https://truyensachay.net

Thám Tử Kỳ Duyên

Chương 47

Trước Sau

đầu dòng
Con choàng tỉnh, kịp nhận ra mình vừa trải qua một giấc mơ. Sự thật là Khôi Nguyên vẫn chưa đến tìm con, anh ấy đã hết quan tâm đến con thật rồi Sơ Bình ơi! Con ngước nhìn đồng hồ, đã 5 h chiều. Vậy là con đã ngủ được 3 tiếng. Ngoài trời mưa đổ như trút nước, từng đợt… từng đợt ào ào. Nhớ lại giấc mơ vừa trải qua con bỗng rùng mình, ớn lạnh. Thứ kinh dị mà con nhìn thấy trong tủ lạnh nhà bà Thùy Dung là một con mèo đen đã bị cắt cổ đang được ướp lạnh, bên cạnh con mèo là thau huyết đỏ thẫm. Lúc này, mà có Khôi Nguyên bên cạnh thì tốt quá! Nhưng sự đã rồi, có phải anh ấy sẽ quên con mãi mãi không sơ Bình? Con sợ điều đó lắm sơ kính yêu của con! Con đã quyết định, con sẽ không ngồi đợi nữa. Con muốn biết Khôi Nguyên có còn nghĩ đến con, quan tâm đến con hay không? Và còn vụ điều tra nữa, ảnh vẫn đang tiến hành hay đã bỏ cuộc rồi? Vậy là, con quyết định đến nhà bà Hiền để tìm hiểu thử.

Cơn mưa vừa tạnh là con ra ngoài, thuê xe thồ chở đến nhà bà Hiền. Gặp lại con bà rất mừng, bà nắm tay kéo con vào nhà ngồi nói chuyện. Thằng cu Bi đã đi chơi với ba mẹ nó.

- Trà Quảng Châu chính hiệu đấy cháu. - Bà Hiền bưng ly trà trên tay đưa cho con.

- Cám ơn bà!

- Hai cô cậu có chuyện rồi phải không?

- Dạ... – Con ấp úng.

- Bà nhìn là biết ngay thôi mà, ây… – bà Hiền thở ra, - tuổi trẻ là vậy đó, hồi xưa cô Hoàng Lan và cậu Thế Anh cũng có những lúc như thế.

- Dạ, Mấy bữa nay chắc anh Nguyên có đến tìm bà nói chuyện ạ?

- Có, cậu ấy đến để hỏi bà một số chuyện.

- Anh ấy đã hỏi những gì vậy bà?

- Thì cũng là chuyện về gia đình ông Trịnh Vỹ cháu à.

Vậy là, Khôi Nguyên chưa từ bỏ cuộc điều tra. Con không bất ngờ vì điều đó, tính anh Nguyên con biết rất rõ. Ảnh đã quyết tâm làm việc gì thì không bao giờ có chuyện bỏ cuộc giữa chừng. Điều con băn khoăn nhất, là ảnh làm tất cả việc này là vì ai? Vì ảnh với niềm đam mê công việc hay là, vì tình yêu? Vì sự bình an của con là động lực để anh ấy hành động ư? Con thấy nghi ngờ điều đó. Nếu ảnh yêu con đến như vậy thì sao ảnh lại phớt lờ con, ảnh không thèm để ý đến con sống ra sao, khổ sở như thế nào. Chỉ tóm lại mấy chữ thôi sơ Bình à! “Ảnh là kẻ vô tâm.”

- Hãy kể cho cháu nghe lại những gì bà đã nói với anh Nguyên đi bà.

- Cậu Nguyên có hỏi bà về những người Hoa đã thuê căn nhà, nhưng bà không biết rõ lắm về họ, chỉ biết người đàn ông mặt sẹo là có vẻ quen biết với ông Trịnh Vỹ từ trước, còn bốn người kia thì hình như không phải vậy. Một điều rất lạ ở ông Trịnh Vỹ bà có kể cho cậu Nguyên nghe! Đó là, sau khi chuyển lên trên đồi trà sống, ông ấy trở thành một người rất “thành tâm”, cứ đến ngày 15 trong tháng oan hồn (tháng 7 âm lịch) là ông ấy lại bày biện cúng cáp rất lớn, có mời cả thầy cúng về nữa.

- Còn Hoài Phong thì sao thưa bà! Anh Nguyên có hỏi về người này không?

- Có đấy cô Ngọc Diệp, cậu Nguyên tỏ ra đặc biệt quan tâm đến tình tiết bà kể. Có lần nọ, thằng Hoài Phong ngồi đập nắp chai (đập dẹp nắp chai để làm bánh răng cưa, trò chơi của bọn trẻ con hồi đó), liền bị ông Trịnh Vỹ xách tai đánh cho một trận, và cấm nó lần sau không được chơi ở phòng khách nữa, nếu nó còn không nghe lời ông Trịnh Vỹ sẽ tống cổ nó về với mẹ ghẻ. Đó cũng là lần thứ hai ông Trịnh Vỹ đánh thằng Hoài Phong. Như bà đã từng nói với cô cậu: Hành động hung bạo như vậy rất không đúng với tính cách của ông Trịnh Vỹ, rõ ràng trong tính cách của ông ấy có điều gì đó không bình thường.

- Anh ấy còn hỏi bà điều gì đặc biệt nữa không?

- Đó là chi tiết mà bà chưa kịp kể cho cô cậu nghe.

- Chi tiết gì vậy ạ? - Con sốt ruột.

- Sau 2 tháng, kể từ ngày tình yêu bị chia cắt đã khiến cô ấy rơi vào trạng thái trầm uất dai dẳng. Cô ấy chẳng học hành gì được nữa, và bắt đầu có những triệu chứng bệnh tật lên mặt thể xác. Người cô ấy xanh xao và gầy rạp đi, mắt thâm quần vì nhiều đêm mất ngủ, và cô ấy bắt đầu ho, ban đầu ho khan, về sau ho có đờm và còn dính máu nữa. Bà quan sát thấy cô ấy rất hay bị chảy máu cam, và nôn mửa, khi đó bà đã rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cô Hoàng Lan, nhưng, bà không dám nói lại với ông Trịnh Vỹ, vì ông ấy cũng chẳng khá hơn cô con gái; ông Trịnh Vỹ trở nên trầm mặc ít nói kể từ ngày đuổi mẹ con bà Thủy Tiên ra khỏi nhà. Trong một lần đem áo quần đi giặc, bà phát hiện thấy một bộ đồ thun mặc ở nhà của cô Hoàng Lan dính đầy máu, lúc đầu bà nghĩ máu đó là do cô Hoàng Lan “bất cẩn” trong “thời gian có cử”; nhưng trong thấy cô ấy bị chảy máu cam nhiều nên bà đoán là cô ấy đã dùng nó để lau máu trên mặt và mũi. Còn nữa, trên cổ của cô Hoàng Lan xuất hiện những vết bầm. Những vết bầm đó là biểu hiện của một căn bệnh hiểm ác, bà rất bàng hoàng khi nghĩ đến khả năng khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Sự việc càng trở nên rõ ràng hơn, khi bà lục được trong túi áo khoác của cô Hoàng Lan một tờ giấy ghi số thứ tự khám bệnh của trung tâm y tế thành phố.

- Tội nghiệp cô Hoàng Lan. - Con rơm rớm nước mắt vì thấy thương cô ấy.

- Đúng là số phận éo le. Cậu Thế Anh cũng chẳng khá hơn cô Hoàng Lan chút nào. Buổi chiều lạnh lẽo, u ám ngày hôm đó; bà Thủy Tiên tìm đến ông Trịnh Vỹ để nói về tình hình thê thảm của cậu con trai bà. Mặc dù ông Trịnh Vỹ kéo bà Thủy Tiên vào buồng để nói chuyện riêng, nhưng bà cũng đoán được đó là chuyện gì. Một người sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ, che chở một người; đó lại là người mà cậu ấy yêu thương nhất, thử hỏi: khi bị buộc phải chia tay người tình, mỗi người một phương trời, cậu ấy sẽ ra sao? Chắc chắn sẽ suy sụp. Ông Trịnh Vỹ gặp lại bà Thủy Tiên, 3 ngày sau thì ông bị tai nạn ở đèo Lung Linh. Tội nghiệp cho ông ấy, trước lúc chết vẫn còn quan tâm đến hai mẹ con họ. Nhớ có lần, trong lúc giặc đồ, bà tìm thấy trong túi quần của ông ấy một tờ giấy; nói đúng hơn là một hóa đơn chuyển khoản ngân hàng, bà đọc và thấy tên người nhận là bà Thủy Tiên, số tiền khá lớn; có thể giúp hai mẹ con họ sống mấy năm trời không phải làm lụng gì.

- Cậu Thế Anh kể từ ngày bị đuổi đi khỏi nhà, không thấy đến tìm cô Hoàng Lan nữa ạ?

- Cậu ấy có thể đến nữa hay sao? Mẹ con cậu ấy được ông Trịnh Vỹ bài trí ở một nơi cách thành phố gần hai trăm cây số. Cứ cho là cậu ấy bất chấp khoảng cách địa lý đi chăng nữa thì khoảng cách về mặt tâm lý cũng không cho phép cậu ấy làm như vậy. Ông Trịnh Vỹ là ân nhân của hai mẹ con họ. Phần nữa, cậu ấy rất thương mẹ; cậu ấy không muốn vì mình mà khiến mẹ cậu ấy phải chịu khổ, chịu sự lăng nhục. Và còn tình yêu với Hoàng Lan, nếu yêu Hoàng Lan thì cậu ấy không nên làm cô ấy phải bị mắn, bị đánh đập mới phải; cậu ấy suy nghĩ rất đơn giản - bà đoán là như vậy - Thế Anh nghĩ thời gian sẽ giúp Hoàng Lan quên được cậu ấy, nhưng cậu ấy đã sai lầm, một sai lầm nghiêm trọng.

Nghe bà Hiền kể lại những gì bà đã nói với Khôi Nguyên, con bắt đầu suy luận: “Ồ, vậy là đã quá rõ ràng rồi. Động cơ đưa đến việc cô Hoàng Lan treo cổ tự tử là vì tình yêu. Cô ấy thất tình, đau khổ về mặt tâm lý, dẫn đến suy sụp về tinh thần kéo theo suy sụp về thể chất. Cô ấy, phát hiện thấy trong người mình có những giấu hiệu bệnh tật như: ho dữ dội, chảy máu cam nhiều, những vết bầm xuất hiện trên cổ… cô ấy lén đi khám ở trung tâm y tế, và phát hiện ra mình bị mắc bệnh hiểm nghèo. Đang đau khổ vì tình yêu, lại bị mắc bệnh ung thư khi tuổi đời còn quá trẻ; suy sụp hoàn toàn; dẫn đến việc cô ấy đã treo cổ tự tử.” Nghe có vẻ rất hữu lý! Nhưng nếu có Khôi Nguyên ở đây, anh ấy sẽ phản đối ngay! Anh ấy sẽ nói: “Cô nghĩ mọi việc đơn giản như vậy thôi sao?” Con sẽ đáp: “Ừm, tôi thấy cũng có lý chứ bộ.” Anh ấy sẽ hơi nhếch mép và nói: “Nếu đơn giản như vậy thì cần gì những thám tử như tôi vào cuộc nữa.” Tuy phán đoán của con nghe có vẻ xuôi tai đấy, nhưng bản thân con lại thấy nó có vấn đề ở đâu đó. Vì còn quá nhiều tình tiết liên quan vẫn chưa thể gỡ rối được. “Khôi Nguyên ơi! Anh làm ơn tới đây và đón tôi về đi!” - Tự dưng con lại gọi tên anh ấy sơ Bình à.

- Ngọc Diệp, cháu đang nghĩ gì vậy? - Bà Hiền đột nhiên hỏi con.

Con giật mình:

- Dạ?

- Ngọc Diệp ơi, coi cháu kìa. Hồn vía để đi đâu rồi. Có phải cháu đang nhớ đến cậu Khôi Nguyên?

- Dạ… cháu… - Con ngập ngừng.

- Hai cô cậu thật giống hệt nhau. Biểu hiện của cậu Khôi Nguyên khi bà hỏi cậu ấy về cháu cũng như vậy đó.

Lòng con trở nên sung sướng với ý nghĩ: Khôi Nguyên cũng nhớ đến con, phải nhớ đến con thì ảnh mới có cùng biểu hiện như con vậy, vì thực tế con đã rất nhớ ảnh, còn nghĩ về ảnh nhiều lắm đến mức nhập tâm luôn, đi đâu làm gì, cũng thấy hình bóng của ảnh. Theo suy luận của con, từ kết quả giống nhau đi ngược lại; cho ra cùng một nguyên nhân. Giống như một phản ứng hóa học, cho ra kết quả tình yêu với chất kết tủa đậm đặc. Con mỉm cười hạnh phúc.

- Bà ơi! Anh Nguyên có nói khi nào sẽ lại nghe bà kể chuyện không ạ?

- Cậu ấy nói là sẽ gọi điện đến hỏi bà khi cần, cậu ấy cho là đã tương đối đầy đủ thông tin để phá án. Trước khi ra về, cậu ấy có xin bà địa chỉ của mẹ con Thủy Tiên, nhưng bà không nhớ rõ, chỉ biết họ sống ở khu vực Bến Lội.

Chia tay bà Hiền, con về lại phòng trọ. Đi được nửa đường thì có điện thoại của anh Đình Văn mời đi uống cà phê. Cũng đã lâu rồi chưa gặp lại ảnh, nên con nhận lời. Điểm hẹn là ở quán cà phê Gió Bấc, anh Đình Văn đã đến trước con, có lẽ ảnh đã ngồi ở quán được khá lâu rồi mới gọi cho con.

- Chào anh! - Con mỉm cười duyên dáng, bao giờ cũng vậy; với đàn ông con luôn biết cách tận dụng nét đẹp trời phú.

- Chào em! - Đình Văn đáp lại lời chào của con, sau đó ảnh còn đứng lên kéo ghế giúp con nữa. Ảnh thật là galant chứ không như “con người vô tâm” kia.

Đình Văn là người đàn ông nhiều phụ nữ mong ước. Ảnh cao lớn, gương mặt lại điển trai. Ở ảnh toát lên phong thái của con người quý phái. Ảnh rất giàu có, và hơn nữa còn tốt bụng, thích làm việc thiện. Mấy cô đồng nghiệp ở trường con, ai cũng thầm thương trộm nhớ ảnh; nhưng đáng tiếc là ảnh không để ý đến ai cả, ngoài một người; đó là con, Ngọc Diệp thừa tinh tế để hiểu được ảnh xem con là đối tượng tiềm năng của ảnh. Đã có lúc, con nghĩ rằng, mình thích Đình Văn, nói đúng hơn là xém thích anh ấy nếu cái “gã thám tử trời đánh” kia không xuất hiện. Gã đến một cách hợp lẽ, và không tốn nhiều công sức đã đốn ngã trái tim con. Khi gã đã đạt được mục đích rồi, thì giờ gã biến. Hừ, con sẽ làm cho gã phải hối hận vì đã bỏ rơi con.

- Anh Văn dạo này có hay đến trường thăm mấy cháu không?

- Cũng ít lắm em à! Dạo này anh cũng khá bận. Hy vọng là sắp tới anh sẽ được đến thường xuyên hơn.

- Dạ.

Đình Văn định nói tiếp thì anh phục vụ ra hỏi con muốn uống gì. Con đã chọn cho mình thứ nước uống mà con thích nhất mỗi lần đi cà phê với bạn bè, đó là món cam sữa chua chua ngọt ngọt.

- Nói vậy là em vẫn chưa đi làm lại.

- Dạ.

- Khí sắc của em không được tốt lắm! Anh đoán là bị mất ngủ nhiều?

Đình Văn đã đoán đúng. Mấy ngày liền con bị mất ngủ phần vì Khôi Nguyên, phần vì những cơn ác mộng kéo đến bất chợt. Cô Hoàng Lan lại hiện về trong giấc mơ, khi thì con thấy cô ấy ngồi khóc ở bên am, khi thì cô ấy đi vật vờ trên đồi trà, lúc thì cô ấy đối mặt với con miệng lẩm bẩm: “hãy coi chừng! hãy coi chừng!”

- Anh nói đúng á! - Con đáp.

- Thế em đã đi khám bác sĩ chưa? Họ bảo sao? - Đình Văn quan tâm.

- Em bị suy nhược cơ thể thôi. Em đi làm thì cũng được, nhưng thôi, cứ nghỉ thêm vài tuần nữa. Em sắp trở thành con mèo lười rồi đây.

- Đang mệt thì không nên lao tâm, lao lực quá.

- Dạ.

- Mấy ngày nay anh cũng khổ sở không kém. – Đình văn đánh sang chuyện khác. Nét mặt Đình Văn bỗng trở nên buồn bã, con đoán là ảnh gặp phải sự cố gì đó rồi. Nếu không nhầm thì lần này lại là chuyện mẹ ảnh bắt ảnh phải cưới vợ. Vì có lần ảnh đã kể với con việc mẹ ảnh dẫn con dâu tương lai về ra mắt bà con họ hàng, mà không thèm bận tâm đến cảm xúc của ảnh dù chỉ là một chút. Ảnh buồn mẹ mình lắm! Vì đã sống ở thế kỷ hai mốt rồi mà còn cái chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Phần không muốn ba mẹ buồn lòng. Phần không muốn mình bị phiền toái; nên xem ra rất khổ não chứ không phải chuyện đơn giản.

- Hai nhà đã gặp nhau rồi, họ còn định luôn cả ngày đám hỏi. - Đình Văn thở dài ngao ngán.

- Hai bác không thèm hỏi ý kiến anh luôn sao?

- Không em à! Ba mẹ anh thừa hiểu anh sẽ không đồng ý, nên tự bày biện luôn.

- Đâu thể như vậy được anh Văn, đó là chuyện hạnh phúc cả đời anh đấy! Anh phải quyết đoán đi chứ!

- Thì chắc chắn là không thể xảy ra rồi em, anh sẽ dứt khoác, có chết anh cũng không lấy ả lẳng lơ đó đâu. Anh buồn là vì sắp tới ba mẹ anh phải xấu hổ với nhà người ta, rồi còn bà con họ hàng nữa, biết ăn nói làm sao đây?

- Ôi, thật là rắc rối.

- Giá như anh có người yêu thì đâu đến nỗi phải khổ sở như vậy. - Ánh mắt Đình Văn nhìn con với nhiều ẩn ý. - Con cảm thấy thiếu tự nhiên nên cúi đầu.

- Em làm sao vậy, Ngọc Diệp?

- Dạ... em... à đúng rồi... em đang nghĩ đến cảnh anh phải lấy chị ta, chị gì đó tên gì nhỉ? – Con đánh trống lãng.

- Mỹ Dung. - Đình Văn đáp.

Nói thật, kể từ ngày gặp mụ Thùy Dung tại căn nhà phù thủy của mụ, con rất sợ. Và cũng từ đó, con bị ám ảnh với cái tên Dung. Mỗi lần nhắc đến mụ, thì ngay lập tức tướng mạo yêu quỷ của mụ hiện lên trong đầu. Bắp tay và bắp chân thô kệch, lúc lắc những mỡ là mỡ; còn bàn tay và bàn chân của mụ thì bé tí tẹo, đối nghịch hoàn toàn với thân hình béo núc ních của mụ, mụ rất xứng đáng với danh hiệu ma búp bê. Chẳng oan ức gì đâu sơ Bình à!

- Chị ta thừa biết anh không yêu chị ta mà vẫn còn cố chấp sao?

- Con người đó thì chẳng có khái niệm: “lòng tự trọng” đâu em. Cô ta lấy lòng ba mẹ anh, ve vãn anh, ngay từ đầu cô ta đã có âm mưu. Có nhiều chuyện liên quan đến cô ta, nhưng vấn đề này rất nhạy cảm, nói ra không tiện, nên thôi, bỏ đi; đằng nào thì anh cũng sẽ dứt khoác. Chúng ta đừng nói tới cái chuyện tẻ nhạt này nữa, chuyển đề tài đi em!

Đình Văn và con nói sang chuyện khác. Anh ấy có tài nói chuyện khéo léo, dễ khiến người ta bị hút vào câu chuyện. Ảnh luôn làm con cảm thấy thoải mái chứ không gây ra cho con sự ức chế, khó chịu như “hắn” đã từng làm với con. Đình Văn là người đàn ông thành đạt nhưng rất khiêm tốn, chứ không như hắn; kiêu ngạo và nói chuyện khó nghe. Ấy vậy mà... ôi! Sơ Bình không thể tin nổi đâu. Con nhớ hắn, nhớ muốn phát điên luôn; ở bên Đình Văn mà con cứ nghĩ về hắn thôi. Hắn thật là trơ trẽn, mặt dày hết chỗ nói. Hắn liều lĩnh và hài hước, hắn dám ôm con, hôn con, còn định làm “chuyện động trời” đó với con, mà tất cả đều không được sự đồng ý của con. Con người với tâm địa xấu xa, cơ hội như hắn con phải ghét, ghét và hận hắn mới phải. Đằng này...ôi, chắc con vỡ não chết mất sơ Bình ơi!

- Ngọc Diệp.

- ...

- Này, Ngọc Diệp.

- Dạ... - Con như người mất hồn.

- Hôm nay, em lạ thật đấy.

- Xin lỗi anh!

- Nếu em thấy mệt trong người thì để anh đưa em về.

- Dạ, Kh... - Con vừa mở miệng đáp lời, thì có âm thanh cắt ngang cuộc nói chuyện của con và Đình Văn. Ghi chép của Khôi Nguyên.

Sau buổi tối xảy ra sự cố với Ngọc Diệp, quan hệ giữa tôi và cô ấy thật tồi tệ. Ngọc Diệp bỏ đi nơi khác ở, bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Cô ấy có thể chủ quan lơi là, nhưng tôi thì không thể. Tôi thường nói lời tốt đẹp để động viên tinh thần cô ấy, trong khi bản thân tôi biết rất rõ; những chuyện cô ấy vướng phải không hề đơn giản. Nói thẳng thắng hơn là đáng sợ. Tôi dựa vào đâu mà kết luận như vậy? Đó là, linh tính. Linh tính rất hiếm khi đánh lừa tôi. Mặc dù, tôi vẫn dõi theo bước chân của Ngọc Diệp; nhưng, tôi không khỏi lo lắng cho sự an toàn của cô ấy. Như các bạn thấy, tôi có tài giỏi cách mấy cũng không thể phân thân được. Một lúc phải làm hai ba việc thật không đơn giản; vừa âm thầm bảo vệ cho Ngọc Diệp, vừa tiếp tục cuộc điều tra. Sức ép của công việc mỗi lúc một căng thẳng. Ngọc Diệp, cô ấy rất bướng bỉnh. Tôi có nói đằng trời gì cô ấy cũng vào tai này lại lọt ra tai kia thôi. Chỉ còn cách nữa, là cầu nguyện cho cô ấy được an toàn. Bên cạnh đó, tôi có nhờ bạn tôi là Quốc Việt giúp đỡ, mỗi khi tôi phải cách mặt cô ấy để đi điều tra vụ án. Lại nói về vụ “bóng ma trên đồi trà” mà tôi đang theo đuổi. Vụ này có nhiều tình tiết ly kỳ, đã kích thích bản năng thích khám phá của tôi. Lâu lắm rồi mới có một vụ đặc biệt lý thú đến vậy. Vụ này liên quan đến vấn đề tâm linh, tội phạm có tổ chức, và hình bóng của một mối quan hệ vô cùng phức tạp. Cho đến thời điểm này, tôi đã thu được những kết quả nhất định. Có thể tóm tắt như sau:

- Vụ án: “Bóng ma trên đồi trà.”

- Thám tử: Khôi Nguyên.

- Khách hàng: Kiều Oanh, Ngọc Diệp.

Hai năm trước, một người phụ nữ rất trẻ đến tìm tôi, kể cho tôi nghe về những cơn ác mộng của cô ấy. Trong giấc mơ, Kiều Oanh gặp một bóng ma áo trắng, tóc dài, bóng ma cao nghều bị cụt hai chân, ngồi trên cái am thờ màu đỏ gạch nằm dưới gốc cây đa. Ác mộng đó đến với cô ấy trong nhiều ngày, cho tới khi Kiều Oanh không thể chịu đựng được thêm nổi ám ảnh, cô ấy đã đến văn phòng tìm tôi, nhờ tôi làm rõ bản chất của những cơn ác mộng đó. Tôi có hỏi cô ấy: “Sao cô không tìm đến một bác sỹ chuyên khoa thần kinh có tay nghề? Biết đâu, ông ấy sẽ giúp được cô nhiều hơn là tôi.” Kiều Oanh lắc đầu, cô ấy cho là mình không mắc bệnh thần kinh. Cô ấy nói: “Tôi khẳng định với anh, đầu óc tôi rất bình thường. Tôi không mắc bệnh, thế thì sao phải đến bệnh viện?” Tôi không đồng ý với đánh giá của cô ấy về bản thân. Tôi yêu cầu cô ấy hãy đến chỗ bác sỹ chuyên khoa thần kinh trước, rồi sau hãy đến tìm tôi. Nếu chỗ bác sỹ giải quyết vấn đề được cho cô thì tốt, không nữa thì tôi sẽ giúp đỡ. Nói thật, lúc đó, tôi cũng không quan tâm nhiều lắm đến những gì cô ấy kể lại với mình. Chỉ là những cơn ác mộng thường tìm đến với những người yếu bóng vía. Một thời gian thì đâu lại vào đó thôi. Tôi phải dành thời gian quý báu để giải quyết những vụ án đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn. Sau lần đó, Kiều Oanh không đến tìm tôi nữa. 3 tháng sau, tôi nghe được tin tức: “Kiều Oanh qua đời. Nguyên nhân cái chết được cho là tự tử.” Tôi có dò hỏi một số bạn bè làm bên ngành an ninh, những người đã khám nghiệm tử thi của Kiều Oanh. Kết quả, không có gì đáng ngờ. Cô ấy đã kết liễu đời mình bằng bình thuốc trừ sâu đậm đặc. Sau những gì Kiều Oanh kể với tôi, ban đầu, tôi đưa ra kết luận: “Do thần kinh của Kiều Oanh rất yếu đuối, nỗi sợ hãi và bế tắc đã đưa cô ấy đến chỗ tự sát.” Nhưng, sau đó, lòng tôi lại băn khoăn; tôi có cảm giác bất thường trong vụ Kiều Oanh, tại sao cố ấy lại đến tìm tôi? Những gì cô ấy kể cho tôi nghe rất rùng rợn. Tôi có ý định lật lại vụ án, nhưng, đành phải tạm dừng; vì hai đồng nghiệp của tôi là Tạ Vũ và Ngọc Trinh đang gặp rắc rối lớn trong một vụ khác, có tầm quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia, và hòa bình trong khu vực. Tôi xắn tay, mất gần hai năm, để giúp họ giải quyết rắc rối. Vụ án tuy lớn (nhưng không đến mức căng não, toàn là những thứ lình xình trong các mối quan hệ này nọ) nó làm tôi thất vọng không ít, chấm dứt vụ án đó chưa đầy 3 tháng, thì Ngọc Diệp lại tìm đến văn phòng Sherlock Nguyễn. Một sự trùng hợp? Không. Lúc cô ấy kể cho tôi nghe về vấn đề mà cô ấy mắc phải, tôi khẳng định một trăm phần trăm: “Đó là, một vụ kỳ án. Một bài toán khó, xứng đáng để tôi vận dụng trí não.” Hai cô gái có cùng một giấc mơ. Những gì mà họ kể lại trùng khớp với nhau đến từng chi tiết. Cả hai cùng đến tìm tôi để nhờ tôi giúp họ giải quyết vướng mắc. Người thứ nhất đã qua đời do sự chủ quan của tôi, tôi không thể để điều đó xảy ra với người thứ hai. Tôi nhận lời Ngọc Diệp, xắn tay vào giải bài toán. Sau một thời gian điều tra, bức tranh kỳ án hé lộ từng phần. Tôi đã có được những kết luận, và những câu hỏi cần thêm luận cứ để chứng minh.

- Cô Hoàng Lan báo mộng cho hai người đến tìm tôi, để giúp cô ấy giải nỗi oan? (đã rõ)

- Ông Trịnh Vỹ mua lại đồi trà để trồng cần sa dưới tầng hầm? (đã rõ)

- Mụ Thùy Dung bị điên hay giả điên khiên đồ? (chưa rõ).

- Thế Anh và Hoàng Lan yêu nhau chân thật? (đã rõ)

- Ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai, và bà Thủy Tiên có quan hệ phức tạp? (đã rõ)

- Kiều Oanh chết do tự tử? (nguyên nhân tự tử chưa rõ.)

- Cô Hoàng Lan bị giết hại hay tự tử? (chưa rõ).

- Ông Trịnh Vỹ bất cẩn mà chết hay bị mưu sát? (chưa rõ).

- Xác chết ở dưới tầng hầm là của ai? Của những người mất tích? (chưa rõ.)

- Quan hệ giữa cha con ông Trịnh Vỹ và Hoàng Lan rốt cuộc như thế nào? (chưa rõ)

- Đại ca Phong có phải là Hoài Phong? (tương đối)

- Sự thật về những cuộc truy sát của đại ca Phong nhắm vào tôi, có đơn giản là hiểu lầm? (chưa rõ)

- Bệnh nhân Hải Ninh vì sao bị điên? (chưa rõ)

- Những dấu hiệu khác thường của Hải Ninh mấy ngày trước lúc chết nói lên bản chất gì? (chưa rõ)

- Những hành động yêu quỷ của mụ Thùy Dung ẩn chứa điều chết chóc, mụ có liên quan đến những vụ mất tích. (gần như đã rõ)

- Quan hệ giữa Văn Phú, Lệ Quyên, Kiều Oanh và người đàn ông bí ẩn. Người đó hiện giờ đang ở đâu? Anh ta có liên quan đến đồi trà không? (bí ẩn)

- Tổ chức của ông Trịnh Vỹ? (bí ẩn)

Quốc Việt sắp xếp cho tôi gặp gỡ, nói chuyện riêng với bác sĩ pháp y (người đã giải phẫu thi thể cô Hoàng Lan), tôi muốn tìm một số manh mối liên quan đến nguyên nhân cái chết của cô Hoàng Lan. Nhờ sự giúp đỡ của Quốc Việt, kế hoạch của tôi rất suông sẻ. Qua cuộc nói chuyện với bác sĩ Phạm Hữu Cầu, tôi được biết thêm một bí mật động trời, lần này lại liên quan đến ông Trịnh Vỹ. Theo bác sĩ Phạm Hữu Cầu cái chết của cô ấy, có liên quan đến ông Trịnh Vỹ. Bác sĩ khẳng định với tôi:

- Chính ông ấy đã giết con gái.

- Nếu đúng như vậy, sự thật đã bị che giấu hơn hai mươi năm.

- Không phải là che giấu. Mà vì lý do tế nhị.

- Bác sĩ nói cũng có lý. Ông Trịnh Vỹ đã chết... xem như đó là ân huệ cuối cùng cho cô ấy vậy.

- Khôi Nguyên à! Cậu đừng nói mỉa mai như vậy chứ. Tôi làm theo chỉ thị của cấp trên thôi mà.

- Chỉ thị đó hợp đạo lý chứ nhỉ? Sự thật bị chôn vùi, cứ như họ là ông trời, họ có quyền sinh sát vậy.

- Ôi, cũng vì chuyện đó, mà suốt hai mười năm nay không đêm nào tôi được ngủ yên giấc. Nhưng nếu lộ chuyện ra ngoài thì hậu quả không tưởng được đâu Khôi Nguyên.

- Bác sĩ muốn nói đến vấn đề đạo đức luân lý? Nhưng, mọi người đã không tính đến một nước cờ khác.

- Nước cờ khác?

- Nếu không phải cô ấy đã chết oan và báo mộng cho khách hàng của tôi, thì không biết đến bao giờ sự thật mới được phơi bày.

- Nói như vậy là cậu đã mở được cánh cửa để vào bên trong tòa lâu đài kỳ án.

- Chỉ còn bước chứng thực nữa thôi. Nhưng tôi chắc đến 99.99 phần trăm phán đoán của mình là chính xác.

- Không phải nguyên nhân đã rành rành rồi sao. Đứa trẻ đó không thể giả được.

- Tôi đã nghĩ giống như bác sĩ, lúc biết được mối quan hệ phức tạp giữa ba người, ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai và bà Thủy Tiên; sự gay gắt trên mức bình thường của ông ấy với cô con gái Hoàng Lan, thì tôi đã nghi ngờ. Một thứ tâm lý chiếm hữu, em gái của ông ấy là một người bị mắc bệnh tâm thần. Tôi đã xác nhận thông tin này từ bệnh viện Biên Hòa.

- Nếu vậy thì đúng rồi. Ông ta cũng bị mắc bệnh thần kinh. Một loại thần kinh “khốn nạn”.

- Điều đó cần phải xác thực. Bác sĩ chỉ có 0.01 phầm trăm thôi đấy.

- Tôi với cậu đánh cược đi.

- Tôi là người không ưa cá độ, nhưng vụ này tôi rất hứng thú, phá lệ một lần, tôi cá với bác sĩ một ăn mười.

- Đồng ý, đồng ý...

Từ chỗ bác sĩ Phạm Hữu Cầu trở về, tôi ngồi suy nghĩ rất sâu. Thói quen làm việc của tôi đó là, tập trung cao độ , thả lỏng, chờ đợi và kết thúc vấn đề mỗi khi phát hiện thêm một manh mối. Những gì bác sĩ Phạm Hữu Cầu nói không phải không có lý. Chúng ta biết, ông Trịnh Vỹ rất yêu thương con gái, nhưng, cách yêu thương của ông ta “có khác” người bình thường. Phản ứng “thái quá” của ông Trịnh Vỹ đối với chuyện quan hệ tình cảm của cô Hoàng Lan, làm người ta nghi ngờ và đặt câu hỏi: “Nguyên nhân nào khiến ông ấy gay gắt và mạnh tay đến vậy?” Theo như những gì bà Hiền kể lại, ông Trịnh Vỹ rất yêu thương mẹ con Thế Anh. Nhân cách của Thế Anh, ông Trịnh Vỹ cũng là người biết rõ. Ông ấy không chỉ yêu thương mà còn rất quý trọng Thế Anh. Ông chẳng tiếc rẻ gì tiền bạc vật chất để chăm lo cho mẹ con họ. Yêu thương họ chẳng khác gì máu mủ ruột rà, thế mà, chỉ vì chuyện tình cảm con trẻ, ông ấy bỗng dưng thay đổi tâm tính, trở nên gay gắt và tàn bạo.

Kết quả khám nghiệm được giấu kín gần hai mươi năm. Người ta đã không cho công bố thông tin đó ra. Lẽ nào… tiếng trẻ sơ sinh khóc vào cái đêm đầu tiên… không phải là tiếng mèo kêu giống như tôi đã suy luận. Có thể, những đêm sau đó là tiếng mèo, còn đêm đầu tiên là tiếng ma khóc, âm thanh đó nếu để ý thật kỹ, sẽ thấy khác hơn những đêm sau đó. Tiếng khóc ma quái khiến người ta phải rùng rợn, như thể có oan hồn đang đứng ở sau lưng mình. Bào thai đó được mổ ra từ bụng cô ấy. Bác sĩ Phạm Hữu Cầu không chỉ là chuyên gia giám định pháp y, bác sĩ còn là một thám tử có văn phòng riêng, nên những suy luận của bác sĩ không phải vô căn cứ. Bác sĩ khẳng định, ông Trịnh Vỹ không thực sự yêu thương con gái như mọi người nghĩ. Theo bác sĩ ấy, có một mối hận thù rất sâu sắc trong gia đình đó. Đồi trà, căn nhà, ông Trịnh Vỹ, bà Thanh Mai, viên sĩ quan chế độ cũ (cũng là ông nội của Hoài Phong), cùng mẹ con Thế Anh. Quan hệ giữa những con người đó rất nhập nhằng, phức tạp. Ông Trịnh Vỹ tại sao lại lấy bà Thanh Mai? – người mà ông ta không yêu. Sự thật có như ông Ca Lạy nói, nguyên nhân do tham vọng giàu sang? Có phải vì không yêu bà Thanh Mai, nên ông Trịnh Vỹ mới đối xử với bà ấy tệ bạc như vậy? Hay sự thật là… có khi nào… vì tình yêu mà ông ấy trở nên hận thù hay không? Nếu đúng vậy, người phụ nữ ông ấy yêu thật sự chính là bà Thanh Mai, chứ không phải bà Thủy Tiên. Vì yêu Thanh Mai, Trịnh Vỹ đã lấy lòng, mua chuộc tình cảm của ba mẹ Thanh Mai, gây áp lực để lấy được Thanh Mai làm vợ. Tuy có được thể xác nhưng ông ấy không thể lay chuyển được trái tim của bà. Ông hận bà Thanh Mai phụ tình ông đi yêu một kẻ phóng đãng, ăn chơi. Một kẻ đã làm chị bà có bầu rồi đá phắt đi. Thế mà, cô em vẫn cứ muốn đâm đầu vào chỗ ô nhục. Muốn đem thân xác và trái tim hiến dâng một tên dâm đãng (ăn mía nhả xác). Ông ấy đã rất hận bà, hận đến mức căm ghét bà đến tận xương tủy khi ông nghi ngờ đứa con trong bụng bà khi đó (cô Hoàng Lan) là con của gã Sở Khanh chứ không phải con ông. Rốt cuộc cô Hoàng Lan là con ai? Phải nhanh chóng tìm ra sự thật này.

Giả thiết cô Hoàng Lan là con gái của ông Sinh (ông nội của Hoài Phong) thì ông ấy có động cơ trả thù hai người họ. (ông Sinh và bà Thanh Mai) Ông Sinh đã lên máy bay tẩu thoát, khi xe tăng của quân đội Bắc Việt tiến vào dinh độc lập. Chỉ còn lại bà Thanh Mai, sống trong sự ghẻ lạnh của ông Trịnh Vỹ suốt mấy năm trời, đau buồn, u uất, sinh bệnh tật, bà qua đời để lại cô con gái xinh đẹp (Hoàng Lan) cho ông. Ông Trịnh Vỹ vẫn chưa nguôi cơn hận, ông muốn bà Thanh Mai có chết cũng không được yên dưới nấm mồ. Ông nghĩ ra cách trả thù bà qua cô con gái. Ông vờ yêu thương, nhưng ẩn sâu tron đó là sự chiếm đoạt, và hủy hoại cuộc đời của cô ấy, để cho hai kẻ mà ông căm ghét không được siêu sinh. Lòng hận thù có thể khiến con người ta trở nên u tối, vì lòng hận thù họ có thể làm tất cả những điều bất chấp cả đạo lý. Không lẽ nào, bào thai đó lại là kết quả của lòng hận thù. Nếu đúng vậy thì đó là tấn bi kịch thê thảm nhất mà tôi được biết. Trong cuốn nhật ký đã bị xé mất nhiều trang của cô Hoàng Lan, có đoạn viết về người cha. Trong nhật ký Hoàng Lan đã gọi cha mình là “ác thú”, một cách gọi rất nặng nề, dù cô ấy có tức giận ba mình đến mấy (chuyện ông ấy ngăn cấm cô và Thế Anh yêu nhau), xét về mặt tâm lý, cũng không đến mức gọi cha mình là “ác thú”. Quan hệ giữa hai cha con họ liệu có gần gũi, thân thiết như ngoài mặt hay không? Bà Hiền và mọi người đã lầm hay sao? Cần phải tìm hiểu điều này.

Chốt lại vấn đề, tôi ra ngoài ăn tối. Tiếp tục âm thầm theo dõi và bảo vệ cho Ngọc Diệp. Đến 10 h tối, tôi mới quay lại đồi trà. Tôi vẫn chưa rời khỏi căn nhà đó, mặc cho Quốc Việt thường xuyên nhắc nhở, khuyên nhủ tôi rời khỏi đó vì sự an toàn của bản thân. Tôi phớt lờ, tôi biết mình đang đối mặt với thế lực nào. Sự sống và cái chết giống như lật bàn tay. Nhưng, tôi có cách nhìn khác đa số người. Tôi xem cái chết là sự sáng tạo, cái chết là quy luật, là nghệ thuật, là quá trình tìm đến một cuộc sống mới. Chết không hẳn là hết. Tôi sinh ra là để liều lĩnh, và thường thì… những lúc càng đòi hỏi sự liễu lĩnh, là những lúc tôi phải nhanh chóng quyết đoán và thành công.

alt
[H++] Đụng Chạm Da Thịt
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Gả Cho Nam Thần
Ngôn tình Sắc, Sủng, Tổng Tài
Cố Ý Mê Hoặc (Sắc)
Ngôn tình Sắc, Sủng, Đô Thị
Trước Sau

Báo lỗi chương

Ngôn tình sắc Đam mỹ sắc