Và tôi không ngờ, sẽ có ngày mình trở thành “khoảng trắng” ấy.
Là khi tôi hiểu rằng, mình thật sự vô hình.
Năm Vũ Thanh lên mười, bố mẹ đột nhiên ly dị và nó được đưa đến viện mồ côi Mái Ấm. Thằng bé nhận ra, mình bị bỏ rơi! Lạ thay, trong lòng không hề oán trách hay giận bố mẹ, Vũ Thanh chỉ thấy sự cô độc trong bản thân ngày càng lớn. Nó chẳng rõ mình sống vì cái gì, tồn tại vì điều gì giữa cuộc đời này. Hay là vô hình như các khoảng trắng trong ký ức – thứ mà người ta còn không biết đến sự hiện diện của chúng.
Những đứa trẻ tại viện mồ côi Mái Ấm phần lớn đều giống Vũ Thanh. Bị bố mẹ từ bỏ. Chúng cứ cười đùa hồn nhiên dù trong lòng luôn tự hỏi lý do vì sao mình phải ở đây?
Từ khi bắt đầu cuộc sống mới, Vũ Thanh không còn bị bắt ép cầm mọi thứ bằng tay phải, cũng không bị buộc đi học thêm hoặc đại loại những điều nó chán ghét. Thằng bé thấy thoải mái. Nhưng chẳng rõ từ lúc nào, Vũ Thanh khao khát được yêu thương nhiều hơn. Các cô trong viện rất hiền lành và tốt bụng, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho những đứa trẻ không may này. Họ ít khi la mắng trách phạt chúng. Không phải vì các cô quá hiền mà bởi họ chẳng thể quan tâm hết tất cả bọn trẻ. Gần một trăm đứa, lẽ nào họ chỉ đối xử đặc biệt với hai, ba em? Sẽ không công bằng.
Vũ Thanh vẫn giữ thói quen ngồi lặng lẽ trên bậc thềm, ngắm nhìn lá và nắng. Dạo gần đây, thằng bé phát hiện những khoảng trắng ngày một nhiều hơn, hệt như tâm hồn trống rỗng của mình. Những đứa trẻ trong viện tò mò về Vũ Thanh nhưng không mời nó tham gia vào các cuộc chơi. Chỉ là vì, trông nó thật khác biệt! Trẻ em thường “tẩy chay” những thứ quá khác chúng.
Gương mặt trầm tĩnh, cái nhìn lơ đãng mơ hồ, đầu óc như trôi dạt về đâu chẳng rõ, Vũ Thanh là như thế. Cô độc. Người ta nói, đứa trẻ nào chứa nhiều suy nghĩ trong đầu thì luôn mang dáng vẻ thẫn thờ khác thường, có cảm tưởng không ai trên thế gian này hiểu chúng muốn gì.
Vũ Thanh vẫn không được dạy thế nào là đúng – sai. Nó chẳng hiểu gì cả. Thứ tồn tại duy nhất trong thằng bé chỉ có khoảng trắng và vô hình.
...
Ở trường, Vũ Thanh không có bạn. Chẳng ai sợ nó nhưng họ không thể đến gần. Vũ Thanh là một chiếc bóng lặng lẽ, đi giữa sân trường hay dãy hành lang nhộn nhịp tiếng cười nói đùa giỡn của học sinh... Mỗi ngày đều đặn như một vòng quay cũ rích, các học sinh khác luôn thấy Vũ Thanh bước đi chậm rãi, mang theo gương mặt thờ ơ vô cảm, đôi mắt xa xăm đầy suy tư, kiểu như cứ mơ mơ màng màng. Lơ đễnh. Thằng bé không quan tâm mọi thứ diễn ra xung quanh.
Trường học là một xã hội thu nhỏ. Mọi thứ đều có thể diễn ra, từ điều tốt đẹp cho đến điều xấu xa tồi tệ nhất.
Cuộc trò chuyện nhạt nhẽo của mấy nữ sinh.
“Hôm qua tự dưng tao muốn dầm mưa mày ơi!”
“Điên khùng! Bộ mày thất tình hả?”
Tiếng thời gian trôi và những thứ chợt nhiên ngưng đọng.
Hộp sữa Milo uống dở rơi cái bịch xuống đất.
Thứ chất lỏng màu nâu vấy bẩn cả sàn.
Hay lời mời thích thú của cậu học sinh dành cho đứa bạn thân.
“Chiều nay bố mẹ tao đi vắng, đến nhà tao coi phim nhé?”
“Phim con nhỏ lần trước đóng sao? Chán con đó rồi!”
Thậm chí cả trò bắt nạt hèn hạ của những kẻ thích chèn ép người yếu đuối hơn mình.
“Ê! Hôm nay không có tiền cho bọn tao sao?”
“Đánh nó đi! Để chiều tan học xe cứu thương đưa nó về nhà!”
Và, đôi khi là... sự va chạm khẽ của hai bờ vai.
Một tên nam sinh cau mày khó chịu khi vai Vũ Thanh đập nhẹ vào vai mình. Hắn là dân lưu manh. Khi trông cái “bản mặt” thờ ơ của thằng bé, hắn tự dưng điên tiết lên, giơ tay đấm thẳng vào bụng đối phương. Đau! Vũ Thanh rờ bụng rồi đưa mắt nhìn... Tên nọ cười nhếch mép, nói câu thách thức. Và rồi, nó lao vào đánh nhau với hắn.
Vũ Thanh bỗng chốc trở thành học sinh cá biệt. Không phải kẻ thích gây chiến, chỉ là khi ai đó thách thì thằng bé sẽ đánh...! Đơn giản, nó chưa được dạy thế nào là đúng – sai.