Liêu không biết chữ. Nó học liền tù tì bảy năm tiểu học, từ bảy tuổi tới mười bốn tuổi vẫn không biết chữ, ngoài cái tên của chính mình.
Những giáo viên đã từng dạy nó đều cảm thấy bất lực, đến cả thằng nhóc đầu trọc ngô nghê lúc nào cũng ròng ròng nước dãi trong lớp còn biết viết được mấy chữ xiêu vẹo “Đầu giường ánh trăng sáng”, mà Liêu vẫn không viết nổi. Chữ dạy nó hôm nay, ngày mai đã quên sạch sành sanh.
Ngoài cái tật không biết chữ, Liêu quả thực là một học sinh ngoan ngoãn. Nhà trường không có lý do để đuổi học nó. Năm nay là năm thứ hai nó học lớp sáu, trở thành bạn học với các em lớp dưới.
Giáo viên chẳng ai thích nó, bạn cùng lớp chưa bao giờ ngớt chê cười nó. Đi học tới bảy năm mà vẫn mù chữ, không phải bại não thì là gì? Nhưng Liêu không hề để tâm, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, ánh mắt sáng trong, rạng rỡ như một đoá hướng dương tươi tắn.
– Ông mắc bệnh rồi, không sống được bao lâu nữa.
– A! – Liêu kinh ngạc – Thế thì ông hãy mau đến bệnh viện đi! – Nó ngừng lại một chốc, đột nhiên sực nhớ ra điều gì, bèn chỉ vào cây ngân hạnh, nói – Ông ăn bạch quả hay là hạt ngân hạnh đi. Cháu nghe rất nhiều người nói là nó có thể trị bách bệnh. Hình như đợi thêm một tháng nữa là nó sẽ có kết quả!
– Hạt ngân hạnh? – Ông lão ngẩn ra một lát, lẩm bẩm – Kể ra đúng là cũng có tác dụng với kiếp nạn này, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được…
– Đầy một phố kia mà! – Liêu hấp tấp nói – Đến khi đó, cháu sẽ giúp ông hái xuống, để ông mang về hầm canh gà…
– Ha ha, con bé ngốc này! – Sắc mặt ông lão trở lại bình thường, cười nói – Không còn sớm nữa, mau về nhè đi! – Nói xong, đẩy khẽ vào lưng nó.
Liêu cảm thấy thân mình bỗng nhẹ bẫng, “bay” đi một đoạn xa đến vài bước chân. Tới khi nó quay đầu nhìn lại, dưới gốc cây ngân hạnh đã không một bóng người.