Trong thiên hạ, sức của sức người có hạn, mà lòng người thì không cùng, nói đến bậc vua chúa, giàu có bốn biển, thì tổn hại đến trăm họ. Nhưng thực ra không cái gì là không lấy từ dân mà có, không việc gì là không do người dân làm ra. Thử cứ xem những lâu đài đền tạ kia, có cái gì là cái không phải tay người dân. Hoàng đế ở trong chốn thâm cung, không thấy rõ chuyện nay dựng lầu, mai dựng điện, nay xây tạ, mai đào hồ, có cung điện lầu các rồi thì lại phải có kỳ trân, dị vật để trang điểm lầu các, điểm xuyết cung điện, những việc này há khác gì việc thổ mộc trên kia, lại cũng phải nhiễu nhương, tàn hại trăm họ.
Giờ nói chuyện hoang dâm của Tùy Dượng Đế ngày càng quá quắt. Ban đầu sai bọn quan thái giám Hứa Đình Phủ mười người, tìm người đẹp trong chín châu, sau nữa là phái Vũ Văn Khải, xây Hiển Nhân cung ở Lạc Dương, tiếp đó là cho Ma Thúc Mưu, Lệnh Hồ Đạt khai thông các sông ngòi, để vua có thể dùng thuyền đi chơi Giang Nam, rồi nghĩ đến cả đi chơi Giang Đô, khiến trăm họ thất điên bát đảo chạy đông, trốn tây, chẳng phục dịch dựng xây cung điện, thì lại đem thân xơ xác ra mà đào ngòi khơi sông, cùng nghìn vạn các việc lao lực khác. Các quan nha ở châu quận, chẳng khác nào nước sôi trong vạc.
Đừng nói nhà giàu muốn làm việc gì cũng đã dễ, huống chi triều đình, bất quá cũng chỉ vài trăm vạn lạng vàng là cùng, còn công sức của trăm họ dân đen cả, cho nên chẳng bao lâu cung Hiển Nhân một tòa lộng lẫy đã xong ở Đông Kinh, vừa cao vừa rộng. Đã vậy Ngu Thế Cơ còn đón được trước ý của nhà vua, dâng một tờ tấu chương:
"Hiển Nhân cung tuy đã tạo thành, nhưng sợ một mình cung này không đủ thánh thượng ngự du khoái ý. Thần xin chọn đất lành phía tây Hiển Nhân, dựng một ngự uyển, để thêm đẹp cuộc ngự du".
Dượng Đế xem xong, lấy làm vui lòng lắm, sắc cho Ngu Thế Cơ như sau:
"Khanh thật đoán được ý trẫm, cho phép khanh cứ theo ý mà đo đạc dựng xây. Không được qua loa, để phụ lòng tin cậy trông ngóng của trẫm."
Thế là phía nam thì đào luôn trăm hồ rộng, mỗi hồ có đến mười dặm chu vi, bốn bên đều trồng hoa lạ cỏ kỳ, cạnh đó là đắp những đê dài, trên đê cứ một trăm hộ là một đình, năm mươi hộ là một tạ 1, hai bên đê đều trồng hoa đào, bờ nước thì trồng liễu thành hàng thành lối. Lại đóng nhiều thuyền rồng thuyền phượng, để dùng trong những cuộc phiếm du dọc hai bờ hoa cỏ. Phía bắc đào một hồ rất rộng, gọi là hồ Bắc Hải, chu vi có đến bốn mươi dặm, lại đào sông thông với Ngũ Hồ ở phía Nam, trong hồ đắp luôn ba hòn núi lớn: tòa thứ nhất là Bồng Lai, tòa thứ hai gọi là Phương Trượng, tòa thứ ba có tên Doanh Châu, để bắt chước ba tòa đảo có tiên ở ngoài biển. Trên núi lại cũng đủ làm đài điện các, bốn phía đều chói ngời vàng son, đinh núi cao hơn trăm trượng, có thể nhìn về Tây Kinh, lại có thể nhìn quanh phía hồ biển ở phía nam. Giữa hai vùng hồ nam bắc, quanh co uốn lượn, sông đào tiếp nối với sông lớn, rồi lại thông ra biển lớn, nơi nào cảnh đẹp, lại xây thêm lầu các, cứ thế mà làm tới mười sáu lầu viện khác nhau nữa, chỗ nào cũng có cung nữ coi giữ để sẵn sàng phục dịch khi vua ngự tới. Ngói ở tường ngự uyển, ngói ở các lầu các đều là ngói lưu ly, tường vách đều được quét bằng mẫu phấn tử chi. Ba tòa núi đều tạo những dáng kỳ lạ bằng đủ các loại đá quý hình thú kỳ dị, chất chồng hết lớp này đến lớp khác. Đài tạ đều được làm bằng các vật liệu quý hiếm, mọi chỗ đều khảm bằng vàng bạc lấp lánh, treo gấm rủ lụa màu sắc sặc sỡ, châu ngọc lung linh. Trong vườn đào hoa như suối chảy, sắc lý như mây trôi, mai hoa uốn thành vòng lượn, phù dung ôm lấy thân đê. Hạc quây quần từng bầy, gà gấm từng đôi, vượn trắng hú đài, hươu xanh ngơ ngác lượn quanh, cảnh tượng chẳng khác gì thuở trời đất mới bắt đầu, chẳng biết đã tàn hại biết bao sinh mạng dân nghèo, tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc gạo lương mới được như vậy. Ngu Thế Cơ lập tức dâng biểu, xin nhà vua ngự xem xét.
Dượng Đế xem biểu, biết công việc đã xong, trong lòng mừng rỡ, liền chọn ngày tốt, cùng với Liêu Hậu, đem theo phi tần cung nữ, lên xe ngự giá Đông Kinh. Chẳng bao lâu đã tới Hiển Nhân cung, đã thấy Vũ Văn Khải, Phong Đức Di chực sẵn tiếp đón, rồi dẫn Dượng
Đế đi thăm các nơi, bắt đầu từ chính cung mà đi hết nơi này đến nơi khác.
Chỉ thấy:
Muôn cột chạm mây màu
Nghìn gian trên sông bạc
Tinh tú trước sau tường vách
Nhật nguyệt ngang dọc cung lầu
Then cài ngọc, khác gì tam đảo cõi tiên
Thềm lát vàng, không kém cửa trời đế khuyết
Rèm cuốn liên miên, mây lành rợp che muôn dặm
Hương bay phảng phất, gió mát thổi khắp một trời.
Đúng là:
Hồ Thiên nga đáng bậc phong lưu
Lầu ô thước rất màu phú quý.
Dượng Đế trông thấy lầu gác hoa lệ, điện các nhấp nhô, bốn phương tiến cống đủ các kỳ vật, trong lòng vô cùng hoan hỷ, bèn phán:
- Công lao của hai khanh thật là đáng khen!
Liền sai lấy vàng lụa, hậu thưởng cho hai người và giữ lại hậu viện cho dự tiệc rượu.
Chính là :
Người thiện trời xui tính thiện kề
Nịnh thần hợp với chúa hôn mê
Hoang dâm, kiêu xí tàn dân lực
Xa giá nam du chóng trở về.
Dượng Đế ở Hiển Nhân cung, rong chơi mấy ngày cũng thấy mệt mỏi, liền ngồi kiệu bay, cùng Tiêu Hậu, cung nữ, phi tần tới vườn ngự uyển phía tây; tất nhiên không thể thiếu Vũ Văn Khải, Phong Đức Di đi theo hầu. Vào ngự uyển, chỉ thấy:
Ngũ Hồ nước lặng như tờ
Mênh mông Bắc Hải mịt mờ sóng dâng
Núi Tam Đảo phủ mây hồng
Mười sáu cung điện gió lồng hây hây
Bồng Lai tiên cảnh là đây
Hay miền cực lạc, cung mây điện vàng.
Về sau, có người làm thơ ca ngợi cảnh đẹp của Ngũ Hồ như sau:
Ngũ Hồ nước biếc ánh mây trôi .
Thử hỏi hoa viên hay dặm liễu
Những sợ đức vua thuyền lạc bến
Trúc tơ vàng ngọc rộn đất trời.
Lại có thơ ca ngợi cảnh hồ Bắc Hải thần tiên như sau:
Bác Hải liền trời một sắc xanh
Cá rồng rỡn nước, sóng đua nhanh
Mây lành Tam Đảo chiều tan hợp
Tiên nữ gần xa thật hữu tình.
Rồi lại thơ ca ngợi vẻ kỳ lạ của ba ngọn núi đắp giữa hồ Bắc Hải:
Tam sơn muôn ngọn sóng nhấp nhô
Ngút mắt gương xa thoáng cảnh lầu
Những tưởng trời cao ban phúc khắp
Giàu sang không vận chớ với vào.
Và đây là thơ ca ngợi cảnh sông đào mỹ lệ:
Quanh co nước biếc đổ vào ngòi
San sát nhà hoa, sóng tiếp đuôi
Khoe đẹp cung nhân tha thướt bóng
Thuyền rồng thiên tử tiến hay lui.
Cuối cùng là thơ ca ngợi cảnh diễm huyền của những lâu đài, đình, tạ:
Mười bước một lầu năm bước đỉnh
Liễu che hoa giỡn, gấm phơi mành
Nữa đêm xuống lệnh chong thêm đuốc
Sáng rực gần xa suốt mấy canh.
Dượng Đế đi xem khắp cả, mặt rồng rạng rỡ phán:
- Vườn ngự uyển dựng xây thế này thật vừa lòng trẫm, khanh thật đáng khen!
Ngu Thế Cơ tâu:
- Đó chính là phúc lớn của bệ hạ và cũng là sự linh ứng của đất trời, tiểu thần này thì chẳng có tài cán gì đáng kể.
Dượng Đế lại phán:
- Ngũ Hồ cùng mười sáu viện đã có tên đặt gì chưa?
Ngu Thế Cơ tâu:
- Tiểu thần không dám tự tiện, xin bệ hạ hãy ban thánh ý.
Dượng Đế lại đến tận các nơi xem xét một hồi cẩn thận, rồi mới đặt tên nhất loạt như sau:
- Đông Hồ, bởi bốn bề trồng toàn liễu biếc, lại thấy rõ hai ngọn núi xanh, nổi giữa sóng bạc dập dờn, nên đặt là hồ Thúy Quang.
Nam Hồ, bởi lắm gác cao liền bến, bóng đổ mặt nước lung linh, bèn ban tên hồ Nghênh Dương.
Tây Hồ, bởi có phù dung soi bóng, cúc vàng đầy núi, lại thêm cò trắng âu xanh, nhởn nhơ đi lại, nên đặt là hồ Kim Quang.
Bắc Hồ, nhân có nhiều đá trắng kỳ hình dị dạng, cao thấp nhấp nhô, ẩn hiện mặt hồ, gió qua sóng gợn, xao xuyến lòng người nên đặt tên hồ Khiết Thủy.
Trung Hồ, riêng bốn bề bát ngát, trăng chiếu mặc đầu, trời nước một màu, phải đặt là hồ Quang Minh.
Viện thứ nhất, gác cao mở hướng nam, gió ấm luôn luôn qua lại, nên ban tên viện Cảnh Minh.
Viện thứ hai, nhân có lan can màu đỏ quanh co uốn lượn, cửa sổ gấm hàng hàng lối lối, mặt trời mới hé, trăm hoa đua sắc, bèn có tên viện Nghênh Huy.
Viện thứ ba, bởi có mấy gốc ngô đồng xanh biếc, bóng che thấp thoáng, gió thu qua lá, xào xạc bên tai, phải đặt tên viện Thu Thanh.
Viện thứ tư, bởi trồng toàn mai Tây Kinh đưa về, hoa nở chẳng khác mây sớm, lấy tên là viện Thần Quang.
Viện thứ năm, vì huyện Toan Tảo tiến một gốc ngọc lý, loài hoa trắng một màu, hơn cả mây bông, bèn ban tên viện Minh Hà.
Viện thứ sáu, bởi có mấy cây tùng già, tán tròn như lọng, bóng yên khắp viện, thành tên viện Thúy Hoa.
Viện thứ bảy, bên bờ nước có phiến bàn thạch, rêu biếc đã in, hoa văn ngang dọc, chẳng khác địa đồ xứng tên viện Văn An.
Viện thứ tám, vì hạnh vì đào giăng thành bình phong như gấm như lụa, hoa phô thêu nhị, nước chảy tựa đàn, oanh non tấu sáo, nên tên viện Tích Chân.
Viện thứ chín, nhân bên ngòi, bờ đá nhấp nhô sóng khẽ lăn tăn, ánh nắng dập dờn, mắt nhìn loang loáng, bên gốc còn in, đủ màu ngũ sắc, được đặt tên viện Ánh Văn.
Viện thứ mười, bốn bề trúc bọc, ở giữa mọc lên một tòa lầu đỏ, chẳng khác gì chim phượng một mình khoe sắc, bèn cho tên viện Nghi Phượng.
Viện thứ mười một, nhân phía trái là núi, phía phải là nước, lấy ý vui nước, vui non, bèn ban tên viện Nhân Trí.
Viện thứ mười hai, bởi đá lởm chởm bao quanh, khó tiến khôn lui phải dùng thuyền nhỏ, theo ngòi mà tới, bên trong đúng cành hoa đào trôi theo nước chảy, nước trời riêng một, cõi, phán tên viện Thanh Tu.
Viện thứ mười ba, tại trồng nhiều cây kỳ, hoa vàng đầy đất, chẳng khác cảnh chùa, phán tên viện Bảo Lâm.
Viện thứ mười bốn nguyên có suối đào, gác quế, mùa xuân hứng gió ấm áp, tiết hạ hưởng trăng thanh, bảo gọi là viện Hòa Minh.
Viện thứ mười lăm, lại bởi liễu nhỏ giăng tơ, khác gì la nhuyễn, tiện gọi viện Ỷ Am.
Viện thứ mười sáu, cũng bởi hoa mai che mai, lầu các mong hơi ấm, lan can dựa xem tuyết trắng nào biết lạnh lùng, đành gọi viện Giáng Dương.
Sông đào một dải uốn lượn như rồng, lầu các đình tạ, như vẩy kỳ lân, ban tên Long Lân giang.
Dượng Đế đặt tên xong một lượt. nhân phi tần, cung nga đi theo rất nhiều, chưa định rõ người nào chỗ nào, nên cho phép bọn mười người Hứa Đình Phủ, đưa cung nữ mới tuyển về, chia cho trông coi các viện.
° ° °
Lại nói Đình Phủ, từ ngày bị Lý Như Khuê. Tế Quốc Viễn bắt cóc lên Đào Hoa Sơn, mất hẳn năm ngàn lạng vàng, lại càng thêm tham lam vô độ. Phàm tuyển cung nữ, có nhiều ngọc ngà, vàng bạc đút lót y, thì được xếp vào thượng đẳng, bạc vàng thiếu ít nhiều, thì chỉ được xếp vào loại trung đẳng còn nếu chẳng có gì để quà cáp, thì dù có quốc sắc thiên hương, thì cũng chỉ được xếp vào loại hạ đẳng mà thôi. Lúc này cùng bọn chín thái giám kia gặp gỡ, tuyển được đến hơn nghìn cung nữ, biết được triều đình đang ở Đông Kinh, cả bọn kéo xuống, vào ngự uyển, dâng nạp danh sách cả ba loại cung nữ mới tuyển. Dượng Đế xem qua, thì hơn nghìn người, bèn phán cho Đình Phủ.
- Hãy đem loại thượng đẳng và trung đẳng về ngự uyển. Còn lại hạ đẳng thì cứ ở hậu cung để sai phái các việc khác.
Đình Phủ cùng chín thái giám lĩnh ý vua ra khỏi ngự uyển, cứ theo danh sách mà gọi vào. Dượng Đế xem xét cẩn thận, thì thấy đều thuộc loại đào nhường hạnh thẹn, yến cười, oanh xấu hổ, nên rất khoái ý, cùng với Tiêu Hậu, chọn hoa đẹp nhất trong số hoa đẹp, tìm người đẹp nhất trong số người dẹp, lựa được mười sáu người, hình dung yểu điệu, phong thái u nhàn, cử chỉ đoan trang, đều được phong tứ phẩm phu nhân, chia cho cai quản mười sáu viện ở Tây Uyển. Mỗi người đều được ban một ấn ngọc nhỏ, trên có khắc tên viện, để tiện lúc dâng tấu biểu. Lại tuyển ba trăm hai mươi cung nữ, thuộc loại phong lưu, tiêu sái, dáng liễu mày hoa, xung vào hàng mỹ nhân, mỗi viện chia hai mươi người, cho học đánh đàn thổi sáo, ca múa, để hầu yến tiệc, còn thì chia ra các đội mười người, mười hai người, hoặc là đội thuyền rồng, hoặc đội thuyền phượng, hoặc ở các lâu đài, đình tạ. Bọn ở hậu cung, cũng đều chia thành nhóm, thành đội. Lại phong cho thái giám Mã Thư Trung làm Tây uyển lệnh, cai quản việc ra vào các cửa.
Không bao lâu đã biến Tây Uyển thành cấm thành, hoa gấm thành hàng, lụa là thành dãy. Mười sáu viện phu nhân, chia nhau cai quản, ai cũng muốn tranh được đức vua riêng yêu. Các viện đều giở cầm kỳ thi họa học đời, cùng đủ sáo phượng sênh loan, chỉ sợ Dượng Đế bất chợt ngự giá. Viện này đốt hương long diên, viện kia thổi trầm phượng não. Viện trước hát khúc Ngô ca, viện sau múa điệu Sở vũ. Viện phía đông làm nem tố giác, viện phía tây ủ rượu quỳnh tương. Trăm thứ khôn nói hết, chỉ cần phô trương để được Dượng Đế chú ý tới, tùy đó mà vui buồn thay đổi, địa vị khác biệt vậy.
Chính là:
Cung đình hành lạc thưa mau
Mua vui một khắc, giải sầu quân vương
Miệt mài là lượt phấn hương
Dân tàn nước kiệt, bốn phương mặc đời.
Lại nói các đảo ngoại quốc, nghe tin vua mới ham thích tham sắc hàng lạ, của hiếm, nên cũng tìm các thứ này để tiến cống, thôi thì đủ kỳ trân, di ngoạn, người đẹp, ngựa hay. Một hôm Dượng Đế coi triều, có châu ở vùng Sở, dâng một người tên gọi Vương Nghĩa, mặt mày sáng sủa, người lùn nhỏ, nhưng hành vi cử chỉ đều rất đẹp mắt.
Lại thêm mồm miệng lanh lợi, ứng đối lưu loát. Dượng Đế nhìn kỹ rồi hỏi:
- Người không phải người tuyệt trần, cũng không phải của báu khó hiếm. Thế thì có gì khác lạ tốt đẹp, dám đem tiến cống?
Vương Nghĩa thưa:
- Bệ hạ đức cao như Nghiêu Thuấn, đạo vượt cả Thang Vũ, vùng Sở xa xôi cũng được ơn giáo hóa giữ thói kiệm cần, tuy không có được sắc đẹp khuynh thành, chẳng bằng vật báu của kỳ, nhưng thầm ơn thánh đế, nên cũng tiến kẻ hề lùn, để bệ hạ sai khiến. Thần đâu không dám hết lòng trung nghĩa, nguyện xin thánh thượng thu nạp.
Dượng Đế cười phán:
- Ta có vô số văn quan võ tướng, còn thần trung sĩ nghĩa, đâu phải chỉ riêng mình nhà ngươi có thôi đâu!
Vương Nghĩa thưa:
- Trung Nghĩa là vật báu của nước nhà, một người trung thì vẫn không đủ, sao lại có chuyện sợ nhiều mà rồi vứt bỏ. Huống chi con chó con ngựa trung thành với chủ nuôi, bậc quân tử còn không nỡ vứt bỏ. Thần tuy là người dân hèn mọn ở chốn thảo dã, nhưng vẫn có điều quan hệ đến giáo hóa, sao bệ hạ lại nỡ không nhận?
Dượng Đế nghe đối đáp thế lấy làm thích ý, bèn trọng thưởng cho người đem dâng, rồi giữ Vương Nghĩa ở cạnh để tiện sai bảo. Từ đó, mỗi lần thiết triều, hoặc du ngoạn các nơi, Dượng Đế đều mang Vương Nghĩa đi theo. Vương Nghĩa lại cẩn thận, chu đáo, cử chỉ nói năng đều rất đáng yêu. Dượng Đế lại càng quý, càng ngày càng quen, lúc nào cũng ở bên vua, nhưng chỉ không được vào cung mà thôi.
Hôm ấy Dượng Đế thiết triều nhưng không có việc gì, đang định bãi triều để về hậu cung, thì quay lại thấy Vương Nghĩa mặt mày ủ ê.
Dượng Đế mới hỏi:
- Vương Nghĩa, sao trông ngươi có chuyện gì mà âu sầu vậy?
Vương Nghĩa hoảng hốt thưa:
- Thần đội ơn dày của bệ hạ, ngày ngày đều được gần mặt rồng, thật là thỏa nguyện cả đời. Nhưng chỉ giận cung cấm gang tấc, mà không được ra vào hầu hạ, để đem sức chó ngựa cho thỏa lòng này, cho nên lòng đầy ưu uất, xin bệ hạ rộng lượng hải hà!
Dượng Đế phán:
- Ta cũng không lúc nào có thể thiếu ngươi, nhưng chỉ vướng một nỗi là ngươi không phải là kẻ có thể vào cung cấm được.
Nói xong thì xe rồng đã vào cung từ lúc nào, Vương Nghĩa vẫn tần ngần ở cửa cung, không chịu trở về, cũng không dám vào cung, đứng ngây người hồi lâu. Bỗng sau lưng có người vỗ nhẹ vào vai
Vương Nghĩa, rồi lên tiếng:
- Vương Thù Nhu 2, nghĩ ngợi gì ở đây?
Vương Nghĩa quay lại nhìn, thì ra Trương Thành, Thái giám ở Hiển nhân cung, liền vội đáp:
- Chào bác Trương. Bác làm đệ giật mình!
Trương Thành hỏi:
- Chúa thượng đối với bác rất thương yêu, cái gì cũng chẳng tiếc thế thì còn chuyện gì không vừa ý nữa, mà lại đứng đây nghĩ ngợi?
Vương Nghĩa vốn đi lại thân với Trương Thành nên đáp thẳng:
- Thật chẳng giám giấu bác, đệ chịu ơn sâu nặng của thánh thượng được thánh thượng muôn ngàn yêu thương, những mong được đêm ngày hầu hạ, đền đáp ơn sâu, chỉ giận cung cấm cách trở, không thỏa lòng này, cho nên lòng nặng ưu tư, không ngờ lại bị bác bắt gặp.
Trương Thành cười lớn mà đáp đùa Vương Nghĩa rằng:
- Vương Thù Nhu ơi! Bác muốn vào cung thì có khó gì đâu, bác cứ thiến quách cái ở đũng quần kia đi, thì làm gì mà chẳng vào cung cấm hầu hạ chúa thượng cho được.
Vương Nghĩa ra chiều nghĩ ngợi:
- Đệ nghe nói chuyện này phải làm lúc còn nhỏ, đã lớn rồi liệu có làm được chăng, bác cứ thành thật chỉ cho, đệ không dám quên ơn!
Trương Thành đáp:
- Lúc nào cũng làm được tất, chỉ sợ bác không chịu được đau thôi!
Vương Nghĩa hăm hở:
- Nếu mà làm được, thì sợ gì đau!
Trương Thành tiếp:
- Nếu bác quyết chí, tôi có loại thuốc rất hay, xin biếu bác!
Vương Nghĩa quyết chí:
- Làm kẻ trượng phu, há lại nói suông!
Cả hai cười nói vui vẻ, dắt tay nhau ra khỏi cửa cung, về nhàTrương Thành ngồi, Trương Thành sai bày tiệc rượu, cả hai cùng chén chú chén anh, được vài ba chén, Vương Nghĩa ngỏ lời xin thuốc quý Trương Thành đáp:
- Thuốc thì vẫn còn đó. Nhưng xin bác hãy nghĩ cho kỹ, tính kế lâu dài. Đừng vì chuyện cao hứng một lúc, mai kia không kiếm được một mụ già nào, không có một mụn con nào, rồi lại oán trách tôi à?
Vương Nghĩa nghiêm sắc mặt mà nói:
- Người ta sinh ra trong khoảng trời đất này, được thánh thượng biết đến, dẫu có chết cũng chẳng tiếc thân, sao lại còn nghĩ đến chuyện vợ con làm gì?
Trương Thành bèn vào trong nhà lấy ra một con dao sắc, mà thổi sợi tóc qua có thể đứt đôi, cùng với hai gói thuốc, vứt ngay trên bàn, rồi chỉ tay:
- Gói thuốc vàng kia, là thuốc mê, hòa với rượu mà uống thì sẽ không biết đau đớn gì nữa, còn gói màu ngũ sắc, là thuốc cầm máu, liền vết cắt, một loại thần dược, được chế từ các loại thuốc quý toàn là trân châu, hổ phách, các vị kỳ trân, dị bảo cả, tán thật nhỏ mà viên thành từng viên. Còn con dao kia là cái để hành sự. Với ba thứ này của tôi, bác cứ cầm về rồi theo đó mà làm là xong tất thôi mà.
Vương Nghĩa lại hỏi:
- Ơn bác chỉ cho, nhưng còn việc làm thì phải làm thế nào?
Trương Thành đáp:
- Đến cái khoản này thì cũng khó nói đây!
Vương Nghĩa cam kết:
- Bác chẳng còn phải giữ ý, đệ không dám để liên lụy đến bác đâu mà!
Trương Thành thấy Vương Nghĩa quả tình muốn tự hoạn, liền mang thêm rượu ra, uống thả cửa một hồi, Vương Nghĩa đã gần say.
Chính là:
Kể gì tàn phế thân này
Miễn là được chúa đêm ngày yêu thương.
° ° °
Hãy kể chuyện Dượng Đế thoái triều vào cung, Tiêu Hậu chờ đón, bày yến góp vui, gọi các cung nữ mới tuyển, thay nhau dâng rượu. Được vài tuần, Dượng Đế trông thấy một cung nữ, nhan sắc cũng bình thường, cử chỉ đoan trang. Dượng Đế bèn hỏi quê quán ở đâu. Cung nữ vội vàng quỳ lại, thưa trình mấy câu, nhưng dù chỉ một tiếng thôi, cũng chẳng ai hiểu nói gì. Bọn cung nữ đứng hầu bên cố mà nhịn cười để giữ được vẻ trang nghiêm, kính cẩn.
Dượng Đế cho cung nữ này đứng dậy, rồi phán:
- Vương Nghĩa vốn thông minh lanh lợi, ngôn ngữ của bốn phương lại thông thuộc nhiều, chỉ có y mới biết mà thôi!
Tiêu Hậu khuyên:
- Sao bệ hạ không gọi ngay y vào đây, để y giảng giải cho, càng thêm vui vẻ chứ sao?
Dượng Đế bèn sai hai tiểu nội giám, đi triệu Vương Nghĩa vào cung.
Hai nội giám vội ra khỏi cung cấm, đang định hỏi đến nhà Vương Nghĩa, thì gặp một thái giám chỉ:
- Vương Nghĩa đi với Trương Thành về nhà Trương Thành rồi.
Hai viên tiểu nội giám liền tìm tới nhà Trương Thành, tới cửa gọi rối rít. Bọn này lại chẳng vợ con họ hàng gì, lại là nội giám, chẳng có điều gì phải gìn giữ, hai viên tiểu nội giám cứ thế xông vào, đạp hết cửa này đến cửa khác, thì thấy ngay Vương Nghĩa chẳng khố chẳng quần gì cả. Trương Thành đứng bên, đang dùng thuốc xoa xoa vào hạ bộ Vương Nghĩa, rồi lăm lăm cầm dao.
Thấy hai viên tiểu nội giám xồng xộc tiến vào, Trương Thành vội rụt tay lại, Vương Nghĩa cũng vội vàng bò dậy, kéo quần buộc lại. Hai viên tiểu nội giám, thấy bọn này làm những hành động như vậy, lại trên bàn thuốc men, dụng cụ còn đó, cười rũ rượi rằng:
- Các người làm cái gì thế này?
Trương Thành vốn biết rõ hai viên tiểu nội giám này là tay chân thân cận của Dượng Đế, không dám khinh nhờn, chỉ đành đem chuyện Vương Nghĩa tình nguyện làm việc này, nhất nhất kể lại một lượt. Một viên tiểu nội giám nói:
- May mà chúng tôi tìm đến đây kịp, chỉ cần chậm một chút thôi, thì cái của Vương Thù Nhu đã bị cắt mất rồi. Chúa thượng tại hậu cung, đặc sai hai nội giám chúng tôi, tuyên triệu Vương Nghĩa vào cung, mau mau đi ngay?
Lúc này Vương Nghĩa đã say đến tám chín phần, thấy nói Dượng Đế cho gọi, vội xin Trương Thành ít nước lạnh, rửa hết thuốc, lau mặt mày cho tỉnh táo hơn, rồi vội theo hai viên tiểu nội giám vào cung.
Dượng Đế thấy Vương Nghĩa mặt mày hoảng hốt, cúi đầu quỳ dưới thềm, liền hỏi:
- Nhà ngươi vừa uống rượu ở đâu?
Vương Nghĩa mọi lần rất nhanh miệng, nhưng lần này không biết thưa gửi ra sao cho phải phép, hai viên tiểu nội giám thì cứ đứng lặng, cố nhịn cười. Dượng Đế thấy chuyện có vẻ lạ lùng, liền quay lại phía hai tiểu nội giám hỏi:
- Hai người vừa rồi tìm thấy Vương Nghĩa ở đâu?
Một viên thưa:
- Tâu bệ hạ, chúng tiểu thần tìm thấy Vương Nghĩa ở nhà thủ cung thái giám Trương Thành!
Dượng Đế lại hỏi:
- Uống rượu là chuyện không đáng nói, còn có chuyện gì lạ ở nhà Trương Thành hay sao?
Viên tiểu nội giám đem những lời Trương Thành cùng những vật những việc thấy ở nhà họ Trương thưa lại một lượt, Dượng Đế nghe xong, chau mày phán:
- Vương Nghĩa đứng dậy! Trẫm nói cho ngươi rõ, phàm những người phải làm chuyện này, đều là những kẻ phạm tội, phải phạt cung hình, tổn thương đến cha mẹ, dòng họ. Hoặc nữa vì mộ đạo, làm tăng thì mới nguyện làm chuyện này, mong có ngày đắc đạo. Trong nội cung ta có cả một bọn thái giám lão luyện, tính toán độ số, bát quái rồi sau đó mới dám làm. Lại thêm đây là chuyện thường làm lúc còn nhỏ tuổi, ngươi năm nay đã ngoài hai mươi sao lại dám coi thường mà tự làm chuyện này, lỡ có chuyện không may, thì còn gì là tính mạng?
Vương Nghĩa thưa:
- Thần đội ơn sâu của bệ hạ, trời cao đất dày, thì dẫu có nát thịt tan xương, cũng chẳng có điều gì đáng tiếc. Huống hồ chỉ là những tổn thương nhỏ thì có gì là phái lo nghĩ, thần xin nguyện cam chịu.
Dượng Đế phán:
- Nhà ngươi có lòng trung nghĩa như vậy, trẫm biết lắm rồi. Nhưng ngươi chỉ cần lo chuyện tận trung, tận nghĩa, đừng nghĩ đến chuyện báo đền vội. Cha mẹ sinh ra ngươi, dẫu cho có là man di đi nữa, cũng mong ngươi có vợ có con, nối tiếp dòng dõi ngày càng thịnh vượng, sao lại coi nhẹ tấm thân của cha mẹ để lại làm thương tổn nó, hủy hoại nó, khiến cho trẫm cũng khó mà tránh nổi sự oán thán của linh hồn cha mẹ ngươi sau này, cho nên ngươi không thể làm như vậy. Nếu ngươi vẫn không nghe lời trẫm thì chính ngươi không phải là kẻ trung, kẻ nghĩa mà lại là phường phản nghịch mà thôi!
Vương Nghĩa nghe xong, không ngăn nổi hai hàng nước mắt ngắn dài, khấu đầu dưới đan trì tạ ơn vương thượng.
Dượng Đế lại tiếp:
- Vừa rồi có một cung nữ mới được tuyển vào, ngôn ngữ bất đồng, gọi ngươi vào để hỏi cho rõ, cung nữ này là người ở đâu, gia cảnh thế nào?
Nói xong, liền cho gọi cung nữ ra trước điện, Vương Nghĩa cùng cung nữ này, người hỏi người đáp, líu lô chẳng khác gì chim họa mi, chim oanh vũ trong đám liễu xanh thánh thót, uyển chuyển rất êm tai, khiến cho Tiêu Hậu cùng đám cung nữ theo dõi rất chăm chú thích thú, cười đùa vui vẻ. Vương Nghĩa nhỏ to một hồi, rồi quay ra thưa với Dượng Đế:
- Tâu bệ hạ, cung nữ này là người ở Huy Châu, Thiệp Huyện, họ Khuông, cha ông vốn nhà gia thế, tên gọi là Đình Đình, tuổi vừa mười tám, cha mẹ đều mất, gặp phải người anh gian ngoan, tham của, định đem gả em gái để lấy trâu bò. Vừa đúng lúc chúa thượng tuyển cung nữ, Đình Đình lên đến tận châu quận, tự nguyện ghi tên, xin được vào phục dịch trong cung cấm.
Dượng Đế nghe xong, bèn truyền:
- Cứ thế này mà suy, thì cũng là một người con gái có chí, từ cử chỉ, diện mạo đến việc làm đều khác thường. Nay trẫm đem người con gái này thưởng cho ngươi làm vợ, làm nên một cặp vợ chồng hiền hậu, hiểu biết, liệu có được không?
- Thần mang ơn tri ngộ của bệ hạ, đang những mong quên thân này để đền đáp, sao lại dám nghĩ đến chuyện thất gia. Phương chi, người con gái này được tuyển vào nơi cung cấm, thần thật không dám nhận vậy!
Dượng Đế vẫn giữ ý:
- Ý trẫm đã quyết. Người chớ chối từ!
Vương Nghĩa cũng đã hiểu tính tình Dượng Đế, không dám nói thêm, chỉ cùng Đình Đình dập đầu dưới thềm tạ ơn. Tiêu Hậu lên tiếng.
- Vương Nghĩa, ngươi đem Đình Đình về, dạy cho ít tiếng chúng ta, dừng để y cứ nói líu lô như chim như thế nữa. Nếu trong cung có việc gì ta sẽ truyền gọi vào sai bảo.
Rồi Dượng Đế ban cho một ít vàng lụa, Tiêu Hậu cũng cho ít nhiều châu ngọc, Vương Nghĩa đem theo Đình Đình, ra khỏi cung cấm, trở thành vợ chồng. Vương Nghĩa càng cám ơn sâu của Dượng Đế cùng với Đình Đình ngày đêm hương khói, thờ sống Dượng Đế, vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau khác thường.