https://truyensachay.net

Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 36: Thánh địa của miền núi tuyết

Trước Sau

đầu dòng
“Không cần chỉ dẫn tận tường,

Bậc tri giả vẫn thấu tỏ mọi sự;

Quả hồng có hương vị thế nào,

Chỉ nhìn vỏ của nó là biết.”

(Cách ngôn Sakya)

Năm 1265 – tức năm Ất Sửu, Âm Mộc theo lịch Tạng – tức niên hiệu Hàm Thuần thứ nhất, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Chí Nguyên thứ hai, Mông Cổ.

Bát Tư Ba ba mươi mốt tuổi, Kháp Na hai mươi bảy tuổi.

Bát Tư Ba và Kháp Na đã ăn Tết năm 1265 theo lịch của người Hán trong ngôi đền Drikung Thil ở Modrogongkar, cách La-ta chừng một trăm dặm. Đây là ngôi đền chính của phái Drikung, một trong những giáo phái lớn ở đất Tạng. Hai giáo phái Drikung và Sakya ra đời cùng thời điểm nhưng trong khi phái Sakya chật vật “trở mình” ở vùng Hậu Tạng nghèo nàn thì phái Drikung lại thảnh thơi phát triển ở vùng Tiền Tạng giàu có, phì nhiêu. Trong vòng hơn một trăm năm, phái Drikung đã phát triển thành giáo phái lớn mạnh nhất đất Tạng, thánh địa La-ta cũng thuộc phạm vi thế lực của giáo phái này.

Tin tức Bát Tư Ba trở về quê hương từ lâu đã được truyền tới các giáo phái lớn trên khắp đất Tạng nên phái Drikung, từng là kẻ thù lớn nhất của phái Sakya, cũng chuẩn bị nghi lễ nghênh đón Bát Tư Ba rất mực long trọng. Pháp vương Chung Dorje Rinpoche [1] năn nỉ Bát Tư Ba và Bạch Lan Vương ngự lại trong ngôi đền Drikung Thil. Dù rất muốn nhanh chóng đến La-ta nhưng không tiện từ chối lời mời nhiệt tình của Chung Dorje, Bát Tư Ba đành ở lại trong đền Drikung Thil khoảng chục ngày.

Mối mâu thuẫn giữa phái Drikung và phái Sakya bắt đầu từ thời đại của đại sư Ban Trí Đạt. Mấy chục năm trước, phái Drikung cử một số nhà tu hành đi Kora [2] vòng quanh núi thiêng Kailash [3] để cầu phúc. Trên đường đến Kailash, đoàn người có ghé thăm đền Sakya và gặp đại sư Ban Trí Đạt. Đám người này ỷ mình là người của giáo phái Drikung hùng mạnh nên đã cả gan buông lời xấc xược, tỏ thái độ kiêu căng, ngạo mạn trước mặt đại sư. Đại sư thẳng thắn phản bác, phê phán khiến đám thầy tu vô cùng tức tối. Sau đó, phái Drikung ỷ vào thế lực của Mông Kha Hãn, đưa người đến Sakya, cho ngựa giẫm nát khu vườn thiền tịnh của ngài Ban Trí Đạt, dỡ tung mái nhà, biến chỗ ở của ngài thành khu phố chợ khiến các tín đồ Sakya vô cùng căm phẫn.

Mối xung đột của hai giáo phái bị đẩy lên cao trào khi biến thành vụ kiện tụng đình đám. Bản khâm của Sakya khi đó là ngài Shakya Zangpo đã phải đeo gông, vượt núi cao đến La-ta để đối chất với phái Drikung. Khi ấy Bát Tư Ba vừa mới quyết định đi theo Hốt Tất Liệt, Mông Kha Hãn vẫn tại vị nên tất nhiên sẽ nghiêng về phái Drikung. Vụ án đó kết thúc một cách không rõ ràng, minh bạch, phái Sakya thua đơn thiệt kép. Nhưng sau đó, Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại hãn, địa vị của Bát Tư Ba ngày càng được nâng cao, phái Sakya không phải chịu lép vế như xưa nữa, phái Drikung buộc phải cúi đầu làm hòa. Trở về quê hương lần này, Bát Tư Ba mang trên vai trọng trách lớn lao, quy hoạch lại đất Tạng theo chế độ cai quản vạn hộ hầu, chia lại đất đai và dân cư của các ngôi đền. Những việc làm này có liên quan mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các giáo phái nên phái Drikung sao dám thất lễ với Bát Tư Ba? Sự tiếp đón long trọng này chính là cách phái Drikung bày tỏ thái độ cúi đầu làm hòa.

Điều này vừa đúng ý Bát Tư Ba vì chàng không muốn gây xung đột với bất cứ giáo phái nào. Từ lâu chàng đã có ý định xóa bỏ mối hằn thù kéo dài mấy chục năm qua của hai phái Sakya và Drikung. Không chỉ vậy, ngay cả với phái Phaktru thường xuyên tranh chấp với Sakya, Bát Tư Ba cũng đã gửi thư cho họ, biểu thị thiện ý hàn gắn và chung sống hòa bình.

Chúng tôi đã có một cái Tết náo nhiệt tại ngôi đền Drikung Thil với sự tiếp đón nhiệt tình của phái Drikung. Ngày mùng Hai Tết Tạng, chúng tôi lên đường. Chung Dorje còn bố trí cả một đội quân long trọng tiễn chúng tôi đi La-ta. Bát Tư Ba muốn tới nơi trước dịp Tết của người Hán, vì chàng phải gửi thư chúc Tết Hốt Tất Liệt từ La-ta.

Thế là vào một buổi sáng mùa đông tươi đẹp của ngày Ba mươi Tết (theo lịch Hán), đoàn chúng tôi hùng dũng tiến vào cố đô La-ta một thời vàng son của vương triều Tufan. Nơi đây chính là thánh địa Phật giáo mà ngày nay chúng ta gọi là Lhasa.

Đền Jokhang lộng lẫy, nguy nga được Tán phổ Tùng Tán Cán Bố xây dựng từ thời cũng triều Tufan. Ngôi đền lấp lánh ánh vàng trên nền tuyết trắng xóa hiện ra sống động trước mắt chúng tôi. Vừa tới nơi, Bát Tư Ba chẳng kịp đến chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mười hai tuổi mà Công chúa Văn Thành rước từ Trường An xa xôi đến đây, vội vã ăn bữa trưa qua loa rồi giam mình trong Phật điện Jokhang, đây là nơi ở dành riêng cho Bát Tư Ba, được các nhà sư chuẩn bị hết sức chu đáo.

Hằng năm, theo thông lệ, Bát Tư Ba đều viết thư chúc Tết Hốt Tất Liệt. Với tài văn chương, thơ phú của chàng, một bức thư chúc mừng năm mới có gì khó khăn, nhưng không hiểu sao, lần này rất lạ lùng, chàng chỉ cho phép Senge theo hầu. Bát Tư Ba lưu lại trong Phật điện rất lâu khiến tôi tò mò quá đỗi.

Tôi bèn lẽn vào Phật điện để rồi há hốc miệng, tròn mắt quan sát mọi thứ xung quanh. Phật điện được trang hoàng nguy nga, lộng lẫy không kém gì cung điện của Hốt Tất Liệt ở Trung Đô. Xem ra, các thế lực ở đất Tạng đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc để lấy lòng Bát Tư Ba. Nhưng chàng đâu có để tâm đến sự sang trọng, xa hoa của nơi ăn chốn ở này, chỉ lẳng lặng ngồi xếp bằng, chăm chú viết thư, chốc chốc lại dừng bút ngẫm ngợi, không hề ngẩng lên. Sau khi hạ bút thảo những nét cuối cùng, chàng cẩn trọng xem xét lại một lượt rồi mới bỏ vào phong thư, đóng con dấu của riêng chàng, xong xuôi mới gọi Senge tới:

- Hãy cử người cấp tốc chuyển thư này về Trung Đô. Nhớ kĩ, chỉ Đại hãn mới được phép mở thư!

Senge không khỏi ngạc nhiên:

- Thưa thầy, đây vốn là thư chúc Tết hằng năm thầy vẫn gửi Đại hãn kia mà, vì sao phải gấp gáp như vậy?

Thần sắc nghiêm nghị, Bát Tư Ba đứng lên cử động đôi chân đã tê dại của mình:

- Trong thư này, ngoài lời chúc mừng năm mới, ta còn trình bày những dự định bước đầu về kế hoạch phân chia thường dân và tín đồ ở đất Tạng, ta gọi là kế hoạch phân chia cư dân Mid và Lad. Việc này phải được sự đồng ý của Đại hãn.

Senge càng ngạc nhiên hơn:

- Mid và Lad ư? Thưa thầy, đệ tử chỉ biết Lad là cư dân thuộc quyền cai quản của các tu viện lớn ở đất Tạng. Họ trồng cấy trên đất đai thuộc sở hữu của các tu viện nên chỉ cần nộp thuế cho tu viện. Đây là quan hệ phổ biến ở đất Tạng sau khi vương triều Tufan sụp đổ. Còn Mid thì đệ tử không biết.

Bát Tư Ba gõ nhẹ những ngón tay xuống mặt bàn, vẻ đăm chiêu, tư lự:

- Bốn trăm năm qua, đất Tạng bị chia năm xẻ bảy, các tu viện cắt đất, khoanh vùng cai quản, hầu hết các hộ dân trên đất Tạng đều thuộc quyền cai quản của tu viện. Nhưng nay, đất Tạng đã quy thuộc Mông Cổ, dân cư nơi đây buộc phải gánh trách nhiệm và nghĩa vụ lao dịch với quốc gia. Ta gọi những người dân phải đóng thuế cho nhà nước là Mid.

Senge nhíu mày, phân tích sắc sảo:

- Nhưng các tu viện lớn đã chiếm một số lượng lớn đất đai và dân cư suốt nhiều năm qua, hầu hết tài sản của đất Tạng đều thuộc về tu viện. Nếu buộc các tu viện trao trả các cư dân Lad của họ, để biến những người này thành cư dân Mid của nhà nước, chắc chắn họ sẽ phản đối.

=========

[1] Rinpoche trong tiếng Tạng có nghĩa là “bậc thượng tôn chuyển thế”, được dịch sang tiếng Hán là “Phật sống”.

[2] Vòng Kora quanh Kailash, tổng cộng 52 km, còn gọi là cuộc hành thiền quanh núi thiêng – theo chiều kim đồng hồ đối với tín đồ Phật giáo và ngược chiều kim đồng hồ đối với môn đồ đạo Bon. Với người Tây Tạng, cuộc hành thiền được xem là hành trình đi từ vô minh đến khai sáng, từ kiêu mạn và tham đắm vật chất đến nhận thức thấu đáo về nghiệp duyên cuộc đời. Khách hành hương có dịp đối diện với tâm thức mình, chứng nghiệm những đổi thay trong tâm hồn mình. (DG)

[3] Trong dãy Himalaya, tuy không cao như Everest (8848m) nhưng Kailash (6714m) là ngọn núi linh thiêng nhất trong lòng hàng tỷ tín đồ Phật giáo, Hindu giáo, đạo Jains và đạo Bon. Người Tây Tạng gọi Kailash là Kang Rinpoche – viên ngọc quý trong tuyết. Theo Tạng kinh, đó là một quần thể gồm năm đỉnh núi đại diện cho năm loại trí của Phật mà Kailash – pháp giới trí, là trung tâm. Kailash còn được mệnh danh là “vũ trụ tâm linh”. Kinh Tạng Phật giáo gọi Kailash là núi Tu Di, nơi có hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh và hang động của Bồ Tát Quan Âm. (DG)

Bát Tư Ba khẽ gật đầu:

- Trò nói đúng. Kế hoạch này ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các tu viện lớn, trong đó có cả tu viện Sakya. Nếu buộc toàn bộ dân cư thuộc sở hữu của tu viện trở thành Mid là điều không thể. Trước khi lên đường, ta đã thảo luận với Đại hãn về vấn đề này rất lâu, khó khăn lắm mới thuyết phục được ngài chấp thuận chế độ quản lý đặc biệt, dành riêng cho đất Tạng. Đó là, những cư dân thuộc quyền cai quản của tu viện, chịu trách nhiệm phụng thờ Phật Tổ, sẽ được miễn nghĩa vụ lao dịch và thuế khóa. Những cư dân còn lại buộc phải thực hiện nghĩa vụ này.

Senge quan sát vẻ mặt của Bát Tư Ba, thận trọng hỏi:

- Thưa thầy, phải chăng Đại hãn đã giao toàn quyền quyết định tu viện nào được phép sở hữu bao nhiêu Lad, chuyển đổi bao nhiêu Mid cho thầy?

Bát Tư Ba chậm rãi gật đầu, nét mặt căng thẳng.

Senge hít một hơi thật sâu, đầu óc nhạy bén của cậu ta lập tức nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề:

- Nếu được phân vào hàng ngũ những cư dân Lad, sẽ không phải đóng thuế cho triều đình và không phải chịu nghĩa vụ lao dịch. Trở thành cư dân Mid, tức là sẽ không phải nộp tô thuế cho tu viện. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên! Đất Tạng có bao nhiêu giáo phái, bao nhiêu tu viện, lẽ dĩ nhiên các giáo phái và tu viện đều sẽ dốc sức để giành lấy về phần mình thật nhiều cư dân Lad và nhượng cho triều đình thật ít cư dân Mid.

Bát Tư Ba đăm chiêu:

- Về phần Đại hãn, ngài mong rằng số lượng cư dân đóng thuế cho mình càng nhiều càng tốt. Đô thành của ngài vừa xây dựng lại, ngài còn cả cuộc chiến cam go, trường kỳ với nước Tống ở phía nam nên quốc khố là vấn đề vô cùng cần kíp.

Senge chậc lưỡi:

- Thầy bị kẹp ở giữa thế này, phải làm sao cho ổn thỏa, cho đẹp lòng các bên đây?

Bát Tư Ba khẽ khép mắt, hai tay đưa lên xoa bóp huyệt thái dương:

- Ta hiểu rõ sẽ vô cùng gian nan, bởi vì phái Sakya vừa là một giáo phái ở đất Tạng, lại vừa là đại diện của Đại hãn. Chúng ta phải xét suy mưu lợi cho đất Tạng, đồng thời cũng phải suy nghĩ cho Đại hãn. Rất khó khiến đôi bên đều vừa lòng đẹp ý, ta chỉ có thể dốc hết sức mình, cầu lấy sự công bằng, thỏa đáng mà thôi.

- Trách nhiệm của thầy quả là vô cùng nặng nề. Chả trách, suốt dọc đường đi, thầy luôn đăm chiêu, suy nghĩ. – Senge tỏ ra lo lắng, rồi chợt nhớ ra điều gì, vội hỏi. – Đệ tử hiểu rồi, phái Drikung ân cần khoản đãi chúng ta như vậy, chắc chắn pháp vương Chung Dorje của họ đã đưa ra đề nghị gì với thấy, đúng không?

Bát Tư Ba cười buồn, tán dương Senge:

- Trò rất thông minh! Đúng vậy, Chung Dorje viện cớ đền Drikung Thil cách La-ta không xa, khẩn cầu ta cắt toàn bộ dân cư của La-ta cho phái Drikung.

Senge xì mũi tức tối:

- Lão già khôn ngoan ấy quá tham lam! La-ta từng là cố đô của vương triều Tufan, đất đai phì nhiêu, cư dân đông đúc. Chia toàn bộ cư dân La-ta cho họ, phái Drikung nghiễm nhiên sẽ trở thành giáo phái hùng mạnh nhất đất Tạng!

Bát Tư Ba khẽ lắc đầu:

- Ta hiểu thâm ý của ông ta, trong thư gửi Đại hãn, ta cũng ghi rõ nguyện vọng của phái Drikung. Nhưng nguyện vọng của họ có đạt được hay không, ta không thể quyết định, Đại hãn sẽ tự định đoạt.

Senge suy nghĩ một lát rồi gật gù:

- Nếu Đại hãn không chấp thuận, phái Drikung cũng không thể oán trách ai.

Rồi cậu ta cung kính cúi người, thưa với sư phụ rằng:

- Thưa thầy, bức thư quan trọng nhường này, chi bằng hãy giao cho con, con sẽ đích thân chuyển đến tận tay Đại hãn và trình bày rõ ràng với ngài những suy nghĩ của thầy.

Bát Tư Ba gật đầu:

- Đúng đấy, con thông minh, lanh lợi, lại có tài ăn nói, chắc chắn sẽ biết cách giải thích tường tận với Đại hãn.

Senge vui mừng nhận lệnh:

- Con sẽ thúc ngựa thật nhanh, chỉ nửa năm là có thể đến được Trung Đô. Thưa thầy, con hứa, ngày này sang năm sẽ trao ý chỉ của Đại hãn đến tận tay thầy!

Senge đã tận lực cho chuyến công cán này. Tuy chỉ làm phận sự của người đưa thư nhưng sẽ được tiếp kiến Hốt Tất Liệt. Thế nên, đối với một người nuôi tham vọng thăng tiến như Senge thì đây là cơ hội ngàn năm có một. Sau đó, quả nhiên Senge đã tận dụng dịp may hiếm có này để phô diễn tài năng trước mặt Hốt Tất Liệt. Đây là lần đầu tiên vị tể tướng tương lai của triều Nguyên xuất hiện trước mặt Hốt Tất Liệt.

Senge đi rồi, đại điện rộng lớn chỉ còn lại mình Bát Tư Ba. Chàng đứng bên cửa sổ, ngắm nhìn những giọt nước tuyết tí tách rơi, ánh nắng ngày đông giá phản chiếu bóng dáng cô liêu của chàng. Nghe được cuộc đối thoại của chàng và Senge, tôi biết chàng phải lo nghĩ nhiều chuyện trọng đại nên không dám làm phiền, chỉ lặng lẽ trốn trong góc khuất, ngắm nhìn chàng. Bát Tư Ba trầm ngâm hồi lâu rồi đột nhiên thở dài:

- Em ở đây phải không?

Tôi giật mình thảng thốt, liền hóa thành thiếu nữ, do dự một lát, mới chầm chậm bước ra khỏi trướng rủ màn che:

- Sao chàng biết em ở đây?

Chàng giật mình quay lại, thấy tôi, hai mắt tròn xoe ngạc nhiên, ấp úng:

- Em... em ở đây thật ư?

Tôi càng ngạc nhiên hơn:

- Chàng không biết em ở đây sao? Vậy khi nãy chàng nói về ai thế?

Chàng sững sờ, mặt bỗng ửng đỏ, hấp tấp chuyển đề tài:

- Em đang ở bên Kháp Na kia mà!

Tôi dẫu môi, phụng phịu:

- Lại đùn đẩy người ta về phía Kháp Na rồi!

- Ta...

Rồi chàng im bặt, quay đầu, tiếp tục nhìn ngắm những giọt nước tuyết tí tách rơi, giọng nói bình thản:

- Đệ ấy không khỏe, em nên ở bên đệ ấy nhiều hơn.

Tôi lại gần chàng, lấy tay che miệng, tủm tỉm cười:

- Lúc cậu ấy tắm, em cũng phải ở bên sao?

Bát Tư Ba không biết phải nói sao, ánh mắt tránh né tôi:

- Trời lạnh như vậy, nơi đây lại là vùng núi cao băng giá, đệ ấy không nên chăm chỉ tắm rửa như vậy. Lỡ bị cảm lạnh, làm sao đệ ấy chịu nổi.

Tôi thở dài:

- Chàng biết rõ Kháp Na ưa sạch sẽ thế nào mà!

Bát Tư Ba có vẻ bối rối khi chúng tôi ở bên nhau, mới trò chuyện được đôi câu, chàng đã giục giã:

- Chắc giờ này đệ ấy tắm xong rồi. Em đi gọi Kháp Na đi, chúng ta cùng nhau dạo quanh thành La-ta nào!

Tôi hóa phép trở lại nguyên hình, đi báo tin cho Kháp Na. Trên đường đi, tôi cứ băn khoăn mãi. Đây đâu phải lần đầu tiên hai chúng tôi ở bên nhau. Thời gian trước, tôi vẫn thường hóa thành thiếu nữ để thu hẹp dần khoảng cách với chàng kia mà. Nhưng Bát Tư Ba đâu có bối rối như bây giờ, dường như chàng càng lúc càng không muốn tôi lại gần. Tất cả biểu hiện này đều bắt đầu từ sau buổi tối hôm đó. Tối hôm đó, sau khi Khabi nói với Bát Tư Ba rằng linh khí của tôi có thể bị phản ứng ngược, chàng đã làm gì? Vì sao giờ đây chàng cứ muốn đẩy tôi về phía Kháp Na?

Mãi tới khi leo lên núi Hồng Sơn, nơi cao nhất ở thành La-ta, tôi vẫn không tìm ra được đáp án cho câu hỏi đó. Bát Tư Ba lệnh cho những người hầu cận ở dưới chân núi, chỉ hai anh em lên núi. Đến lưng chừng, khi thấy xung quanh không có ai khác, tôi liền hóa phép thành người, theo sau họ.

Vì suy nghĩ quá say sưa, chẳng để ý đến những bậc đá trên lối đi dốc đứng nên tôi vấp ngã, đổ người về phía trước. Tất nhiên là tôi chẳng “ngán” cú ngã này, nhưng chưa kịp phô diễn phép thuật thì Bát Tư Ba và Kháp Na, mỗi người đã giữ lấy một cánh tay của tôi, kéo tôi lại. Tôi há hốc miệng, nhìn sang hai bên, Kháp Na thì bối rối, còn Bát Tư Ba khiến tôi kinh ngạc hơn, hàng lông mày xô lại, rúm ró, vẻ mặt đau khổ. Sau đó, cả hai buông tay cùng lúc, vì mất đà, tôi ngã sóng soài ra đất.

Tôi bực bội, lồm cồm bò dậy, hất cánh tay Kháp Na đang hốt hoảng chìa ra, chực đỡ tôi lên, mặc cho hai người hỏi han ân cần, tôi hùng hổ lao về phía trước:

- Từ nay hai người làm ơn đừng như vậy nữa có được không? Em không cần ai giúp hết, em tự đi được!

Hai anh em họ nhìn nhau rồi lẳng lặng quay mặt đi. Bát Tư Ba giấu cánh tay vừa đỡ lấy tôi ra sau lưng, cắn môi như thể đang chịu đựng cơn đau. Trên gương mặt của cả hai đều hiển hiện những biểu cảm hết sức phức tạp, tôi không sao hiểu nổi.

Mặt trời ngã về tây, chiếu rọi những mảng tường thành đổ nát trên núi Hồng Sơn. Tôi đứng cách xa, dõi mắt ngắm nhìn bóng dáng cao gầy của hai người giữa cảnh hoang phế của tàn tích xưa cũ. Tôi không xuất hiện nên anh em họ trò chuyện rất thoải mái. Tôi nghe thấy Bát Tư Ba thở dài, chiêm nghiệm:

- Nơi đây từng là cung điện của vương triều Tufan. Vị tán phổ vĩ đại nhất của vương triều là Tùng Tán Cán Bố đã dời đô từ Sơn Nam về mãnh đất trũng thấp, rộng rãi này và kiến tạo thành đô La-ta. Ngài đã cho xây dựng cung điện trên núi Hồng Sơn để đón Công chúa Văn Thành. Tiếc thay, vào giai đoạn cuối của vương triều Tufan, toàn bộ công trình kiến trúc năm xưa đã bị hủy hoại bởi khói lửa chiến tranh.

Kháp Na đứng trên một mái nhà đã sập đổ, dõi mắt nhìn ra xung quanh, cánh tay chỉ về phía những con đường nhỏ hẹp dẫn lên đỉnh núi:

- Cung điện này được xây ở nơi cao nhất trong thành La-ta, lại chỉ có bốn con đường dẫn lên núi. Hẳn là năm xưa, nơi đây được canh giữ vô cùng cẩn mật, phòng thủ dễ dàng và kẻ địch khó tấn công. Nhưng dù là như vậy, vương triều Tufan từng một thời vàng son, thịnh trị cũng không tránh khỏi kết cục sụp đổ. Chỉ còn lại những mảng tường đổ nát, tiêu điều vẫn lưu giữ chút bóng dáng của năm tháng huy hoàng thuở trước.

Bát Tư Ba vẫn chắp tay sau lưng, nhìn em trai mình, ánh mắt đầy ẩn ý:

- Nguyên nhân là do sự tranh giành quyền lực trong nội bộ vương triều. Langdarma, vị tán phổ cuối cùng, ra lệnh giết hại Phật tử, tiêu diệt Phật giáo nên đã bị tăng nhân giết chết. Hai bà vợ của ông ta, ai cũng lăm le muốn đưa con trai mình lên ngôi nên đã chia phe cánh tàn sát lẫn nhau, khiến cho thực lực của vương triều ngày một suy giảm và cuối cùng thì sụp đổ. Một đế quốc hùng mạnh cũng giống như một bức tường kiên cố, sẽ chẳng thể trụ vững nếu bị thối nát, mục ruỗng từ bên trong.

Kháp Na giật mình ngẩng lên, ánh mắt cậu nhìn anh trai thật khác lạ.

Bát Tư Ba vỗ nhẹ vào bức tường thấp lè tè bên cạnh, hỏi:

- Kháp Na, đệ biết vì sao ta lệnh cho người hầu ở lại dưới chân núi để chỉ có hai chúng ta lên đây không?

Kháp Na chợt biến sắc mặt:

- Ngoài việc thăm thú di tích của vương triều Tufan, hẳn đại ca còn muốn nói với đệ chuyện gì đó?

- Ta muốn bàn vói đệ về dự định của ta. – Nét mặt của Bát Tư Ba trở nên nghiêm trang, chàng nhìn em trai, trịnh trọng nói. – Ta dự định di dời giáo phái Sakya ra khỏi vùng Sakya.

- Vì sao? – Kháp Na thốt lên kinh ngạc, lắc đầu phản đối kịch liệt. – Sở dĩ có tên gọi phái Sakya là vì kể từ khi giáo phái được sáng lập, tổ tiên chúng ta đã xây dựng tu viện và các trang viên trên vùng đất Sakya. Trải qua hơn hai trăm năm mới gây dựng được giáo phái như ngày nay. Và với nỗ lực của huynh, Sakya mới trở thành giáo phái lớn mạnh nhất đất Tạng. Nếu rời khỏi Sakya, giáo phái chúng ta sao có thể lấy tên là phái Sakya được nữa?

- Ta hiểu những lo lắng của đệ. Ta đâu nỡ từ bỏ cơ nghiệp mà tổ tiên khổ công gây dựng từ bao đời nay. Nhưng ta buộc lòng phải toan tính cho tương lai của giáo phái. – Vẻ mặt của Bát Tư Ba nghiêm nghị đến lạnh lùng, chàng hướng mắt về phía mái vàng lung linh trên đỉnh ngôi đền Jokhang và khu phố Bakhor chạy quanh ngôi đền. – Trở về quê hương lần này, ngoài việc làm tròn trách nhiệm mà Đại hãn giao phó là phân chia các đại vạn hộ hầu và các cư dân Lad và Mid của đất Tạng, ta còn một dự định vô cùng quan trọng khác: tính toán thật kĩ lưỡng, chu toàn và chọn địa điểm phù hợp để xây dựng thành trì tương lai của phái Sakya.

- Nơi nào là tốt nhất? – Suy nghĩ một lát, Kháp Na như bừng tỉnh. – Đại ca, ý huynh là Sakya ở nơi sâu xa, hẻo lánh, không thuận tiện cho việc cai trị toàn bộ đất Tạng?

- Đúng vậy! – Bát Tư Ba hân hoan, dõng dạc nói. – Sau bao năm vất vả, bác và ta mới đưa giáo phái của chúng ta trở thành giáo phái thủ lĩnh của đất Tạng, nhưng cả bác và ta đều không muốn mưu lợi cho riêng giáo phái mình. Bước tiếp theo, ta muốn hoàn thành tâm nguyện của bác: tận dụng nguồn lực và sự trợ giúp của Đại hãn để chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bảy, tiến tới thống nhất đất Tạng!

Kháp Na hiểu ra vấn đề, hào hứng tiếp lời:

- Nếu vậy, thành trì của phái Sakya nhất định phải nằm ở vị trí trung tâm của đất Tạng, với giao thông thuận lợi, địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, trù phú và cư dân đông đúc.

Bát Tư Ba gật đầu:

- Trên đường đi, ta không ngừng quan sát để chọn lựa nơi hợp lý nhất.

Kháp Na cúi nhìn những ngôi nhà san sát dưới chân núi, sông ngòi lấp lánh ánh bạc trong bóng chiều rực rỡ, những ngọn đồi phủ trắng tuyết xung quanh, rồi quay lại nhìn Bát Tư Ba:

- Thành La-ta nằm ở nơi lòng chảo của nhiều nhánh sông lớn, tựa lưng vào núi, giáp mặt với sông, dễ phòng thủ khó tấn công, chả trách năm xưa Tùng Tán Cán Bố đã quyết định dời đô về đây, gây dựng nên cơ nghiệp hai trăm năm của vương triều Tufan. Có phải đại ca muốn xây dựng thành trì của phái Sakya ở La-ta không?

- Đúng là ta có suy nghĩ đó nên mới đưa đệ đến đây bàn bạc. – Bát Tư Ba nhíu mày đăm chiêu, giọng trầm buồn. – Nhưng điều khiến ta lo lắng nhất là phái Drikung.

Kháp Na cũng chau mày nghĩ ngợi:

- Đúng vậy, sau khi vương triều Tufan sụp đổ, phái Drikung đã xây dựng thành trì vững chắc ở Modro Gongkar, giáp La-ta, các ngôi đền ở La-ta đều thuộc về phái này. Nếu phái Sakya di dời đến đây, phái Drikung có chịu nhượng bộ không? Lẽ nào chúng ta ép buộc họ bằng thánh lệnh?

Bát Tư Ba lắc đầu cả quyết:

- Không thể làm vậy! Tuy chúng ta được Đại hãn nâng đỡ nhưng ở đất Tạng này, phái Sakya vẫn chỉ là một giáo phái nhỏ so với các giáo phái lớn khác. Nếu chúng ta dùng quyền lực áp chế họ, sẽ không chỉ gây mâu thuẫn với phái Drikung, mà các giáo phái khác ở đất Tạng cũng sẽ phản đối chúng ta. Một khi ta trở về Trung Đô, phái Sakya không còn người bảo trợ nữa, sẽ vô cùng nguy hiểm.

Kháp Na hiểu rằng hậu quả của quyết định đó là hết sức nghiêm trọng, cậu cúi đầu suy nghĩ hồi lâu:

- Tuy La-ta là địa điểm lý tưởng để xây dựng thành trì nhưng chúng ta không thể công khai tranh giành địa bàn với họ. Chi bằng đại ca hãy quan sát thêm những nơi khác, biết đâu lại tìm được mảnh đất lý tưởng cho giáo phái chúng ta.

Bát Tư Ba gật đầu ảo nảo. Cánh tay trái vẫn giấu kín trong tay áo, giờ đã đưa ra sau lưng.

Anh em họ cùng hướng mắt về phía thành La-ta tuyết phủ đẹp mê hồn dưới bóng chiều rạng rỡ, hai cái bóng cao gầy ấy nổi bật trên nền đền đài, cung điện hoang phế năm xưa. Phải gồng gánh sức nặng ngàn cân của những trọng trách lớn lao nên lưng Bát Tư Ba chừng như còng xuống.

Bốn trăm năm sau, trên đống đổ nát của di tích cung điện Tufan trên núi Hồng Sơn, xuất hiện một công trình kiến trúc vô cùng nguy nga, lộng lẫy, cũng là biểu tượng của thánh địa La-ta: cung điện Bố Đạt La.

~.~.~.~.~.~

Chàng trai trẻ đưa ra nhận định sâu sắc:

- Cư dân Mid và Lad có phải là khái niệm nông nô mà chúng ta thường nhắc đến?

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy. Chỉ khác là cư dân Mid thuộc quyền sở hữu của các lãnh chúa, còn cư dân Lad thuộc quyền sở hữu của các tu viện. Thân phận, địa vị của họ thì như nhau, đời này nối tiếp đời khác đều không được tự do.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Nhưng đối với các tu viện thì không hề như nhau. Một bên là nộp thuế cho tu viện, một bên là nộp thuế cho địa chủ và nhà nước. Chả trách họ tranh giành khốc liệt như vậy.

Tôi khẽ thở dài:

- Thực ra, khi kế hoạch phân chia này được thực hiện thì lợi ích của tu viện sẽ bị giảm đi. Vì số cư dân thuộc quyền sở hữu của họ đã giảm chỉ còn sáu mươi phần trăm, bốn mươi phần trăm còn lại thuộc về nhà nước.

- Vậy thì chắc chắn họ sẽ phản đối đến cùng.

Tôi cười buồn:

- Nhưng đó là kết quả tối ưu mà Bát Tư Ba đã phải nỗ lực thuyết phục Hốt Tất Liệt mới giành được. Bởi vì nếu chiếu theo ý của Hốt Tất Liệt thì ngài muốn phần lớn cư dân đất Tạng phải nộp thuế cho mình.

Chàng trai trẻ lắc đầu:

- Nhưng mất đi quyền lợi suốt mấy trăm năm qua, chắc chắn các tu viện ở đất Tạng sẽ không biết ơn Bát Tư Ba mà càng oán hận ngài.

- Đúng vậy. Bát Tư Ba chia đất Tạng thành mười ba vạn hộ hầu, phần lớn trong số đó đều là những thế lực lâu đời ở đất Tạng, có cả tu viện lẫn lãnh chúa địa phương. Bát Tư Ba đã xem xét đến quyền và lợi ích hình thành trong quá trình phát triển cũng như truyền thống lịch sử của các giáo phái. Quyền lực suốt mấy trăm năm, giờ đây bị tước mất, các giáo phái sao chịu để yên? – Tôi ngừng lại, gắng gượng nuốt vào lòng dư vị đắng chát vừa trào lên, cố kiềm chế cảm xúc. – Thế nhưng, không phải toàn bộ mười ba vạn hộ hầu này đều ghi ơn Bát Tư Ba. Bọn họ đều nuôi tham vọng và ý đồ riêng, để rồi sau đó, phái Sakya đã phải trả giá bằng máu.

alt
Đàn Anh Cứ Muốn Tôi
Sắc, Sủng, Nữ Cường, Nam Cường
Chỉ Mê Đội Trưởng Đội Bóng Rổ
Ngôn tình Sắc, Sủng, Nữ Cường
Hệ Thống Xuyên Không Dục Nữ
Ngôn tình Sắc, Xuyên Không, Cổ Đại
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc