Mới tốt nghiệp ra trường, tròn hai mươi hai, Dương Đan là một trong số ít giáo viên nhỏ tuổi nhất của trường N.H. Cô được xếp vào lớp 7A3 dạy môn Văn. Dương Đan rất được học sinh yêu mến vì vẻ ngoài xinh xắn, tính tình dịu dàng, chân thành. Giờ dạy Văn trong lớp luôn sinh động vì khiếu hài hước của cô. Và từ lần đầu tiên bước chân vào lớp, cô giáo trẻ này đã đặc biệt chú ý đến một em nam sinh kỳ lạ...
Thường ít tập trung vào bài giảng, không bao giờ giơ tay phát biểu, mắt luôn gián chặt vào cuốn sách giáo khoa thỉnh thoảng hướng cái nhìn mơ màng ra bên ngoài, Vũ Thanh hoàn toàn tách biệt với các bạn trong lớp. Với dáng vẻ trầm tư lơ đễnh, dường như lúc nào cũng chứa đầy suy nghĩ, khiến Dương Đan cảm thấy hiếu kỳ về thằng bé.
Nhiều lần đang giảng bài, Dương Đan chợt đặt ra một câu hỏi và không chừng chừ gọi tên Vũ Thanh. Thằng bé có chút giật mình vì mãi mơ màng ở tận đâu, chậm rãi đứng dậy nhìn cô giáo trẻ. Nó lúng túng vì không biết phải trả lời thế nào. Đối diện, Dương Đan cười gượng gạo bởi nhận ra mình đã vô tình gây khó xử cho học trò. Thật chất, Dương Đan chỉ muốn hiểu thêm về Vũ Thanh nên đã khéo léo đặt câu hỏi gợi chuyện nhưng những lần như thế đều thất bại vì nó không bao giờ trả lời được nhiều ngoài mấy âm từ vâng, dạ hoặc cái gật đầu mơ màng.
Thỉnh thoảng, Dương Đan bắt gặp Vũ Thanh lặng lẽ ra về một mình dù xung quanh có vô số các học sinh cười đùa. Hay những lúc vào giờ giải lao, cô thấy thằng bé vừa bước đi vừa nghĩ ngợi miên man, gương mặt chẳng chút cảm xúc và đôi mắt mông lung xa xăm. Mỗi ngày đứng im lặng ở một góc phòng , âm thầm quan sát Vũ Thanh, Dương Đan càng thêm tò mò. Cô tự hỏi, rốt cuộc đứa trẻ này đang nghĩ gì trong đầu?... Để rồi vào buổi chiều nhạt nắng hôm ấy, Dương Đan đã có thể chạm cửa trái tim Vũ Thanh – cậu bé vốn che đậy cảm xúc thật của bản thân bằng vỏ bọc cô độc...
Cửa mở, Dương Đan ngạc nhiên khi thấy Vũ Thanh đứng bên cạnh bàn thầy hiệu trưởng. Trong phòng giáo viên chỉ có duy nhất một mình thằng bé và vẫn như thế, nó lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ bằng ánh mắt mơ màng, lãng đãng. Thoáng lưỡng lự, Dương Đan tiến đến gần rồi lên tiếng thật khẽ từ phía sau lưng Vũ Thanh: “Sao em lại ở đây?”
Sực tỉnh, Vũ Thanh mau chóng quay qua và bắt gặp nụ cười dịu dàng của cô giáo trẻ.
“Em bị phạt.”
“Về chuyện gì?”
“Đánh nhau.”
“Sao em đánh nhau? Làm thế là không tốt. Cô thấy em không giống học sinh cá biệt.”
“Vì... bạn đó thách em!”
Dương Đan khó hiểu trước câu trả lời từ cậu học sinh: “Chỉ thế thôi à?”
Lần này đến lượt Vũ Thanh nhìn Dương Đan với vẻ ngập ngừng, pha chút lúng túng:
“Em không biết. Bạn ấy nói rằng: Thử đánh tao một cái đi! Mày không phải thằng chết nhát đúng chứ? Em nghe vậy và đã làm theo.”
Dường như bắt đầu nhận ra điều gì rất tồi tệ trong người Vũ Thanh, Dương Đan liền đặt tay lên vai thằng bé, lo lắng hỏi:
“Em không ý thức được những hành động của mình ư?”
“Lúc nhỏ, em thuận tay trái nhưng mẹ không thích và bảo em hãy tập làm mọi thứ bằng tay phải. Em không hiểu vì sao lại thế. Hay việc mẹ thường mỉm cười hài lòng khi em cầm cuốn sách tiếng Anh lên học dù bà biết em rất ghét môn đó. Em cũng không hiểu. Và người lớn nghĩ em mắc bệnh tự kỷ chỉ vì em hay ngồi yên lặng ngắm nhìn mọi thứ xung quanh, em chẳng rõ mình phải tiếp xúc với họ thế nào. Kể cả bạn bè, em không biết nên nói chuyện gì để các bạn có thể hiểu... Em luôn tự hỏi, làm gì mới gọi là đúng, làm gì mới gọi là sai. Khi ai đó bảo em hãy ngừng hành động ấy lại thì em sẽ ngừng hoặc khi ai yêu cầu hãy làm, em sẽ làm. Dù em thật sự không hiểu ý nghĩa của những điều đó.”
Lắng nghe từng lời nói thật lòng của Vũ Thanh, Dương Đan hoàn toàn bất động. Cô chẳng thể tưởng tưởng nổi một học sinh cấp II lại không hề có ý thức về những hành động mình đang làm – ngoài việc luôn nghe theo người khác như con rối. Giờ, cô đã phần nào hiểu lý do vì sao Vũ Thanh thường tách biệt với các học sinh khác cũng bởi nó không thể nhận ra mối liên kết giữa mình với cộng đồng xã hội – ở đây là trường lớp, bạn bè thầy cô, những người xung quanh.
“Thầy cô nói em là học sinh cá biệt. Đó là xấu ạ? Hình như họ không thích đánh nhau nên cấm học sinh! Em luôn bị phạt mỗi lần đánh nhau.”
Câu nói nhỏ xíu nhưng có phần nặng nề phát ra từ miệng Vũ Thanh khiến lòng Dương Đan xuất hiện sự thương cảm sâu sắc. Trong phút chốc, cô giáo trẻ thấy tội nghiệp và muốn chở che giúp đỡ thằng bé. Không nói gì, bàn tay cô siết chặt vai nó.
Đúng lúc cửa phòng mở, một thầy giáo đeo kính thò đầu vào cất giọng vang vang:
“Cô giáo Dương Đan, nhờ cô lấy giúp bìa hồ sơ môn Văn trên tủ. Tôi bận chút chuyện lát sẽ quay lại. Cám ơn cô trước.”
“Vâng.” – Dương Đan mỉm cười với thầy giáo kia xong liền nhìn qua Vũ Thanh – “Em chờ cô lấy hồ sơ rồi chúng ta tiếp nhé.”
Nhanh chóng xoay lưng đi về phía chiếc tủ kính, Dương Đan đưa ngón tay lướt qua một lượt mấy bìa hồ sơ đủ màu chất trên chiếc kệ cao ngất. Không mất quá lâu để cô tìm ra thứ cần tìm. Nhón chân, cô cố gắng với tay lên thêm chút để lấy bìa hồ sơ. Và vào lúc đó, Dương Đan hết sức ngạc nhiên khi bàn tay của một cậu con trai đã cầm tấm bìa dày cuộm ấy xuống. Mau chóng quay qua bên cạnh, cô tròn xoe mắt bởi thấy Vũ Thanh đứng trên ghế, hai tay đưa hồ sơ về phía mình, vẫn là gương mặt bình thản có chút lơ đãng.
“Cám ơn em.” – Dương Đan đón lấy vật, mừng rỡ – “Em đã làm một việc rất đúng!”
“Dạ?” – Vũ Thanh hỏi, đôi mắt cứ mơ màng.
“Không phải em thấy cô gặp khó khăn nên muốn giúp ư? Giúp đỡ người khác là việc làm tốt. Em đã hành động đúng. Rất đáng khen!” – Dương Đan cười thật tươi.
“Tại sao giúp đỡ lại là đúng?”
“Vì em giúp họ vượt qua khó khăn! Khi em cố gắng để giúp một ai đó, họ không phải gặp khó khăn nữa và họ sẽ cảm thấy vui. Đấy chính là ĐÚNG, em nên làm như vậy!”
Đối diện, cái nhìn của Vũ Thanh không còn lơ đễnh nữa mà phản chiếu một dòng suy nghĩ mới mẻ nào đó. Thằng bé thấy việc này thật lạ. Đây có phải bài học đầu tiên của nó không? Giúp đỡ người khác là ĐÚNG và nên làm.
“Vũ Thanh.” – Dương Đan chợt gọi tên cậu học sinh một cách nhẹ nhàng – “Nếu được, từ giờ em hãy để cô giúp em tìm hiểu về thế giới xung quanh cũng như biết thế nào là đúng – sai, cái gì nên làm và không nên làm!”