Người ta sinh ra gặp buổi thái bình, kẻ có gia tư sản nghiệp, đều nghĩ tới chuyện vui thú ruộng vườn, bậc anh hùng hào kiệt, nếu chẳng có chỗ thi thố tài năng, cũng chỉ đành nhìn trời mà than dài. Gặp buổi ly loạn, người người đều nghĩ mình đáng tài võ tướng, xứng mưu Gia Cát Khổng Minh. Có biết đâu chân ít giả nhiều, để rồi bỏ thân nơi đất khách, làm trò cười cho người đời. Bởi vậy chính kẻ biết thời, hiểu mình mới xứng tài tuấn kiệt. Nhưng nào đã mấy ai?
° ° °
Chưa nói chuyện Tần Thúc Bảo ở Đăng Châu rèn luyện thủy quân, chỉ chờ Dượng Đế rời đô là xuất binh chinh phạt Liêu Đông, hãy nói chuyện Dượng Đế, một hôm ngồi vui tiệc với Tiêu Hậu, nói:
- Vương Hoằng đóng thuyền rồng, tưởng cũng sắp xong. Bộ công lo việc may buồm gấm, bện dây lụa ngũ sắc cũng đã đầy đủ. Chỉ còn việc tuyển đội "Điện cước nữ" của Cao Xương là chưa biết đến đâu rồi.
Tiêu Hậu bàn:
- "Điện cước nữ" nghe tên thì có vẻ đẹp, nhưng thiếp sợ sức lực con gái yếu đuối, thuyền rồng vừa lớn vừa nặng, dẫu có hàng trăm cô gái nữa, liệu có kéo nổi. Bằng không phải cho cả nội thị giúp vào, mới có thể xong việc.
Dượng Đế đáp:
- Dùng con gái kéo thuyền rõ ràng là rất đẹp. Nếu thêm cả nội thị vào, sợ không giữ được vẻ tự nhiên nữa.
Tiêu Hậu thưa:
- Nhưng nếu chỉ dùng toàn con gái, thuyền khó mà chạy nhanh cho được.
Dượng Đế hỏi:
- Như thế thì làm thế nào bây giờ?
Tiêu Hậu ngừng chén, nghĩ ngợi một hồi rồi thưa:
- Người xưa dùng dê kéo xe ngự, trông cũng rất tao nhã. Nay ta hãy chọn lấy khoảng một nghìn con dê to khỏe, có thể kéo được mười chiếc thuyền rồng. Cũng như kéo xe ngự vậy thôi, rất thanh tao, cứ xen lẫn giữa người với dê lại càng ngoạn mục.
Dượng Đế cả mừng:
- Hoàng hậu thật chiều ý trẫm hết lòng.
Liền sai nội thị truyền dụ cho hữu ty, chọn ngay một nghìn con dê khỏe mạnh, lông mượt, dáng đẹp để chuẩn bị kéo thuyền.
Hoàng hậu cùng chúng phu nhân bận rộn sắp xếp cung nữ, hành trang cho cuộc ngự du Giang Đô, thì thấy trung môn sứ Đoàn Đạt đem tấu chương dâng. Dượng Đế xem qua, thì ra Tôn An Tổ cùng Đậu Kiến Đức, chiếm cứ vùng Cao Kê Bạc, dẫn quân đánh vào Trác Quận, giết chết thái thú Quách Huyến, lại liên kết với Trương Kim Xứng ở Hà Khúc, và bọn Cao Sĩ Đạt ở Thanh Hà, cả ba làm thành một thế chân vạc, tương cứu lẫn nhau, cướp bóc các quận huyện, quan binh địa phương nhiều lần đánh dẹp không nổi vì vậy phải tâu về triều đình, xin binh tiễu trừ. Dượng Đế xem xong, nổi giận:
- Lũ đầu trâu mặt ngựa này dám ngang ngược đến thế. Nay cần một viên quan đại tướng, kéo đến quét sạch, đem lại yên ổn cho vùng này mới xong.
Nhưng nghĩ mãi vẫn không biết cử ai cho xứng. Lúc này quý nhân Viên Tử Yên đứng bên cạnh thưa:
- Có thái bộc Dương Nghĩa Thần, nghe nói tài kiêm văn võ, không biết hiện giờ trấn thủ ở đâu?
Dượng Đế kinh ngạc hỏi:
- Quý nhân làm sao mà biết được Nghĩa Thần tài kiêm văn võ?
Tử Yên thưa :
- Thái bộc vốn là cậu của thiếp. Thiếp tuy chưa bao giờ thấy mặt, nhưng từ nhỏ đã được nghe phụ thân thiếp lúc sinh thời thường ngợi ca tài năng của thái bộc, vì vậy thiếp mới biết.
Dượng Đế nói:
- Thì ra Dương Nghĩa Thần là cậu của quý nhân. Nếu quý nhân không nhắc kịp, thì ta cũng quên mất người này. Nghĩa Thần hiện đã về chí sĩ, đúng là một người có tài.
Nói xong, liền viết sắc chỉ cử thái bộc Dương Nghĩa Thần làm Hành quân đô tổng quản. Chu Vũ, Hầu Kiều làm tiên phong, dẫn mười vạn tinh binh, chinh thảo giặc cỏ vùng Hà Bắc. Truyền nội quan đem sắc chỉ cho bộ Binh, bộ Lại xong, Dượng Đế nói với Tử Yên:
- Nghĩa Thần thuở xưa chỉ là có nghĩa quân thần, nay lại thêm quốc thích, nhất định sẽ không phụ lòng tin cậy của trẫm. Ngày khải hoàn, trẫm sẽ cho gọi vào cung, để được gặp quý nhân.
Từ Yên cúi đầu tạ ơn.
Chính là:
Số trời muôn dứt nhà Tùy
Hôn quân cố cưỡng sao đây
Tà nịnh cặp kè bên nách
Trung trinh hết cách cứu nguy.
Lại kể, Dương Nghĩa Thần tiếp được sắc chỉ, bèn tập họp tướng sĩ chọn ngày tốt phát binh, vài ngày sau, binh tướng đã kéo tới cửa Tề Cừ. Chỉ mới nghe trong vòng bốn mươi dặm quanh vùng này, là nơi đi về cướp bóc của Trương Kim Xứng, nên vội đồn quân đóng trại.
Cũng bởi chưa rõ đường đi lối về của Kim Xứng, nên nghiêm cấm quân sĩ không được tự tiện hành động, lại cho lính đi thám sát hư thực, để tìm cách đánh gọn.
Kim Xứng nghe tin quân triều đình đến, kéo ngay lâu la tới trước doanh trại Nghĩa Thần khiêu chiến, thấy quân sĩ cố thủ không chịu ra, nên suốt ngày cho lâu la chửi bới thậm tệ, cứ như thế kéo dài hơn một tháng, ai cũng ngờ rằng Nghĩa Thần khiếp nhược, không dám giao chiến. Nguyên là Nghĩa Thần chờ cho kẻ địch mệt mỏi, rồi mới ngầm sai Chu Vũ, Hầu Kiều hai tướng, dẫn hai nghìn kỵ binh tinh nhuệ, đang đêm vượt sông ở bến Quán Đào mai phục, chờ cho lâu la của Kim Xứng rời khỏi trại, khiêu chiến.
Quân Nghĩa Thần, nghe tiếng pháo hiệu, cả hai phía cùng nhất tề tấn công. Nghĩa Thần tự thân nai nịt gọn gàng, dẫn quân nghênh địch. Kim Xứng thấy quân triều đình hàng lối lộn xộn, trận pháp chẳng nghiêm, dẫn lâu la xông vào. Hai bên giao chiến, chưa được vài hợp, quân mai phục hai bên đông tây cùng kéo ra, cắt lâu la ra làm mấy mảnh, trước sau cùng đánh, Kim Xứng đại bại, một người một ngựa chạy về cửa Thành Hà, gặp ngay quận thừa Thanh Hà Dượng
Thiện, theo lệnh kéo quân đi bắt giặc, chém chết Kim Xứng ngay ở vùng Phần Khẩu, sai người đem thủ cấp nạp ở quận doanh Nghĩa Thần. Tàn quân của Kim Xứng ngày đêm chạy về với Kiến Đức.
Nghĩa Thần đem tất cả vàng bạc, của cải, trâu bò, lừa ngựa ở sào huyệt Kim Xứng thưởng cho binh lính. Những đàn bà, con gái bị bắt đều thả cho về, rồi kéo quân về phía Bình Nguyên, tiến công Cao Kê Bạc, trừ sạch dư đảng.
Lúc này ở Cao Kê Bạc, Kiến Đức cùng An Tổ giúp Cao Sĩ Đạt đóng giữ, biết ngay tin Nghĩa Thần phá tan bọn Kim Xứng, đang thừa thắng kéo đến, nay đang hạ trại ở Vu Thương, chỉ cách Cao Kê Bạc chưa đầy hai mươi dặm. Kiến Đức nghe tin hoảng sợ, bàn với An Tổ, Sĩ Đạt:
- Từ thuở ta chưa tới đây, đã nghe tiếng Nghĩa Thần là kẻ tài kiêm văn võ, dụng binh như thần, nhưng chưa từng giao chiến lần nào. Nay đã giết Kim Xứng, thừa thắng tới đây, nhuệ khí đang hăng, khó lòng địch nổi. Sĩ Đạt hiền đệ hãy tạm dẫn quân nấp kín ở vùng hiểm trở, chờ cho khí thế đối phương suy giảm ít nhiều, khoảng một vài tháng sau, lương thực cạn dần, lúc ấy hãy chia binh công kích, thì có cơ bắt được Nghĩa Thần.
Sĩ Đạt không nghe lời khuyên của Kiến Đức, tự coi mình là vô địch, để lại ba nghìn quân ốm yếu cho Kiến Đức coi giữ sào huyệt, rồi cùng An Tổ nhân đêm kéo một vạn lâu la đi cướp trại Nghĩa Thần. Không ngờ Nghĩa Thần đã dự tính đến mưu mô này nên điều binh ra cả bốn phía mai phục. Canh ba đêm hôm đó, Sĩ Đạt kéo quân xông thẳng vào trại Nghĩa Thần, thấy trại trống không, biết là trúng kế, đang lúc quay ra, thì pháo hiệu bốn bề nổ ran, gặp ngay tướng đi đầu của Nghĩa Thần là Đặng Hữu Kiến, bắn một phát tên. Sĩ Đạt ngã ngựa, bị Hữu Kiến chém dầu, thừa thắng bốn bên tung hoành. An Tổ thấy Sĩ Đạt đã chết, vội quay ngựa chạy, Kiến Đức lập tức kéo quân ứng cứu, nhưng thế quân triều đình quá mạnh, chẳng làm gì nổi, lâu la mười phần chết đến tám chín. Kiến Đức cùng An Tổ chỉ còn hơn hai trăm quân kỵ, nhân thấy thành Nhiêu Dương không phòng bị, liền chiếm lấy. Khoảng ba bốn ngày sau, bọn lâu la thua chạy dần dần tìm về, cũng được khoảng hơn hai nghìn, bàn nhau cách chống cự quan triều đình. Kiến Đức nói với An Tổ:
- Trước mắt thế quân Nghĩa Thần rất lớn, lại thêm Nghĩa Thần túc trí đa mưu, nhất thời khó mà địch nổi, tòa thành nhỏ này khó mà giữ được.
An Tổ hỏi:
- Nghĩa Thần không rút quân, chúng ta đành ngồi trong thành này chờ chết hay sao?
Kiến Đức đáp:
- Ta có một kế này: cần có một người tin cẩn, mang theo vàng ngọc, lên ngay kinh đô, hối lộ bọn gian thần, bắt chúng điều Nghĩa Thần đi chỗ khác, thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ nữa.
An Tổ nói:
- Nếu đã như vậy, tiểu đệ xin đi một chuyến, nhưng chưa điều y đi được ngay thì sự thể sẽ ra sao?
Kiến Đức đáp:
- Không có chuyện đó. Hôn quân chỉ tin bọn gian thần. Một khi bọn này đã nắm mọi quyền hành trong triều thì kẻ trung nghĩa chẳng làm được việc gì ở ngoài biên này đâu.
Rồi Kiến Đức thu thập vàng ngọc, châu báu, giao cho An Tổ chọn một tên tay chân tin cẩn, cõng hành lý, từ biệt Kiến Đức, đương đêm lên đường.
Hôm ấy đi đến thôn Bạch Tửu, vùng Lương Quận, trời đã về chiều, chỉ sợ phía trước không còn hàng quán, lại thấy có ngay quán trọ bên đường, thầy trò liền vào, Tiểu nhị niềm nở hỏi chào:
- Quý khách hai vị, còn ai nữa phía sau chăng?
An Tổ thật thà đáp:
- Chúng ta chỉ có hai người thôi.
Tiểu nhị liền đon đả:
- Ở đây còn một gian lớn, chưa có khách trọ, có thể chứa được bốn năm vị, nhưng sợ còn có khách tới nữa. Phía tây kia, có một gian rất sạch sẽ, yên tĩnh, hiện đã có một vị khách ở, thêm hai vị nữa là vừa, xin để tiểu nhân dẫn quý khách vào nghỉ ngơi.
Nói rồi dẫn thầy trò An Tổ vào phòng phía tây, mở cửa bước vào thấy một hảo hán, nằm ngang giữa giường, ngáy như sấm. Tiểu nhị nói:
- Quý khách chẳng qua ngủ có một đêm, như thế này cũng tươm tất chán!
An Tổ đáp:
- Được rồi!
Tiểu nhị ra khỏi, thầy trò đặt hành lý xuống một góc. An Tổ nhìn kỹ người nằm ngủ trên giường, dáng cao lớn, vai rộng, lưng có đến mười vòng, mặt mày sáng sủa, râu tóc đều rất đẹp.
An Tổ nghĩ thầm: "Ông bạn này cũng không phải kẻ tầm thường. Đợi thức dậy sẽ hỏi chuyện xem sao". An Tổ mệt mỏi bèn sai tên tay chân trải chăn chiếu, thì thấy tiểu nhị đem trà nước vào. Vị khách đang ngủ, nghe tiếng người nói chuyện, nhổm dậy, nhìn kỹ An Tổ một hồi, rồi hỏi:
- Xin được biết họ tên huynh trưởng?
An Tổ đáp:
- Tiểu nhân họ Tổ, hiệu An Sinh, xin hỏi quý tính cao danh đại huynh?
Khách đáp:
- Tiểu đệ họ Vương, tự Bá Đương.
An Tổ cả mừng:
- Thì ra đại huynh Vương Bá Đương ở Tế Dương.
Rồi vội vàng vái lạy, Bá Đương đáp lễ, hỏi:
- Hiền huynh sao biết tên tuổi tiểu đệ?
An Tổ cười:
- Tiểu đệ không phải Tổ An Sinh đâu, mà thực là Tôn An Tổ. Nhân năm ngoái ở Nhị Hiền trang, nghe Đơn viên ngoại nói tới đại danh, vì vậy mới rõ.
Bá Đương hỏi:
- Hiền huynh đến Đơn viên ngoại có việc gì? Nay đang trên đường đi đâu mà lại đến đây?
An Tổ đáp:
- Vì tìm đại huynh Đậu Kiến Đức, nên tìm đến Nhị Hiền trang.
Bá Đương lại hỏi:
- Nghe nói Đậu đại huynh dấy binh ở Cao Kê Bạc, thanh thế rất lớn, sao hiền huynh không theo, lại tới chốn này?
An Tổ bèn đem chuyện Nghĩa Thần dẫn quân giết chết Kim Xứng, Sĩ Đạt, thừa thắng dồn ép Kiến Đức, Kiến Đức về Nhiêu Dương, mình phải tìm về kinh đô, kể lại một lượt, rồi quay ra hỏi Bá Đương:
- Thế hiện nay đại huynh đi đâu mà lại một thân một mình ở đây?
Bá Đương thấy hỏi, thờ dài định lên tiếng trả lời, thì thấy tên tay chân An Tổ đi lại, nên yên lặng không nói nữa. An Tổ vội giục:
- Tên này vốn là tiểu hiệu tâm phúc của tiểu đệ, đại huynh không phải ngần ngại gì cả.
Nhân đó nói với tên tay chân:
- Mày ra ngoài kia gọi đem rượu, thức nhắm vào!
Tên này nghe lời ra bưng rượu thịt bày lên bàn tươm tất rồi bỏ ra ngoài. Hai người ngồi vào bàn, An Tổ lại hỏi. Bá Đương mới đáp:
- Tiểu đệ có một người anh em kết nghĩa, cùng là bạn bè với Đơn viên ngoại, họ Lý tên Mật, mắc phải chuyện lớn, nên tiểu đệ phải tìm đến dây.
An Tổ hỏi:
- Tiểu đệ dạo trước có gặp Tề Quốc Viễn, cũng thấy Quốc Viễn nói đang tìm Lý Mật mưu việc lớn, bây giờ thế nào rồi, xảy ra chuyện gì vậy?
Bá Đương đáp:
- Chả cần phải hỏi. Tiểu đệ nhân có việc phải tìm đến vùng Sở, cùng Huyền Thúy chia tay. Không ngờ Huyền Thúy được Dương Huyền Cảm mời về Quan Trung, cùng với Huyền Cảm dấy binh. Tiểu đệ thì rất rõ Huyền Cảm chỉ là hạng người ếch ngồi đáy giếng, cũng đồ vô dụng bỏ đi, nên đời nào theo về, nhưng không ngờ Huyền Thúy vẫn đi, tất nhiên công việc bại hoại. Huyền Cảm bị sứ của triều đình là Sử Vạn Tuế chém đầu. Lúc này đệ đang ở Ngõa Cương với Địch Nhượng, nghe tin Huyền Thúy và Quan Trung sau đó bị lính bắt, đưa về kinh đô, nghĩ tất phải giải qua đường này, nên tiểu đệ chờ sớm tối ở đây vậy.
An Tổ lên tiếng:
- Cái này thì không có chuyện gì khó, nếu như đại huynh cùng tiểu đệ đón gặp, đại huynh nói có Huyền Thúy trong bọn, tiểu đệ chỉ cần vung tay mấy cái, vài đứa về chầu Diêm vương là xong ngay thôi mà!
Bá Đương đáp:
- Nơi này là đường hiểm yếu đi kinh đô, nếu làm to chuyện quá, cũng chẳng hay ho gì, phải dùng mưu mới xong, không nên dùng sức.
Chỉ cần làm thế này... thế này... mới là kế vạn toàn vậy.
Đang thì thầm, nghe bên ngoài tiếng người ngựa huyên náo, Bá Đương cùng An Tổ ra cửa phòng nhìn, thấy có sáu bảy viên công sai, giải bốn kẻ tội phạm, đều bị đóng gông dài, đeo còng lớn, ngồi ngay trước cửa quán. Bá Đương nhìn kỹ một lượt, thấy rõ Huyền Thúy trong đó, còn ba người kia, nhận ra được Vi Phúc Tự, một người là Dương Tích Thiện, một người là Bính Nguyên Chân, nhưng vẫn yên lặng không nói, chỉ đưa mắt liếc một cái rồi bỏ đi. Bốn người nhận ra Bá Đương, Huyền Thúy thầm mong: "May lắm, có mấy tay này ở đây, ta phải tìm được kế thoát thân mới xong, nhưng không biết họ có cùng một bọn không?". Đang lúc trù trừ, thì thấy Bá Đương vứt ra bàn mấy tấm lụa, nói lớn:
- Tiểu nhị đâu rồi! Ta thiếu một ít tiền, có mang theo mười tấm lụa Lộ Châu đây, xin nhượng lại nguyên vốn, vừa khỏi mang theo nặng, vừa có cái trả hết nợ, lại có tiền ăn đường.
Tiểu nhị đứng dậy đáp:
- Quý khách, tiểu nhân lấy đâu ra tiền mà mua cả mười tấm lụa này, dù quý khách chỉ lấy vốn cũng vậy thôi. Thôi thì quý khách trọ ở quán mấy ngày, cứ thế tính ra, chứ bọn tiểu nhân đây, mấy khi dám dùng đến thứ hàng quý như thế này.
Bá Đương mở ra một tấm giơ ra trước quầy, nói với mọi người:
- Các bác xem đây, nào phải hàng giả, hàng xấu gì để phải lừa đảo người mua, đều là những tấm thượng hạng chọn lựa chu đáo. Mua ngay tận nguồn cũng đã phải hai lạng rưỡi bạc một tấm rồi. Nếu là loại bạc tốt, xin bớt cho một hai tiền gì đó cũng được.
Viên đô đầu cùng mấy người công sai cũng lại bên quầy hàng, cầm lụa lên xem. Viên đô đầu nói:
- Đúng là loại lụa tốt, vừa dày vừa nhỏ, vừa nặng, đem về vùng dưới kia, chẳng sợ không được bốn lạng một tấm hay sao. Đáng tiếc là chúng ta chẳng ai có dư tiền để mua cả.
Tất cả đang xúm lại bàn cãi, thì thấy Huyền Thúy cũng tiến lại bên quầy xem, Bá Đương đưa mắt cho Huyền Thúy, rồi lớn tiếng:
- Tay tử tù này, ngươi cũng lại xem lụa làm gì? Ngươi lấy đâu ra tiền, vì vậy mới mắc phải tội chứ.
An Tổ đứng bên cười:
- Đại huynh chẳng nên cười họ. Có khi họ có tiền mua cũng chưa biết chừng.
Huyền Thúy lên tiếng:
- Bác lái buôn ơi, bác có bao nhiêu lụa quý, xin cứ mang cả ra đây anh em chúng ta sẽ mua kỳ hết, nếu không mua, không phải là kẻ hảo hán!
Bá Đương nói với An Tổ;
- Hiền huynh, còn năm tấm ở trong phòng kia, hiền huynh đem cả ra đây.
Huyền Thúy tiến lại, gọi một tên công sai nhiều tuổi tên gọi
Trương Long:
- Trương đại ca, đại ca xem loại lụa Lộ Châu này có tốt không.
Ta có mười lạng bạc ở đây, biếu đại ca mua lấy mấy tấm, cũng đủ tiền để đại ca đi đường đấy?
Trương Long đáp:
- Chuyện ấy thì chẳng cần. Anh hãy mua lấy mấy tấm mà biếu Huệ đô đầu đây, thì ít nhiều ta còn dễ bề chiếu cố đến anh hơn.
Huyền Thúy đáp:
- Ta thì ngày chết đã định, một ngày qua là gần một ngày, giữ tiền hạc bên người cũng chẳng ích lợi gì, chi bằng mua lấy số lụa tốt này. Đem một nửa với mười lăm lạng bạc biếu Huệ đô đầu, còn thì tặng mỗi vị mỗi tấm, với năm lạng bạc. Về kinh khi chết nhờ các vị chôn cất hộ. Chúng tôi có lời thưa như vậy, nếu được, xin tặng thêm mười lạng bạc nữa để ta làm một bữa rượu vậy.
Trương Long thấy thế, liền vội nói lại với mọi người. Huệ đô đầu vốn là kẻ hám tiền, lập tức đồng tình.
Trương Long nói lại với Huyền Thúy, Huyền Thúy liền đến bên Phúc Tự cùng Tích Thiện, lấy ra đủ một trăm lạng bạc, giao cho Trương Long.
- Xin nhờ đại ca chia cho mọi người hộ.
Trương Long cầm mười lạng bạc, lại ném xuống mặt quầy, nói
Với tiểu nhị:
- Nhờ bác chủ cứ liệu tiền đó mà cân cho đúng đưa cho các vị giùm cho!
Tiểu nhị đáp:
- Xin có ngay!
Rồi vừa quay ra vừa tính toán:
- Tất cả có mười lăm tấm lụa. Tính thành tiền là ba mươi bảy lạng năm tiền. Tất cả đều là bạc loại tốt, một ly cũng không thiếu.
Cứ thế giao cho Bá Đương, còn bao nhiêu trả lại cho Huyền Thúy, Huyền Thúy lấy từng tấm trải ra xem, lóng lánh, rực rỡ một màu, tấm nào cũng như tấm nào. Bèn đưa cho Trương Long, biếu từng người, ai nấy đều lên tiếng cảm tạ. Huyền Thúy lại thò tay vào trong túi lấy ra một thỏi bạc, khoảng hơn một lạng, nói với tiểu nhị:
- Xin thêm cho một ít rượu nữa, gọi là qua cơn nhọc nhằn vậy!
Bá Đương cười:
- Ta cũng quên mất, số bạc lẻ này, bảy lạng năm tiền cả đây, cũng xin đem một lạng ra thêm vào với tiểu nhị vậy.
Vừa nói vừa lấy ra một lạng đưa cho tiểu nhị. Tiểu nhị lên tiếng:
- Tiểu nhân không dám, có nhọc nhằn gì lắm đâu mà được cả hai vị thưởng cho thế này.
Lời qua tiếng lại mãi, An Tổ khuyên:
- Tiểu đệ xin góp một lời vậy. Đại huynh của tiểu đệ góp một lạng, xin cứ đưa đây. Vị này góp một lạng. Cũng xin đưa cho tiểu đệ.
Tiểu đệ cũng xin góp vào một lạng nữa là ba. Phiền chủ quán bày cho mấy đĩa nhấm, bưng cho một hũ rượu nữa, coi như chủ quán đãi anh em chúng ta, để cùng nhau nâng chén, có phải là vui vẻ cả không?
Mấy viên công sai nhất tề hưởng ứng:
- Ông bạn này lý sự như vậy, thật chẳng sai chút nào, chúng ta cũng thêm vào ít nhiều uống cho thoải mái vậy!
Tám viên công sai lần lượt đưa tiền cho An Tổ, An Tổ cân tất cả được ba lạng bảy, liền đưa cho tiểu nhị:
- Xin chủ quán cầm cho, cứ thế mà bày rượu thịt cho chúng tôi.
Tiểu nhị cười đáp:
- Cái này thì tiểu nhân biết rồi. Xin quý khách cứ ngồi vào bàn xơi cơm trước. Chờ tiểu nhân dọn rượu cùng thức nhắm, thong thả uống sau càng ung dung.
An Tổ dặn:
- Thức nhắm không cần nhiều lắm, nhưng rượu thì phải thật ngon. Lại thêm đông người, nên phải cho nhiều nhiều vào.
Tiểu nhị đáp:
- Nhất định rồi?
Mọi người vào bàn ngồi. Chẳng mấy chốc, hoàng hôn đã xuống, chủ quán bày rượu thịt ra các bàn. Lại bày cho Huệ đô đầu một bàn riêng, xếp cho Trương Long ngồi tiếp, không ngồi cùng với công sai và tù nhân. Huệ đô đầu vốn cũng là phường xiểm nịnh, xu thời tầm thường, nay lại được ít nhiều lễ vật, liền nôi với Trương Long:
- Thôi thì cũng là ý tốt của mọi người, ta cũng chẳng đang một mình ngồi một tiệc. Vả lại ở đây là nơi thôn vắng hoang dã, ai mà biết được, cùng ngồi một bàn chẳng sao, lại càng dễ ăn uống.
Trương Long đáp:
- Với nói cho cùng, bốn tay tù nhân này, cũng đều là loại "con ông cháu cha" cả, chẳng may mang phải sự nhẹ dạ của tuổi trẻ, mà phạm tội, chỉ cần Huệ đô đầu cho phép là xong ngay. Chúng tôi xin gọi họ vào luôn.
Huệ đô đầu đáp:
- Nãy giờ đều nhờ Trương Long xếp đặt, vậy hãy ra gọi bọn họ vào đây luôn.
Thế là cả bọn bày ba bốn bàn cơm rượu tại ngay trong gian phòng lớn, kể cả chủ quán là có đến mười bảy, mười tám người. Ai nấy ngồi yên vị rồi, chén lớn, bát nhỏ, anh rót, tôi mời, thật là ầm ĩ, không còn phân biệt được nữa. Tiểu nhị cứ việc khuân rượu hết chai này đến chai khác như nước chảy. An Tổ nói với tiểu nhị:
- Bác nếu có mệt, xin cứ đi ngủ trước, đã có anh em chúng tôi đây đỡ đần bác một tay.
Tiểu nhị uống liền mấy chén nữa rồi bỏ đi ngủ. Huệ đô đầu cũng là phường tửu hữu, uống hết chén này đến chén khác, nói cười ầm ĩ.
Thấy bọn này đã say đến bảy tám phần, lúc này mới độ canh hai. Bá Đương liền nói:
- Rượu không nóng, uống buồn lắm.
An Tổ đáp:
- Hãy đợi tiểu đệ một chốc, vào bếp là có rượu nóng ngay thôi.
Rồi đi ra, lát sau bưng vào một vò rượu nóng, vừa cười vừa nói:
- Bác chủ cùng vào bếp với tiểu đệ đây. Giờ thì cứ uống thật say, rồi nằm quay ngay ra đây, cho bõ công tiểu đệ hâm rượu chứ!
Bá Đương đỡ vò rượu, rót ra một bát lớn, bưng lại cho Huệ đô đấu rót tiếp bảy tám bát nữa, nói với bọn công sai:
- Xin mời các vị cạn ngay cho, rồi sẽ đến lượt chúng tôi.
Bọn công sai nói:
- Cảm tạ thịnh tình của các vị, quả là không thể nào uống nữa.
An Tổ nói:
- Lần này thì xin các vị cứ phải cạn cho, còn bao nhiêu chúng tôi xin gánh tất.
Trương Long nâng bát, uống một hơi cạn sạch, bọn công sai cũng lần lượt uống hết. Phút chốc, cả Huệ đô đầu lẫn tám tên công sai đều ngã lăn quay ra đất, An Tổ cười nói:
- Thế, thế, đúng rồi! Chỉ sợ thuốc không mạnh, bọn này tỉnh ngay mất thôi?
Rồi vội lục trong hành lý một cây nến thắp lên. Bá Đương thì phá cả mấy cái gông, còng cho bốn người. Huyền Thúy lại ngay túi của Huệ đô đầu, tìm ra tờ công văn đốt ngay trên lửa nến. Thu lại tất cả mười lăm tấm lụa Lộ Châu, cùng số bạc đưa cho Bá Đương bỏ vào tay nải. Tên tay chân lại khoác hành lý lên vai, bảy người lặng lẽ rời khỏi quán rượu. Chỉ thấy bầu trời đầy sao, ánh sáng mờ mờ, tất cả yên lặng không một lời, rảo bước như chạy.
Khoảng năm canh, đi cách quán rượu được sáu bảy mươi dặm rồi, An Tổ nói với Bá Đương:
- Tiểu đệ phái chia tay với chư huynh ở đây thôi, không thể nào theo tiễn Lý đại huynh cùng mọi người đến Ngõa Cương được đâu.
Huyền Thúy nói với An Tổ:
- Tiểu đệ được hiền huynh thương đến, nên thoát được nạn lớn này, xin hãy đến phía trước, cùng uống với nhau ba chén rượu đã rồi hãy chia tay.
Bá Đương đỡ lời:
- Không phải thế đâu. Tôn hiển đệ còn phải có việc phải lo với Đậu đại ca, không thể trù trừ được nữa đâu.
An Tổ tiếp:
- Tiểu đệ còn có lời này, phải nói với chư huynh ngay. Nên chia làm ba nhóm, hoặc hai nhóm gì đó mà đi, chạy trốn mà đi cả bọn như thế này, thì chỉ cần một hai dặm nữa là sẽ bị tóm tất cả. Phải chia tay nhau ngay đi!
Huyền Thúy đáp:
- Điều này là lẽ đương nhiên. Xin hiền huynh cho gửi lời thăm Kiến Đức. Tiểu đệ mà tới được Ngõa Cương yên ổn, sẽ có dịp đến Nhiêu Dương. Nếu được gặp cả Đơn viên ngoại, cũng cho gửi lời thăm của Huyền Thúy này!
Nói xong, chia đông tây hai ngả. Còn lại Bá Đương, Huyền Thúy, Nguyên Chân, Phúc Tự, Tích Thiện, đi thêm vài dặm, đã tới ngã ba Tam Soa, Bá Đương lên tiếng:
- Cũng chẳng cần nói nhiều, giữa chốn lưới giăng, bẫy chờ này, sống chết là chuyện bất ngờ. Nay may đã được sổ lồng tới đây, chính là lúc mạnh ai nấy bay. Nhân đến ngã ba Tam Soa này rồi, xin mỗi người mỗi đường. Tiểu đệ xin đi cùng với Lý đại huynh vậy.
Phúc Tự cùng với Tích Thiện vốn là bạn thân với nhau, liền lên tiếng tiếp:
- Nếu đã như vậy, chúng tôi xin theo đường nhỏ, đi ngược mãi lên phía bắc vậy?
Nguyên Chân nói:
- Tiểu đệ cũng chẳng theo đường lớn, cũng chẳng chọn đường nhỏ, sẽ có cách đi riêng của mình, xin chư huynh cứ đi trước vậy.
Họ Vi cùng họ Dương chọn đường nhỏ mà đi, còn họ Vương, họ Lý theo đường lớn đi tiếp.
Chưa được hơn một dặm. Bá Đương thấy phía sau có người đuổi theo, vỗ vào hai vai Huyền Thúy mà rằng:
- Chư huynh sao không đợi tiểu đệ với, cứ thế mà đi mãi?
Bá Đương đáp:
- Đại huynh nói có cách đi riêng rồi, sao lại còn chạy theo làm gì?
Nguyên Chân đáp:
- Đại huynh thật thà quá. Lúc nãy là tiểu đệ lừa hai người kia, để họ chọn lấy đường chết đấy thôi!
Huyền Thúy hỏi:
- Tại sao thế?
Nguyên Chân đáp:
- Bọn công sai tỉnh lại, tất cả phải tìm đến nhờ lính tráng địa phương tầm nã, đường nhỏ sẽ nhiều người tìm đến, đường lớn nhất định sẽ ít hơn. Nay ba chúng ta cứ đàng hoàng mà đi, dẫu có hàng trăm quan quân kéo qua, cũng chẳng để mắt đến. Chỉ cần lúc nào thuận lợi, phải kiếm lấy vài thứ vũ khí mà giữ thân nữa là xong.
Bá Đương nói:
- Cứ đi cho nhanh đã, được bước nào hay bước đó.
Thế rồi, Huyền Thúy giả đóng Toàn Chân 1 đạo sĩ, Bá Đương cùng Nguyên Chân giả làm khách buôn, cứ nhìn phía trước mà đi.
Chính là:
Ruột gan chưa rõ sự tình
Mà người đã nhớ câu Bình Nguyên Quân.
--------------------------------
1Toàn Chân: Đời Kim, đạo sĩ Vương Triết, tu ở am Toàn Chân, truyền đạo "Toàn Chân giáo", từ đó đồ đệ đều xưng là Toàn Chân đạo sĩ.