Người ta sinh ra trên đời, tất có lúc thịnh lúc suy, có khi tụ khi tan, gặp thời bình thì an cư lạc nghiệp, cùng nhau yên ổn. Chẳng may gặp phải lúc loạn li, nếu là kẻ sĩ có ít nhiều tài năng, trăn trở để xây dựng cho mình một công nghiệp, thì tránh sao khỏi lúc truân chuyên phiền não, may thì được sum họp một chỗ, chẳng may thì tan nát bốn phương, làm sao lại có thể yên phận "ôm cây đợi thỏ" 1 trong xó rừng, hoặc làm kẻ chết già trong góc cửa cho được.
° ° °
Lại nói trong số năm hào kiệt rời Tế Châu cuối cùng đó, thì Kim Quốc Tuấn, Đổng Bội Chi sợ ở công đường Lộ Châu có việc, nên cũng không thể ung dung thong thả, xin phép lên đường trước để về Lộ Châu. Đơn Hùng Tín, Vương Bá Đương, Lý Huyền Thúy, thân vô câu thúc, trong lòng cũng chẳng có sự gì phải lo lắng, gặp núi thời leo núi, gặp sông thời dong thuyền, nhởn nhơ dọc đường, mãi mới tới được địa phận Lâm Truy, Huyền Thúy nói:
- Đơn nhị ca, chúng ta gặp nhau lần này, rồi không biết đến bao giờ gặp gỡ. Ý cũng muốn đưa Nhị ca về tận Nhị Hiền trang, nhưng đi lâu ngày, sợ ở nhà có việc gì chăng, cũng xin được cáo biệt nhị ca ở đây.
Bá Đương cũng nói:
- Tiểu đệ xa nhà đã lâu, xin hẹn với nhị ca sang năm, không có chuyện gì vướng mắc, lại hẹn xin đến hầu nhị ca.
Hùng Tín lưu luyến không nỡ rời tay, bèn bàn:
- Hai vị nếu không thể về cùng Hùng Tín này, thì chẳng còn cách nào khác, nhưng xin hãy tìm một quán rượu nào đó, ta uống với nhau vài chén, rồi sẽ chia tay.
Bá Đương, Huyền Thúy tán đồng:
- Nhị ca nói đúng lắm!
Cả ba giật dây cương lao ngựa về phía trước, Hùng Tín đưa tay chỉ:
- Phía trước là dãy Báo Sơn, tương truyền là nơi hai bạn thân Quản Trọng cùng Bảo Thúc Nha thường hay chia tiền lời buôn chung ở đấy. Hùng Tín này với hai vị tuy không sánh được với người xưa về tình, nhưng về nghĩa vốn chẳng kém gì. Chúng ta hãy tìm đến đó uống mấy chén được chăng?
Bá Đương, Huyền Thúy bằng lòng:
- Hay lắm!
Cả ba nhìn xem, chỉ thấy:
Bãi dàn lưng núi
Lầu tiếp chân mây
Cây biếc um tùm, văng vẳng đâu nghe cọp thét
Liễu xanh mườn mượt, chập chờn thoáng thấy oanh bay
Phải chăng là:
Chèo bẻo đậu hè xúm xít
Kinh nghệ nhảy hề loay quay
Dưới chân Bảo Sơn có khoảng ba bốn chục nóc nhà trong đó có một quán rượu, lá cờ hiệu treo phấp phới trên cây ngay trước cửa. Cả ba xuống ngựa, vào trong quán, thì đã thấy ba con ngựa trong sân của khách đã buộc trước rồi, đang đứng nhai cỏ trong máng. Tiểu nhị vội ra mời khách vào gian phòng tranh chính giữa, rửa mặt, rửa tay.
Hùng Tín hỏi tiểu nhị:
- Ngựa thì ngoài kia, còn mấy vị khách đến trước đâu cả rồi tiểu nhị?
Tiểu nhị giơ tay chỉ:
- Đang ngồi uống rượu ở gian bên trái sạch sẽ kia, thưa quý khách!
Hùng Tín đang định chào hỏi, thì thấy cửa sổ của gian bên trái ló ra một cái đầu, nhìn ngang ngửa. Bá Đương trông thấy liền cười xòa:
- Thì ra là Lý hiền đệ đang ở đây sao?
Lý Như Khuê vội vã:
- Xin mời chư huynh ra cửa, đại huynh Bá Đương vừa đến kia.
Tề Quốc Viễn cùng mọi người ra, bái chào xong xuôi. Bá Đương hỏi:
- Hai vị có việc gì mà lại tới đây?
Như Khuê đáp:
- Chuyện dài lắm. Ở trong phòng có một vị nữa, để tiểu đệ vào mời ra đây rồi cùng nói chuyện một thể.
Rồi chạy vào trước cửa phòng lớn tiếng:
- Xin mời Đậu đại ca ra ngoài này. Có đại ca Đơn Hùng Tín ở Lộ Châu mới tới.
Dứt lời thì thấy một người đàn ông cao lớn, đàng hoàng bước ra.
Như Khuê giới thiệu:
- Đây là đại huynh Đậu Kiến Đức ở Bội Châu.
Hùng Tín đáp lời:
- Năm ngoái đại huynh Lưu Hắc Thất có đến tiểu trang trại Hùng Tín này có được Lưu huynh nói nghe danh Đậu huynh, vốn người hào hùng, nghĩa hiệp, nay được gặp ở đây, thật là thỏa ước nguyện bình sinh.
Hùng Tín sai bày tiệc rượu, rồi cả sáu người ngồi vào hàn huyên. Bá Đương nói với Như Khuê, Quốc Viễn:
- Hai vị sống ở Thiếu Hoa Sơn sung sướng tự tại vậy, sao lại bỏ đi thế này?
Như Khuê đáp:
- Sau khi từ biệt các vị, tiểu đệ đi Thanh Hà thăm một người bạn thân thì bị Lư Minh Nguyệt chiếm mất sơn trại. Quốc Viễn một mình đánh y không được đành phải bỏ đi, chuyển sang Đào Hoa Sơn rồi cho lâu la chạy đi Thanh Hà báo cho tiểu đệ biết, mãi đến hôm trước đây, tiểu đệ mới quay về. Quốc Viễn đã được tin từ Đơn nhị ca, về chuyện đi Tế Châu mừng lễ sinh nhật Tần mẫu, Đậu đại ca cũng mộ tiếng Thúc Bảo cùng các vị, nói chuyện này ở Đào Hoa Sơn, Đậu đại ca đang cần đi Tế Châu thăm người nhà, vừa là tìm làm quen với các vị vì vậy cùng lên đường. Chẳng hay ba vị đây đã đi dự sinh nhật về, hay là mới lên đường đi?
Huyền Thúy đáp:
- Thúc Bảo đại huynh hiện không có nhà, có công vụ phái đi cách đây mấy ngày rồi.
Quốc Viễn hỏi:
- Tần đại huynh hiện đi đâu?
Hùng Tín đáp:
- Chuyện dài lắm!
Thấy tiệc đã dọn xong, Hùng Tín tiếp:
- Chúng ta hãy cùng uống rượu, rồi Hùng Tín này sẽ kể cho các vì nghe!
Mọi người ngồi vào bàn, uống rượu dăm chén, Như Khuê lại hỏi:
- Tần đại huynh đi công vụ ở đâu?
Bá Đương ngừng chén, đem chuyện hào kiệt chuẩn bị lễ mừng như thế nào, đi Tế Châu ra sao, ở hàng Nhuận Phủ như thế nào, Giảo Kim tự nhận, Thúc Bảo đốt trát, kể ra một lượt. Quốc Viễn khoái quá vỗ tay tán thưởng, dậm chân, đập bàn mà hét. Như Khuê nói:
- Như Thúc Bảo, như Giảo Kim mới thật là anh hùng, thật là hào kiệt trong thiên hạ mà không kết giao được với hai người này, thì cũng chưa đáng bậc trượng phu. Nhưng rồi chuyện ra sao nữa?
Bá Đương lại kể tiếp chuyện Huyền Thúy đến gặp Lai Tổng quản, Tự Xương đến gặp Lưu Thứ sử, rồi chuyện ba nghìn lạng bạc của Đường Công tặng Thúc Bảo thế nào kể hết một lượt. Kể xong, chỉ thấy Đậu Kiến Đức đập bàn than:
- Quốc gia mà còn những loại tham quan như Thứ sử họ Lưu này, thì anh em chúng ta phải giết cho bằng hết!
Như Khuê nói thêm:
- Lại động đến tâm sự của Đậu đại ca rồi đó!
Huyền Thúy lại hỏi:
- Đậu đại huynh có tâm sự ta sao. Xin được cho nghe.
Đậu Kiến Đức đáp:
- Tiểu đệ vốn quê ở Bội Châu, cũng có một ít sản nghiệp. Khi hai thân qua đời, tiểu đệ tính tình thô bạo, phóng túng, chẳng chăm lo gì tới sản nghiệp, với khoảng hai ba nghìn lạng vàng, mà chỉ nghĩ tới chuyện ăn chơi. Năm qua chuyết thê chẳng may qua đời. Cuối thu, tiểu đệ đi Hà Giang thăm người quen, chẳng ngờ bọn triều đình sai bọn hoạn quan đi tuyển cung nữ, trong phủ có gia thuộc một viên quan này, nên những thiếu nữ trong phủ đều được bọn chúng sắp sẵn làm ba hạng: thượng, trung, hạ. Tiểu nữ của tiểu đệ đây, tên Tuyến Nương, tuổi mới mười ba, tài sắc kiêm toàn, lại thích đọc binh thư thao lược, trong khuê phòng mà chỉ lo luyện kiếm, đường kiếm mỗi lần vung lên thì chẳng khác gì rồng cuốn. Tiểu đệ chỉ có mỗi một mình cháu, quý ngang châu ngọc. Bọn này nghe tiếng, biết chưa thành gia thất, lập tức xếp vào loại thượng đẳng. Tiểu nữ biết chuyện, lập tức bán bớt ruộng vườn, lấy một hai trăm lạng vàng, nhờ người chạy cho thoát. Khốn thay bọn châu quan cùng bọn hoạn quan nhất định không chịu. Tiểu nữ thấy thế, bán hết gia sản, chiêu tập bọn người lang thang, không nhà, định cùng đối chọi một mất một còn với quan quân. May mà trong nhà còn chị dâu góa cùng đứa cháu trai ngăn cản kịp. Tiểu đệ nghe tin vội về, tốn hết hơn một nghìn lạng vàng, mọi chuyện mới yên ổn, cháu mới được tha. Nhưng vẫn lo sinh chuyện lôi thôi, nên phải đưa cháu cùng chị đâu tránh khỏi châu nhà, tạm ở nhà người thân là Trương Thiện Sĩ ở vùng Giới Hưu. Nhân trên đường đi gặp hai vị Tề, Lý, vì vậy cùng đi cho vui vẻ hơn chăng.
Hùng Tín nói:
- Hiện nay Thúc Bảo không có nhà, mà cả ba vị đều đang lang thang vô định, chi bằng tới tiểu trang trại của Hùng Tín này ta cùng nhau uống rượu vài ngày cho thư thái, các vị nghĩ sao?
Lại quay lại nói với Huyền Thúy, Bá Đương:
- Ý cũng muốn để hai vị về quê, nhưng nay gặp ba bạn mới ở đây, hai vị hãy theo tiếp khách với Hùng Tín này, ta cùng nhau trò chuyện vài ngày.
Bá Đương, Huyền Thúy không tiện chối từ, nên cũng đành theo Hùng Tín và mọi người về Nhị Hiền trang. Quốc Viễn mừng rỡ nói:
- Tất cả mọi người cùng đi mới vui, tiểu đệ đang muốn đến Nhị Hiền trang ra mắt Đơn nhị ca, để còn đi lại nhiều về sau.
Như Khuê nói:
- Nếu như thế thì xin được ăn no để còn lên đường.
Ăn xong, Hùng Tín gọi tiểu nhị trả tiền, không quên cả suất cơm rượu mà ba người bạn mới đã ăn từ trước.
Mọi người ra khỏi quán rượu, nhảy lên ngựa, ra roi phóng thẳng, đi được mấy dặm, thấy quanh vách núi ven đường, có một ông già, nằm co, gối đầu lên tay mà ngủ, vứt cả khăn gói bên cạnh. Kiến Đức trông thấy, có vẻ giống người đầy tớ già Đậu Thành của mình, bèn nhảy xuống ngựa, lại gần nhìn kỹ, thì đúng là Đậu Thành. Kiến Đức vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, gọi lớn:
- Đậu Thành, sao lão lại ở đây?
Ông già tỉnh dậy chùi mắt nhìn, nhận ra chủ nhân, bèn thưa:
- Tạ ơn trời đất phù hộ cho chủ nhân. Chủ nhân vừa ra khỏi nhà, thì trong châu đã ầm lên rằng vì không kiếm ra được thiếu nữ đẹp xinh để tiến cung, thấy nhà ta bỏ trốn cả, quan châu ra lệnh truy bắt. Tiểu thư biết có tin không lành, nên sai tiểu nhân đi tìm chủ nhân về.
Lúc này cả năm người đều đã xuống ngựa, đứng cạnh đường. Kiến Đức cầm tay Hùng Tín mà rằng:
- Ơn nhị ca thương đến, không bỏ kẻ hoạn nạn này, đáng phải theo các vị đây về bái chào ở Nhị Hiền trang mới phải. Nhưng tiểu đệ bây giờ, lòng như tơ vò phải trở về ngay, xem chuyện tiểu thư ra sao. Sau này có dịp, sẽ xin đến hầu nhị ca.
- Vừa mới quen nhau, đã lại nói xa. Núi xưa có thiêng sao vẫn lặng lẽ nhìn?
Hùng Tín tiếp:
- Đây là việc cần kíp của đại huynh. Hùng Tín không dám ngăn trở. Nhưng xin có lời với đại huynh thế này: Triều Tùy tuy dâm ác vô cùng, quyền gian tác quái, nhưng bốn phương nghĩa binh chưa dậy, còn phái nhẫn nại chờ thời đã. Đây chính là lúc tránh loạn vậy. Nếu như vùng Giới Hưu không thể an thân, tốt hơn cả là đại huynh nên mang lệnh ái đến tiểu trang trại, ở cùng với tiểu nữ Hùng Tín này cho vui vẻ, thì chẳng còn chuyện gì phải lo nghĩ cả. Đại huynh có việc bận rộn phải đi xa thì có chuyết thê Hùng Tín này lo liệu rồi.
Quốc Viễn tán thưởng:
- Đơn nhị ca không phải là người nói cho vui miệng, dù cho hoàng đế nhà Tùy có đến tận cửa Nhị Hiền trang để đòi thì nhị ca cũng nhất nhất không giao nạp đâu?
Bá Đương thêm vào:
- Đậu đại ca, lời Đơn nhị ca là lời gan ruột, đại ca nên tức tốc về ngay Giới Hưu là tốt hơn cả!
Hùng Tín lại nói với Bá Đương, Huyền Thúy:
- Bạn bè bốn biển, chỉ cần thêm một bái là đã thành cốt nhục rồi. Hùng Tín phiền hai vị đi đường vòng một chút, cùng với Đậu Đại ca đi Giới Hưu. Hai vị tài cán mẫn tiệp, hơn hẳn sự thô lỗ của Hùng Tín này, xin xem sự thể thế nào, chúng ta cũng mới yên tâm cho được.
Rồi bảo bọn đầy tớ:
- Số tiền đi đường lâu này, mang lại đây cho ta.
Bọn đầy tớ vội mở khăn gói đưa trình Hùng Tín xem còn ít nhiều ra sao, rồi chia đôi cho Bá Đương:
- Đây có năm mươi lạng bạc, hiền huynh cầm lấy. Ba vị hãy đi Giới Hưu. Nếu thấy Đậu Tiểu thư có thể ở lại an toàn, thì cứ ở lại Giới Hưu, bằng không thì xin cứ đưa ngay về tiểu trang trại Hùng Tín này.
Mọi người bằng lòng. Kiến Đức cảm tạ Hùng Tín. Như Khuê, Quốc Viễn, rồi cùng Bá Đương, Huyền Thúy lên ngựa đi trước.
Chính là:
Vui bạn bè thắm thiết
Lo cốt nhục hằn thù
Cũng bởi câu nghĩa khí
Khác thói đời phù du.
Hùng Tín thấy ba người đã đi khuất, nói với Như Khuê, Quốc Viễn:
- Giờ thì chẳng còn việc gì phải vội, xin mời hai vị đến vui tiệc rượu với Hùng Tín này ở tiểu trang trại vậy!
Như Khuê đáp:
- Chúng tôi bỏ bọn trẻ ranh một mình ở Đào Hoa sơn quả không an tâm, chi bằng chúng ta chia tay nhau, xin đợi lần khác gặp gỡ vậy.
Hùng Tín thấy nói thế, cũng không muốn nài thêm bèn chia tay, quay ngựa về Lộ Châu.
Quốc Viễn trên lưng ngựa nói với Như Khuê:
- Vừa rồi hai chúng ta cùng Đậu đại ca tới đây, không ngờ Đơn nhị ca lại chọn hai người kia đi với Đậu đại ca, có lẽ sợ chúng ta là người thô lỗ, làm hỏng mọi việc chăng?
Như Khuê đáp:
- Tiểu đệ cũng nghĩ như vậy. Hai chúng ta dẫu có thô lỗ đi chăng nữa cũng còn được việc không chừng. Chúng ta hãy về sơn trại sắp xếp công việc rồi cùng đi Giới Hưu nghe xem tin tức Đậu tiểu thư ra sao, nếu ba người kia làm không nên chuyện, mà chúng ta lại lo liệu được để cho Đơn nhị ca sáng mắt ra, thấy rõ bọn Quốc Viễn, Như Khuê này không phải loại người đốt nhà, giết người, mà chính là kẻ được việc.
Hai người trên ngựa chuyện trò, đi cả ngày lẫn đêm về sơn trại, lo liệu công việc xong xuôi rồi cùng với ba tên lâu la, tìm đường tắt đi về Giới Hưu.
° ° °
Nguyên là Đậu tiểu thư thấy sự thể không ổn, sau khi Đậu Thành ra đi được ba ngày, tự mình cũng cải dạng nam trang, cùng với mẹ con bác gái, trốn khỏi Giới Hưu. May sao giữa đường gặp được phụ thân. Kiến Đức mừng rỡ. Bá Đương cùng Huyền Thúy đều khuyên Kiến Đức đưa tất cả về Nhị Hiến trang.
Lại nói Như Khuê, Quốc Viễn vừa tới Giới Hưu, lượn quanh ở ngoài cửa thành tìm chỗ nghỉ. Ngày hôm sau vào thành nghe ngóng, chẳng thấy cả Bá Đương lẫn Huyền Thúy đâu cả, cũng chẳng biết Trương Thiện Sĩ ở chỗ nào, chạy đông lại chạy tây nghe trong ngõ ngoài phố, người người thì thầm bàn tán, đều nói chuyện một nhà nào đó, đã mất đến hàng nghìn lạng hạc, nhà khác mất trăm lạng, tới nhà họ Hạ ở Hà Tây, chỉ toàn con gái, mất cả gia cơ điền sản, mới được năm trăm lạng vàng. mà bọn hoạn quan vẫn không chịu nhận cho, tên con gái vẫn phải ghi trong sổ tiến cung mà thôi! Hai người đi vào một ngõ hẻm, sẵn đang mệt mỏi, liền vào một quán rượu ngồi nghỉ. Thấy có hai người đầy tớ già, cũng vào quán ngồi, gõ mặt bàn ra hiệu đòi rượu, miệng thì kể:
- Thật là cái đời ôn dịch, chẳng báo giờ có những chuyện như thế này. Vịn vào mấy cái thánh chỉ, làm khổ từ nhà giàu cho đến kẻ nghèo đâu đâu cũng thấy cảnh khóc lóc, van xin, ngày đêm không lúc nào yên cho.
Người kia tiếp:
- Sổ sách giờ đã cố định rồi. Khá tiếc cho mấy nhà chạy mãi mà vẫn không thoát. Chỉ đáng căm bọn hoạn quan bẩn thỉu, chẳng bao giờ có vợ con cả, thì không hiểu chúng lấy vàng bạc làm gì nhỉ?
Như Khuê hỏi:
- Xin hỏi hai bác. Giờ đây sứ giả nhà vua đang ở đâu?
Một ông già đáp:
- Vừa mới ở đây, giờ sang châu Vĩnh Ninh rồi!
Như Khuê thấy nói thế, cúi đầu nghĩ ngợi, rồi kéo Quốc Viễn dậy, trả tiền rượu, ra khỏi quán về ngoài thành gọi lâu la thu lượm hành lý lên đường ngay. Quốc Viễn hỏi:
- Chưa biết Đậu đại ca tình trạng ra sao, sao lại đã lên đường?
Như Khuê đáp:
- Cũng chẳng biết Đậu đại ca ở đâu mà tìm, nay tiểu đệ vừa nghĩ ra một việc hay lắm. Hiền đệ cứ đi theo sẽ biết.
Rồi ghé tai Quốc Viễn khẽ nói:
- Cứ như thế. . như thế... mà làm. Thế có xung ý không nào?
Nay hiền đệ mang theo mấy tên lâu la này, theo đường nhỏ phía tây núi mà xuyên qua huyện Ninh Hương, đến vùng Thạch Lâu có một khu gọi là Thanh Hư các, bọn chúng nhất định nghỉ ngơi ở đấy. Hiền đệ cứ theo dõi cho sát đừng để lộ mình. Tiểu đệ ngày đêm vào ngay sơn trại tuyển mấy lâu la được việc, đem theo một ít đồ đạc cần thiết tới Thạch Lâu, cách Thanh Hư khoảng mười dặm gặp hiền đệ rồi sẽ khởi sự.
Nói xong tất cả đều lên ngựa, đến ngã ba trước mặt mỗi người mỗi đường.
Chính là:
Chưa bằng Gia Cát mưu thần
Cũng đáng Long Trung mẹo thánh. 2
° ° °
Lại nói khâm sai chánh sứ Hứa Đình Phụ rời khỏi Giới Hưu, binh lính cờ gióng trống đánh đến châu Vĩnh Ninh. Họ Hứa ngồi xe bịt kín, có mười mấy thổ binh theo hầu, lại thêm mười tên quan binh đi theo bảo vệ, trên đường đi rất chậm, đã hai ngày trên đường, sang tới giờ tý ngày hôm nay vẫn còn cách địa giới Vĩnh Ninh năm mươi dặm, cách Thanh Hư các ba mươi dặm, nhìn chung quanh chỉ thấy:
Gió lồng dậy đất
Mây kéo đen trời
Núi rừng đá lở, ầm ĩ cọp thét rồng ngâm
Cây đổ cát bay, nhôn nháo vượn kêu thỏ chạy
Hốt hoảng hát bài "Hành lộ nan "
Đành để gió Thạch Vưu 3múa nhảy.
Một khách đi đường, gặp phải trận cuồng phong bạo vũ này, khắp người ướt sạch, rét lạnh thấu xương, chạy vào Thanh Hư các trú nhờ, nhưng vì cửa đóng, không tài nào vào được. Nguyên do là Thanh Hư các này có tới ba tầng cửa. Phía trên cùng là ba gian các nhỏ, ngoài là ba gian hiên rộng. Sau nữa là một nhà sư già ở trong một nhà nhỏ riêng để trông coi. Lúc này sứ giả của nhà vua đang nghỉ ngơi trên các, còn bọn người tùy tùng thì vừa cởi quần áo ướt, đang đốt lửa sưởi. Trong sân mấy chiếc xe nhỏ, lính tráng của châu xúm quanh, bưng thịt lợn quay, thịt dê nướng, gà, ngỗng, các món nấu khác bánh bao các loại, bày ra mười mấy mâm. Mâm sang nhất được dành riêng cho chánh sứ khâm sai. Các vò rượu lớn cũng được bày cạnh mỗi mâm. Một viên quan tay cầm tờ thiếp, thưa với bọn lính trong đội tùy tùng:
- Tiểu nhân là dịch thừa các trạm này, lo cả việc đi lại cho quan lại châu Vĩnh Ninh, được lệnh đem tiệc rượu đến để đón tiếp Khâm sai đại nhân.
Bọn này nghe ra, cửa mở ngay, dẫn viên dịch thừa lên gặp quan khâm sai. Dịch thừa quỳ xuống trình:
- Tiểu quan là dịch thừa Giả Văn của châu Vĩnh Ninh xin ra mắt khâm sai đại nhân.
Rồi nâng lễ vật lên trình quan xem xét. Hứa Đình Phủ lên tiếng:
- Cho đứng dậy!
Lại hỏi:
- Từ đây đến châu, đường xa gần ra sao?
Dịch thừa thưa:
- Dạ thưa Khâm sai đại nhân, còn bốn mươi lăm dặm nữa. Quan lớn chúng con sợ đại nhân đi đường mệt mỏi, nên phái chúng con ra đón ngài ngoài đây để được ngài sai phái.
Rồi sai tay chân bưng các thứ đặt lên bàn, khiêng lại gần giường nằm của quan lớn Khâm sai, Đình Phủ lại truyền:
- Hãy đem đồ ăn thức nhắm ra ngoài kia, các ngươi cùng đội lính cho phép ăn uống no say.
Mọi người nghe quan lớn truyền, liền xuống các, thấy hai tiểu nội giám đứng hầu sau quan lớn, dịch thừa thưa:
- Xin mời hai vị xuống dưới này uống vài chén rượu, hạ quan này xin hầu hạ tận tình.
Hai tên nội giám nghe thấy thế cũng theo xuống.
Đang ăn uống say sưa, bỗng thấy một người cao lớn bưng một bình rượu đã được hâm nóng, đưa mắt ra hiệu, dịch thừa cầm lấy bình rượu rót ra một chén đầy, bưng lên các, quỳ trước mặt Hứa Đình Phủ thưa:
- Trình đại nhân, ở bên ngoài gió gào mưa trút, xin đại nhân cạn chén rượu nóng cho ấm lòng.
Đình Phủ khen:
- Viên quan dịch thừa này được việc lắm, mai kia bản chức về kinh, sẽ tâu với triều đình, thăng ngươi lên làm quan châu.
Dịch thừa cúi thưa:
- Xin đa tạ ơn trời biển của đại nhân!
Đang thưa trình, thì đã thấy Đình Phủ dốc cạn chén rượu lớn, rồi lắc lư, lắc lư ngã lăn quay ra. Thì ra viên dịch thừa chính là Như Khuê giả trang, Quốc Viễn thì cai quản bọn thủ hạ ở bên dưới, chờ đúng lúc trên các Như Khuê hành sự, dưới này Quốc Viễn cũng dốc rượu trong bình nóng, mỗi một tên lính trong đội bảo vệ cùng hai nội giám, mỗi đứa một chén, cả bọn cùng ngã lăn. Như Khuê gọi bọn lâu la, khiêng Đình Phủ xuống các, cùng với hai nội giám vào một chỗ, rồi trói Đình Phủ vào trong kiệu, hai nội giám thì chất lên lưng ngựa, các thứ khác không thèm đụng đến, cả bọn lên ngựa, đang đêm kéo về sơn trại.
Hứa Đình Phủ ở trong kiệu, bị thuốc mê mãi tới gần sáng mới tỉnh lại, thấy hai tay bị trói chặt, thân mình cũng bị quấn bằng dây lớn với kiệu, không thể nào cựa quậy gì được, sợ quá, vội la lớn không thành tiếng:
- Sao lại có chuyện lạ lùng thế này, đứa nào dám đem chúng ta ra làm trò đùa thế này.
Nhưng bây giờ đã vào giữa rừng núi, dù quan lớn có la hét thế nào nữa, cũng chẳng thấy ai nhòm ngó. Phương đông bắt đầu rạng, mọi người vén rèm, khiêng Đình Phủ ra. Đình Phủ nhìn quanh, thì thấy hai viên tiểu nội giám theo mình, cũng còn bị trói, đang đứng bên cạnh. Cả ba nhìn nhau mặt sắt lại, nhưng cũng không dám nói với nhau một lời nào.
Chỉ nghe ba tiếng pháo lớn, thấy khoảng ba bốn chục lâu la, kéo Đình Phủ cùng hai viên tiểu nội giám tiến vào sơn trại. Nhìn lên thấy thương đao san sát, sát khí đằng đằng, chính giữa ba gian thảo đường, bày hai ghế dựa trên có trải da hổ. Như Khuê đã vứt bỏ bộ quần áo quan viên, mà mặc một bộ đồ chiến bào màu hồng, ngồi chễm chệ bên trên.
Đình Phủ ngước mắt nhìn lên, nhận ra viên dịch thừa ngày hôm qua, hồn bay phách lạc, Đình Phủ quỳ lạy xuống.
Như Khuê lớn tiếng quát:
- Cái đồ chó thiến kia! Triều đình sai ngươi đi tìm gái đẹp, dù là có khâm lệnh của hoàng đế, thì cũng phải nghĩ tới dân tình, vì sao chỗ thì đòi nghìn lạng, chỗ thì trăm lạng, để đến nỗi nơi xa nơi gần nhà giàu, nhà nghèo đến nhà cửa tan nát, họ hàng lìa tan?
Đình Phủ thưa:
- Trình đại vương, chuyện nhũng nhiễu trăm họ này, là chuyện bọn nha quan ở phủ huyện, mượn gió bẻ măng, còn chúng tôi dây chẳng được dính dáng gì đến một đồng, một lạng nào cả.
Như Khuê nạt lớn:
- Cái thứ phân rác kia! Ta đã đi khắp nơi, nghe ngóng đầy đủ xác thực, mà mày lại còn già mồm cãi sao. Các con đâu! Hãy đem con chó thiến này cho mấy búa vào đầu cho ta. Còn hãy để hai con gà trống thiến kia lại cho ta, còn có việc cần!
Đình Phủ nghe tiếng khóc lóc thảm thiết, van xin tha chết. Lại thấy lâu la vào trình:
- Bẩm đại vương! Nhị đại vương đã về!
Thì ra Quốc Viễn sau khi giải Đình Phủ về trại, sợ bọn lính tỉnh dậy truy tìm, nên cầm đầu một toán lâu la, mai phục giữa đường rất lâu không thấy gì mới rút cả về sơn trại, thấy các bác quan viên đang quỳ mọp dưới thềm liền lên tiếng:
- Lý đại ca sao lại giở chuyện đùa nghịch thế này, mai kia mà triều đình chiêu an, chúng ta sẽ bị đánh nát đít mất thôi!
Như Khuê cười đáp:
- Hôm qua ở Thanh Hư các, ta cũng phải quỳ hầu nó mãi, lại còn phải dâng rượu mời nó. Hôm nay hãy đùa lại một phen, rồi sẽ bàn chuyện đứng đắn sau.
Rồi hai người cúi xuống cởi trói cho cả ba, lại đưa vào thảo đường mời ngồi cẩn thận, rồi Như Khuê làm ra vẻ hối hận.
- Thật có lỗi, thật có lỗi quá!
Sai lâu la:
- Mau mau bày tiệc rượu, đề ngài khâm sai uống cho đỡ cơn run sợ.
Bọn lâu la rối rít bày tiệc rượu, ba người cùng ngồi vào bàn. Đình Phủ lên tiếng:
- Hai vị hảo hán có điều chi dạy bảo, mà lại đưa chúng tôi về núi như thế này?
Như Khuê đáp:
- Có ngài Khâm sai ở trên, hai anh em chúng tôi hùng cứ đã hàng năm ở núi này, đốt nhà cướp của, các phủ huyện lân cận kể đã nhiều phen nhiễu nhương bách tính. Khắp nơi chúng tôi cũng lắm anh em, nên khách thương cũng chẳng còn dám lại qua. Vì vậy sơn trại lương thực thiếu thốn, cho nên muốn vay tạm ngài khâm sai khoảng một vạn lạng vàng, để có thể dư dật về lương thảo. Xin ngài khâm sai chớ chối từ.
Đình Phủ đáp:
- Bọn chúng tôi phụng chiếu rời đô, chứ không phải khách buôn để mang theo vàng bạc nhiều đến thể. Nếu được các châu quận quà cáp ít nhiều, thì cũng chỉ có hạn. nếu các vị hảo hán bằng lòng với cỡ trăm lạng, nghìn lạng thì còn khả dĩ xin dâng tặng được.
Quốc Viễn nghe thế, mắt long sòng sọc nạt lớn:
- Ngài khâm sai, ta nói thực cho mà biết: nếu ngài mang đủ một vạn lạng tới đây, thì chỉ trong nháy mắt, chúng ta nhìn thấy tiền rồi, sẽ thả ngài ra ngay. Còn chỉ cần nói nửa câu không có, là cái đầu kia sẽ không còn trên cổ nữa đâu.
Nói xong, rút ngay bên hông một thanh bảo kiếm sáng loáng, vứt lên mặt bàn. Như Khuê tiếp lời:
- Xin ngài khâm sai đừng sợ, ngài hãy ra bàn chuyện này với hai viên tiểu nội giám kia thì hơn.
Đình Phủ đứng dậy, cùng với hai viên nội giám ra phía thềm bán nguyệt đài. Trong số hai nội giám, thì một tên nước mắt ngắn dài, một lời cũng không thốt ra được, một tên còn có gan hơn ít nhiều thì bàn:
- Lúc này khóc lóc cũng chẳng ích gì, bọn cường đạo này chỉ cần tiền bạc, nếu khâm sai bằng lòng đưa chuộc mạng, thì cả ba sẽ yên ổn trở về. Còn như chúng không được thỏa nguyện, thì đừng nói cái đầu mà ngay cả đến nắm xương tàn cũng chẳng ai biết mà thu nhặt. Bọn người này đều là loại giết người không nháy mắt, chẳng có lý gì chúng tha không bọn ta đâu.
Đình Phủ nghe những lời này, nhìn lại hai tên tay chân một lần nữa, rồi nói:
- Nếu đã như thế, ta sẽ quay vào nói với bọn chúng, cho các anh về châu thông báo, xem bọn quan lại dưới ấy bàn bạc thế nào, thì đành phải lấy ở số bạc ta gửi ở kho các phủ huyện vậy thôi.
Nói rồi lại quay vào. Như Khuê sai lâu la dọn cơm rượu cho viên nội giám có gan hơn ăn, lại sai lấy một đỉnh bạc thưởng cho làm tiền lộ phí, rồi hỏi:
- Anh tên họ là gì?
Viên nội giám thưa:
- Thưa đại vương, tên tiều nhân là Chu Đồng!
Như Khuê tiếp:
- Được rồi! Đỉnh bạc này cho anh làm tiền đi đường. Hạn cho anh năm ngày, đem tiền đến đây mà chuộc ngài khâm sai. Nếu năm ngày mà vẫn không thấy lại thì hai thầy trò ở đây, đừng nghĩ đến chuyện sống.
Rồi sai thủ hạ đem con ngựa mà y đã bị buộc ở trên lưng để đến sơn trại để y cưỡi về, cho hai lâu la đưa xuống núi. Còn Đình Phủ cùng tên kia đem giam vào một phòng kín. Đưa rượu ngon, thịt béo vào tận nơi.
° ° °
Lại nói nội giám Chu Đồng, cưỡi ngựa về đến Thanh Hư các, thì thấy các cửa khóa kín, không một bóng người, đành phải tìm đường về tận châu lỵ.
Bọn quan nha nghe báo có chuyện cường đạo bắt mất chánh sứ khâm sai, thì vô cùng hoảng hốt, liền phi ngựa như bay đến Thanh Hư các khám xét hiện trường. Bắt từ nhà sư, thổ binh, cùng đội lính bảo vệ phủ đường. Đưa công văn đi Phần Châu, quan chủ Phần Châu vội vàng không kể ngày đêm đến Vĩnh Ninh. Lúc này quan nha Vĩnh Ninh đang xét hỏi nhà sư, thổ binh, đội lính bảo vệ, cùng các nhân chứng ở địa phương Thanh Hư các, thì thấy Chu Đồng trở về. Tất cả bọn quan lại đều xúm lại hỏi tình hình. Nội giám Chu Đồng bèn đem chuyện ở Đào Hoa Sơn đầu đuôi thế nào kể hết một lượt. Quan nha nghe xong, ai nấy mặt mày xám như bùn, ngây như tượng gỗ, cho nhà sư cùng bọn nhân chứng về, tất cả ngồi bàn kế sách đối phó. Có kẻ bàn rằng:
- Việc này phải đưa công văn trình ngay lên quan trên, xin động binh tiễu trừ bằng được.
Lại có kẻ cãi:
- Lũ này chỉ đòi tiền thôi.
Kẻ khác lại giảng giải:
- Nếu chúng đòi năm trăm đưa năm trăm, đòi một nghìn đưa một nghìn, đòi hai nghìn đưa hai nghìn, thì lấy đâu ra bạc cho đủ. Chi bằng hãy chờ xem một vài ngày thấy chúng ta không chịu đưa bạc tới, chúng làm gì được hai vị của chúng ta nào. Rồi cũng đến phải tha xuống núi mà thôi!
Phần Châu Thứ sử nói:
- Không có thể nói liều được, quan chánh sứ khâm sai là sủng thần của triều đình, nếu chẳng may có chuyện tổn thất gì ở địa phận chúng ta, đừng nói đến chuyện cách chức hỏi tội, mà đến tính mạng họ hàng gia quyến của mỗi chúng ta cũng chẳng có gì chắc chắn, đâu chỉ có chuyện giáng cấp, phạt bổng thôi đâu. Chi bằng vay tạm trong kho khoảng vài nghìn lạng đem đi, chuộc quan khâm sai về, để mau chóng dẹp cho yên cái chuyện rầy rà này đi.
Thế là mọi người cứ theo các kho mà chia lấy hai nghìn lạng vàng, cho người đi cùng với Chu Đồng, mang tới Đào Hoa Sơn. Lý Như Khuê, Tề Quốc Viễn nhất định không chịu. Hứa Đình Phủ đành phải xuất của mình ra ba nghìn lạng nữa, ba bốn lần van xin, Lý, Tề mới cho xuống núi. Từ đó Hứa Đình Phủ hễ xuống châu quận nào, đều phải lo trước việc nai nịt gọn gàng, tiền hô hậu ủng. Nhưng rồi vẫn cố kiếm thêm nhiều vàng bạc, bằng muôn phương nghìn kế. Thế cũng mới thấy bọn cường đạo ở trên đời này, mà có được nghĩa khí như vậy cũng không phải không có.