Mấy hôm trước, ông chủ Lý nhận được một đơn hàng lớn. Cậu cả Khang Thiếu Đình của Tổng tư lệnh Khang kết hôn với thiên kim tiểu thư họ Đỗ, tiệc cưới yêu cầu tổ chức theo phong cách Âu – Á kết hợp, Khang phu nhân là khách thường xuyên của tiệm may nên lần này đã đặt may tất cả các loại váy áo và lễ phục dùng cho tiệc cưới ở tiệm. Vì đơn hàng này, ông chủ Lý đành từ chối mấy khách hàng lớn khác, chỉ bán nốt số trang phục đã may sẵn còn thừa ở cửa hàng.
Thức suốt mấy đêm, ông ta bảo mấy đứa học việc của tiệm giúp may nốt đường viền và mấy công việc không cần tay nghề lắm. Còn mình thì trốn việc trong lúc mọi người đang bận túi bụi. Ông ta vừa ngồi uống trà vừa ngồi gảy bàn tính. Tiếng các viên tính đập vào nhau canh cách như một bản nhạc vui tươi, chợt ông ta nghe tiếng cậu học việc đang giải thích gì đó với khách hàng. Một lát sau, vị khách nọ bỏ ngoài tai lời khuyên giải cửa tiệm đã đóng cửa, cứ một mực lao thẳng vào trong. Ông chủ Lý vội vàng buông bàn tính, đuổi cậu học việc đang chạy theo ra ngoài, tươi cười đón khách. Nhưng vừa nhìn thấy vị khách mới đến, nụ cười trên mặt ông ta chợt tắt ngấm và thay vào đó là khuôn mặt cứng đờ, kinh ngạc không thốt nên lời. Vị khách mới đến là một cô gái ăn vận sạch sẽ, ngũ quan thanh tú. Cô gái cười tươi cười với vẻ hơi ngần ngại vì sự làm phiền của mình. “Xin lỗi ông chủ. Làm lỡ thời gian đóng cửa tiệm của ông, nhưng ai bảo quần áo của ông chủ Lý đẹp nhất cả Vũ Hán chứ! Tôi cần gấp một bộ quần áo mới, không biết trong tiệm có bộ nào không?”
“Có… có, có!” Mãi hồi lâu ông chủ Lý mới định thần lại được, cúi gập người mời vị khách vào chọn, rồi quát đám học việc mau rót trà, mang bánh đến mời khách.
Vị khách thấy ông chủ Lý ân cần như vậy càng lấy làm áy náy nói: “Ông chủ Lý chu đáo quá! Thế này, lần sau dẫu không muốn đến tiệm ông cũng khó!”
Ông chủ Lý gật đầu vâng vâng dạ dạ, dáng điệu cung kính chẳng khác nào đang hầu hạ cụ tổ. Nhưng vị khách nọ chắc chỉ ngoài hai mươi tuổi, trang phục cũng chỉ nhỉnh hơn người thường một tí, vậy mà hai mắt ông chủ Lý mãi không dám ngước lên, chỉ sợ nhìn vị khách ấy một cái sẽ mất mạng
“Chiếc váy này khá đấy, còn bộ nào khác không?” Vị khách nữ chọn được bộ váy theo kiểu Tây, trên là áo sơ mi trắng điểm hoa cao cổ, dưới là váy dài màu xanh ngọc.
“Thực xin lỗi! Chỉ còn duy nhất chiếc váy này thôi. Vốn chiếc này đã có khách đặt, nhưng sau đó cô ấy không đến lấy nên mới thừa ra. Không biết quý danh tiểu thư là gì ạ?”
“Tôi họ Nhan.” Nhan tiểu thư sờ chất vải, lật đi lật lại nhìn, đột nhiên cười khen: “Váy áo đẹp thế này, không biết bên trong có giấu bảo bối gì không. Nếu giấu thật thì tôi lãi to rồi.”
Ông chủ Lý nghe xong, trong lòng thấy rờn rợn, miễn cưỡng nặn ra một nụ cười, nhưng nụ cười ấy giống như những vết gấp khúc dài vậy. Màn kịch đổ oan cho người khác ở phòng tuần bổ mấy năm về trước như hiển hiện trước mắt.
Nhan tiểu thư quay đầu lại, rõ ràng trời không nóng mà sao trán ông chủ Lý lại lấm tấm mồ hôi, nàng liền tốt bụng lấy khăn tay đưa cho ông ta, ra vẻ quan tâm, nói: “Ông chủ Lý, ông đừng mãi kiếm tiền quá mà quên chăm sóc sức khỏe. Nếu không, sau này làm sao mà gắng gượng nổi. Cầm lấy lau mồ hôi đi! Mùa nóng còn chưa đến mà.”
“Cảm ơn tiểu thư!” Ông chủ Lý vội vàng cảm ơn luôn miệng, nhận lấy chiếc khăn tay mà run lẩy bẩy. Nhìn chiếc khăn, bên trong có kẹp một mảnh giấy, ông ta liền vội vàng nhét vào trong áo rồi lại lập cập hỏi: “Cô có muốn xem những chiếc khác không?”
“Không cần đâu. Lấy bộ này cũng được. Bao nhiêu tiền vậy?” Nhan tiểu thư mở ví ra, còn chưa kịp lấy tiền thì ông chủ lý đã ngăn lại, nói: “Không cần đâu. Đây là bộ thừa ra, sao dám lấy tiền của Nhan tiểu thư. Sau này, xin Nhan tiểu thư thường xuyên ghé thăm tiệm của tôi là được.”
“Chắc chắn rồi. Ông chủ Lý có lòng như vậy, sau này tôi sẽ đến thường xuyên để trả ân tình của ông chủ.” Nhan tiểu thư mỉm cười đầy ẩn ý khiến ông chủ Lý luống cuống cúi đầu, dáng vẻ thất thần như vừa nhìn thấy ma vậy.
Đúng vậy, người con gái đó là một con ma.
Giờ đây, nàng tên là Nhan Khai Thần, và cũng là đặc công giống người đàn ông dáng vẻ nghiêm chỉnh đang đứng trước mặt nàng. Có điều, bây giờ chức hàm của nàng còn cao hơn cả ông ta. Có lẽ khi ông ta và Tiết Vân Tần thông đồng với nhau để hãm hại nàng, ông ta không ngờ thực sự nàng vẫn còn sống. Chỉ khi còn sống mới có mạng để yêu và có khả năng để hận.
Ra khỏi tiệm may, Nhan Khai Thần quyết định dùng mấy đồng bạc ông chủ Lý trả lại đến quán ăn náo nhiệt nhất Vũ Hán ăn một bữa ra trò. Người phục vụ thấy cách ăn vận của nàng, liền dẫn thẳng đến vị trí cạnh cửa sổ ở tầng hai. Ở đó có một gia đình ba người đã ngồi sẵn, nàng không e ngại ngồi xuống luôn. Bàn đối diện có mấy ông chủ lớn không biết đang thảo luận chuyện gì mà nước miếng bay tứ tung. Một trong số họ là một gã trung niên đeo kính gọng mạ vàng, trông khá nho nhã, dường như ông ta không hào hứng tham gia cuộc thảo luận lắm, thỉnh thoảng lại hé miệng nắp tách trà nóng thổi nhẹ. Đột nhiên nghe thấy có người nói đến chuyện nước nhà, ông ta lập tưc hứng khởi góp chuyện với vẻ mặt cao thâm huyền bí: “Ý các ngài vừa nói đều rất thiển cận. Tuy khi ấy, Nam Kinh đón Tưởng Giới Thạch và đuổi đội Quế hệ, nhưng đó chẳng qua là vì sau lưng ông ta có sự ủng hộ của Trương Học Lương. Nhưng từ khi Vương Trương, Tắc Lâm bị quân Nhật mưu hại thì khí thế của quân đông bắc không được như trước nữa. Hổ phụ sinh hổ tử chỉ là lời sách nói, không thể tin tuyệt đối được. Những chuyện của Trương Học Lương còn chói mắt hơn cả những chiến tích trên chiến trường của ông ta.”
“Thế ngài có cao kiến gì?” người ngồi kế bên trông to con nhưng ít học, khiêm tốn thỉnh giáo.
Người đàn ông trung niên cố tình tỏ vẻ nghiêm trọng, gắp một miếng rau rồi mới chậm rãi nói: “Ngay từ hồi tháng năm, chẳng phải Uông Tinh Vệ đã đi Quảng Châu liên kết với Quế hệ thành lập chính chủ mới rồi sao? Họ làm vậy là vì muốn cân bằng lực lượng với thế lực Tưởng Giới Thạch ở Nam kinh. Tôi thấy không chừng lần này họ sẽ Bắc phạt đấy!”
“Thế học sẽ đến đánh Vũ Hán ư? Ban đầu, Vũ Hán do Uông Tinh Vệ nắm quyền, chẳng phải Uông Tinh Vệ cso mối giao tình rất sâu sắt với tổng tư lệnh Khang sao? Chắc không thảo phạt nơi đây chứ?” Người đàn ông có vẻ ít học vừa nói xong thì một người khác đã nói tiếp: “ À, các ngài đã nghe thấy tin này chưa? Cậu cả nhà họ Khang sắp kết duyện với thiên kim tiểu thư họ Đỗ đấy, chắc bên trong phải có ân tình gì đây.”
“Chứ còn gì nữa, ngày mai, phủ họ Đỗ còn mở xưởng tơ lụa mới đấy. Mấy năm trước, nhà họ Đỗ lụn bại, kiệt quệ, sau đó ngày cả cậu chủ cũng mất tích. May mà năm ngoái, tiểu thư nhà họ may mắn lọt vào mắt xanh của Khang công tử, nên gia cảnh họ Đỗ mới dần khởi sắc lên đấy.”
Người đàn ông trung niên nọ nhíu mày, vội vàng xua tay nói: “Các ngài biết một mà không biết hai. Ba năm trước, phủ họ Đỗ bị mợ chủ làm cho khuynh gia bại sản, nếu không nhờ nhà thông gia giúp một tay thì ngay cả phủ đệ cũng chẳng giữ nổi. Trước đây, tôi làm quản gia cho nhà họ nên mới biết chuyện này. Tất cả đều tại mợ chủ không chịu được cô đơn nên tư thông với cậu hai nhà họ Khang. Cô ta câu kết với bà Ba của phủ giăng bẫy, nẫng mất bao nhiêu tài sản của phủ. Sau đó mọi chuyện vỡ lở, bà Ba trốn mất dạng. Bố mẹ đẻ của mợ phủ muốn che đậy hộ con gái nên mới rat ay lấp lỗ thủng không đáy này. Kết quả, cô ta ôm luôn đống tài sản nhà họ Đỗ cao chạy xa bay với tình nhân. Chiêu rút củi đáy nồi của cô ta khiến nhà họ Đỗ vừa khởi sắc lại phải một phen lao đao đấy. Vì chuyện này mà Đỗ lão gia nằm liệt giường không dậy nổi, chẳng bao lâu thì qua đời. Sau đó, đối thủ của tổng tư lệnh Khang biết chuyện, liền mượn gió bẻ măng, Nam kinh lập tức phái người đến lục soát, kiểm tra. Vì muốn hóa chuyện lớn thành chuyện nhỏ, nên năm ngoái, tư lệnh quyết định cử hành hôn lễ cho đôi trẻ. Như vậy, vụ án này biến thành chuyện riêng nhà ông ta, thử hỏi người ngoài còn ai dám nhúng tay vào nữa?”
“Mợ chủ nhà họ Đỗ ôm bao nhiêu tiền bỏ chạy để làm gì? Chẳng lẽ muốn bao tình nhân sao?”
“Haizzz! Chẳng phải vì cậu Hai nhà họ Khang thì vì ai nữa? Nghe nói cậu ta vị bang Long Giang gài bẫy lừa tiền, nếu không, mấy năm trước, việc gì Khang lão gia phải ra tay diệt trừ bang phái này.” Người đàn ông trung niên nói xong lại thở dài. Thấy có người gạn hỏi nguyên do, ông ta liền khe khẽ giơ ngón tay út lên, đưa vào miệng làm động tác như hút thuốc.
Mọi người nhìn thấy vậy liền hiểu ý. “Thì ra là một con nghiện. Nhà họ Khang tài thật! Họ cho con trai đi phá gia sản nhà người khác, còn mình ngồi một chỗ ngư ông đắc lợi. Nói vậy thì không khéo đứa cháu độc đinh nhà họ Đỗ chưa chắc đã là dòng giống Đỗ thiếu gia đâu nhỉ?”
“Thôi không bàn việc nước nữa. Uống trà! Uống trà thôi!”. Người đàn ông nhìn thấy hai tuần bổ bước lên lầu vội vàng bưng ly trà ung dung thưởng thức. Mọi người hiểu ý, không tiếp tục bàn tán nữa, chỉ tán gẫu mấy chuyện vặt vãnh quanh phố.
Tuy Nhan Khai Thần không rõ ngọn nguồn câu chuyện, nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút sẽ biết ngay người được hưởng lợi ích lớn nhất trong chuổi sự kiện là ai, nên nàng đoán chín mươi phần trăm thảm cảnh nhà họ Đỗ có liên quan đến Tiết Vân Tần. Hai năm trước, Thu Nhan vô duyên vô cớ mất tích, chắn hẳn là vì cô ta không còn giá trị lợi dụng nữa, nên mới bị tổ chức giết người diệt khẩu. Trước đây, Tư Kỳ rất đồng cảm với những người bị lợi dụng, nhưng giờ xem ra tất cả đều là số phận. Chỉ có điều, nàng bất giác nhớ lại hình ảnh Đỗ Hoài Dung sau khi gia đình xảy ra biến cố mà nàng tình cờ gặp nơi đầu phố hai năm về trước. Cảnh tượng đó đến bây giờ như vẫn hiện trước mắt và khiến nàng bùi ngùi vô hạn.
Mùa đông năm kia, nàng ra khỏi doanh trại để thực hiện nhiệm vụ. Khi đi ngang qua phủ họ Đỗ, nàng đã nghe thấy bao chuyện thị phi liên quan đến nhà họ. Thời điểm ấy, nhà họ Đỗ xa sút lắm rồi, cánh cửa sơn thon thếp vàng tươi tắn ngày nào giờ đã tan phai loang lỗ, tuy bức hoành phi vẫn treo nghiêm trang nhưng lại toát lên vẻ lạnh lẽo, hoang vắng.
Nàng cố tình dừng chân ngắm một lát, đúng lúc thấy thím Vương ôm một túi đồ lớn từ trong nhà bước ra, lúc đi ngang qua nàng, bà ta không hề để ý, chỉ nhanh chân bước về con phố đối diện. Sau đó, nghe nói tím Vương là một trong vài người hầu già không tính tiền công, trung thành ở lại phủ, họ thường phải mang đồ trong nhà đi cầm cố để duy trì cuộc sống của tất cả lớn bé trong phủ. Nhiều hộ nhà giàu khác thấy phủ họ Đỗ khuynh gia bại sản liền lũ lượt muốn ‘ra tay nghĩa hiệp’ mua lại phủ đệ cũ kĩ này với giá thấp, nhưng cả nhà họ Đỗ chỉ còn lại mỗi gia sản này do tổ tiên để lại, sao nỡ bán đi, thế là họ đành sống lê lết cho qua ngày đoạn tháng.
Lúc Tư Kỳ nhìn thấy Đỗ Hoài Dung thì anh ta đang bày sạp bán sách và tranh chữ trên phố chợ. Khuôn mặt trắng trẻo bấy giờ đã lấp ló gân xanh, trông hơi rối, khóe miệng lún phún râu, khiến anh ta lại càng trông thảm hại. Vì trời lạnh, khách hỏi mua cũng ít nên phần lớn thời gian, Đỗ Hoài Dung chỉ đút tay vào hai ống tay áo. Nhưng chiếc áo dài có lớp vải đơn nên mỗi khi cơn gió bất thổi qua, anh lại rét đến nỗi liên tục giậm chân, nép vào góc tường, hà hơi vào lòng bàn tay, thỉnh thoảng lại giơ ống tay áo, chà mạnh vào chiếc mũi đõ ửng. Thỉnh thoàng có người dừng chân chọn tranh chữ, dẫu họ chê hay khen thì anh đều giữ nguyên bộ mặt rầu rầu không đáp lời, chỉ ngơ ngẩn nhìn đối phương. Tư Kỳ không muốn nhìn thấy cảnh tượng ấy chút nào. Nghĩ mãi, nàng vẫn quyết định dừng lại giúp anh.
Hai tấm ván gỗ ghép lại thành sạp hàng bày mười mấy cuốn sách, nghiên mực đóng trên bìa thư, bên cạnh đặt mấy cuộn giấy vẽ, vài bức tranh chữ treo trên tường, một số khác được bày rất tùy tiện, có bức còn kéo lê từ trên bàn xuống đất. Trước đây, Đỗ Hoài Dung không bao giờ bạc đãi sách vở của mình như vậy. Tư Kỳ chầm chậm bước tới, tiện tay chọn mấy cuốn sách, lật giở vài trang. Nàng liếc nhìn Đỗ Hoài Dung, thấy anh cũng đang nhíu mày nhìn nàng, như rất muốn đến gần để nhìn rõ, nhưng đến khi nàng ngẩng đầu lên thì ánh mắt anh lập tức hướng sang chổ khác, anh lúng túng lấy ống tay áo che tiếng ho khan. Nàng cầm cuốn Sử Ký lên, trong sách có dấu bút đỏ. Đó là dấu vết nàng để lại. Vì mấy nét gạch này mà Đỗ Hoài Dung đã mắng nàng không biết quý trọng sách mãi, sau đó còn thi sách lai.
“Ông chủ, quyển sách này bao nhiêu?”
“Tùy cô đấy!” Từ đầu chí cuối, ánh mắt Đỗ Hoài Dung không dám nhìn thẳng vào nàng, chỉ âm thầm thăm dò mà thôi. Tư Kỳ cười nhạt, ngay cả dũng khí nhìn trộm anh cũng chẳng có, chỉ biết ngoảnh đầu đi chổ khác.
“Ông chủ, ông còn bán cả tranh nữa à?”
“Vâng! Cô có thể xem mấy bước tranh chép đằng kia. Tất cả đều là những bức tranh hiếm.” Giọng anh hơi gấp gáp, không giống người buôn bán mà chỉ muốn bán qua quýt cho xong. Tư Kỳ không xem những thứ đó, nàng chỉ thẳng vào cuộn giấy tuyên đang bị gió cuốn lên cao, nhẹ giọng hỏi: “Tôi có thể yêu cầu vẽ tại chỗ không?”
“Cái này thì…” Đỗ Hoài Dung thấy khó xử nhưng vẫn miễn cưỡng gật đầu. “Được thì được, nhưng e không được đẹp.”
“Không đâu. Bút pháp của tiên sinh nhất định không thua kém các họa sĩ đương thời.”
Dứt lời, Tư Kỳ ngẩng mặt lên nhìn, kiểu nhìn thẳng khiến đối phương không thể quay đầu sang chỗ khác. Đỗ Hoài Dung không thể trốn tránh được nữa, buộc phải đối diện với quá khứ mà mình không bao giờ muốn ngoảnh lại. Đột nhiên, một bàn tay bé nhỏ lạnh giá nắm lấy tay anh, nũng nịu: “Cha ơi…cha… kẹo kẹo.” Tiếng nói non nớt của con trai khiến Đỗ Hoài Dung giật mình trở về thực tại, anh ngồi xuống, thổi hơi ấm vào lòng bàn tay con trai rồi xoa tay cậu bé, nựng: “Ngoan! Cha đang làm việc, chút nữa sang kia mua cho con nhé!”
“Kẹo… kẹo… kẹo…” Đứa trẻ vẫn bướng bỉnh kéo tay cha, ngón tay ngắn cũn, mập mạp chỉ về phía sạp bán kẹo hồ lô đang bày ven đường. Đỗ Hoài Dung bất giác sờ túi, móc ra mấy đồng xu, không đủ mua một cây kẹo cho con, anh đành mỉm cười dỗ dành: “Con ngoan, bán tranh xong, cha sẽ mua cho con. Bây giờ không được làm phiền cha, nghe không?”
Đứa bé vẫn không chịu, ngồi phịch xuống đất, nhất định đòi ăn kẹo bằng được. Đỗ Hoài Dung không muốn để khách thấy cảnh con ăn vạ này, trong thoáng chốc thẹn quá hóa giận, liền tát cho thằng bé một cái, khiến nó lăn ra đất giãy khóc ầm ĩ, đất cát dính vào nước mắt khiến khuôn mặt nó chẳng khác nào diễn viên kinh kịch. “Mẹ… Con muốn mẹ cơ!” Đứa con khóc gọi mẹ làm Đỗ Hoài Dung càng không biết giấu mặt vào đâu. Tư Kỳ ngăn bàn tay đang giơ cao định tát thằng bé của anh lịa rồi vội vàng ôm đứa bé vào lòng, nhẹ nhàng vỗ lưng nó, sau lại trách Đỗ Hoài Dung: “Trẻ con có biết gì đâu. Đứa nào chẳng hay làm nũng, ăn vạ bố mẹ. Anh đừng trách cháu nữa!”
Thấy Đỗ Hoài Dung nắm chặt bàn tay lại, im lặng không đáp lời, Tư Kỳ cũng đoán được nỗi sầu khổ trong lòng anh. Bất luận có thích người đàn bà đó hay không thì chắc anh vẫn uất hận, bởi chẳng có người đàn ông nào cảm thấy dễ chịu khi bị vợ mình cắm sừng, không những vậy mà còn bỏ lại con thơ cho chồng rồi chạy theo trai. Từ trước đến giờ, Đỗ Hoài Dung là một công tử nhà giàu không màng đến thế sự, thế mà thoắt cái đã biến thành tiểu thương bày bán tranh nơi đầu phố, anh có thể gắng gượng như vậy đã là đáng quý lắm rồi.
“Kẹo hồ lô ơi! Cho hai cây!” Tư Kỳ vừa lau mặt cho đứa bé vừa gọi người bán kẹo. Người bán kẹo vội quẩy đôi gánh chạy như bay tới. Hoài Dung xua tay bảo không vần, anh không muốn vô duyên vô cớ lại mắc nợ người ta, nhưng Tư Kỳ lườm anh bảo: “Sao anh vẫn cố chấp thế? Tôi thấy cậu bé dễ thương nên đem lòng yêu quý, muốn mua hai cây kẹo hồ lô cho cháu ăn, việc gì anh phải khách khí. Đúng là cứng đầu hết thuốc chữa.” Đến nước này, Đỗ Hoài Dung đành thuận theo ý nàng, lặng lẽ nhìn nàng bế con mình mua kẹo với dáng vẽ thất thần.
Đứa bé được kẹo hồ lô, không khóc nữa mà vui mừng tíu tít chạy quanh chân cha, quên mất khi nãy bị ăn đòn. Đỗ Hoài Dung thấy con đi lại vướng víu liền bảo quản gia dẫn vào nhà trước rồi quay lại áy náy nhận lỗi với Tư Kỳ: “Trẻ con nghịch ngợm quá! Thực sự xin lỗi cô! Nếu cô không chê, tôi xin tặng cô bức tranh hôm nay, không dám lấy một đồng.”
Tư Kỳ thấy anh quay lại lối nói chuyện cổ hủ như trước kia thì lại thấy thân thuộc hơn nhiều. Nàng cười đáp: “Vậy thì cảm ơn ông chủ!”
“KHông biết tiểu thư muốn vẽ gì?”
“Vẽ gì được nhỉ?” Nàng nheo mắt nhìn cuộn giấy tuyên rồi cười bảo: “Cái này còn phải xem tài vẻ của tiên sinh đã.”
Nói rồi nàng rút một tờ giấy ra, giơ trước mặt anh. Tờ giấy ngăn giữa hai người, trong luồng gió âm u lạnh lẽo, khe khẽ run rẩy kêu lên phần phật, nhưng không hiểu sao nó lại khiến trái tim đã nguội lạnh từ lâu của Đỗ Hoài Dung như được hâm nóng. Bao nhiêu bi hoan hợp ly, bao nhiêu ân oán tình thù trên thế gian này cơ hồ đều kí thác bên trong tờ giấy mỏng manh đến nỗi không chịu nỗi luồng gió mạnh, đến nôi vừa chọc đã rách, đã nát, đã vụn rời này. Chẳng qua chỉ là một tờ giấy.
Đỗ Hoài Dung giả vờ nheo mắt tránh gió thổi, lấy ống tay áo dụi nhẹ vào đôi mắt ươn ướt, miệng khẽ mỉm cười, trông thật thảm hại: “Tiểu thư đây cứ hay đùa, làm sao vẽ như thế được?”
“Không vẽ được sao?” Tư Kỳ nghiêng đầu, lẩm bẩm với vẻ luyến tiếc: “Cứ ngỡ ông chịu vẽ cho tôi cơ đấy! Nhưng nếu ông chủ không thích cũng không sao, tôi chọn một bức tranh trong số này vậy.” Rồi nàng buông tờ giấy xuống, tim Đỗ Hoài Dung như nhũn ra. Anh còn nhớ như in vẽ mặt thất vọng của nàng năm ấy. Thế là anh cố nặn ra một nụ cười, đưa tờ giấy lại cho nàng nói: “Phiền cô giơ ngang mặt, tôi sẽ gắng vẽ sao cho đẹp.”
Tư Kỳ hớn hở cầm tờ giấy giơ lên cao, trông chẳng khác gì cô a hoàn ngây thơ thuở nào. Nàng lén liếc nhìn khuôn mặt cậu chủ một thời hòng tìm kiếm nét thanh tao, tĩnh lặng anh từng sở hữu. Nhưng Đỗ Hoài Dung đang đứng trước mặt nàng hoàn toàn không còn nét tuấn tú, cũng không còn thần thái, khí chất thoát tục nữa, chỉ còn sót lại chút ý chí của người quân tử. Nếu không xảy ra biến cố này thì làm sao anh thấu hiểu được nỗi khổ của nhân gian. Suy cho cùng, con người luôn luôn cần được thế sự trui rèn, có lẽ đó chính là sự tái sinh của mỗi con người. Nhưng khi liếc qua đôi tay nứt nẻ vì gió lạnh vẫn đang nhẫn lại đưa từng nét bút vì mình, lòng Tư Kỳ thoắt nhiên lại lẫn lộn bao nhiêu nỗi chua xót đắng cay. Nàng ngỡ mình đã quên mất cảm giác đa sầu đa cảm, nhưng trong khoảnh khắc đó lại không thể kiểm soát nỗi mình. Đỗ Hoài Dung vô thức ngẩng đầu liên liếc nhìn, chắc anh đã thấy lệ rơi lã chã từ đôi mắt nàng, nhưng lại giả như không nhìn thấy, vẫn chăm chú vào bức tranh. Chỉ có điều, không biết hơi nước giăng mắt nơi hàng mi của anh ruốt cuộc là nước mắt hay là bông tuyết đang bỗng dưng hạ xuống đó.
Người đi đường vội vã tránh trận tuyết rơi, chỉ có hai người họ vẫn đứng cạnh nhau lặng cạnh tường, tiếp tục vẽ. Đỗ Hoài Dung tỉ mẫn đưa cây bút pha mực đen lẫn tuyết trắng vẽ từng nét, từng nét trên giấy. Không lâu sau, bức tranh đã hoàn thành. Có điều, những bức tranh khác của anh đều bị tuyết làm hỏng cả. Nhưng có người chịu cùng mình ngốc nghếch đứng dưới trời tuyết bay thế này thì cũng đáng. Anh vui vẻ đến nỗi gần như bật ra cười thành tiếng, nhưng Tư Kỳ đã kịp nhắc nhở, đến lúc ấy, anh mới nhớ tới việc phải nhanh chóng cất sách vở tránh tuyết. Anh vội vàng dọn hàng rồi cả hai trú nhờ trong lều bạc của hàng quần bên cạnh. Tư Kỳ ngắm bức tranh, lập tức phát hiện ra vấn đề lớn, hình như anh đã quên mất một công đoạn.
“Có phải tiên sinh quên chưa tô màu không? Sao chỉ phát họa đen trắng thế này?” Nàng cất tiếng hỏi.
Đỗ Hoài Dung lại đưa tay vào ống tay áo, thản nhiên cười đáp: “Tôi đã tặng cô bức tranh Hoa dạ hợp và cuốn Sử ký. Còn bức tranh này, … trước đây tôi từng vẻ một bức tương tự như vậy, đáng tiếc lần này vẽ chỉ giống được hình chứ không thể giống được thần thái, bởi vậy tô dẫu tô màu cũng không còn là bức tranh trước đây nữa. Nhưng tôi nghĩ thế lại hay.”
Người đã không còn như xưa, huống chi là tranh. Tư Kỳ hiểu ý, biết anh cố tình không muốn nhận người quen, liền đưa tiền thù lao cho anh. Đỗ Hoài Dung nhất quyết không cầm. Anh biết nàng có lòng là được rồi, không tham vọng cầu mong những điều khác, anh khiêm nhường từ chối: “Nếu cô còn muốn thưởng cho tôi thì chính là xem thường tôi quá. Tuy gia cảnh sa sút nhưng tôi không bao giờ bán rẻ chính mình. Huống hồ cháu nhà tôi lại được cô đây yêu quý, cô có lòng là được rồi. Tuy cuộc sống bây giờ thanh đạm, nhưng điều đó giúp tôi hiểu được sự ấm lạnh của cõi đời và không muốn tiếp tục theo đuổi cái gọi là siêu thoát nữa. Huống hồ, tôi cũng rất hài lòng vì mình có thể tận tâm tận lực với gia đình. Đó là cảm giác mà trước đây tôi không bao giờ cảm nhận được. Bởi vậy, mong cô sau này hãy bảo trọng. Tóm lại một câu, tất cả đều không dễ dàng.” Nghe Đỗ Hoài Dung nói những lời tự đáy lòng, Tư Kỳ chầm chậm rụt tay về.
Từ đó trở đi, nàng không bao giờ gặp lại anh nữa. Đến khi lần nữa nghe thấy tin tức của anh thì anh đã mất tích ngay khi phủ họ Đỗ được nhà họ Khang chiếu cố, chẳng biết bây giờ còn sống hay đã chết. Nhưng Tư Kỳ không bao giờ quên tình nghĩa ấy. Ngày nhà họ Đỗ mở xưởng tơ lụa mới, nàng tặng một phần lễ mọn, trên mặt lễ không đề tên.