Khi ấy, ngẩng lên ngắm nhìn bầu trời trên cao, cảm thấy thế giới bên ngoài thật tuyệt, chỉ hận không thể mọc thêm đôi cánh tung mình theo đàn chim nhạn, xếp thành hình chữ nhất kia bay đi.
Ngày tôi ra đời, cơn mưa kéo dài suốt mấy ngày ở Bắc Kinh đã tạnh,trời trong tới mức nhìn như bầu trời của những ngày hè oi bức nhất.
Hoa bìm bịp tím trong vườn đã nở, nhụy của những bông xác pháo cũng căng mọng như sắp hút được mật, tán cây táo ta và cây hòe phủ bóng râm mát xuống vườn, tiếng ve sầu râm rang từng đợt không dứt. Trên không trung, vài cánh chuồn chuồn bay lượn, thỉnh thoảng còn xuất hiện những chú bọ cánh cứng đốm đen đốm trắng.
Mấy cụ già ra ngồi hóng mát đang tập trung lại một chỗ, bà cụ đẩy chiếc xe nôi bằng trúc, nựng nịu hai đứa cháu nội một trai một gái trong nôi, ông cụ vừa phe phẩy cái quạt lá trong tay vừa chơi cờ tướng. Họ không im lặng tính toán nước cờ, mà thường xuyên có những tranh luận gay gắt vì cú nhảy của một con mã hoặc quân tốt bị ăn mất. Trên cửa hàng tạp hóa có treo tấm biển “Nước ngọt Bắc Băng Dương ướp lạnh”, ông chủ cửa hàng phủ một tấm chăn bông lên hộp gỗ màu trắng, bên trong ngoài bánh kem, còn có cả kem đậu đỏ.
Bọn trẻ con trong ngỏ tụ tập chơi cùng nhau, con trai thì chơi bắn bi, đập bài, cũng có đứa bắt dế đem nhốt vào chai thủy tinh để nuôi, lấy giấy bịt miệng chai, dùng dây chun quấn chặt, còn phải chọc thủng mấy lỗ nhỏ trên ấy cho lũ dế thở.
Chúng đặt tên cho dế, cái gì mà “Tướng Quân Thường Thắng”, “Sơn Đại Vương”, rồi sau đó đem lũ dế đi chọi. Đám con gái chơi nhảy dây, thiếu người cầm dây thì buộc một đầu vào cột điện. Ngoài ra các cô bé còn chơi nhảy ô, dùng miến gạch đỏ hoặc phấn may quần áo vẽ ô dưới đất, quả bóng nhỏ may bằng những miếng vải vụn, đen sì, không phân biệt nổi màu sắc.
Mặc dù đi ra khỏi cửa Tây của con ngỏ chính là phố Đông Thiền phồn hoa, nhưng trong ngõ lại không cảm nhận được bất kì âm thanh huyên náo nhộn nhịp nào, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đạp đi qua, không phải xe hiệu Vĩnh Cửu thì là hiệu Phượng Hoàng, tất cả đều màu đen, ngay cả những chiếc chuông gắn trên ghi đông xe cũng hệt nhau. Cũng chẳng trách được, không chỉ xe đạp, mà khi ấy, cuộc sống của nhà nào cũng giống nhà nào.
Sự thay đổi của Bắc Kinh nhỏ tới mức khó mà nhận ra, có thể ai đó nói một câu, cả thành phố liền trở thành giống hệt như thế.
Nhưng vào ngày sinh nhật tôi, đã xảy ra một chuyện kinh thiên động địa.
Anh Tân Vĩ ở căn nhà phía Đông khu chúng tôi bị cảnh sát bắt đi, họ nói rằng anh ấy cùng một tên con trai có biệt danh tên là “Khỉ” ở phía Tây khu giở trò lưu manh bên ngoài nhà vệ sinh dành cho nữ. Sáng sớm tinh mơ họ đứng ngoài nhìn trộm vào nhà vệ sinh nữ, còn huýt sáo và buông lời trêu gẹo người ở bên trong. Em trai của anh Tân Vĩ là anh Tân Nguyên đứng bên cạnh thấy xấu hổ, bèn khều gọi họ đi, nhưng anh Tân Vĩ mắng em phiền phức, không những không nghe lời mà còn đá anh Tân Nguyên một cái. Tân Nguyên khóc bỏ về nhà, vừa khéo gặp phải chủ nhiệm Triệu của ủy ban khu dân cư đi ra ngoài đổ nước tiểu, anh Tân Nguyên lập tức tố cáo với chủ nhiệm Triệu. Chủ nhiệm Triệu sa sẩm mặt mày, dỗ dành anh Tân Nguyên vài câu rồi không đi đổ nước tiểu nữa mà vội vội vàng vàng quay người.
Buổi chiều, cảnh sát đến khu dân cư bắt người, nói họ phạm tội “lưu manh”.
Có người phạm tội, đây quả là một tin tức động trời. Lại đúng Chủ nhật, già trẻ lớn bé trong khu đều đổ ra ngoài đứng xem.
Anh Tân Vĩ bình thường nghịch ngợm, bướng bỉnh nhất khu, vậy mà hôm đó sợ tới mức mềm nhũn cả chân, đứng không vững. Một chàng trai mới mười tám tuổi, bị cảnh sát vào trong phòng trói gô lại, vừa đi vừa khóc, vừa gọi mẹ vừa gọi bà, “Hu hu hu hu” nghe chẳng rõ là nói những gì nữa.
Lúc cảnh sát đến, anh Tân Nguyên đang ở ngoài cổng khu cùng một đám trẻ con chơi trò “Chúng ta đều là người gỗ, không được nói không được cử động”. Anh ấy giống hệt người gỗ, đứng nghệt ra ở chỗ chân tường nhìn đám bạn chạy vào trong xem náo nhiệt, thấy anh trai bị cảnh sát giải đi, thấy bà nội ngồi bệt dưới đất gào khóc, rồi tầng tầng lớp lớp người trong khu vây quanh đi theo anh Tân Vĩ, anh ấy bị bật ra ngoài vòng vây đó.
Trong ấn tượng sau này của tôi, anh Tân Nguyên là một người không hay nói, lúc nào cũng cúi gằm đầu gằm mặt, khi tôi chào anh ấy, anh ấy cũng chẳng nhìn vào mắt tôi. Có người bảo là vì anh Tân Vĩ bị bắt, cậu ta sợ quá nên mới biến thành một người lầm lì ít nói như thế. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ bắt đầu từ ngày hôm ấy, anh Tân Nguyên vẫn chưa biến từ “người gỗ” trở lại thành người bình thường.
Anh Tân Vĩ bị bắt mấy hôm thì có phán quyết, vì trong lúc tạm giam anh ấy khai nhận từng xem video đen, nên bị định tội lưu manh, mười lăm năm tù giam. Tình hình của tên Khỉ còn nghiêm trọng hơn, khi đó hắn có một cô bạn gái, chính là cô gái ở trong nhà vệ sinh ngày hôm ấy, điều tra phát hiện bọn họ có quan hệ nam nữ bất chính, nên bị phán tội tử hình. Trước ngày tử hình, người của tòa án còn đến thu bảy hào tiền đạn, nghe nói cô bạn gái của tên Khỉ đã uống thuốc trừ sâu Dichlorvos tự vẫn.
Số họ đen, gặp đúng thời kì “đánh nghiêm”, vì một trò đùa tai quái mà phải trả giá bằng cả tính mạng. Người lớn thì bảo đó là số mệnh.
Mệnh, từ mệnh trong số mệnh, mà cũng là mệnh trong vận mệnh.
Đương nhiên, những chuyện đó tôi đều chẳng nhớ chút gì cả, tôi vừa ra đời, vì chuyện của anh Tân Vĩ mọi người đều quên bén việc nhà họ Tạ mới có thêm một cô con gái tên là Tạ Kiều, thậm chí trong khu có người còn tưởng phải sâu khi lập thu tôi mới ra đời cơ đấy. Chỉ có anh Tiểu Thuyền của tôi là nhớ rõ mọi chuyện, chính anh đã kể lại cho tôi nghe.
Tôi từng nghe nói về một truyền thuyết, con người nhớ được những chuyện xảy ra trước năm một tuổi, là bởi vì trong đầu vẫn còn sót lại chút kí ức từ kiếp trước, cho tới tận khi có được ký ức ở kiếp này, mới quên hết những chuyện đã xảy ra ở kiếp trước, vì vậy, quãng thời gian ấy liền trở thành quãng ký ức “trắng” trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Tôi rất sợ quãng ký ức “trắng” đó, vì vậy tôi cứ truy hỏi mẹ rằng tôi từ đâu mà có, tôi được sinh ra thế nào.
Mẹ tôi bảo, trước khi sinh ra tôi chỉ là một con kiến mẹ chọn trong đám kiến nhỏ xíu, rồi đến gặp bác sĩ để bác sĩ thổi tiên khí vào con kiến ấy, con kiến biến thành tôi.
Trong một khoảng thời gian rất dài, tôi luôn tự cảm thấy may mắn vì mình là con kiến được chọn, và cũng vì lý do đó mà tôi thiện cảm đặc biệt với loài kiến, chưa bao giờ cố ý giẫm vào chúng, cũng chưa bao giờ dùng gương làm kính tụ quang để thiêu chúng dưới ánh nắng mặt trời. Trời mưa kiến chuyển nhà, khi bà nội cầm một bình nước đi quanh khu đổ vào một tổ kiến một, tôi còn khóc tới tắc cả mũi.
Bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, tôi đã cho rằng không có ký ức là một việc rất đáng sợ. Cho dù sau này tôi biết, nếu lưu giữ toàn bộ kí ức, việc đó sẽ trở thành một kiếp nạn khủng khiếp mà con người không thể chịu đựng nổi. Và có một vài ký ức, sau khi bị một người từ bỏ rồi, mới thực sự ăn sâu bám rễ trong lòng một người khác. Nhưng tôi vẫn chắc chắn rằng, ký ức chính là minh chứng rõ ràng nhất về việc một người từng tồn tại, khi bạn không có ký ức, cả thế giới này dường như chẳng liên quan gì tới bạn cả.
Cho dù là người thân thiết nhất với bạn, nhưng nếu bạn không nhớ gì về người ấy, thì khi người ấy mất đi bạn cũng sẽ chẳng có cảm giác đau buồn. Thời gian không có chỗ để tích lũy, tình yêu chẳng có nơi để cất giấu, còn thù hận cũng chẳng có chỗ để hóa giải. Nghĩ mà xem, bạn sẽ cô đơn biết bao. Không có ký ức sao có thể gọi là cuộc đời chứ? Cuộc đời ấy à, chỉ thực sự bắt đầu khi bạn có ký ức mà thôi. Nói vậy thì, cuộc đời của anh Tiểu Thuyền bắt đầu từ ngày anh gặp tôi.
Anh Tiểu Thuyền lớn hơn tôi hai tuổi, tên đầy đủ của anh là Hà Tiểu Chu, tên của Tiểu Thuyền do bố tôi đặt. Năm 1978, sau khi khôi phục việc thi cấp III, bố tôi là lớp học sinh đầu tiên thi và cũng là người có văn hóa cao nhất trong khu, vì vậy gần như con cái nhà nào cần đặt tên cũng tới tìm bố. Bố tôi cũng rất nghiêm túc, ngụ ý của cái tên Tiểu Chu là hi vọng anh sẽ giống như chiếc thuyền nhỏ, dương buồm ra khơi, rẽ sóng băng băng tiến về phía trước, vì vậy từ nhỏ tôi đã gọi anh là anh Tiểu Thuyền.
Anh Tiểu Thuyền kể, ngày tôi chào đời, trời rất xanh, sắc mây rất đẹp, vẽ thành một đường thẳng mỹ lệ trên không trung. Mẹ anh đang nhặt đậu ván trong sân, còn anh thì ngồi trên chiếc ghế con ở bên cạnh, mải mê quan sát con bọ xén tóc. Đúng lúc này, bố tôi vui mừng hớn hở đi vào sân.
Mẹ anh ngẩng lên hỏi: “Thầy Tạ, vợ thầy sinh chưa?”
“Sinh rồi! Là một bé gái, hơn ba kilogam!” Bố tôi vừa nói vừa xoa xoa đầu anh Tiểu Thuyền. “Tiểu Chu, cháu có em gái rồi đấy.” Về sau mỗi lần kể đến đoạn này, anh Tiểu Thuyền đều cười tít mắt xoa đầu tôi.
Cũng chính vì thế mà tôi cảmm tạ ông trời, vì đã để tôi đến thế giới này vào ngày hôm đó.
Năm tháng vội vã, vũ trụ hồng hoang, một kẻ nhỏ xíu như hạt bụi là tôi không sớm không muộn, xuất hiện trước mặt anh như thế, dii daannl leequ idonn mở toanh cánh cửa ký ức của anh. Đối với anh Tiểu Chu mà nói, tôi là một người đặt biệt! Hễ nghĩ tới điểm này, tôi thấy lòng thật ấm áp, tràn trề sức sống.
Bởi vì tôi thích anh như thế, có lẽ bắt đầu từ ngày anh có ký ức về tôi, tôi đã thích anh giống như được số phận an bài.
Anh Tiểu Thuyền luôn trông rất sáng sủa sạch sẽ, khuôn mặt rạng ngời, ngay cả nụ cười cũng vô cùng thanh tú. Chiếc áo sơ mi của anh phảng phất một thứ mùi dễ chịu của xà phòng thơm, thẳng thớm gọn gàng. Tất của anh không bao giờ chiếc thấp chiếc cao, cũng không để giày thể thao màu trắng biến thành màu cháo lòng.
Người trong khu đều bảo nhà chú Hà thật biết cách nuôi dạy, có được đứa con trai vừa sáng sủa, ngoan ngoãn, lại rất hiểu chuyện.
Đúng là, hồi bé anh Tiểu Thuyền chưa từng cãi nhau với ai bao giờ, anh cũng không chơi những trò tai quái cùng lũ con trai đồng trang lứa, cũng không tự dưng buồn bã, u uất như anh Tân Nguyên. Anh là một cậu con trai điềm tĩnh, phóng khoáng, sinh ra đã là một luồng ánh sáng rạng rỡ.
Chú Hà và cô Lý đều là công nhân, hai người chẳng được học hành nhiều, nhưng không biết anh Tiểu Thuyền giống ai, từ nhỏ đã thích đọc sách. Anh Tiểu Thuyền đọc rất nhiều sách dành cho thiếu nhi, anh không bao giờ dùng tiền tiêu vặt để mua những đồ ăn vặt như kẹo kéo hay kẹo cao su, mà tất cả đều dùng để thuê sách đọc. Năm đồng một cuốn, anh thường thuê mười đồng để về đọc dần.
Tôi lẻn sang nhà anh kèo nhèo đòi anh kể chuyện, những chuyện như Dương gia tướng, Nhạc Phi Thuyền, Liêu Trai qua lời kể của anh đều rất sống động. Tôi đặc biệt thích anh kể Tây Du Kí, mỗi lần anh Tiểu Thuyền bắt đầu cất giọng “Nghe nói bốn thầy trò Đường Tăng…..” là tôi lập tức cười tít mắt.
Hồng lâu mộng tôi cũng thích, nhờ đó mà tôi biết làm tiểu thư thích hơn làm nha hoàn nhiều. Anh Tiểu Thuyền có một bộ bài Hồng lâu mộng, anh cho tôi hai quân bài Đại Ngọc và Bảo Thoa thì tôi nhận, nhưng cho tôi quân bài đại tỷ ngốc thì tôi bèn ném xuống đất trả. Chúng tôi thường biểu diễn tiết mục này, khiến người lớn trong viện phải phá lên cười ha hả. Mọi người đều biết tôi thích dính lấy anh Tiểu Thuyền, thỉnh thoảng mẹ còn cố tình trêu tôi, bảo không cần tôi nữa, tôi liền ôm con búp bê vải của mình, chạy thẳng một mạch vào phòng anh Tiểu Thuyền, thế là người lớn lại được một trận cười. Cô Lý, mẹ anh Tiểu Thuyền, rất tốt với tôi, mỗi lần thấy tôi sang, đều cho tôi đồ ăn ngon. Cô là người miền Nam, biết làm một loại làm một loại bánh ngọt, hình dạng giống con thỏ nhỏ, bên trong là một nếp, bên ngoài bọc một lớp đường cát, dùng quả cây sơn trà làm mắt, mỗi lần tôi có thể ăn hết liền ba cái. Cô Lý hay đùa, bảo muốn tôi về làm con dâu cô, nhưng mọi người đều không cho đấy là thật, chỉ có tôi ngây thơ tưởng thật mà thôi.
Khu nhà đối diện với khu nhà chúng tôi có một vị quan chức từ thời Quốc Dân đảng, tôi thường gọi ông ấy là ông Tướng quân. Ông ấy từng ngồi tù mười mấy năm trong nhà tù Tần Thành, về sau thông qua công tác thống chiến, nên mới được thả. Cả đời ông ấy không kết hôn, khu nhà nhỏ đó chỉ có một mình ông ở, hoa cỏ trồng đầy vườn. Ông tướng quân bị thương trong chiến đấu, nên chân có chút tật, đi lại không được thuận tiện, anh Tiểu Thuyền thường giúp anh tưới hoa, và tôi đi theo anh. Trong vườn nhà ông có một chum nước lớn, bên trong đựng đầy nước mát dùng để tưới hoa, tôi nằm bò lên thành chum, thõng cánh tay ngâm dưới nước, vô cùng dễ chịu. Nhưng ông Tướng quân và anh Tiểu Thuyền không cho tôi làm thế, sợ tôi ngã xuống chum. Xuất phát từ nguyên nhân ấy, anh Tiểu Thuyền kể cho tôi nghe câu chuyện Tư Mã Quang đập chum cứu người, sớm hơn rất nhiều khi tôi được học câu chuyện ấy trong sách giáo khoa tiểu học. Trong vườn nhà ông Tướng quân có giàn nho, cây sung, cũng có cây chuối hoa, lan quân tử. Đứng giữa những khóm hoa ấy, Hà Tiểu Chu cười tươi rói gọi tên tôi, giống như làn ánh sáng đầu tiên trong cuộc đời tôi vậy.
Đầu óc tôi chậm chạp, nên không thể phân biệt rõ mình có ký ức như anh Tiểu Thuyền từ khi nào. Cũng có thể vì Tần Xuyên luôn gây rối, nên tuổi thơ của tôi rất hỗn loạn, không thể phân biệt rõ ký ức nào là của tôi, ký ức nào là của cậu ta.
Bối tôi bảo, bắt đầu từ năm 1980, giường bệnh trong bệnh viện phụ sản rất khan hiếm, mỗi giường đều phải bố trí hai sản phụ nằm đảo chiều nhau, nhìn từ xa lại, giống hệt những quả dưa hấu được xếp ngay ngắn.
Tần Xuyên ra đời sớm hơn tôi mười mấy ngày, mẹ cậu ta và mẹ tôi đều nằm trên cùng một chiếc giường.
Nghe nói, khi còn chưa được sinh ra chúng tôi đã bắt đầu chiến đấu không ngừng nghỉ, trước lúc mẹ đi đẻ còn đá qua đá lại đối phương qua hai lớp da bụng căng phồng, ngày đầy tháng bắt đầu đánh nhau, khi biết nói bắt đầu chế nhạo nhau….rõ ràng chúng tôi chưa bao giờ ngừng nghỉ lấy một lúc. Mẹ tôi bảo, đây gọi là oan gia.
Tần Xuyên là đứa trẻ khác biệt trong khu nhà chúng tôi, bởi vì chỉ có duy nhất cậu ta không phải là con một, mà còn có một bà chị gái lớn hơn cậu ta hai tuổi.
Lúc cô Diêu mang thai Tần Xuyên còn chưa có tiểu phẩm Đội du kích siêu sinh vừa mang ý nghĩa giáo dục lại vừa có tính chất trào phúng, chính sách kế hoạch hóa gia đình là chính sách nghiêm khắc không được phép vi phạm. Xưởng nhũ tương mà cô Diêu đang công tác và ủy ban dân cư gần như ngày nào cũng đến nhà cô Diêu làm công tác tư tưởng cho cả hai vợ chồng. Vì luôn trong tình trạng người này vừa đến người kia liền xuất hiện, hai nhóm người đó sau khi thân quen còn tiện thể giải quyết được chuyện hôn nhân của một nữ thanh niên lớn tuổi trong xưởng và một người đàn ông trung niên góa vợ trong ngõ. Nhưng cho tới tận khi hai người đó yêu đương chán chê rồi kết hôn, cô Diêu vẫn không bbor đứa trẻ, cái bụng cô mỗi ngày mỗi to hơn.
Khi ấy chú Tần chưa chính thức đi làm, bà nội tôi bảo, từ nhỏ chú ấy đã là người cố chấp nhất trong con hẻm này, chẳng sợ gì, ủy ban dân cư gặp chú tránh còn không kịp, nên chẳng ai muốn tự mình phá vỡ tổ ong vò vẽ đó.
Cô Diêu là một thanh niên có xuất thân khá tốt, vì vậy cả hai nhóm người kia đều chọn cô để ra tay, chủ nhiệm Triệu của ủy ban dân cư nói, giờ cô sinh thêm một đứa vấn đề hộ khẩu không giải quyết được. Lãnh đạo xưởng bảo, quốc gia đã có công văn rõ ràng, sinh thêm là phải nghỉ việc! Nhưng cô Diêu chẳng nói nhiều, chỉ lặp đi lặp lại một câu, tôi phải đẻ!
Vì vậy, cho dù hai nhóm người này phối hợp vô cùng ăn ý, nhưng cuối cùng vẫn không ngăn được việc ra đời của Tần Xuyên.
Tên của anh bạn nhỏ Tần Xuyên được bao người mong ngóng ban đầu không phải là như thế này, chú Tần đặt cho cậu ta một cái tên mà đã nhìn là không thể quên, đã nghe là không thể không quay đầu, trước từng có cổ nhân, sau khẳng định không ai dám đặt, đó chính là: Tần Thủy Hoàng!!!
Mẹ tôi bảo, lúc ở bệnh viện, mọi người đều biết có một đứa bé tên là Tần Thủy Hoàng. Cái tên đó quá vang, muốn không biết cũng khó.
Lúc cho Tần Xuyên bú sữa, chú Tần lại nựng nịu: “Tần Thủy Hoàng, đừng cắn mẹ con nhé!”
Lúc thay tã, chú Tần lại dỗ dành: “Tần Thủy Hoàng ăn ngoan tè ngoan!”
Có thể tưởng tượng khi ấy, trên trán mỗi người trong bệnh viện phụ sản Hiệp Hòa đều nhiều thêm mấy nếp nhăn.
Cứ vậy, cô Diêu lẳng lặng chịu đựng đủ bảy ngày, ngày ra viện, cô Diêu bế Tần Xuyên nắm bàn tay nhỏ xíu của cậu ta vẫy vẫy chào các sản phụ khác: “Tần Xuyên, tạm biệt các cô các bác đi con!”
Tần Xuyên bị ép buộc phải lắc lắc cổ tay mũm mĩm, cả phòng bệnh im lặng như tờ, chú tần nói: “Vệ Hồng, em vừa gọi con là gì?”
Cô Diêu điềm đạm đáp: “Tần Xuyên, Tần Xuyên trong Tám trăm dặm Tần Xuyên.”
Từ đó, Tần Thủy Hoàng trở thành lịch sử, Tần Xuyên chính thức lên ngôi.