Mặt mũi sưng húp thế này, nếu để Diệp Chiêu nhìn thấy thì chẳng phải là nực cười lắm sao?
Hạ Ngọc Cẩn sửa sang lại quần áo, đứng đờ ra bên bờ sông một lúc, đợi sau khi tâm trí bình phục lại, mới trở về tửu lâu tìm bạn rượu để đổi lại áo. Bị mọi người thắc mắc về chuyện tại sao mắt lại đỏ lên thế, Hạ Ngọc Cẩn phải nói dối là bị gió thổi vào mắt, rồi chìa mắt ra để mọi người kiểm tra, ai nấy đều xác nhận đúng là trông khác xa so với bình thường. Hạ Ngọc Cẩn không giải thích gì thêm, quay người đi đến ngõ Yến Tử, xông vào một nhà dân cũ kỹ, uy hiếp dọa nạt một hồi, lấy một món đồ ở đó rồi vội vàng trở về nhà.
Diệp Chiêu vẫn chưa ngủ và đang lau kiếm dưới ánh nến, không biết có phải là đang đợi cậu ta không.
Hạ Ngọc Cẩn chưa bao giờ biểu thị ý tốt với vợ mình, nên cảm thấy xấu hổ không biết phải nói với Diệp Chiêu thế nào. Cậu đứng ở ngoài cửa, chần chờ mãi vẫn không lấy đâu ra đủ dũng khí để mở miệng. Cuối cùng Diệp Chiêu bước ra, dựa nửa người vào chiếc cột, nhướng nhướng mày hướng về phía cậu hỏi: “Sao vậy? Nửa đêm mới về, có gì muốn nói với tôi à?”.
Việc nghe trộm đã là mất mặt lắm rồi, Hạ Ngọc Cẩn làm sao dám mở miệng chứ? Cậu ấp a ấp úng một hồi lâu, cuối cùng đuối lý bèn nói bừa: “Xem cô ngủ chưa, quan tâm một chút, cũng không được sao?”.
“Hả?” Diệp Chiêu ngạc nhiên tưởng mình vừa nghe nhầm. Cô ngước nhìn lên bầu trời, hình như có đàn chim bay qua che khuất đi ánh trăng, sau đó cuối xuống nhìn hai chân đưa đi đưa lại, đột nhiên trong lòng Diệp Chiêu hiểu ra đó cô liền thăm dò hỏi: “Trừ phi anh biết trong thời gian này tôi và Hoàng tử Y Nặc hay ở gần nhau? Lại bị người khác nói điều nhảm nhí, trong lòng không thoải mái phải không?”.
“Cũng có đôi chút”. Hạ Ngọc Cẩn vốn thực sự không quen nói những lời tình cảm với Diệp Chiêu, rõ ràng những lời muốn nói cậu đã sắp xếp trong đầu thậm chí còn nghĩ ra vài phương án dự phòng, nhưng đến khi nói ra lại vẫn là những lời rất vớ vẩn: “Tôi muốn biết tại sao ngày nào cô cũng ở bên cạnh cái tên bệnh hoạn đó, chắc là hắn ta không đến nỗi không có mắt mà có ý gì với cô đấy chứ?”. Nhưng sau khi nói xong, Hạ Ngọc Cẩn lại cảm thấy nam nhi đại trượng phu có hỏi về hành tung của vợ mình thì cũng là hợp đạo lý, vì thế ưỡn cao ngực, cố gắng ra vẻ nghiêm túc, chờ đợi câu trả lời.
“Hoàng tử Y Nặc không đơn giản như vẻ bề ngoài, anh ta là dũng sĩ số một của Đông Hạ, tính tình hiếu chiến, thích chém giết, làm việc rất quyết đoán và độc ác. Trong nhà anh có bốn năm vị vương phi nhưng hầu như đều là các cuộc hôn nhân vì lợi ích, vì thế anh đừng nghĩ này nghĩ nọ. Tôi là tướng quân của Đại Tần, nếu truyền ra ngoài để người đời nghi ngờ thì chẳng hay chút nào”. Diệp Chiêu vỗ vỗ vai cậu ta, do dự một lúc lâu mới cười đau khổ nói: “Là vì Hoàng thượng cho rằng, tham vọng dã tâm của vương triều Đông Hạ không thể dễ dàng chịu thua như thế được. Lần này đoàn sứ Đông Hạ tới thăm hỏi, Hoàng thượng e rằng trong đó tất có âm mưu gì đó, vì vậy cố ý ra lệnh cho tôi và đại nhân Trung Thư là người đã từng đi sứ Đông Hạ lấy thân phận là bạn bè, thay nhau cùng vui chuyện với anh ta, thừa cơ tiếp cận giám sát anh ta gần hơn, nhằm tránh gây ra tai họa cho quốc gia”.
Con chồn lông vàng không để vợ mình đi cùng với thằng cha dã man đó mà lại bảo vợ cậu đi cùng với hắn!
Hạ Ngọc Cẩn tức giận đến nỗi trong lòng thầm chửi rủa mười tám đời tổ tông của con chồn lông vàng đến mấy lần, nhưng trên khuôn mặt lại tỏ vẻ hiểu biết: “Hoàng thượng thật có khả năng tiên liệu, tôi cũng thấy tên đó không phải là người tốt!”.
Diệp Chiêu cười nói: “Anh cũng biết?”.
Hạ Ngọc Cẩn bỗng chốc nghẹn lại, may mà đầu óc cậu ta linh hoạt, nhanh chóng kiếm cớ lấp liếm nói: “Tôi chỉ thấy thứ mà bọn họ yêu cầu khi bàn bạc quá hợp lý, đám phán cũng quá thuận lợi, dường như hoàn toàn không muốn làm cho Hoàng thượng và bá quan văn võ không vui. Nhưng làm gì có người nào làm ăn mà không tham chứ? Cái gọi là đạo lý trả giá trên thương trường, người bán muốn bán đắt, người mua muốn mua rẻ mà cũng không hiểu! Còn tự cho mình là thánh nhân Khổng Mạnh xoay chuyển thế giới sao?!”.
Diệp Chiêu nói: “Vẫn có những người thành thật làm ăn có nguyên tắc mà”.
Hạ Ngọc Cẩn lắc đầu: “Những người này không phải là không tham, nhưng họ rất thông minh. Bọn họ muốn làm kinh doanh với khách quen, chỉ có thể dùng sự thành thật để đánh bại bia miệng. Muốn làm ăn được lâu dài, không thể vì một chút lợi lộc trước mắt mà vi phạm pháp luật, làm đứt quãng đường kinh doanh. Cũng giống như bàn bạc giao dịch giữa hai quốc gia… Thiên hoàng cũng không quản được, đánh một gậy rồi bỏ đi. Đánh xong cái gậy vẫn còn lưu lại một chút vết máu làm bạn bè, tất nhiên muốn khai thác bao nhiêu thì có bấy nhiêu!”.
Diệp Chiêu nghe thấy thế cười to ha ha, liên mồm nói: “Sâu sắc! Thật sâu sắc!”.
Hạ Ngọc Cẩn thấy không khí vui vẻ, nhân cơ hội đó, liền lấy từ sau lưng ra một cái túi dài bằng vải bông, nhét vào tay Diệp Chiêu: “Còn có… cái đó… tặng cô đấy, đừng giận đấy”.
Diệp Chiêu vui vẻ nhận lấy, vừa mở ra nhìn vào liền ngây người ra…
Trong cái túi bằng vải bông đó, là một con dao găm dài chuôi chạm khắc tinh xảo hình đầu hổ lặng lẽ nằm đó. Con dao trông hình dạng đơn giản cũ kỹ, bên trên có khắc lên hai chữ “Hổ Khiếu” theo kiểu chữ triện.
Diệp Chiêu gần như nhảy lên, lao nhanh về phía tủ trang điểm của mình, lấy trong ngăn kéo ra một chiếc hộp gỗ thông mở ra xem, bên trong cũng có một chiếc dao găm “Hổ Khiếu” giống y hệt. Đây là một cổ vật của triều đại trước, là bảo vật quý giá nhất của cô.
Cô cầm hai con dao lên, đánh giá trọng lượng, sau đó quan sát tỉ mỉ, bất luận là lớp mạ bên ngoài hay cảm giác cầm ở trên tay, đều giống hệt nhau, thật không thể phân biệt thật giả.
“Đừng nhìn nữa”. Hạ Ngọc Cẩn chậm rãi nói: “Là tác phẩm của Lý đại sư, làm gì có chuyện dễ dàng để cho cô phát hiện khuyết điểm được?”.
Diệp Chiêu ngớ người ra hỏi: “Hổ Khiếu của tôi ba năm trước cướp được trên chiến trường, sao lại giả được chứ?”.
Hạ Ngọc Cẩn hỏi: “Sau khi cô trở về có cho ai mượn không?”.
Diệp Chiêu nói: “Hai tháng trước, vỏ đựng con dao bị tuột đường may, tôi có mang đến Trân Bảo Các sửa lại… Trừ phi?”.
“Ông chủ của Trân Bảo Các là bạn cũ của Lý đại sư”. Hạ Ngọc Cẩn cầm lấy con dao Diệp Chiêu lấy từ trong tủ trang điểm tách riêng chuôi đầu hổ và thân dao ra, chỉ vào phía bên phải trên góc nơi mà rất ít người để ý có vài đường hoa văn rất nhỏ dường như vô tình khắc lên và nói: “Những tác phẩm giả của ông ấy đều để lại tên, cô đem những hoa văn này ra chỗ ánh sáng, là có thể nhìn ra tên của ông ta”.
Diệp Chiêu bước ra chỗ có ánh nến cẩn thận nhìn, quả nhiên là như thế, vội vàng hỏi: “Từ đâu mà anh biết được?”.
Hạ Ngọc Cẩn ngần ngại gãi gãi mũi, giải thích: “Lý đại sư là một con người kỳ lạ. Ông ta tự khoe khoang về tài nghệ của mình, không thích tiền không thích sắc, chỉ thích làm giả, tay nghề thiên hạ vô song, hành sự không cần để ý đến tốt hay xấu. Ông ta hàng năm đều làm giả một vật phẩm tinh xảo khó bắt chước nhất, để đi lừa một người không thể bị lừa nhất, sau đó mọi người ở phía sau cá cược, xem có thể thành công không. Hai năm trước, người bị lừa là tôi, đồ vật được dùng là quả cầu sư tử bái ngọc lung linh, nhưng vận của tôi tốt, vô ý làm rơi vỡ đồ vật đó, mới phát hiện ra dấu tích đó. Từ đó tôi với ông ta cũng coi như là không đánh thì không quen biết. Năm nay ông ta sớm đã đánh tiếng trong đám người chúng tôi, đối tượng muốn lừa là cô, người được mệnh danh là tinh thông binh khí, tôi cá cô không phát hiện được nên thắng hơn một nghìn lượng bạc…”.
Hạ Ngọc Cẩn càng nói giọng càng nhỏ, biểu hiện rất khó xử.
Diệp Chiêu tuy không biết Hạ Ngọc Cẩn tại sao lại phát hiện và nói ra chân tướng sự việc, nhưng tóm lại chắc chắn là có ý tốt. Trong lòng cô cảm thấy có chút gì đó gần như là vui mừng, không muốn đổ hết tội lỗi lên người Hạ Ngọc Cẩn, liền giơ lòng bàn tay ra, nửa đùa nửa thật nói: “Số ngân lượng mà anh thắng không chia cho tôi một ít à?”.
Hạ Ngọc Cẩn lập tức ngoan ngoãn móc hầu bao, vơ bừa lấy một nắm to ngân phiếu đưa cho cô ấy, hỏi nhỏ: “Cô không giận chứ?”. Hạ Ngọc Cẩn thấy đối phương không có ý trách móc liền vội vàng kể công: “Nhưng tôi đã tốn rất nhiều sức lực, phải sử dụng nhiều cách tôi mới lấy đồ từ chỗ ông ta về được đấy”.
Diệp Chiêu không thèm nhìn liền cầm lấy ngân phiếu, cầm lấy hai con dao cảm thán: “Đã chơi mà thua thì phải chịu, tác phẩm của Lý đại sư thật là tinh xảo vô cùng, tôi lại không hề phát hiện ra”.
Hạ Ngọc Cẩn thở phào nhẹ nhõm.
Diệp Chiêu lại hỏi: “Tôi có một đôi dao uyên ương, không cẩn thận làm mất một con, thợ thủ công bình thường làm lại nhưng mãi không có cái cảm giác một đôi như trước, không biết Lý đại sư có thể nhìn theo hình vẽ mà làm cho tôi được không?”.
Hạ Ngọc Cẩn nói: “Càng là đồ vật mà những người bình thường làm không được thì ông ta càng thích, hơn nữa ông ta bị cô biết về chân tướng của con dao Hổ Khiếu, e rằng trong lòng cũng có gì đó bất an, nếu trả hậu một chút, lại hù dọa thêm vài câu thì chắc chắn là được”.
Diệp Chiêu vui mừng, hẹn Hạ Ngọc Cẩn sáng mai sau khi thiết triều xong, cùng đi đến ngõ Yến Tử, gặp Lý đại sư.
Nhưng đến ngày thứ hai, bọn họ vừa mới đến đầu ngõ, đã nghe thấy tin dữ.
Lý đại sư đã chết, trên ngực cắm một con dao, Thiết Đản sáng sớm đến nhà ông ta đưa đồ phát hiện ra.
Người khám nghiệm tử thi đoán chừng thời gian tử vong là lúc đêm qua.
Kính Triệu Doãn đang phái bộ đầu đi thăm dò tin tức hàng xóm xung quanh.
Tất cả những người hàng xóm đều một mực khẳng định, ngoài Hạ Ngọc Cẩn, không có bất kỳ ai đến nhà Lý đại sư, cũng không có bất kỳ ai cãi nhau với ông ta.