Rời La-ta, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về phía tây, vượt đèo Kampala khi mùa xuân vừa tới, bắt đầu từ đây, đường đi dễ chịu hơn rất nhiều. Ngay sau đó, chúng tôi được mãn nhãn bởi bữa tiệc phong cảnh thịnh soạn, khi khung cảnh đẹp nhất của chặng đường hồi hương gian nan hiện ra trước mắt. Đó là cảnh đẹp diễm lệ của hồ thiêng Yamdrok-tso, một trong ba hồ nước thiêng lớn nhất ở đất Tạng. Chúng tôi có mấy chục ngày đêm di chuyển trên con đường nhỏ, uốn lượn mải miết ven hồ thiêng. Nước hồ lấp lánh muốn sắc, in bóng những ngọn núi tuyết thánh khiết, sừng sững, chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh, những lối rẽ quanh co, khúc khuỷu, hệt những chuỗi san hô bồng bềnh dưới lòng đại dương xanh bát ngát. Ngày nào tôi cũng ôm lấy cửa sổ xe ngựa, dán mắt vào khung cảnh như mơ ấy, vậy mà vẫn không thấy thỏa mãn. Thế là, chiều ý tôi, một buổi tối nọ, dưới bầu trời ngàn sao lấp lánh, Kháp Na ôm tôi trên tay, một mình lẳng lặng đến bên hồ nước thiêng. Cậu ấy muốn tôi được chiêm ngưỡng bầu trời thăm thẳm, yên bình trong đêm thanh tịnh.
- Xong chưa?
Kháp Na ngồi xoay lưng lại, hướng mắt ra phía hồ nước, vẻ sốt ruột.
- Xong rồi.
Tôi hóa phép thành người, cột tóc lại bằng sợi dây màu lam, thướt tha bước ra. Tôi lại biến ra một ngọn lửa trong lòng bàn tay để soi sáng cảnh vật xung quanh. Nơi đây cách lán trại của đoàn chúng tôi chừng một dặm, đủ ăn toàn để không phải lo có ai đó bắt gặp.
Kháp Na quay lại. Thấy tôi mỉm cười dịu dàng dưới ánh lửa bập bùng, cậu ấy sững sờ, ánh mắt ngẩn ngơ. Tôi tươi cười bước lại gần, trỏ tay lên bầu trời với muôn ngàn vì sao lấp lánh:
- Người Tạng có lời ca rằng: “Trên trời có cảnh tiên – Dưới đất có hồ thiêng – Trên trời có ngàn sao – Ven hồ có đàn dê.” Cậu nhìn xem, bầu trời đêm lung linh, huyền ảo thế này, hồ nước mỹ lệ, kỳ ảo thế này, tiên cảnh là đây chứ đâu.
Ngày mai thôi, tôi sẽ rời hồ Yamdrok-tso để đến Nagarze, nghĩ vậy, lòng chợt mênh mang nỗi tiếc nuối:
- Hồ nước thiêng tuyệt đẹp thế này, ai mà không muốn lưu lại thêm vài ngày để ngắm nhìn cảnh tiên giữa chốn nhân gian kia chứ!
Kháp Na hướng ánh nhìn về phía mặt hồ yên ả, lăn tăn gợn sóng dưới bầu trời đêm lấp lánh:
- Nếu em thích, sau này ta sẽ đưa em quay lại đây ngắm cảnh. Vì chuyến trở về này có nhiều việc hệ trọng, chúng ta không thể chậm trễ.
- Tôi hiểu mà.
Tôi bước ra mép hồ, vốc một vốc nước, nước lạnh buốt khiến tôi rùng mình. Tôi than thở:
- Không biết khi nào mới có dịp quay lại!
- Chắc chắn sẽ có mà!
Cậu ấy chầm chậm đến bên tôi, nhìn tôi chăm chú, ngập ngừng như thể muốn nói điều gì, vẻ mặt rất khó hiểu.
- Kháp Na, sao thế?
Tôi nhìn theo ánh mắt trốn tránh của cậu ấy, thấy rằng đã đến lúc phải giãy bày mọi chuyện:
- Tôi nhận ra, suốt mười tháng trên chặng đường từ Đại Đô đến đây, cậu thường nhìn tôi rất chăm chú, vẻ mặt rất phức tạp. Tôi không hiểu nổi, nhưng tôi có cảm giác hình như cậu muốn nói với tôi điều gì đó.
Cậu ấy có chút bối rối, vội quay mặt đi. Tôi xoay gương mặt cậu ấy lại, nhìn thẳng vào mắt cậu ấy:
- Kháp Na, vậy mà tôi vẫn tin rằng giữa hai chúng ta không có gì là bí mật cả.
Cậu ấy chừng như đang phải tranh đấu quyết liệt, lời nói chực cất lên lại bị kìm lại. Cuối cùng, cậu ấy lấy hết can đảm để hỏi khẽ:
- Tiểu Lam à, ta... ta muốn hỏi em... Nếu ta làm chuyện gì không phải với em, em có... em có tha thứ cho ta không, có bỏ mặc ta không?
Tôi giật mình, phản ứng đầu tiên của tôi là lắc đầu:
- Sao cậu có thể làm chuyện gì không phải với tôi được? Không bao giờ có chuyện đó!
Khóe môi run run, bàn tay lạnh buốt của Kháp Na nắm chặt tay tôi:
- Tiểu Lam à, ta... ta...
Tôi băn khoăn:
- Lẽ nào cậu đã làm chuyện gì...?
Cậu ấy sững sờ giây lát rồi lắc đầu:
- Ta... Ý ta là... “giả như”.
- Kháp Na, dù cậu có làm chuyện gì, tôi cũng sẽ tha thứ cho cậu. – Tôi đặt bàn tay lạnh băng của Kháp Na vào lòng bàn tay mình, khẽ nói. – Bởi vì cậu là người thân của tôi, cậu và Lâu Cát là những người quan trọng nhất đối với tôi!
Cậu ấy khẽ rùng mình, ngẩng lên nhìn tôi, cặp mắt sáng long lanh hơn cả vì sao trên bầu trời đêm. Làn gió nhẹ thổi tới, nước hồ ì oạp vỗ bờ, những âm thanh tưởng chừng nhỏ bé mà sống động trong đêm thanh vắng. Kháp Na chừng như rất xúc động, cắn chặt môi hồi lâu rồi gật đầu:
- Tiểu Lam, em yên tâm, ta đã hứa với em thì sẽ không nuốt lời. Ta nhất định sẽ giúp em thỏa nguyện.
Cậu ấy nắm tay tôi chặt đến mức khiến tôi thấy đau mà chẳng hề hay biết. Tôi định mở lời nhưng sững sờ khi nhìn thấy ánh mắt của cậu ấy. Ánh mắt đó có sự quyết liệt, đau thương và cả dằn vặt. Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi, không ngủ được khi nhớ lại ánh mắt của cậu ấy. Tôi không hiểu được vì sao cậu ấy lại dằn vặt. Rốt cuộc, cậu ấy đã làm gì?
Tạm biệt hồ thiêng Yamdrok-tso, chúng tôi dừng chân tại Nagarze một ngày ngắn ngủi rồi lập tức lên đường, tiến về vùng Hậu Tạng. Địa điểm phân chia ranh giới giữa vùng Tiền Tạng và Hậu Tạng là Shigatse, nơi đây vốn là một dải đất được bồi tụ bởi dòng sông Nyang Chu, nằm trên con đường huyết mạch nối giữa Tiền Tạng và Hậu Tạng. Đi tiếp chưa đầy hai trăm dặm về phía tây, sẽ tới một nơi được mệnh danh là “trang viên màu mỡ nhất”: Samdruptse. Nơi đây ngày sau trở thành thanh phố lớn thứ hai ở Tây Tạng: Shigatse. Nhưng vào thời điểm này, Samdruptse vẫn chỉ là một làng bản nhỏ, lệ thuộc vào vạn hộ hầu Shalu ở cách đó chừng bốn mươi dặm.
Vạn hộ hầu Shalu vốn là danh gia vọng tộc bậc nhất ở vùng Hậu Tạng, huyết thống cao quý không ai sánh bằng. Hai trăm năm trước, vị vua cuối cùng của vương triều Tufan là Langdarma hạ lệnh tiêu diệt đạo Phật, bị tăng nhân sát hại. Hai bà phi của ngài tìm cách đưa con trai mình lên ngôi, không ngần ngại chia phe cánh tàn sát lẫn nhau, dẫn tới vương triều diệt vong. Nhưng huyết thống của Songtsan Gampo vẫn được lưu truyền đến hậu thế. Tuy hai con trai của vua Langdarma đã chết trong cuộc nội chiến nhưng cháu nội của ông ta vẫn tiếp tục duy trì huyết thống của dòng tộc. Một trong số hai người con trai của người cháu này đã trở thành quốc vương của vương quốc Guge lừng danh. Người còn lại chính là tổ tiên của Vạn hộ hầu Shalu.
Tuy vương triều Tufan đã sụp đổ nhưng con cháu của bậc tán phổ vẫn được nể trọng hết mực. Vào thời Bắc Tống, gia tộc này có một tăng nhân tên gọi Gendun Drup, ông đã cho xây dựng ngôi đền Shalu trên mảnh đất Chundui ở phía đông nam Samdruptse. Kể từ đó, gia tộc này tự xưng mình thuộc dòng họ Shalu. Bởi vậy, trước khi người Mông Cổ xuất hiện ở đất Tạng thì gia tộc này đã nhiều đời là vạn hộ hầu và là gia tộc lớn nhất vùng Hậu Tạng.
Lúc này, người đứng đầu Shalu là Jichoi. Bát Tư Ba vừa tới La-ta, ông ta đã cử người đền chào mừng, thăm hỏi. Shalu cách Sakya chừng hai trăm dặm, để đến được Sakya tất phải ngang qua nơi này. Vạn hộ hầu Shalu đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ, chỉ chờ Bát Tư Ba ghé thăm. So với vùng Tiền Tạng thì Hậu Tạng là vùng địa hình núi cao, dốc đứng, dân cư thưa thớt, đất đai cằn cỗi, chỉ có khu vực từ Gyantse đến Samdruptse là lũng sông bằng phẳng, rộng lớn. Phần lớn của cải của vùng Hậu Tạng đều rơi vào khu vực này. Vạn hộ hầu Shalu chính là chủ nhân kho của ấy.
Vừa đặt chân đến vùng lũng sông bằng phẳng ấy, Bát Tư Ba bồi hồi xúc động khi ngắm những cánh đồng thanh khoa xanh tốt, bát ngát dưới nắng xuân rực rỡ. Chàng nói với em trai:
- Nơi đây quả là miền đất hứa, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, giao thông thuận tiện.
Kháp Na lập tức thấu hiểu tâm tư của anh trai:
- Đại ca cho rằng nơi đây rất thích hợp để chúng ta xây dựng thành trì mới cho giáo phái?
Bát Tư Ba gật đầu, mỉm cười:
- Nơi đây rộng khoảng bảy, tám trăm dặm, ngoài đền Shalu của Vạn hộ hầu Shalu, không còn giáo phái lớn nào khác. Có thể nói đây chính là vùng đất thích hợp nhất.
Kháp Na vẫn băn khoăn, lo lắng:
- Chính vì Vạn hộ hầu Shalu là chủ nhân cai quản vùng đất này hàng trăm năm qua nên ở đây mới không có sự tồn tại của các giáo phái lớn khác. Nếu phái Sakya di dời đến đây, chỉ e sẽ gây xung đột lợi ích với họ.
Bát Tư Ba bình thản đáp:
- Khi ta vừa tới La-ta, Jichoi đã cho người mang thư đến, khẩn khoản mời ta ghé thăm trang viên Shalu của ông ta vài ngày trước khi về Sakya. Ông ta muốn tạo dựng mối quan hệ với chúng ta, ta cũng muốn nhân dịp này, dò xem ý tứ của ông ta ra sao.
Đúng như Bát Tư Ba dự đoán, Vạn hộ hầu Shalu quả nhiên có ý dây dựng quan hệ. Ông ta tiếp đón Bát Tư Ba vô cùng long trọng. Trên đường trở về Sakya, hầu như chúng tôi đều trú ngụ trong các ngôi đền. Nhưng Jichoi thì khác, ông ta không mời chúng tôi tới đền Shalu mà rước chúng tôi về trang viên rộng lớn như mê cung của ông ta, vì lúc này, đền Shalu vẫn chỉ là một ngôi đền nhỏ.
Trang viên Shalu tọa lạc ở lưng chừng núi, dưới chân núi là những mái nhà lụp xụp của các gia đình nông nô sống lệ thuộc vào trang viên này. Trang viên được xây cất bằng đá, vô cùng kiên cố. Xung quanh các ô cửa sổ, người ta trét sơn đen. Phía trên cửa ra vào, người ta ghép và trát rất kỳ công một dãy dài các phiến đá, làm thành mái che, bên trên phủ một tấm vải màu đen trắng kết hợp, tượng trưng cho sự may mắn. Cả trang viên giống hệt một thành lũy vững chắc, được bảo vệ bởi tường bao dày dặn, đồ sộ.
Buổi tối, Jichoi và con trai Selangqe bày tiệc rượu tẩy trần cho anh em Bát Tư Ba. Jichoi chừng bốn mươi tuổi, có bộ ria mép được chăm sóc kỹ lưỡng, tóc dài tết thành lọn, vấn gọn trên đỉnh đầu, chụp một chiếp mũ màu trắng hình bát úp, phía trên vành tai trái treo lủng lẳng một sợi dây dài xâu đủ loại châu ngọc. Nhìn thoáng qua cũng đủ biết ông ta là một quý tộc tầm cỡ, cao sang, quyền quý.
Jichoi mở yến tiệc linh đình, bố trí đủ món sơn hào hải vị, có cả màn ca múa tưng bừng. Ông ta ra mặt lấy lòng anh em Bát Tư Ba, những lời chúc tụng, bợ đỡ tuôn như suối. Đôi bên chủ khách đều được dịp tận hứng.
Tôi cải trang thành người hầu đứng sau lưng Kháp Na. Đúng lúc tôi chán ngấy với những lời nịnh bợ vô nghĩa và sắp buồn ngủ thì chợt thấy một cô gái thập thò ngoài cửa. Cô gái chừng hai mươi tuổi, cổ đeo chuỗi hạt đá ngọc và mã não rất to, khoác trên mình lụa là, gấm vóc lấp lánh, thế nhưng trên đầu lại không có bất cứ thứ trang sức gì, tóc tai thì rối tung, bù xù. Cô gái xinh xắn, đáng yêu nhưng khóe môi lại trưng ra vẻ ngây ngô, dại khờ không tương xứng với tuổi tác. Đôi mắt to tròn nhưng ngơ ngác, vô hồn, chẳng có lấy một nét sống động, linh hoạt. Cô gái có làn da trắng bóc, hệt như giấy trong suốt, tuy nước da ấy rất hiếm gặp ở người Tạng nhưng lại là màu trắng yếu ớt, tái dại.
Nhác thấy cô gái, Jichoi khẽ chau mày, thì thào căn dặn con trai.
Selangqe lập tức đứng lên, bước ra phía cửa, khẽ dỗ dành cô gái:
- Kangtsoban, hôm nay nhà ta có khách quý đến thăm, muội đừng gây chuyện nhé! Để ta đưa muội đi chơi trốn tìm.
Kangtsoban ngờ nghệch gật đầu, nhưng khi Selangqe định kéo cô ấy đi thì Kangtsoban chợt giơ tay trỏ vào Kháp Na đang ngồi trong phòng khách, lắp bắp:
- Người đó… đẹp… ta muốn.
Selangqe phì cười, kéo Kangtsoban ra ngoài, ậm ừ cho qua chuyện:
- Được được được, nếu muội ngoan ngoãn về phòng đi ngủ thì sáng sớm mai, cậu ấy sẽ là của muội.
Bị Selangqe cầm tay lôi đi, Kangtsoban vẫn ngoái đầu nhìn về phía Kháp Na, nở nụ cười ngờ nghệch, vỗ vào vai Selangqe:
- Ta muốn hắn, ta muốn hắn!
Đoạn đối thoại này chỉ có tôi nghe thấy, cả Bát Tư Ba và Kháp Na đều không hay biết, cũng không thấy gương mặt của cô gái. Khi ấy, tôi cảm thấy thật buồn cười, vì không ngờ rằng Vạn hộ hầu Shalu – hậu duệ của vương triều Tufan quyền quý – lại sinh ra cô con gái ngớ ngẩn như vậy. Tôi đâu biết rằng, cái liếc nhìn vô cớ của cô gái ấy là khởi nguồn cho cơn ác mộng tiếp theo của cuộc đời Kháp Na.
Hôm sau, nhận lời mời của Jichoi, Bát Tư Ba đến đền Shalu lễ Phật. Kháp Na ở lại, đi tham quan trang viên Shalu cùng hướng dẫn viên rất mực ân cần, chu đáo: Selangqe. Tôi vẫn đóng vai người hầu, đi theo Kháp Na. Chúng tôi đi qua hết gian nhà này đến chái nhà khác, tầng tầng lớp lớp, vừa bước vào một khu vườn trồng bạt ngàn hoa cánh bướm thì một cô gái ăn vận lộng lẫy bỗng từ đâu lao tới, kéo tay áo Selangqe, gào khóc thảm thiết. Tôi lập tức nhận ra, đó là cô con gái mắc bệnh ngớ ngẩn của Jichoi mà tôi đã thấy tối qua: Kangtsoban.
Selangqe vội vàng gọi người hầu đưa tiểu thư về phòng. Nhưng Kangtsoban không chịu, nằng nặc gào khóc:
- Đồ anh trai tồi! Huynh hứa sáng nay sẽ tặng hắn cho ta kia mà!
Kháp Na đứng ngay bên cạnh nên Selangqe rất xấu hổ, cố thoát khỏi bàn tay của cô em:
- Sao muội nhớ dai thế? Ta chỉ nói đùa thôi mà, muội đừng làm ồn nữa, người ta là vương gia được đích thân Đại hãn phong tước, đâu phải cứ muốn là được!
Bị mấy thị nữ giữ lại, Kangtsoban vẫn cố vùng vẫy. Trong lúc giằng co, giày của cô ấy bị tuột, đầu tóc rối bù, dáng vẻ khổ sở. Selangqe bị cô em làm cho áo quần xộc xệch, vội xin lỗi khách:
- Xin Bạch Lan Vương thứ lỗi, em gái tôi chỉ lỡ lời thôi, không hề có ý bất kính với ngài.
Kháp Na tò mò hỏi:
- Đó là…
- Là em gái Kangtsoban của tôi. – Selangqe lắc đầu thở dài, giọng nói chất chứa muộn phiền. – Nó là nỗi bất hạnh của gia tộc chúng tôi. Cha tôi chỉ có mình nó là con gái nên từ nhỏ cưng nựng nó như bảo bối. Em gái tôi vốn lanh lợi, hoạt bát, dễ thương, nhưng năm mười hai tuổi, suýt nữa thì mất mạng sau trận sốt cao kéo dài hơn mười ngày liền. Cha tôi đã mời những thầy thuốc tốt nhất về chữa trị cho nó, tuy giữ được mạng nhưng kể từ đó, em gái tôi thành ra như vậy. Năm nay nó đã hai mươi hai tuổi. Nếu như những cô gái bình thường khác, có lẽ nó đã sinh vài đứa con rồi. Cha tôi lo lắng con gái sẽ bị nhà chồng bạc đãi nên mặc dù có không ít kẻ ham hố địa vị và tiền của của gia đình chúng tôi, đến ngỏ lời xin cưới em gái tôi, cha tôi đều từ chối. Ông chỉ muốn nó được sống yên ổn trong nhà tôi.
Kangtsoban để mặc mấy người hầu lôi đi xềnh xệch, áo quần quệt dưới đất, nhàu nát. Kháp Na thấy thương tình, gật đầu với Selangqe:
- Em gái huynh thật đáng thương, để ta thử xem sao.
Kháp Na bước về phía Kangtsoban lúc này vẫn đang kêu gào ầm ĩ, ngồi xuống trước mặt cô ấy, nhẹ nhàng hỏi:
- Tiểu thư muốn ta làm gì nào?
Kangtsoban ngây ra nhìn Kháp Na một lát rồi đột nhiên giơ chân lên, chỉ vào chiếc giày rơi dưới đất:
- Giày của ta!
Selangqe giật mình thảng thốt, Kháp Na thì vui vẻ nhặt chiếc giày lên: