https://truyensachay.net

Tương Tư Thành Nắm Tro Tàn

Chương 24 - Chương 9

Trước Sau

đầu dòng
“Thích ư? Trình Thực hít thật sâu, cậu còn có thể thích một cô gái ư? Lục tìm kí ức, Trình Thực cơ hồ gặp lại hình ảnh của chính mình thời niên thiếu. Ngồi một mình trên cánh đồng tĩnh mịch không bóng người, những ngôi sao trên trời lấp lánh, cuối cùng hóa thành một khoảng không mông lung. Đó là nước mắt của cậu, chầm chậm, chầm chậm tuôn rơi lặng lẽ, che mờ thị giác...

1

Năm thứ ba đại học bắt đầu chưa được bao lâu, Chung Quốc đã đến thực tập tại một công ty thiết kế kiến trúc ở Bắc Kinh. Cậu vay bố năm nghìn tệ, mua một dàn máy vi tính xịn để phục vụ học tập và công việc.

“Bố, con sẽ cố gắng trả lại bố trong vòng nửa năm, nhiều nhất cũng không quá một năm.”

Khẩu khí đầy tự tin của Chung Quốc khiến bố cậu rất hài lòng. Ông Chung định sẽ chu cấp cho con trai đến khi tốt nghiệp đại học, sau đó để cậu hoàn toàn tự lập, không ngờ ý thức tự lập của con trai ông rất cao, những khoản chi tiêu ngoài học phí đều được cậu dùng dưới danh nghĩa “vay mượn”, còn nghiêm túc hẹn ngày trả nợ. Ông Chung rất vui, nói riêng với vợ: “Con trai chúng ta rất tự lập, sau này nhất định sẽ có ngày thành đạt.”

Tô Nhất cũng bắt đầu ra ngoài học hỏi kinh nghiệm. Sinh viên năm thứ ba, thứ tư, không thể cứ ngày ngày nhốt mình trong trường đọc sách thánh hiền được, cần chủ động tham gia những công việc thực tế ngoài xã hội, chăm chỉ học hỏi và giao lưu với mọi người, học cách đối nhân xử thế. Điều đó có tác dụng rất lớn sau khi tốt nghiệp.

Tô Nhất tìm được một công việc gia sư. Hằng ngày, vào buổi tối, cô thường ngồi xe buýt qua bảy, tám trạm đến dạy thêm hai tiếng đồng hồ cho một cô bé học lớp chín, thù lao hai mươi tệ một buổi. Tiền công không nhiều, trừ tiền vé xe hai chiều thì thu nhập tính ra càng ít, thế nhưng cô vẫn kiên trì, coi như để rèn luyện bản thân.

Ngoài làm gia sư, cô còn thử gửi bài đến tòa soạn báo và tạp chí. Nữ sinh Trung văn làm về chữ nghĩa cũng giống như anh đầu bếp chế biến những món ăn, bật bếp lên, đảo qua đảo lại, nêm thêm mắm muối là có ngay một món ngon. Bài viết của cô bắt đầu được xuất hiện trên một số báo và tạp chí, tuy chỉ là những đoạn văn ngắn, nhuận bút không nhiều nhưng nhìn thấy tác phẩm của mình được trở thành bản in, lòng cô tràn ngập niềm tự hào. Kể cho Chung Quốc, cậu cũng vui thay cho cô, còn chạy đi mua một cuốn tạp chí có đăng bài của cô, đem khoe với các bạn học rằng bạn gái cậu xinh đẹp, tài năng như thế nào.

Ngày học trên lớp, tối làm gia sư, lúc rảnh rỗi thì viết bản thảo, ngày nào Tô Nhất cũng bận rộn. Gọi cho Chung Quốc, cậu cũng bận chẳng kém gì, phải vẽ bản thiết kế, phải làm mô hình, còn phải thường xuyên đến công trường vào buổi tối. “Không chăm đến công trường, chỉ vùi đầu vào bản vẽ thì chẳng khác gì đóng cửa chế tạo xe,” cậu nói như vậy.

Tuy cả hai người đều bận nhưng điện thoại và tin nhắn vẫn không vì vậy mà giảm bớt, trái lại càng nhiều hơn. Họ kể cho nhau nghe cảm giác từng bước hòa nhập vào xã hội, đồng thời cũng động viên lẫn nhau nỗ lực, cố gắng, làm thật tốt.

Lần nào cũng vậy, trước khi tắt điện thoại, Chung Quốc đều nói khẽ một câu: “Tô Nhất, anh rất rất... nhớ em.”

Tô Nhất hiểu hai chữ “nhớ em” mà cậu nhấn mạnh ấy có ý nghĩa gì, mặt lập tức ửng hồng còn tim thì đập mạnh.

Dù bận rộn nhưng Tô Nhất vẫn nhớ sắp đến sinh nhật của Chung Quốc. Hai mươi tuổi là dấu mộc lớn của cuộc đời nhất định phải tặng cậu một thứ gì thật ý nghĩa làm kỉ niệm. Nhưng cô vẫn chưa biết nên tặng gì.

Trước giờ học, Tô Nhất tranh thủ thời gian hỏi ý kiến của Hứa Tố Kiệt. Hứa Tố Kiệt hiện không ở trong kí túc, cô và anh Chu thuê một phòng bên ngoài trường làm thế giới riêng của hai người. Giờ muốn nói chuyện với cô ấy, chỉ còn cách tranh thủ lúc giáo sư chưa đến.

“Tối qua em đã hỏi Chu Hồng, cô ấy góp ý mấy loại như thắt lưng, cà vạt, ví, dao cạo râu... chẳng có gì mới mẻ cả. Chị Hứa, chị nghĩ giúp em.”

Tô Nhất vừa năn nỉ vừa lắc cánh tay Hứa Tố Kiệt, trông chừng như sẽ lắc ra một đáp án vừa ý. Hứa Tố Kiệt cười, nói: “Chị cũng chẳng nghĩ ra được gì mới. Chị nghĩ hay là em đan cho cậu ấy cái áo len. Trò này tuy rất xưa rồi nhưng chiếc áo ấm do chính tay bạn gái đan cho, chàng nào nhận được cũng sẽ vui. Quà tặng quan trọng không ở ý tưởng mà ở tấm lòng. Em bảo có đúng không?”

Hứa Tố Kiệt nói rất đúng, Tô Nhất vừa nghe hai mắt đã sáng rực lên, có ý áp dụng nhưng rồi lại chần chừ. “Chị Hứa, nhưng mà em không biết đan len.”

“Không biết đan thì học.”

“Không kịp rồi, ngày mùng Chín tháng sau đã là sinh nhật Chung Quốc rồi, chỉ còn nửa tháng nữa, em làm sao đan kịp đây?” Tô Nhất biết rõ mình chân tay hậu đậu nên không tự tin lắm.

“Vậy đan khăn len đi. Khăn quàng đơn giản lại dễ đan, hơn nữa cũng có ý nghĩa lắm. Hàm ý là trói buộc. Vậy đi, đan một cái khăn quàng trói chặt cậu ta lại.” Hứa Tố Kiệt vừa nói vừa đập tay lên bàn như đã quyết định. Sau khi tan học, Tô Nhất và Hứa Tố Kiệt đi mua len, quyết định đan cho Chung Quốc một cái khăn quàng vào sinh nhật tuổi hai mươi của cậu. Chọn đi chọn lại cả một dãy dài, cuối cùng Tô Nhất lấy len lông cừu màu xanh lam.

Màu xanh lam ấy xanh như nước sông Gia Lăng chiều mùa hạ.

Cuộc sống của Tô Nhất trở nên bận rộn chưa từng có, phải lên lớp, dạy thêm, chiếm phần lớn thời gian ban ngày và buổi tối. Việc đan khăn, Tô Nhất chỉ có thể làm ngoài giờ học, đi dạy và trước khi đi ngủ. Những lúc ở trong kí túc xá, có thể nói là kim len chẳng rời tay. Chu Hồng thường trêu chọc: “Ôi, đây là nàng Chức Nữ giáng trần đó sao?”

Học kì này, Chu Hồng đã hoạt bát trở lại. Tô Nhất biết chuyện này phần lớn có liên quan đến việc nhận lỗi của Trình Thực ở cuối học kì trước. Đúng là cởi chuông vẫn phải cần người buộc chuông.

Lần đầu cầm kim đan, Tô Nhất cứ ôm đống kim, len mà không biết đan lát thế nào. Hứa Tố Kiệt phải ngủ lại kí túc xá một đêm, cầm tay cô dạy cách đan đơn giản nhất, tiếp đó là cô phải tự đan. Nhưng cô hầu như chẳng có năng khiếu trong việc này càng đan càng sai. Chỗ đan sai chỉ còn cách tháo ra đan lại. Cứ như vậy, đan rồi lại tháo, tháo rồi lại đan, phí không ít thời gian, công sức.

Ngày qua ngày, chiếc khăn mới đan được một đoạn ngắn ngủn. Tô Nhất cuống cả lên, tận dụng tất cả thời gian có thể để đan. Các buổi tối đi làm gia sư, đi về cũng mất hơn nửa tiếng, cô tranh thủ hướng ra cửa sổ xe buýt nơi có những ánh đèn đường lúc sáng lúc tối mà đan khăn. Ánh sáng không đủ, rất khó nhìn và vất vả, Tô Nhất phải căng mắt ra, chăm chú nhìn kim đan và sợi len trong tay, tỉ mẩn đan từng mũi, từng mũi một, miệng lẩm bẩm: “Lên, xuống, lên, xuống...”

Nếu như cô không cẩn thận nhẩm từng đường kim để tự nhắc nhở mình thì dưới ánh sáng yếu ớt như vậy rất dễ đan sai.

Có lần đi dạy, một đầu kim đan Tô Nhất nhét trong túi lộ ra ngoài, bị phụ huynh học sinh nhìn thấy. Bà ta lập tức tỏ ra khó chịu, nói: “Này Tiểu Tô, cô mời cháu đến dạy thêm cho con gái cô, cháu còn mang cả len đến đan à?”

Tô Nhất vội vàng giải thích, nét mặt bà ta mới dần tươi tỉnh trở lại. Từ đó Tô Nhất đã hiểu rằng phải chú ý đến những điều nhỏ nhặt, trong giờ làm việc, những đồ vật không liên quan đến công việc phải được cất kĩ tránh xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Đan trong thời gian nghỉ giữa giờ học, trên xe buýt, trước khi đi ngủ... Giờ đi ngủ của Tô Nhất ngày càng muộn, sau khi kí túc xá tắt đèn, cô lại thắp nến để tiếp tục chiến đấu. Có đêm, cô đan đến tận ba giờ sáng. Đó là đêm trước sinh nhật Chung Quốc ba ngày. Cuối cùng cô cũng đan được một chiếc khăn quàng dài bằng len lông cừu màu xanh lam. Tuy mũi kim còn chưa nhuần nhuyễn, đan chưa đều nhưng cô đã dốc sức hoàn thành.

Cầm chiếc khăn trên tay, cảm giác thật mềm mại, nhẹ nhàng. Nếu quàng trên cổ Chung Quốc vào những ngày đông, liệu có đem lại cảm giác ấm áp của ngày xuân?

Sau khi mang khăn quàng đến bưu điện gửi chuyển phát nhanh cho Chung Quốc, sáng sớm ngày mùng Chín tháng Mười, như thường lệ Tô Nhất gọi điện, gửi đến cậu lời chúc mừng sớm nhất. Cậu cười và hỏi cô: “Lại gửi cho anh một cái thiệp thế nào đây?”

Năm ngoái, vào ngày sinh nhật cậu, Tô Nhất đã gửi cho cậu một tấm thiệp do cô tự tay làm, thế nên năm nay cậu mới hỏi như vậy.

Tô nhất cười khúc khích, nói: “Đến lúc đó rồi anh sẽ biết.”

Cô giữ bí mật về việc đã tự đan khăn, muốn dành cho cậu một niềm vui bất ngờ. Nói chuyện một hồi, đến giờ lên lớp, cô muốn tắt điện thoại nhưng Chung Quốc không muốn, nói: “Em vẫn chưa hát chúc mừng sinh nhật anh.”

Tô Nhất ngẩn người một lát mới nhớ ra, nhưng cô vẫn giả vờ không biết, nói: “Bài hát chúc mừng sinh nhật à, được, hát ngay đây. Mừng ngày sinh nhật của anh, mừng ngày sinh nhật của anh...”

Chung Quốc vội kêu lên: “Không phải bài này, hát bài mà năm ngoái em hát cho anh nghe ấy. Anh muốn nghe bài đó.”

“Năm ngoái đã nghe rồi, năm nay còn muốn nghe nữa à?”

“Đương nhiên rồi, năm nào anh cũng muốn nghe, năm nào em cũng phải hát đấy.”

“Năm nào cũng muốn”, bốn chữ thôi mà ngọt ngào như mật, khiến Tô Nhất thấy trong lòng ngây ngất.

Nhưng ngoài miệng cô vẫn nói: “Năm nào cũng bắt em hát, anh không sợ nghe đến phát chán sao?”

“Không chán, mãi mãi không chán. Năm nào em cũng phải hát, ngay cả khi già đến nỗi răng rụng hết cũng phải hát, không được lười biếng.”

Khẩu khí của Chung Quốc mạnh mẽ như đang ra lệnh, Tô Nhất cũng ngoan ngoãn nghe lời, mặt mày rạng rỡ, hát khe khẽ vào loa:

“Hôm nay là ngày sinh nhật anh, Chung Quốc của em.

Sáng sớm, em thả đàn chim câu trắng. Mang đến cho anh một cành lá cọ. Chim câu bay qua núi non trùng điệp. Em muốn chúc mừng sinh nhật anh, Chung Quốc của em, mong anh mãi mãi không u buồn, mãi mãi vui vẻ.

Em muốn chúc mừng sinh nhật anh, Chung Quốc của em, đây là lời nói yêu thương của em từ phương xa.”

Nghe xong bài hát mừng sinh nhật đặc biệt của Tô Nhất, Chung Quốc mới hài lòng tắt máy. Cả buổi sáng hôm đó, trong đầu Tô Nhất luôn hỏi: Khi nào anh ấy mới nhận được quà? Khi quà đến tay, anh ấy sẽ tò mò ra sao? Giây phút mở quà, khi chiếc khăn len lông cừu màu xanh trải dài trên tay anh ấy, anh ấy sẽ bất ngờ đến thế nào?

Tưởng tượng, suy đoán, Tô Nhất bất giác mỉm cười.

Tiết học buổi sáng, cô chẳng có tâm trí nào mà nghe, chốc chốc lại liếc nhìn di động, chờ đợi cuộc điện thoại bất ngờ.

Đến trưa, Tô Nhất đang trên đường đến căn tin thì Chung Quốc gọi. Qua giọng nói, có thể thấy cậu vui sướng điên cuồng. “Tô Nhất, em đan khăn cho anh. Em đã đan cho anh một chiếc khăn. Em tuyệt quá, anh thấy hạnh phúc quá...”

Có lẽ người trúng giải xổ số năm triệu nhân dân tệ cũng không mừng rỡ, kích động được như cậu. Nghe thấy giọng nói vui đến phát cuồng trong di động, đôi mắt gấu mèo của Tô Nhất mở to, cô cười ngọt ngào. Những vất vả khi đan chiếc khăn đều như tan biến. Niềm hạnh phúc của cậu chính là sự đền đáp tốt nhất đối với cô.

Chỉ là một chiếc khăn len tự đan bình thường nhưng người đan nó đã dốc cả tâm trí và người nhận thì vui đến phát cuồng. Vật chất có giá, tình cảm vô giá.

Có những thứ mà giá trị không tiền nào sánh được, nói thẳng ra là có tiền cũng không thể mua được.

2

Việc Tô Nhất ngày đêm đan khăn cho kịp sinh nhật của Chung Quốc khiến Chu Hồng cũng động lòng theo, bám lấy Hứa Tố Kiệt nhờ đưa đi mua len về làm Chức Nữ. Cô còn đòi Hứa Tố Kiệt dạy kiểu đan họa tiết phức tạp nhưng đẹp hơn rất nhiều.

“Em gái cầu vồng ơi, bảo chị dạy thì được nhưng em phải nói cho chị biết em đan cái này cho ai vậy. Đã là Chức Nữ thì kiểu gì cũng phải có một Ngưu Lang.” Hứa Tố Kiệt trêu chọc.

Tô Nhất ngồi bên phụ họa: “Đúng, đúng, mau khai ngay, chính sách của chúng tớ là thẳng thắn được khoan hồng, kháng cự thì nghiêm trị.”

Chu Hồng không chịu nói nửa lời. Tô Nhất và Hứa Tố Kiệt hỏi mãi không được, phải công nhận rằng nếu đây là thời chiến thì Chu Hồng nhất định sẽ là đảng viên ngầm số một.

Chu Hồng không vội như Tô Nhất mà đan rất từ từ, tỉ mỉ. Chậm mà chắc, câu nói này thật không sai chút nào, nửa tháng trôi qua, cô mới đan chưa đến một mét khăn. Nhưng phần đã đan xong thì hoa văn tinh xảo, mũi đan chặt và đều, nhìn thế nào cũng không thấy lỗi.

“Ồ, cậu đan đẹp hơn tớ nhiều. Anh chàng nào có phúc nhận được chiếc khăn này nhất định ngủ cũng sẽ mỉm cười. Chu Hồng, cậu đan cho ai vậy?” Tô Nhất rất hiếu kì, không biết anh chàng nào đã lay động được trái tim Chu Hồng.

Chu Hồng vẫn không chịu tiết lộ, chỉ cười trừ. Điện thoại của kí túc xá bỗng đổ chuông, Tô Nhất không nhấc máy mà nói: “Nhất định là tìm cậu.”

Đường Thi Vận không còn nữa, Hứa Tố Kiệt đã chuyển đi, giờ trong phòng chỉ còn hai người họ. Tô Nhất có di động, ai tìm cô đều gọi thẳng vào số đó nên gọi vào máy bàn chỉ có thể là tìm Chu Hồng, vì cô vẫn chưa có điện thoại di động.

“A lô, Giám đốc Vu ạ! Chào chú... Ngày mai... cháu rảnh... Được ạ, cháu nhất định sẽ tới trước chín giờ.”

Tô Nhất nghe qua đã đoán được là chuyện gì. “Lại có việc làm rồi à?”

“Ừ, một cửa hàng vừa khai trương.”

Ngoài giờ học, Chu Hồng cũng tranh thủ đi làm thêm. Nhờ thân hình cao ráo, mảnh mai, cô được nhận làm nhân viên phục vụ theo ca cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện, thù lao một buổi khoảng năm mươi đến một trăm tệ, nhiều hơn công việc làm gia sư của Tô Nhất. Đương nhiên không phải ngày nào cũng có cơ hội được làm công việc này nên cô còn làm thêm việc tiếp thị rượu trắng. Cứ có thời gian là cô đến các khách sạn ở Thành Đô để tiếp thị, lương cơ bản là ba trăm tệ, sau đó sẽ có chiết khấu tính theo số rượu bán được, đãi ngộ tương đương với công sức bỏ ra. Xét về thời gian, hai việc làm thêm của Chu Hồng đều linh hoạt hơn công việc gia sư của Tô Nhất, tiền kiếm được cũng nhiều hơn. Tô Nhất thường nửa đùa nửa thật cất lời ngưỡng mộ: “Cao ráo như cậu thật là có lợi thế dễ kiếm việc làm. Sao mình lại chỉ có một mét sáu nhỉ.”

Công việc phục vụ sự kiện của Chu Hồng không nhất thiết yêu cầu thân hình cao ráo, ngay đến việc tiếp thị rượu, công ty cũng chỉ yêu cầu cao trên một mét sáu mươi lăm. Đối với yêu cầu chiều cao này, Tô Nhất cảm thấy rất bức xúc.

Nếu như tất cả các công ty đều tuyển chọn nhân viên như vậy thì chẳng phải người có thân hình thấp bé như cô sẽ chết đói cả sao?

Chu Hồng mỉm cười, nói: “Công việc này không tốt đẹp như cậu nghĩ đâu, chẳng qua chỉ là một cái bình hoa nên mới yêu cầu nhiều như vậy. Đổi cho cậu làm, bị mấy gã đàn ông háo sắc nhìn chòng chọc, chắc chắn cậu sẽ không chịu nổi mà bỏ chạy.”

Vậy sao? Tô Nhất bán tín bán nghi đi theo Chu Hồng một ngày. Sau khi được tận mắt chứng kiến, quả nhiên cô không còn suy nghĩ ngưỡng mộ nữa.

Hôm đó là lễ kỉ niệm ngày thành lập của một khách sạn, Chu Hồng và hơn mười cô gái xinh đẹp, thân hình thon thả, cao ráo, mặc xường xám đứng xếp hàng ở cửa ra vào. Chiếc xường xám màu đỏ trên người cô xẻ cao đến tận đùi, y hệt hình ảnh miêu tả những cô gái nhảy ở các chốn vui chơi trong những bộ phim cũ về Thượng Hải. Đám đông qua đường hiếu kì vây quanh, ngắm từ đầu đến chân mà bình phẩm, cô nào đẹp nhất, cô nào cao nhất, cô nào có cặp đùi trắng nhất... Tô Nhất nghe vài câu đã đỏ mặt tía tai, quay lưng bỏ đi. Lạ là Chu Hồng có thể chịu đựng được. Khi Tô Nhất hỏi, mặt Chu Hồng đỏ bừng nhưng cô vẫn cố làm ra vẻ bất cần, nói: “Chẳng qua là cho người ta nhìn một chút thôi mà, ở bể bơi có khi còn bị lộ nhiều hơn, cứ coi đó là mắt của những con cá chết là được.”

Nhìn thấy khuôn mặt đỏ bừng của Chu Hồng, Tô Nhất hiểu rằng mình đụng chạm đến một vấn đề tế nhị, sau này cũng biết ý không nhắc đến nữa.

Sau bữa tối, Tô Nhất và Chu Hồng cùng ra ngoài. Chu Hồng đến khách sạn tiếp thị rượu còn cô thì đi dạy thêm.

Đường đi hôm nay không thuận lắm, xe buýt bỗng nhiên bị hỏng, toàn bộ hành khách đành phải xuống xe đợi chuyến sau. Tô Nhất sốt ruột ngóng ra đường, mãi chẳng thấy chuyến xe sau đâu. Mẹ của học sinh này rất khó tính, đến muộn một cái là mặt nặng mày nhẹ. Có một lần cô đến muộn năm phút, bà ta liền sưng mặt lên, nói: “Tiểu Tô này, tối từ bảy đến chín giờ là thời gian phụ đạo, sau chín giờ Ni Ni nhà tôi phải lên giường đi ngủ rồi. Đây là thời gian biểu chúng tôi sắp xếp theo khoa học, kết hợp học tập - nghỉ ngơi hợp lí và chính xác, cháu không được làm rối loạn trật tự học tập và nghỉ ngơi của nó.”

Tô Nhất ngượng ngập đáp: “Cháu biết rồi ạ, sau này cháu sẽ không đến muộn nữa.”

Đến muộn năm phút đã bị lên dây cót như vậy, khiến Tô Nhất rất không thoải mái. Nhưng không thể phủ nhận phụ huynh đó nói đúng.

Nếu xe không tới ngay thì tối nay chắc chắn cô sẽ bị muộn. Tô Nhất cắn răng vẫy một chiếc taxi, nói với tài xế cho xe chạy nhanh để khỏi bị muộn.

Taxi chạy như bay đến nhà học sinh, đồng hồ tính phí hiển thị hơn tám tệ.

Ngồi mấy đồng xu loại một tệ để đi xe buýt ra, Tô Nhất chỉ mang theo một tờ năm mươi tệ. Cô đưa cho tài xế tờ tiền, ông ta lật đi lật lại cái ví hồi lâu mới lấy được một nắm tiền lẻ đưa cho cô. Tô Nhất vội quá, cầm nắm tiền mà chẳng kịp kiểm tra, co giò chạy lên lầu.

Gấp gáp như vậy mà vẫn bị muộn hai phút, vừa vào cửa, Tô Nhất liền xin lỗi: “Cháu xin lỗi cô, xe buýt hỏng giữa đường, cháu vội bắt taxi đến ngay. Lần sau cháu nhất định sẽ chú ý.”

Nét mặt bà chủ nhà sa sầm như trời có cơn giông, bà ta nói: “Tiểu Tô à, lần sau cháu không cần đến nữa, giờ cô sẽ thanh toán hết tiền công cho cháu.”

Tô Nhất sững người, một hồi lâu mới lắp bắp nói: “Cô ơi là vì... vì cháu đến muộn ạ?”

“Hôm nay đã có kết quả thi của Ni Ni, cháu phụ đạo cho con bé lâu như vậy mà điểm thi vẫn thấp như cũ. Cháu dạy nó những gì vậy? Hoàn toàn không hiệu quả. Cháu bảo tôi còn muốn bỏ tiền mời cháu nữa hay sao?”

Nói rồi, mẹ Ni Ni chìa ra hai bài thi không đạt của cô bé. “Cháu hãy tự xem đi.”

Tô Nhất nhìn hai bài thi, mím chặt môi, không nói nên lời. Cô đã sớm biết học sinh này sẽ làm bài không tốt vì gần như tối nào cũng vậy, dù cô có giảng giải đến khô cả cổ họng, cô bé đều không để ý, nhìn là biết chẳng để tâm vào chuyện học hành. Chưa kể, sau lần mẹ Ni Ni phát hiện cô mang theo đồ đan, cô bé thường xuyên hỏi cô: “Chị Tô, chị đan cho bạn trai của chị à?”

“Chị Tô, sao chị lại thích bạn trai của chị?”

“Chị Tô, tình cảm của chị và bạn trai có tốt không?”

“Chị Tô, chị và bạn trai không được ở gần nhau, chị nhớ anh ấy không?”

Hỏi đi hỏi lại đều là mấy chuyện yêu đương, Tô Nhất đại khái đã đoán ra cô nữ sinh trung học mười lăm, mười sáu tuổi này đang yêu sớm. Chuyện cô bé không để tâm vào học hành cũng nằm trong dự liệu của cô. Dù đã cố gắng giúp cô bé nâng cao thành tích học tập nhưng như con trâu không muốn uống nước, có ấn đầu nó xuống sông cũng chẳng tác dụng gì. Học trò không phối hợp, giáo viên dù có tận tâm tận lực thế nào cũng uổng công.

Những chuyện thế này không thể giải thích rõ ràng với phụ huynh, Tô Nhất chỉ biết im lặng cùng bà ta tính toán tiền công. Cô đến làm gia sư từ cuối tháng Chín, đã thống nhất đến tháng Mười sẽ tính luôn một thể, tổng cộng là ba mươi sáu ngày, mỗi ngày hai mươi tệ, tổng cộng là bảy trăm hai mươi tệ. Nhưng mẹ Ni Ni lại lạnh lùng trừ một nửa số tiền với lí do: “Cháu phụ đạo hoàn toàn không hiệu quả. Tôi nghĩ cháu hoàn toàn không chuyên tâm dạy cho Ni Ni. Giờ tôi trả cho cháu một nửa, thế đã là khách khí lắm rồi. Đây là bốn trăm tệ, trả lại tôi bốn mươi tệ.”

Tô Nhất hít một hơi thật sâu, tự nhắc mình phải nhẫn nhịn rồi đưa tay nhận khoản tiền tự kiếm được đầu tiên trong đời. Không có chút cảm giác vui mừng, trong lòng trái lại đầy uất ức, cô móc đủ bốn mươi tệ mà tài xế vừa trả đặt lên bàn, sau đó quay người đi thẳng. Còn chưa ra đến cửa, đột nhiên nghe thấy mẹ Ni Ni hét lớn phía sau: “Trời ạ, cô dùng tiền giả trả lại cho tôi à? Người như cô mà cũng được làm sinh viên đại học sao?”

Tiền giả! Tô Nhất dừng bước, quay người chạy đến giật lại nắm tiền trong tay bà ta. Đúng là trong bốn tờ mười tệ thì có hai tờ là giả. Nhớ lại dáng vẻ lập cập trả lại tiền của tài xế taxi, cô chợt hiểu rõ nguyên nhân.

Mẹ Ni Ni gầm lên như sấm: “Sinh viên đại học mà như vậy sao, dám dùng tiền giả để lừa tôi! Tôi đúng là có mắt như mù nên mới chọn cô đến dạy thêm cho Ni Ni nhà tôi, cô đừng có làm hư con gái tôi. Cô trả tiền thật lại cho tôi rồi lập tức cút khỏi đây.”

Tô Nhất ban đầu còn muốn nhẹ nhàng giải thích với bà ta, nhưng những lời chửi mắng liên tục trút xuống như mưa rào khiến nỗi uất ức trong lòng cô cứ như quả bóng đầy hơi. Lần đầu tiên bước vào vòng quay của xã hội, vẫn chưa được rèn luyện đến mức mình đồng da sắt, bách độc bất xâm, vẻ mặt khó coi, lời lẽ khó nghe chốc lát đã khiến cô cảm thấy tức điên người.

Cô rút một trong bốn tờ một trăm tệ, dùng hết sức mình ném thẳng vào cái miệng đang nói liến thoắng kia, nghẹn ngào thét lên: “Tôi không biết đó là tiền giả. Đó là tiền mà lái xe taxi trả lại tôi. Tôi không có đủ tiền lẻ, một trăm tệ này tôi trả cho bà, không cần trả lại.”

Tô Nhất nói xong lập tức xô cửa chạy ra ngoài, sau lưng cô im ắng lạ thường.
alt
(Cao H)Câu Dẫn Cầm Thú Giáo Sư Nhà Bên
Ngôn tình Sắc, Sủng, HIện Đại
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Thái Tử Tỷ Phu Và Cô Em Vợ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc