàn nhân dân tệ, cậu ấy đưa hết cho con bé đó nhờ nó thanh toán khoản tiền hàng cuối cùng. Ai ngờ nó thấy nhà họ Tôn lụi bại, không còn như trước kia, thế là nó lặng lẽ làm thủ tục đi du học. Đợi đến khi cậu ấy lên máy bay, nó cũng biến mất cùng với số tiền ba trăm ngàn. Thời điểm đó là năm chín mấy, ba trăm ngàn là con số không nhỏ. Gia Ngộ bị khốn đốn ở Hungary, lúc thê thảm nhất trong tay cậu ấy chỉ có sáu trăm đô la Mỹ, không đủ tiền mua vé máy bay về nước. Cậu ấy hết cách nên đành phải sang Ukraine làm ăn".

Nói đến đây, La Tây mỉm cười.

Tôi có thể tưởng tượng ra, lúc Tôn Gia Ngộ mới đến Odessa, anh không người thân không bạn bè, ngôn ngữ không thông, chắc chắn La Tây đã giúp đỡ anh. Nam nữ ở nơi tha hương nương tựa vào nhau, cùng đạt những thứ mình cần.

Cuối cùng tôi mở miệng hỏi chị ta: "Anh ấy hận cô ta hay không quên nổi cô ta?"

La Tây lại châm một điếu thuốc và nở nụ cười bất lực: "Những người đàn ông theo đuổi cô trước kia, sau bao nhiêu năm sau, cô có nhớ diện mạo của họ không?"

Tôi lắc đầu.

"Thế thì đúng rồi, đàn bà sẽ nhớ mãi không quên những người đàn ông rơi lệ vì họ. Còn đàn ông sẽ chỉ nhớ người phụ nữ khiến họ đau lòng."

Không cần nói gì thêm, tôi tựa người vào thành ghế, toàn thân mềm nhũn, chân tay cứng đờ không thể cử động.

Cuối cùng La Tây đưa cho tôi một cái túi giấy: "Ở nơi công cộng cô đừng mở ra, về nhà rồi xem sau. Nếu cô muốn tốt cho Gia Ngộ thì đừng bám lấy cậu ấy nữa, để cậu ấy yên tâm rời khỏi nơi này."

La Tây xoa đầu tôi, chị ta định nói điều gì đó nhưng lại thôi.

Chị ta đi ra ngoài thanh toán tiền rồi rời khỏi nhà hàng.

Tôi vẫn ngồi bất động một chỗ, lâu đến mức nhân viên phục vụ tiến lại gần hỏi thăm: "Thưa cô, cô có cần giúp gì không?"

Tôi lắc đầu, anh ta cười cười với tôi rồi đi chỗ khác.

Tôi không nghe theo lời khuyên của La Tây, xé túi giấy và thò tay vào bên trong. Sau đó tôi không kiềm chế nổi, nhếch mép mỉm cười.

Trong túi là năm xấp tiền một trăm đô la Mỹ.

Có một tờ giấy kẹp giữa xấp tiền, trên cùng là hai chữ: "Mai Mai", bên dưới là một khoảng trống trắng tinh, cuối cùng mới là dòng chữ xiêu vẹo: "Em hãy quên hết tất cả, tiếp tục theo đuổi ước mơ của em. Hãy tiến về phía trước, rồi sẽ có người yêu em hơn anh".

Tôi thẫn thờ nhìn túi giấy rồi bật cười thành tiếng.

Đúng là khôi hài thật, người bạn gái đầu tiên ôm tiền của anh chạy mất, anh lại dùng tiền để xua đuổi người vừa ở bên cạnh anh.

Đây có được coi là tiền bồi thường không? Mười tháng trái tim tan nát đổi về hơn bốn trăm ngàn nhân dân tệ. Vụ giao dịch này kể ra cũng lời thật đấy. Tôi vẫn mỉm cười, bởi vì tôi không khóc nổi.

Tôi đốt tờ giấy trên ngọn nến, mở to mắt nhìn tờ giấy từ từ hóa thành tro bụi.

-----------------------------

Khi ngẫm nghĩ lại, tôi không tin từng cử chỉ bộc lộ tấm chân tình và sự yêu thương anh dành cho tôi trong thời gian qua chỉ vì tôi giống một ai đó.

Tôi cũng không tin anh nhẫn tâm không chịu gặp tôi chỉ vì tôi không hiểu lòng người hiểm ác làm chuyện dại dột. Chúng tôi đã trải qua bao nhiêu khó khăn trắc trở như vậy, gần như một đời một kiếp của người khác.

Tôi không tin một chút nào.

Trong lòng tôi vẫn nuôi một tia hy vọng, tôi đếm từng ngày trôi qua.

Nhưng Tôn Gia Ngộ vẫn biệt tăm biệt tích, cho đến buổi tối ngày thứ mười lăm giống cái đêm anh lặng lẽ biến mất.

Tất cả đã kết thúc.

Cành cây bên ngoài cửa sổ đã rụng hết hoa, lá xanh bắt đầu nhuộm màu vàng. Mùa hạ dài dằng dặc của Odessa cuối cùng cũng qua đi.

Tôi bắt đầu thu xếp hành lý chuẩn bị về nước. Tôn Gia Ngộ nói đúng, thành phố này không có duyên với tôi.

Đồ đạc không mang về tôi đều đem tặng cho người khác. Tôi muốn xóa sạch những ký ức liên quan đến thành phố này. Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi đây.

Người duy nhất ra sân bay tiễn tôi là Khâu Vĩ. Tôi mỉm cười chào tạm biệt anh ở cửa kiểm tra.

"Triệu Mai, cô đừng hận cậu ấy...". Khâu Vĩ nhìn tôi.

Tôi ngắt lời anh, cố gắng nở nụ cười nhẹ nhõm: "Anh Khâu, nếu anh về Bắc Kinh, nhớ gọi điện cho em, em sẽ mời anh ăn cơm".

Chiếc máy bay Boeing 747 cuối cùng cũng lăn bánh trên đường băng và lao vút lên bầu trời xanh lam. Từ trên cửa sổ máy bay nhìn xuống, bên dưới là đồng bằng Ukraine rộng lớn và biển Đen cuộn sóng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.

Hôm đó là ngày hai mươi tư tháng tám, đồng bằng Ukraine đẹp đẽ đã bước vào đầu thu. Nhưng tôi không còn cơ hội đi dưới ánh nắng ấm áp của mùa thu, đằng sau là con đường dọc bờ biển đầy lá vàng rơi, trước mặt là rừng cây sơn tra đỏ rực đẹp như một bức họa.

Tôi giơ tay lên cửa sổ vẫy chào.

Tạm biệt Odessa!

Tạm biệt Ukraine!
alt
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
(Cao H) Dạy Dỗ Phu Quân
cao H, kết 1v1, ngôn tình
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc