Trên nền giấy ngả vàng của Thanh minh thượng hà đô, có thể bắt gặp nhiều kiến trúc phức tạp mà liêu xiêu như khối xếp hình, những cây cầu bán nguyệt vòng lên như cầu vồng, đường cong hoàn mĩ và cảm giác cân bằng.
Thuyền gỗ qua lại như thoi đưa trên sông, tải gạo tốt từ bình nguyên trung du và hạ du Trường Giang về đây, ghé vào tửu lâu trà quán, mặc tình hưởng lạc.
Trong quán có người vất vả lao động, ngoài đường có người dong la chật vật mưu sinh, nghệ nhân tạp kĩ cố sức biểu diễn, quần chúng bu đến xem và reo hò. Trai gái trẻ con cưỡi ngựa hoặc ngồi trên thành cầu, chen chúc đông đúc. Thế gian thịnh vượng và bé nhỏ.
Bức tranh phảng phất sắc thái tiêu cực khi nhấn mạnh kiếp phù sinh chập chờn như mộng, báo hiệu rằng con người và tất cả, cuối cùng sẽ bị quét sạch khỏi mặt đất này mà thôi.
Chỉ có điều những người ấy, sắc diện bình tĩnh, khóe mắt đầu mày mềm mại trầm lặng, thản nhiên ngụp lặn trong lao động và tiêu khiển, ung dung tự đắc, hoạt bát khiêm nhường, tất thảy lại toát lên một luồng sức mạnh. Cảm giác họ như giọt nước trong lòng đại dương, vừa vĩnh hằng vừa thoáng chốc, một vẻ đẹp âm thầm tiêu tan có thể cảm nhận được bằng nụ cười pha nước mắt.
Tình cảm và lịch sử tồn tại của mỗi cá thể cũng thuộc dạng sức mạnh như thế. Tôi viết xong câu chuyện của Chu Khánh Trường, đi suốt cuộc đời cô, đi suốt một giấc huyễn mộng ái tình mà bao trăn trở lăn lộn chỉ để kiểm chứng cho một sự lột xác. Đây là bản ghi về một cá thể nhỏ nhoi trong thời đại chóng mặt và trống rỗng này.
Hoàn tất cuốn sách, tôi nhân thể duyệt lại số tiểu thuyết mình đã viết, nhận ra suy đến cùng đều chỉ là câu chuyện của cùng một người. Người bên lề. Người hành động theo ý riêng, không phù hợp với xã hội mà họ đang sống. Người đứng ngoài thời đại. Nhưng họ không chạy trốn, mà ở lại va chạm với đời mình.
Làm người mà không lựa chọn sự viên mãn trong cộng đồng thì quả là đáng ngờ. Tôi trông thấy họ, qua mặt chữ, từng người một theo nhau biến vào đêm tối, thầm nghĩ cũng là kết cục tất nhiên.
10 giờ 45 phút một buổi sáng nọ. Tôi ra ga Kỳ Chiếu, bắt xe lửa về Thượng Hải. Bầu trời âm u, không khí lạnh lẽo, Kỳ Chiếu sắp đón trận tuyết lớn đầu tiên của mùa đông. Chuyến tàu vắng tanh, còn rất nhiều chỗ trống.
Tôi nhét tập bản thảo dày cộp vào đống hành lý. Lòng vẫn hơi lấn cấn vì cuộc sống của Chu Khánh Trường, cô sẽ sống tiếp ra sao, chẳng ai biết. Cuộc sống của tôi mà tôi cũng chẳng biết đây. Dùng thân thể mong manh đối kháng với tường đồng vách sắt của thời gian, chẳng chắc sẽ giành được bao nhiêu phần thắng.
Có người nói, thể xác đau đớn, lòng bền bỉ, tâm hồn đau đớn, lòng yếu mềm. Trên xe lửa, tôi vỡ lẽ cuộc sống của mình đã mất mục đích, đâm ra tự mâu thuẫn, kinh hãi vì không chốn dung thân. Tôi phải đi đâu, có thể gặp ai, sống tiếp thế nào. Băn khoăn và suy sụp cứ hùng hổ lao đến.
Vào phòng vệ sinh, tôi đẩy kính cửa sổ ra, để gió lạnh ào ạt thổi vào người hồi lâu. Cảm thấy trong ngực cuộn sôi, một con thú hắc ám bắt đầu vươn mình tìm thức ăn. Tôi nôn nóng muốn kết nối với con người, để nói chuyện, để ôm ấp, hoặc bước vào và được bước vào thân thể cũng như nội tâm nhau. Như thế sẽ khiến tôi khá hơn. Mở điện thoại ra, rê ngón tay run run dò kĩ từng dòng trên danh bạ, tìm kiếm một người có thể tâm tình. Phần lớn là biên tập, phóng viên, nhà xuất bản, công ty chuyển phát nhanh, đại lý bất động sản, tiệm giao thức ăn, rạp hát… Có cả điện thoại của nhân viên giao tận nhà nước khoáng Evian và sản phẩm Amway.
Nhưng không một số nào phù hợp để tâm tình.
Đầu óc rối loạn, lo lắng, bứt rứt, không thể bình bĩnh, như thể bên trong nhồi đầy kim loại, gỗ, gai, than và đá. Có những lúc cảm thấy lý trí rất thất thường. Rút thẻ sim ném vào bồn cầu, điện thoại thì quăng luôn ra ngoài cửa sổ. Lắc lư lảo đảo đi dọc toa về chỗ ngồi, băng qua các hành khách đang ngủ li bì, nước mắt giàn giụa không kiềm chế được, nằm xuống ghế, lấy trong hành lý ra một cái lọ nhựa màu trắng. Thuốc ngủ bác sĩ kê cho, một loại thuốc thôi miên, an thần và kiềm chế âu lo nóng nảy, có tác dụng ức chế một số phần khác nhau trong hệ thống thần kinh trung khu. Bác sĩ cho tổng cộng tám viên. Thuốc màu trắng tròn nhỏ, tôi tống hết vào miệng, lấy chai nước hớp cho trôi.
Ngủ lịm đi bao lâu, không xác định được.
Có lẽ đã chìm vào một cơn hôn mê.
Trong mộng tôi trông thấy nhân vật của mình, Chu Khánh Trường. Cô thiếu nữ mười bốn tuổi mặc bộ đồng phục học sinh váy lam áo trắng đi xuyên qua đường hầm vắng vẻ. Đường hầm u ám kéo dài mãi ra xa, cuối đường lấp lóa sáng, trúc đào màu phấn trắng thơm hương đung đưa trong nắng. Màu sắc, độ sáng, hơi hướm, đến tiếng thở cô phát ra cùng tiếng chân di chuyển trong tịch mịch đều đặc biệt mạnh mẽ, y như thể được phóng chiếu ra vô số lần. Thậm chí có thể trông thấy mạch máu phập phồng ở động mạch cổ cô, nhịp co bóp của quả tim cô, trong người cô sôi sục cơn kích động nhuốm ít nhiều sợ hãi và tỉnh táo.
Lúc này, coi như tôi đã nhìn thấu toàn bộ cuộc đời cô. Cô nói với tôi, tôi tin. Tin vào tình yêu, giống như tin vào chân tướng. Tin vào anh, giống như tin vào chính bản thân mình. Trong mộng tôi tự nhủ lòng, phải viết câu này vào bản thảo, không được quên. Tôi lại nói, vậy thì lòng tin của tôi, tôi phải đi đâu để tìm nó. Không tin tưởng, tôi làm sao mà sống.
Sau đó tôi choàng tỉnh, đầu đau như muốn nứt, ánh mắt thất thần, thấy mình đang nằm trên ghế. Tàu hỏa đã dừng, xung quanh không một bóng người. Cách đó không xa, một phụ nữ đứng tuổi đang quét rác trên sàn, lại gần phát hiện ra tôi, không hiểu sao vẻ mặt bà từ kinh ngạc chuyển thành hung hãn. Bà quát lên, tại sao cô không xuống tàu. Cô ở trong toa làm cái gì? Tàu về ga hơn một tiếng đồng hồ rồi.
Tôi nghĩ, nếu tôi chết trên tàu, chắc cũng không ai hay biết. Liệu bà ta có nổi nóng với một thi thể đang chìm vào giấc ngủ ở chỗ ngồi không nhỉ, hỏi, tại sao cô chưa xuống tàu. Cô nán lại trong toa làm cái gì! Tàu về ga hơn một tiếng đồng hồ rồi. Nhưng đang bải hoải mụ mẫm, tôi không đủ sức phản ứng, chỉ khoác ba lô xuống tàu, bước chân phập phù.
Lên tới sân ga vắng tanh, sắc đêm dày như buông màn khiến thành phố bỗng chốc trở nên xa lạ. Trập trùng nhà cao tầng, lố nhố giữa sương đêm và không khí miền Nam ẩm ướt, giống thế giới xếp hình lỏng lẻo dễ vỡ, khiến người ta không sao tin tưởng được. Tôi chưa chết, vẫn đang tồn tại. Con người có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng muốn chết cũng không dễ dàng gì. Nếu khẽ động ngón tay mà lìa xa được thế giới này thì chắc nhân loại tiêu tan ngay một nửa mất. Tôi lìa xa Kỳ Chiếu, nhưng không tìm thấy đường quay về.